Mối quan hệ báo chí- kinh tế: Nhìn từ lịch sử
Về lịch sử báo chí buổi sơ khai, có quan điểm cho rằng, nó bắt nguồn từ nhu cầu thông tin kinh tế mà các nhà buôn thông qua một mạng lưới rất nhiều những người trong giới thuơng nhân, các nhà thám hiểm hay các tăng lữ cung cấp qua thư tín rồi tổng hợp lại thành những bản tin tức để cung cấp phục vụ việc buôn bán, tìm kiếm sản phẩm, thị trường và giao thương.
Lịch sử còn ghi lại thời mà Xê Da Đại đế của Đế chế La Mã đã sử dụng các tù binh biết chữ chép tay để nhân bản các bản tin khi chưa có phương tiện ấn loát. Như thế, thoạt tiên báo chí ra đời gắn với nhu cầu kinh tế. Và phát triển kinh tế- đương nhiên cũng là mối quan tâm của mọi nhà nước ngay từ thời cổ đại.
Rồi về sau, nhu cầu ban bố những thông tin của nhà nước mới đẻ ra các tờ công báo. Cùng với nhu cầu thông tin, sự ra đời của nghề in và các cải tiến không ngừng của kỹ nghệ ấn loát đã thúc đẩy sự ra đời của báo chí thực thụ và phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ, đồng thời nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới trong đó đặc biệt là công nghệ nghe-nhìn và viễn thông. Trong thế giới hiện đại, báo chí đã trở thành một nền công nghiệp, hình thành những tập đoàn kinh tế trên lĩnh vực báo chí-truyền thông hoặc trở thành diễn đàn bảo vệ lợi ích của các thế lực kinh tế mà các thế lực chính trị chỉ là đại diện.
Nhìn lại lịch sử báo chí Việt Nam cũng vậy. Những người cố tìm kiếm cái căn cước ra đời của báo chí nước ta có đưa ra ý kiến cho rằng, các quán nước đầu làng và người mõ làng là những yếu tố của hoạt động truyền thông sớm nhất và phổ biến nhất của một quốc gia vốn lấy cơ cấu làng xã khép kín làm tế bào sống. Cho đến nay, chưa hề thấy một bằng chứng nào về mối liên hệ thông tin giữa các địa phương trong nước với chính quyền trung ương ngoài các tuyến giao thông do các phu trạm đảm trách trên con đường cái quan, chủ yếu để truyền đạt các giấy tờ và mệnh lệnh của triều đình đến các thần dân của mình.
Vì thế, có thể thấy rằng báo chí xuất hiện ở nước ta trước tiên là sản phẩm của chế độ thực dân trong quá trình xác lập lợi ích song hành cùng cuộc chính phục thuộc địa. Tờ báo đầu tiên hoạt động ở nước ta đúng như tên gọi của nó : “Kỷ yếu công báo của Đạo quân Viễn chinh xứ Nam Kỳ “ (Bulletin officiel de l’ Expédition de la Conchinchine) mà toà soạn cũng như máy in đều biên chế trong đạo quân xâm lược từ các chiến thuyền đánh vào Nam Bộ và được sử dụng song hành với cuộc bình định về quân sự. Tiếp đó, người ta thấy trên vùng đất mà quân viễn chinh Pháp đã chinh phục được ở cả Nam kỳ và Bắc kỳ bắt đầu xuất hiện những tờ báo và hoạt động báo chí buổi đầu gắn liền với nhu cầu của tầng lớp người Âu ngày càng đông đảo và sự hình thành những đô thị và đám thị dân người bản địa. “Tờ báo là kinh nhật tụng của đám thị dân” là một cách nói của ngưòi xưa cho thấy không gian phát triển của báo chí trước tiên là ở các đô thị.
Ngoài những tờ báo viết bằng tiếng Pháp, dành cho nguời Pháp, thì tờ báo dành cho người Việt đầu tiên như tên gọi của nó gắn với đô thị phát triển đầu tiên và quan trọng nhất của xứ thuộc địa này là Sài Gòn với cái tên “Gia Định Báo” ra đời vào năm 1895- được coi là cái mốc đầu tiên của báo chí tiếng Việt. Đương nhiên nó là một tờ công báo và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu cai trị những người dân bản xứ, nhưng khách quan mà nói, cũng đã du nhập những tập quán mới của nến văn minh phương Tây vào cộng đồng người bản địa.
Bước vào đầu thế kỷ XX, một tầng lớp thị dân, trong đó có các thương nhân người Việt ra đời và cùng với nó là những cây bút viết báo người Việt cũng hình thành cùng với nỗi đam mê những công dúng mà tờ báo mang lại cho đưòi sống xã hôi. Báo chí tư nhân xuất hiện và nhanh chóng xâm nhập vào đời sống kinh tế của người Việt. “Nông Cổ Mín Đàm” là tờ báo tiên phong và cũng ra đời ở Nam Kỳ. Tên báo được diễn nôm là “ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”, đề cập tới 2 lĩnh vực kinh tế trọng yếu cua người Việt. Cho dù, theo luật định, người chủ báo phải là một người Pháp, ông Cannavaggio, là chủ một vựa muối ở Nam Kỳ, nhưng linh hồn của tờ báo lại là những cây bút người Việt, vừa thấm nhuần nền cổ học lại tiếp cận sâu sắc với tân học đã dùng tờ báo để cổ xút cho hoạt động kinh doanh của người Việt, coi đó là phương cách chấn hưng dân tộc trong hoàn cảnh về chính trị đã trở hành thuộc địa của nước Pháp.
Chủ bút của tờ báo này là Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, người còn được biết tới trên một số lĩnh vực hoạt động văn hoá khác, đặc biệt là nghệ thuật cải lương. Đúng như tên gọi của nó, lần đọc những trang báo cũ ta thấy rất nhiều bài viết động viên người Việt dấn thân vào thương trường, truyền bá những nghề mới và đáp ứng nhiều thông tin kinh tế như giá cả, lịch các tàu biển ra vào thương cảng, các chính sách liên quan đến kinh tế của chính quyền vàbắt đầu phản ánh những suy nghĩ, tâm trạng của tầng lớp thị dân và thương nhân thể hiện cả trong những nhu cầu về văn hoá...
Ngoài Bắc, tiên phong trên lĩnh vực này là tờ “Đăng Cổ Tùng Báo” - một tên gọi mới của một tờ công báo do Nam triều lập ra ở Bắc kỳ lúc này là xứ bảo hộ, tờ “Đại Nam Đồng văn Nhật Báo” viết bằng chữ Hán, xuất bản từ năm 1896. Công báo nhưng lại do một tư nhân đấu thầu là một nhân vật đáng được vinh danh là “ông tổ nghề báo ở Việt Nam” tên là Henri Schneider - người khuyến khích và làm chủ nhiệm rất nhiều tờ báo và các ấn phẩm ở Việt Nam buổi ban đầu của xuất bản và ấn loát.
Điều đáng nói là linh hồn của “Đăng Cổ Tùng Báo” (Đăng Cổ có nghĩa là “Khua trống”) gắn với tên tuổi của nhà báo tiên phong Nguyễn Văn Vĩnh. Ông đã sang dự Hội chợ Quốc tế ở Pháp và đam mê công nghệ báo chí khi trở về Việt Nam và suốt cuộc đời lặn ngụp, phấn đấu cho một nền báo chí của người Việt, cả trên diễn đàn Pháp ngữ lẫn Việt ngữ. “Đăng Cổ Tùng Báo” ra đời cùng với và trở thành cơ quan ngôn luận của Đông Kinh nghĩa thục và cũng là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ (báo in song ngữ Hán-Việt), số đầu tiên vào tháng 3-1907 (chậm hơn Gia Định Báo 1865 và Nông Cổ Mính Đàm 1901) và kết thúc cùng với việc nghĩa thục của ông và cụ Cử Lương Văn Can bị thực dân bắt đóng cửa vào cuối năm ấy.
“Đăng Cổ Tùng Báo” cũng cổ xuý mạnh mẽ cho việc chấn hưng kinh tế dân tộc theo tôn chỉ của cuộc Duy Tân ái quốc, nhưng cũng giống như số phận của giới kinh doanh non trẻ Việt Nam, sự o ép về chính trị cũng như sự chèn ép về kinh tế của chế độ thuộc địa khiến các tờ báo ấy chưa đủ sức đương đầu để trở thành một thế lực kinh tế hay có ảnh hưởng về chính trị trong đời sống xã hội Việt Nam. Trương Vĩnh Ký thuộc lớp tiên khởi trong làng bào Việt Nam hay Nguyễn Văn Vĩnh- người tiên phong trong tư tưởng kinh doanh báo chí ... cuối cũng cũng rơi vào những bi kịch của chế độ báo chí thời mất nước... Nhưng những tờ báo này đều để lại những dấu ấn của một nỗ lực ban đầu của giới doanh nhân Việt Nam trên lĩnh vực báo chí kinh tế mà ngày nay chúng ta đang quan tâm và có điều kiện để phát triển theo đúng quy luật của nền báo chí hiện đại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh