Năng lực tư duy toàn cầu
Nếu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” là nội dung chính được nêu trong chủ đề của Đại hội Đảng lần thứ X, thì đây là một trong những vấn đề cần được quan tâm đóng góp ý kiến nhất. Trong một đất nước đang xây dựng hòa bình và chủ động hội nhập, thì việc nâng cao sức chiến đấu không biết sẽ cần thiết và hữu ích đến đâu, nhưng việc nâng cao năng lực lãnh đạo đúng là một đòi hỏi hết sức cấp bách.
Năng lực lãnh đạo của Đảng được cấu thành từ năng lực tư duy; năng lực thuyết phục (không phải là ra lệnh) và năng lực nêu gương.
Trong cả ba năng lực này năng lực nào cũng quan trọng, và có vẻ như năng lực nào cũng cần phải được nâng cao. Tuy nhiên, quan trọng nhất, cấp bách nhất vẫn là việc phải nâng cao năng lực tư duy.
Con người ta tư duy bằng chủ thuyết (triết lý), bằng phạm trù và bằng khái niệm. Đảng ta cũng phải sử dụng các công cụ như vậy để tư duy. Định mệnh lớn nhất của tư duy là nó phải đuổi theo một thế giới luôn luôn thay đổi.
Chúng ta “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”, không ai có thể dùng tư duy cũ để hiểu hết được một thế giới mới. Muốn hiểu hết được thế giới mới và hoạch định được đường lối phát triển để dẫn dắt dân tộc tiến về phía trước, Đảng ta phải đổi mới được tư duy. Muốn đổi mới được tư duy, Đảng ta phải đổi mới được các công cụ để tư duy.
Bất cứ một chủ thuyết, một phạm trù, một khái niệm nào mà cả trăm năm vẫn không được thực tế chứng minh, thì đều có nguy cơ biến thành tín điều nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục theo đuổi. Mọi tín điều đều giam hãm năng lực tư duy và cầm tù ý chí tự do của chúng ta.
Tư duy như một chiếc dù chỉ ở trạng thái mở thì nó mới vận hành. Hơn thế nữa, trong một thế giới toàn cầu hóa, đó lại vừa phải là một tư duy toàn cầu. Thiếu một năng lực tư duy như vậy, chúng ta không thể hoạch định được đường lối phát triển cho đất nước.
Ví dụ, chúng ta không thể đề ra đường lối phát triển ngành đóng tàu của đất nước mà không đặt nó trong bối cảnh toàn cầu, không xem xét đến việc người châu Âu, người Hàn Quốc, người Trung Quốc, người Nhật Bản... đang làm gì.
Điều gì đang đúng với ngành đóng tàu thì sẽ đúng với cả toàn bộ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ đúng với việc trồng lúa của những người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, với việc trồng thảo quả của những người dân ở miền núi phía Bắc...
Muốn hoạch định được một mô hình phát triển phù hợp, một sự hiểu biết sâu sắc về các động lực thúc đẩy toàn cầu hóa; các qui luật của toàn cầu hóa; các cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa; các cách thức tổ chức xã hội và vận hành kinh tế để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội của toàn cầu hóa là không thể thiếu.
Một sự hiểu biết sâu sắc về lợi thế so sánh và những yếu kém của đất nước trong môi trường cạnh tranh toàn cầu cũng rất quan trọng. Những sự hiểu biết như vậy sẽ phải là sản phẩm của năng lực tư duy toàn cầu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt