“Mảnh hóa thạch” của văn hóa Việt trên đất Mỹ
Khi nói về bộ khăn đóng áo dài của dân tộc, có người đã nói: “Đi xa mới thấy thương mến khăn đóng áo dài dân tộc”. Câu nói ấy, tình cờ khái quát một điều rằng, đã là người Việt, càng đi xa, người ta càng thêm gắn bó với gốc gác của mình. Cũng chính bởi thế, ở nơi cách đất Việt đúng nửa vòng trái đất, có một người đã đứng ra làm một bộ đại từ điển điện tử về văn hóa Việt Nam…
Chừng nào trẻ con còn bú, chừng đó vẫn còn ca dao
"Chùng nào trẻ thơ không còn bú, không còn ngủ thì không còn người mẹ ru con. Nếu còn người mẹ ru con thì còn ca dao, và sẽ còn người đi tìm ca dao để ru con...".
Khi được biết đó là "tuyên ngôn" của Hà Phương Hoài - chủ nhân bộ từ điển khổng lồ về văn hóa Việt trên trang http://www.e-cadao.com/, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người đàn ông cổ hủ và lạc hậu. Không lạc hậu sao được, khi cứ ôm khư khư mấy câu ca dao, hò vè , mà ngay trên mảnh đất chúng được sinh ra, giờ cũng chả mấy ai cần đến. Nói chuyện với Hà Phương Hoài , người ta sẽ không chỉ thấy ông cổ lỗ, mà còn có vẻ rất bảo thủ nữa. Ông sẽ vẫn khẳng định “tuyên ngôn" của mình , nếu chẳng may có ai đó chê bai, rằng ông nhọc thân làm gì với mấy câu ca, câu vè. Với người đàn ông này, "ca dao tục ngữ chính là tim óc, là nếp sống toàn diện của dân Việt".
Ông già xứ Huế Hà Phương Hoài |
Có thể, vào những ngày bình thường, tất cả mọi người đều thấy quan niệm của Hà Phương Hoài có điều gì đó hơi…bất thường. Nhưng vào một ngày đầu Xuân đẹp trời, cùng gia đình đi ra đình, chùa thắp hương, hoặc giả đi dự một lễ hội, người ta sẽ nghĩ sao khi nghe tiếng nhạc hip-hop, hoặc giả dễ lọt tai hơn là những bản nhạc của Bach, Bethoven… phát ra từ ngôi đình, ngôi chùa hay được mở oang oang giữa không gian của hội, của Tết? Dù là tín đồ của hip-hop hay mê nhạc cổ điển đến mấy, tôi dám chắc, 100% người Việt Nam đều thấy nó không hợp vị. Dù không am hiểu về văn hóa dân tộc, người ta cũng hiểu rằng, nếu trong Nam, không gian ấy, dứt khoát phải gắn với những câu vọng cổ. Ở dải đất hẹp miền Trung, nói đến Tết, đến lễ hội, phải là những câu hát bài chòi. Ở đồng bằng Bắc Bộ, là những điệu chèo í a, là những giọng hát của liền anh, liền chị với những bài quan họ Bắc Ninh… Nếu lúc ấy, có ai còn nhớ tới Hà Phương Hoài, hẳn người ta sẽ thấy hiểu hơn tấm lòng của một ông già, vốn sinh ra trên đất Huế.
Cái tên miền “e-cadao”, vừa Tây, lại vừa rất ta, đúng với "chất" của bộ từ điển này - những tư liệu về văn hóa truyền thống được "sốhóa”. Xuân này, bộ đại từ điển http://www.e-cadao.com/ đã tròn 5 tuổi. Cũng có bạn bè hỗ trợ, nhưng hầu hết, đó là công lao “mổ cò” bên bàn phím, rồi mày mò học quản trị web của Hà Phương Hoài.
Để tìm hiểu về văn hóa của một dân tộc, người ta cần những điều gì? Nguồn gốc, lịch sử dân tộc đó? Phong tục tập quán? Ngôn ngữ. Những nhân vật lịch sử? Hay văn học dân gian? Gần như tất cả những điều đó, có trong đại từ điển này. Phần lịch sử cung cấp cho người xem cái nhìn khá toàn diện về lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ cội nguồn dân tộc, về tổ Hồng Bàng và 18 vị Hùng Vương. Kế đó, chỉ cần những cú click chuột, người xem có được cái nhìn tổng quan về lịch sử Việt Nam, mà tương ứng với mỗi thời kỳ lịch sử, "từ điển" đều giới thiệu những nhân vật lịch sử quan trọng.
Một trong những phần dồi dào tư liệu nhất, là lễ hội. Hàng trăm lễ hội được giới thiệu trên trang web, và chủ nhân của trang web, phân chia thành lễ hội của tùng miền. Đặc biệt hơn cả, đúng như tên gọi, trang web là "e-cadao" chính là kho tư liệu về ca dao, tục ngữ. Có đến 30.000 câu ca dao, tục ngữ với phần giải thích đã được đưa vào bộ “đại từ điền”. Đây có lẽ là kho tư liệu lớn nhất về ca dao hiện nay.
Gần chục năm “cày cuốc” trên bàn phím
Để đưa được 30.000 câu ca dao tục ngữ, được giải thích một cách đầy đủ trên mạng, Hà Phương Hoài đã phải đánh máy tổng cộng khoảng 70.000 câu ca dao. Một ông già gần 70 tuổi , cứ lọc cọc “mổ cò” bên chiếc máy vi tính, để đưa lượng tư liệu khổng lồ vào dữ liệu. Kế đó, mới đến việc tuyển chọn ra những câu phù hợp để đưa lên. Chỉ nghĩ đến công đánh máy chừng ấy tư liệu thôi, cũng đủ toát mồ hôi.Vậy mà ở giữa nước Mỹ xa xôi, cách cố quốc đúng nửa vòng trái đất, nơi tìm kiếm tư liệu về Việt Nam đầy khó khăn, Hà Phương Hoài vẫn cứ miệt mài…
Năm 1982, khi định viết một bài về “người nông dân và tài tiên đoán khí tượng”, Hà Phương Hoài đã thấy vô cùng "ngao ngán", vì phải đọc cả chục nghìn câu ca dao mới chắt ra được nhũng câu mình muốn. Ngày ấy, ông đã bỏ cuộc. Cũng ngày ấy ông bắt đầu nghĩ đến một kho tư liệu ca dao, với công cụ tra cứu thích hợp cho ca dao. Sau này, khi dạy về cơ sở dữ liệu trong suốt 13 năm, ông đã nảy ra ý định thực hiện một "thư khố" ca dao trên cơ sở hệ thống tìm kiếm điện tử.
Nhưng công việc không phải dễ. Tiếng Việt phải có dấu mới có ý nghĩa. Hồi đó, hệ thống
phông chữ Việt còn hạn chế, "trang chủ" Hà Phương Hoài đành đánh ca dao... không dấu. Làm được một thời gian thì ông có được phông chữ VNI (hiện giờ trang web dùng phông Unicode), có thể chạy trong chương trình dữ liệu. Ông bắt đầu công việc lại từ đầu, với những câu ca dao có dấu. Khi bắt đầu đưa lên web, ông già xứ Huế lại gặp một rắc rối khác là không thể dùng hệ thống truy tầm trên web cho công việc. Thất bại này khiến ông bỏ cuộc. Mãi đến năm 2002, được sự giúp đỡ của một số bạn bè, công việc mới được tiếp tục. Để trở thành một “trang chủ”, Hà Phương Hoài phải mua một đống sách về web để nghiền ngẫm. Ông già tuổi hơn 6 "bó” (hơn 60 tuổi, theo cách nói của ông) "nuốt" mãi không hết những cuốn sách dày cả ngàn trang. Lại phải nhờ cậy đến bạn bè, ông già xứ Huế mới "lướt web" một cách thành thạo .
Đưa cháu con về nguồn cội
Có một điều đặc biệt khác xảy ra trong nhiều gia đình Việt kiều ở Mỹ, đó là khá nhiều gia đình vẫn duy trì nếp răn dạy con cái y như khi họ rời cố quốc ra đi. Trong khi ở trong nước, những biến đổi nhanh chóng về xã hội khiến nếp sống, việc đối nhân xử thế, quan hệ gia đình... có rất nhiều thay đổi thì nhiều nếp sinh hoạt trong cộng đồng người Việt nơi xa xứ, vẫn y nguyên như thuở nào. Có người gọi đó là những "mảnh hóa thạch" của nếp sống cũ của người Việt.
Nếu thừa nhận điều đó là những "mảnh hóa thạch" của nếp sống người Việt, thì Hà Phương Hoài, dứt khoát phải là một mảnh hóa thạch của văn hóa Việt. Trò chuyện với ông, có cảm giác ông là một ông đồ xứ Huế không thành thạo ngôn ngữ đương đại. Khá nhiều cụm từ người Việt nay ít dùng, xuất hiện trong câu chuyện của ông. Vô tình, hay hữu ý? Nếu những câu nói ấy, phát ra từ một người khác, hẳn sẽ thấy ngang tai lắm. Có lẽ, cái chất ca dao đã ngấm vào từng tế bào của con người Hà Phương Hoài, thế nên, những câu chữ cũ kỹ, được nói ra từ ông già xứ Huế này, tự nhiên như hơi thở con người ta vậy. Trò chuyện với Hà Phương Hoài, cứ như thể đang trò chuyện với đất Huế, nơi từng viên gạch cũng nhuốm màu thời gian, nhuốm sự trầm tư.
Cái công việc của ông, dẫu điều ra tiếng vào nhưng ông vẫn hi vọng, đó sẽ là một công cụ, để giới trẻ hiểu biết thêm về văn hóa quê hương.
"Ông có lo lắng, một mai, những thế hệ trẻ sinh ra trên đất Mỹ sẽ không còn truy cập trang web e-cadao của ông nữa không?", tôi hỏi "trang chủ" Hà Phương Hoài.
“Đây là mối quan ngại lớn nhất của các bậc làm cha mẹ, họ lo rằng sau này con em mình không còn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc Việt nên thường xuyên cho con em tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Dĩ nhiên chúng tôi cũng lo là thế hệ sau sẽ không còn sử dụng e-cadao. Một điều đáng mừng là có một lần chúng tôi tổ chức đêm "Thơ Nhạc" thì con số người tham dự của giới trẻ và giới già ngang nhau, câu trả lời của Hà Phương Hoài, có lẽ, đã bao gồm cả cái phần thưởng cho bao nhiêu năm cố gắng, khi lớp trẻ Việt trên đất Mỹ, đã biết quan tâm hơn đến truyền thống, đến cội nguồn. Thêm một điều thú vị nữa, nhiều bậc phụ huynh rất phấn khởi , nhờ có cuốn từ điển này, họ có được "công cụ" để dạy văn hóa Việt cho con em.
Tết Kỷ Sửu lại đang đến. Tết luôn là khoảng thời gian mà người Việt sống lại với 100% chất Việt trong con người mình. Trên đất Mỹ, ngày Tết Việt hiếm khi trùng với ngày nghỉ, nên nhiều người phải xin nghỉ để được ăn Tết với gia đình. Các chợ Việt bày bán đủ thứ bánh mứt và các thứ hay dùng cho việc cúng giỗ Tết như bánh chưng, bánh Tét, giấy tiền và vàng bạc…Bàn thờ tổ tiên được trang trọng giữ hương khói liên tục trong 3 ngày. Để truyền thống Việt mãi được truyền từ đời này sang đời khác, trên đất Mỹ, những người lãnh đạo cộng đồng đã có cái nhìn xa, các bậc phụ huynh thường đem con em đi theo, cũng như giao cho những công việc phù hợp để lớp trẻ được tham gia vào Hội Chợ Tết.
Năm mới, bên cạnh cái vui, ông già ấy có những nỗi buồn. Ông già xứ Huế buồn cái buồn của những người “muôn năm cũ”, không phải vì không được hưởng niềm vui tưng bừng như ở trong nước, mà vì “người con xa quê ngậm ngùi vì không được thắp một nén nhang trên mồ mả tổ tiên”. Hà Phương Hoài đang tìm người “thừa kế” bộ từ điển khổng lồ của mình. Khi người Việt xa xứ còn những người như thế, chúng ta hiểu thêm tại sao, văn hóa Việt cứ mãi trường tồn…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005