Kinh nghiệm đọc
Phần này sẽ bao gồm hai mảng nhỏ: đọc thế nào và đọc gì. Những gì tôi viết ở đây là dựa trên kinh nghiệm cá nhân cộng với quan sát một số người thân cận xung quanh. Bài viết này không nhằm đề cập tới đọc và viết riêng trong học tập hay riêng cho các bạn đi học nước ngoài mà là một vài ý kiến của tôi đối với đọc sách nói chung.
a. Đọc thế nào?
Đọc không phải là một quá trình đơn giản. Đọc có hiệu quả nên bao gồm ít nhất là hai quá trình: đọc hiểu và đọc lại.
Thế nào là đọc hiểu?
Một cách vắn tắt, đọc hiểu nghĩa là việc đọc một cách tập trung và kỹ lưỡng, sao cho hiểu được chính xác người viết muốn nói gì.
Đứng về mặt kỹ thuật, đọc là một quá trình kết hợp đồng thời hai khâu: lướt mắt qua các con chữ và nhập nghĩa các con chữ vào đầu. Khâu thứ nhất - tạm gọi là khâu nhận mặt chữ - chỉ bao gồm việc nhận dạng ký tự, đọc thầm thành tiếng trong đầu, phân tích ngữ pháp của câu để chuẩn bị cho việc hiểu nghĩa. Khâu thứ hai - tạm gọi là khâu nhập nghĩa vào trong đầu - chính là quá trình chuyển các ký tự thành khái niệm có nghĩa, và nhập nó vào đầu. Việc nhập này được gọi nôm na là “hiểu”. Nó thường xảy ra theo hướng người đọc so sánh khái niệm hoặc ý nghĩa vừa đọc với nhận thức cũ của mình: nếu có sự phù hợp thì việc hiểu này mang nghĩa “củng cố kiến thức”; nếu nó trái với những gì mình đã biết thì việc nhập kiến thức sẽ mang nghĩa “tiếp nhận, nạp” cái mới.
Quá trình tiếp nhận thường khó hơn quá trình củng cố, nó sẽ liên quan tới sự suy đoán, liên tưởng để tạo các liên kết mới với kiến thức cũ. Nếu quá trình liên kết này vẫn không thành thì kiến thức mới sẽ nằm riêng một chỗ; tuỳ vào độ mới và độ trái ngược mà nó sẽ nằm ở trong đầu bạn cho đến khi nó tìm được liên hệ với kiến thức cũ và ở lại, hoặc sẽ bị xoá nhoà.
Hãy tưởng tượng não chúng ta như là một cái mục lục phân loại ở thư viện. hoặc như cái tổ ong có dán biển ở ngoài: âm nhạc, văn học, tôn giáo, toán, vv...Khi đọc, chúng ta thực tế đang điền kiến thức vào ô thích hợp. Khâu đầu tiên của đọc là gọi tên kiến thức. Khâu thứ hai là đưa vào đúng ô.
Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta chỉ làm có một quá trình trong hai quá trình trên - tức là quá trình lướt mắt qua các con chữ; còn bỏ qua quá trình “nhập nghĩa vào trong đầu”. Sự khác nhau giữa đọc có hiệu quả và đọc không hiệu quả lại nằm ở sự nhập nghĩa này.
Xin lấy một ví dụ cụ thể.
Hãy đọc câu sau: “Nước Mỹ - mặc dù là một quốc gia theo chế độ dân chủ - lại áp dụng nhiều mô hình và quy tắc xã hội của nước Anh - một quốc gia quân chủ lập hiến”
Tuỳ mức độ liên tưởng và đọc kỹ mà những người đọc khác nhau sẽ đạt hiệu quả khác nhau khi đọc câu trên:
Người thứ nhất: Nước Mỹ khác nước Anh
Người thứ hai: Nước Mỹ khác nước Anh nhưng có một số “thứ” lấy từ Anh
Người thứ ba: Nước Anh là nước “quân chủ lập hiến”, tức là có vua và Quốc hội, quyền lực thực tế ở trong tay Quốc hội, đứng đầu là thủ tướng; tuy thế Vua vẫn có danh cao nhất; một số hoạt động xã hội sẽ tuân theo kiểu quân chủ, giống phong kiến ngày xưa, ví dụ sắc phong, lên ngôi, các ngày lễ vv...Nước Mỹ là nước “dân chủ” nghĩa là theo chế độ dân làm chủ, có bầu cử; các chính sách xã hội sẽ khác. Sự liên hệ giữa Anh và Mỹ chắc là...
Những suy tưởng trên viết thì dài nhưng thực tế hoàn toàn có thể diễn ra trong đầu chúng ta. Đọc hiểu chính là quá trình gần với người thứ ba: khi bạn đọc bạn chú ý đến từng từ, từng khái niệm; với một ý thức rằng “người viết dùng từ đó, khái niệm đó thì ắt là phải có một hàm ý sâu xa nào đó”.
Sẽ nảy sinh câu hỏi: Đọc như thế thì làm sao nhanh được? Thực tế là bạn hoàn toàn có thể tập được cách đọc kỹ mà vẫn nhanh. Sau đây là một số điều bạn có thể làm để tập đọc hiểu:
- Trau dồi vốn từ của bạn, bắt đầu từ ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt; sao cho bạn không chỉ phong phú về vốn từ mà còn biết rõ các sắc thái nghĩa của các từ. Thực tế cho thấy là những người sử dụng tiếng Việt giỏi thì cũng thường học ngoại ngữ tốt hơn. Muốn trau dồi vốn từ thì khi nghe, đọc tiếng Việt nên chú ý cách dùng từ của người khác.
- Luyện cho mình thói quen dùng từ một cách chính xác và cẩn trọng. Các cụ nói “bút sa gà chết”. Không chỉ với viết mà cả với nói, việc dùng từ rất là quan trọng. Dùng từ chính xác không chỉ giúp bạn truyền đạt thông tin chính xác mà còn thể hiện thái độ tôn trọng người đối thoại và tôn trọng bản thân. Thêm nữa, việc dùng từ chính xác luyện cho bạn khả năng lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho uyển chuyển.
- Khi đọc người khác viết, nhất là khi đọc các sách mang tính học thuật - thì trước hết phải có thái độ đúng đắn với các khái niệm và phải tỉnh táo với từ ngữ. Mỗi một từ, một khái niệm luôn đi kèm trong nó cả một trường nghĩa. Nói đơn giản, các từ “nhận xét, đánh giá, phê bình” có nhiều phần trùng nhau trong ý nghĩa nhưng mỗi từ lại có thêm những sắc thái riêng. Khi đọc, chúng ta nên biết trân trọng từng từ của người viết, ý thức về tính chính xác của từ ngữ. Nếu bạn đọc lướt, bạn sẽ rất dễ chỉ bắt được bề nổi của khái niệm.
- Lần đầu gặp một khái niệm mới, bạn đừng nên bỏ qua mà nên tìm hiểu kỹ khái niệm.
- Về sau khi đọc, nên hình thành thói quen liên tưởng nhanh, tìm nghĩa thật nhanh và bắt lấy dụng ý của người viết thật nhanh.
- Đọc kỹ khái niệm và từ nhưng xem xét nghĩa trong tổng thể.
Đọc lại
Đọc quan trọng; và đọc lại càng quan trọng. Thực ra đây là quá trình củng cố và nạp kiến thức một cách chắn chắn thực sự đối với chúng ta (ít nhất là với tôi). Khi chúng ta học lần đầu trên lớp, do bị sức ép thời gian và tâm lý nên bạn rất dễ chỉ học các khái niệm và kiến thức trên hình thức; mà không thực sự ghim nó vào thành nhận thức và tư duy của mình. Việc đọc lại sẽ giúp bạn làm điều này.
Đối với việc học, khi đọc lại, cần chú ý một số điều như sau:
- Để một thời gian rồi hãy đọc lại
- Khi đọc lại thì đọc kỹ lưỡng nhưng nhanh
- Khi đọc lại thì nên thoải mái nhưng cũng mang tâm lý tìm hiểu nghiêm túc. Ví dụ: bạn học xong môn Thống kê rồi nhưng một hôm có người hỏi về phương sai hay độ lệch chuẩn mà bạn không trả lời được thì bạn nên tìm lại sách mà đọc ngay. Lúc đó chính là lúc tốt nhất để bạn đọc và hiểu được. Hay nếu bạn thấy người ta nói “tam quyền phân lập” mà không hiểu là gì mặc dù có vẻ bạn đã học về tổ chức chính quyển rồi thì nên tra sách ngay - đảm bảo bạn sẽ nhớ rất lâu
- Đọc lại những ghi chép cũ của bạn. Khi hết một học kỳ, khi rảnh rỗi, bạn rất nên giở sách hay vở ghi ra đọc lại. bạn sẽ kinh ngạc về những gì mình đã học được. Ngày xưa, khi đi học, tôi rất hay ghi chép vào những mẩu giấy nhỏ rồi đính vào trang sách đang đọc; khi đọc lại thực sự thấy rất thú vị và học được nhiều.
Đối với đọc sách giải trí, ví dụ như đọc truyện, đọc các sách tham khảo:
- Khi đọc lại thì nên đọc lướt. Lúc này không phải là lúc đọc để vui thú với các tình tiết mà để nắm bắt tác phẩm và kết nối nó với những tác phẩm khác hoặc các kiến thức khác mà bạn đã có. Lấy ví dụ như khi nhỏ, tôi say mê đọc Tam quốc, Tây du ký, Ba người lính ngự lâm của Duymas hay Cuốn theo chiều gió của Magaret Michell. Lúc đó đọc chỉ say mê với đánh đấm, chuyện phiêu lưu, tình cảm; say mê văn phong của tác giả.
Bây giờ đã lớn, đọc lại những truyện này không còn thấy say mê chi tiết hay văn phong nữa vì tôi đã đọc nhiều tác phẩm khác có thể nói một cách tương đối là “vượt xa” các tác phẩm kể trên. Tuy thế, tôi lại học được rất nhiều bằng cách nhận ra các sắc thái ý nghĩa lớn mà tác giả hàm ý: ví dụ như giáo dục nhân, nghĩa, lễ trí, tín trong Tam quốc, một số vấn đề về nội chiến Nam bắc Mỹ cũng như tư tưởng Mỹ qua Cuốn theo chiều gió. Đối với những sách này, khi đọc lại, thực sự trong một ngày bạn có thể đọc vài ba quyển và bạn lại tóm bắt rất nhiều. Vì thế, tôi rất khuyến khích các bạn đọc lại những tác phẩm kinh điển mà trước đây bạn đọc.
- Đọc với một thái độ liên tưởng và so sánh với những kiến thức khác để có thể đặt tác phẩm trong bối cảnh của nó và biết rõ hơn giá trị tác phẩm cũng như đặc điểm của thời đại mà nó đại diện. Ví dụ như khi tôi đọc Chín mươi ba của Hugo lần đầu, tôi chỉ say mê ý tưởng và các chi tiết. Khi đọc lại, mình gắn với các kiến thức lịch sử mình biết về Cách mạng tư sản Pháp, về thời kỳ năm 1793; từ đó hiểu rõ hơn tác phẩm này, thấy được những hạn chế lịch sử cũng như sự cấp tiến của nó; thấy vì sao tác giả lại dựng nhân vật chính như vậy...vv..và vv...
Đọc bằng ngoại ngữ:
Phần này tôi muốn tách ra nói riêng vì không biết sẽ đưa vào đâu. Nói chung, đối với người đọc sách, được đọc bằng nguyên bản là một điều sung sướng lớn. Điều này có hai tác dụng rõ ràng: bạn được đọc đúng với những gì tác giả viết; bạn được học ngoại ngữ. Tuy thế, không phải ai trong chúng ta cũng có khả năng đọc sách nguyên bản. Tôi xin có một số gợi ý như sau:
- Hãy bắt đầu bằng những tác phẩm mà bạn đã đọc bản tiếng Việt rồi; nhất là những tác phẩm nào mà bạn yêu thích đến mức bạn gần như thuộc lòng từng chi tiết và lời văn. Cái lợi của việc này là khi bạn thuộc thì bạn có thể đọc được bản gốc nhanh hơn, có thể chọn đọc những đoạn bạn thích mà không cần đọc từ đầu; và hơn hết bạn có sẵn một cơ chế đối chiếu tự động giữa tiếng Việt với ngoại ngũ đó. Bạn sẽ kinh ngạc vì khả năng học từ và cấu trúc của bạn.
Một kinh nghiệm rút ruột đây: tôi đã bắt đầu học đọc và viết tiếng Anh hoàn toàn nhờ vào cuốn Những người khốn khổ của Hugo. Hugo có một lối diễn đạt vừa cực kỳ cầu kỳ và bác học vừa tinh tế duyên dáng mà tôi mê kinh khủng khiếp (lúc khoảng 17, 18 tuổi). May mắn là chúng ta có một đội ngũ dịch Pháp văn rất điêu luyện nên "Những người khốn khổ" được chuyển thể rất nhuyễn; đến mức tôi không hề cảm thấy rào cản dịch thuật. Năm tôi học năm nhất Đại học, tôi mượn được quyển Những người khốn khổ nguyên bản tiếng Anh về; đọc như nghiền; say mê những cấu trúc tiếng Anh cũng từ đó và tập viết tiếng Anh cũng từ đó. Những truyện ngắn đầu tiên mà tôi viết đều bằng tiếng Anh - không phải vì giỏi tiếng; chỉ đơn thuần là bị kích thích thử diễn đạt bằng tiếng Anh. Các bạn cứ thử, khi các bạn vượt qua những bế tắc đầu tiên, các bạn sẽ well be set on your way.
- Hãy đọc ngắn và đơn giản trước; đọc những gì mà đã có người có đủ độ tin cậy giới thiệu cho bạn là “đọc hay lắm”. Khi bạn đọc tốt rồi thì bạn có thể tự khám phá lấy cũng được.
Ví dụ: trừ khi bạn say mê Những người khốn khổ như tôi, khi bắt đầu đọc sách tiếng Anh, bạn có thể chọn những gì đơn giản như Sherlock Holmes của Conald Dole; Thorn bird (Tiếng chim hót trong bụi mận gai - viết rất đơn giản) của Coleen McCalough, hay các tập truyện ngắn cuả Jack London, O’Henry; hay Catcher in the rye của Salinger. Sau đó hãy đọc đến các tác phẩm có văn phong phức tạp, các tác phẩm kinh điển.
- Rất nên đọc kỹ sách giáo khoa tiếng Anh trong trường học vì chúng thường là sách viết rất đơn giản về cấu trúc và dễ hiểu; nhưng lại cung cấp các khái niệm và từ vựng chuẩn xác nhất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ