Nghĩ về doanh nhân và cách mạng
Đã có người đưa ra nhận xét thú vị và đáng suy nghĩ rằng trong Từ điển Báchkhoa toàn thư Việt Namđược biên soạn vào thập kỷ cuối thế kỷ XX, ở vần D không có từ “Doanh nhân", trong khi có từ "Doanh trại" để hàm ý rằng, trong lịch sử nước ta, vị thế của doanh nhân thật mờ nhạt. Giờ đây, vị thế của tầng lớp doanh nhân đang ngày càng được khẳng định, không chỉ trong các văn bản, nghị quyết mà quan trọng hơn là từ thực tiễn của đời sống kinh tế của đất nước. Do vậy xem xét mối quan hệ giữa doanh nhân và cách mạng, giữa một tầng lớp xã hội và một hiện tượng xã hội mang tính chất lịch sử là một điều cần thiết.
Ngày nay, doanh nhân là cách gọi phổ biến về những người tham gia vào các hoạt động quản lý kinh tế và có phần nặng về phía các doanh nghiệp tư nhân. Những công chức hoạt động trong bộ máy kinh tế của Nhà nước mà ta thường gọi là khu vực quốc doanh, đến nay cũng từng bước trở thành những doanh nhân thực thụ khi gắn với quá trình cổ phần hoá và những quy định mới đây cho phép Đảng viên tổ chức kinh doanh. Trong thời cách mạng tháng Tám, cách đây chừng 60 năm, thì tầng lớp này được gọi đích danh là các nhà công thương và có thể mở rộng hơn là các điền chủ nữa vì sản vật mang lại lợi tức cho họ phải trở thành hàng hoá lưu thông trên thị trường (chủ yếu là nông sản) hay tham gia cổ phần trong các sản nghiệp khác (công nghệ, tiểuthủ công nghệ hay bất động sản). Đây cũng là thành phần hạt nhân và năng động nhất cho sự phát triển của xã hội hiện đại và tạo nên tầng lớp những người hữu sản, cơ sở xã hội cho sự tạo dựng và phát huy nền dân chủ. Đương nhiên, trước cách mạng 1945 thì xã hội Việt Nam còn là một thuộc địa của thực dân Pháp và triều đình quân chủ vẫn còn tồn tại ở một phần lãnh thổ cho dù vị thế chính trị chỉ còn là hình thức mà những người cách mạng gọi nó là "bù nhìn".
Phương thức sản xuất Châu Á cùng những đặc trưng tổ chức xã hội truyền thống của nước ta là các làng xã tồn tại như những tế bào thiết chế quốc gia một cách vững bền cho tới tận cách mạng tháng 8/1945 đã tác động tiêu cực tới sự hình thành của tầng lớp quý tộc thời trung thế kỷ cũng như tầng lớp công thương thời cận và hiện đại. Điều đó hạn chế sự hình thành và phát triển tầng lớp hữu sản. Do vậy dân chủ còn là một yếu tố rất xa vời với xã hội cổ truyền cho dù người ta cũng ghi nhận cái thường gọi là "dân chủ làng xã" mang tính chất những tập quán dân gian. Hội nghị Diên Hồng dưới thời nhà Trần luôn được coi là nét đặc sắc của tinh thần dân chủ thực chất chỉ là những biểu hiện tốt đẹp của tập quán trọng lão và thân dân vốn có trong những thời thịnh trị của các minh quân mà thôi.
Chính sách quân điền đối với nguồn tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội cổ truyền tồn tại qua nhiều triều đại, chủ nghĩa bình quân và quan niệm trọng nông khinh thương trong hệ thống giá trị xã hội truyền thống đã tạo ra cái hiện thực "giàu không quá ba họ, khó không quá ba đời” làm cho xã hội Việt Nam chìm trong cái biển tiểu nông từ trong hoạt động sản xuất đến hoạt động tư duy.Chợ làng của đời sống tự túc, tự sản tự tiêu trong khuôn viên làng xã hay giao thương rất hạn chế. Tính chất Kẻ Chợ cũng không giúp cho các đô thị phát triển mạnh mẽ để tách khỏi cái cuống rốn nông thôn để làm động lực cho sự phát triển xã hội mà sự tồn tại của các phường hội ở đô thị cũng chỉ là nơi tiêu thụ hàng hoá cho các làng nghề kết hợp chặt chẽ với nghề nông và tận dụng lao động nông nhàn. Với người đã xuất thân thành một nhà công thương mà vẫn lo toan tậu ruộng thu tô hay chạy mua phẩm hàm hương chức ở làng quê vẫn là hiện tượng phổ biến thành tập quán rất nặng tính bảo thủ.
Thời thực dân kéo dài chừng 80 năm như Tuyên ngôn độc lập xác định chỉ là một khoảng thời gian không dài của lịch sử. Chủ nghĩa tư bản với tất cả những đặc trưng của phương thức sản xuất và bóc lột mới tác động vào một xã hội thuộc địa nhằm bảo đảm những lợi ích của chủ nghĩa thực dân đã đưa đến sự hình thành công nghiệp, thương nghiệp tuy có làm thay đổi xã hội và tạo ra các tầng lớp mới trong đó có thợ thuyền và giới công thương (theo quan điểm giai cấp thì gọi là tư bản hay tư sản). Những chính sách duy trì chế độ và phương thức sản xuất phong kiến của nhà cầm quyền thuộc địa, cho dù có tiến hành nhiều cuộc "cải lương hương chính", nhưng lợi ích thực dân vẫn đòi hỏi bảo lưu những nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội, trong đó có tầng lớp công thương nói riêng, tầng lớp hữu sản nói chung phát triển. Tuy nhiên tầng lớp này vẫn hình thành và phát triển, đặc biệt là trên những lĩnh vực cũng như bộ phận có lợi ích liên quan đến chế độ thuộc địa.
Có thể ghi nhận một tầng lớp đầu tiên xuất thân từ các nghề nghiệp như thông ngôn, cai ký, thậm chí là đầu bếp hay những hương chức phục vụ bộ máy thực dân trở thành lớp người sớm nhất của tầng lớp doanh nhân. ông Bạch Thái Bưởi, ông Nguyễn Văn Vĩnh...bắt đầu làm thông ngôn rồi học nghề và tích cóp vốn liếng để kinh doanh. Nói cách khác, mối liên hệ với tầng lớp chiếm đóng có thể là một điều kiện thuận lợi cho sự kinh doanh, nhưng thực chất ở nước ta, cho tới trước các cuộc chiến tranh khốc liệt sau 1945, chưa có tầng lớp tư sản mại bản, khái niệm mà các văn kiện chính trị thường hay nhắc đến như một thành phần xã hội mang yếu tố phản động trong cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản lãnh đạo. Chỉ ở giai đoạn sau của lịch sử, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam sau 1954 mới hình thành tầng lớp mại bản ăn theo cuộc chiến tranh của Mỹ.
Nói tóm lại, tầng lớp doanh nhân Việt Nam có hình thành trong xã hội thuộc địa trước Cách mạng 1945, nhưng nó còn rất non nớt về thế lực kinh tế cũng như chính trị, chưa thực sự trở thành một giai cấp xã hội. Cho dù ta nhắc đến những tên tuổi như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà hay Nguyễn Hữu Tiệp với những hoạt động kinh doanh nổi bật...nhưng đó chỉ là những nhân tố mới và cũng vì vậy nó hoàn toàn không phù hợp với cách nhìn phiến diện của những người theo quan điểm giáo điều khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn xã hội và cách mạng Việt Nam.
Nói một cách khác, trên thực tế, cho đến trước cách mạng 1945, chưa có một đội ngũ doanh nhân cả về lượng và về chất đáng gọi là một giai cấp xã hội để trở thành một lực lượng chính trị (cách mạng hay phản cách mạng) trong đời sống chính trị Việt Nam. Nhìn nhận đúng đắn vấn đề này sẽ là một yếu tố để một lực lượng lãnh đạo giành được thắng lợi hay chịu thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc của mình vì nó liên quan đến việc tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, một nhân tố bảo đảm quyết định thắng lợi của cách mạng như bài học tổng kết quan trọng và sâu sắc nhất của lịch sử cận và hiện đại nước ta.
Quan điểm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, người sau Cách mạng 1945 trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập là minh chứng cho nhận định trên. Trong hoạt động chính trị đầu tiên của mình, năm 1919 Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi yêu sách 8 điểm tới Hòa hội Versaillé của các nước tư bản thắng trận trong Thế chiến I. Diễn giải các yêu sách này cho đồng bào của mình bằng hình thức diễn ca, Nguyễn Ái Quốc viết: "Ba xin rộng phép học hành - Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương". Trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản được xếp trong Toàn tập vào thời gian 1923, Nguyễn nhận định: "Người bản xứ chỉ có thương nghiệp địa phương nhỏ" và khi phân tích xã hội Việt Nam có đề cập tới các tầng lớp trí thức, công nhân, tiểu tư sản... nhưng không có tầng lớp nào gọi là tư sản hay công thương cả ! (Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1, tr.204).
Trong một báo cáo khác ghi rõ được viết tại Matxcơva năm 1924, Nguyễn Ái Quốc phân tích kỹ hơn: "Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam) không diễn ra như ở phương Tây... Không có tỷ phú An Nam. Những tên trọc phú ở đó (Mỹ và Châu Âu) thì ở đây chỉ là những kẻ thực lợi khá giả thôi... Nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc, người thì không có công đoàn, kẻ thì chẳng có tờ rớt, người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sụ tham lam của mình. Sự xung đột của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được... Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc..." (
Quan điểm này của Nguyễn ái Quốc được quán triệt trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt khi thành lập Đảng (tháng 2/1930). Cho dù sau đó những văn kiện này "bị thủ tiêu” tại Đại hội Ma Cao để thay thế bằng Cương lĩnh do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo theo tinh thần của Quốc tế Cộng sản (tháng 10/1930), nhưng quan điểm của Nguyễn Ái Quốc lại được thể hiện trở lại trong Hội nghị Trung ương VIII ( tháng 5/1941) và cương lĩnh của Mặt trận Việt minh. Trong thời kỳ trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nửa đầu của thập kỷ 40, Nguyễn Ái Quốc lại khẳng định rằng đại bộ phận những người trong các tầng lớp trên, trong đó có tư sản là có cảm tình với cách mạng "Dẫu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách của đế quốc là không thể nào sống được". Do vậy đoàn kết toàn dân là nhân tố sống còn bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Cương lĩnh Việt Minh cũng lần đầu tiên sắp xếp đội ngũ các doanh nhân vào lực lượng cách mạng "sĩ - nông - công - thương - binh" mà được biểu thị là 1 trong 5 cánh của ngôi sao vàng trên lá cờ của Tổ quốc.
Do vậy mà những gì diễn ra trong cuộc cách mạng tháng 8/1945, biểu thị sức mạnh đoàn kết của toàn dân có những đóng góp không nhỏ của giới công thương. Chúng ta sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy trong đội ngũ của của Đảng cộng sản có nhiều con em của các tầng lớp trên trong đó có tầng lớp công thương. Ông Trịnh Văn Bô thực sự đã là Đảng viên cộng sản trước ngày tiền khởi nghĩa và ngôi nhà của ông đã trở thành một trong những bản doanh của cách mạng ngay giữa lòng Hà Nội... Rồi Tuần lễ Vàng thể hiện một cách hùng hồn nhất đóng góp của giới công thương đối với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sự có mặt của các tầng lớp trên trong đó có giới công thương trong khối đại đoàn kết dân tộc và sự tin cậy cũng như khuyến khích của người đứng đầu Chính phủ cách mạng đối với giới công thương trong Cách mạng tháng 8/1945 là bằng chứng tiêu biểu nhất mà đến nay chúng ta đã chợn ngày 13/10, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Những chính sách, đặc biệt là trên phương diện kiến quốc càng chứng minh là trong thể chế Dân chủ cộng hoà, nhà nước Việt Nam độc lập chủ trương xây dựng nền kinh tế quốc dân với tinh thần "nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng"...
Thực tế những gì diễn ra sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ đã chứng minh sự gắn bó của đội ngũ doanh nhân với cách mạng. Nhưng những gì diễn ra sau này với sự trở lại của một số quan điểm giáo điều trong công cuộc "cải tạo xã hội chủ nghĩa" đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh cùng những hoàn cảnh phức tạp của một đất nước trải nhiều chiến tranh đã từng đẩy đất nước vào những khó khăn không đáng có, phần nào thủ tiêu những tiềm năng to lớn của giới doanh nhân Việt Nam mà công cuộc đổi mới hôm nay cũng chính là sự khắc phục những sai lầm để giải phóng một tiềm năng đã từng được thể hiện trong cuộc cách mạng cách đây 60 năm.
Vinh danh "những người lính trên mặt trận xây dựng đất nước thời bình" đang và sẽ là một thử thách vẻ vang và gian khổ để khẳng định thêm một lần: Doanh nhân là một lực lượng cách mạng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường