Đọc sách giá rẻ!

03:51 CH @ Thứ Ba - 25 Tháng Bảy, 2017

Chưa khi nào thị trường sách Hà Nội sôi động như hiện nay. Dạo qua một số nhà sách lớn như: Tràng Tiền, Tiền Phong, Đông Tây... ta thấy rõ được sự “thay da đổi thịt” của các nhà xuất bản. Song giá cả của mỗi cuốn sách lại là vấn đề phải bàn. Rất nhiều người say mê đọc sách không dám bước chân vào các hiệu sách sang trọng. Vậy là các hiệu sách cũ, sách bán trên vỉa hè được dịp bung ra, phục vụ số độc giả ham đọc sách nhưng “hầu bao” hạn hẹp...

.

Đi tìm sách hiếm

Chị Nguyễn Thanh Phương (sinh viên khoa văn Trường ĐHSP) tự hào kể: “Tôi đã tìm được những cuốn sách hiếm, thậm chí cực quý từ đống sách cũ nát này đấy. Tất nhiên ở trong những hiệu sách lớn cũng chẳng có”.

Anh Lam (người bán hàng trên vỉa hè đường Tô Hiệu – Cầu Giấy) đưa ra cuốn Tuyển tập văn xuôi của Alếchxanđơ Puskin (Nhà xuất bản Cầu Vồng – 1985) trong đó gồm các truyện nổi tiếng như: Rôxlavliep, Đubrôngxki, Con Đầm Pích, Đêm Ai Cập, Người con gái viên đại úy. Anh nói: “Một người khách đã đặt tôi cuốn sách này, gần nửa năm mới tìm được đấy. Tôi mua được trong đám sách thanh lý ở một thư viện”.

Nhìn cuốn sách gáy đã sờn, bìa ngả màu nâu cũ... khiến người ta nhớ lại một thời kỳ sách quý hơn vàng theo đúng nghĩa đen của nó.

Hôm nay, chị Phương chọn được cuốn Giamilia truyện núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Xô viết Tsinghiz Aitơmatốp (Nhà xuất bản Cầu Vồng – 1984, in tại Liên Xô). Trong đó có truyện “Người thầy đầu tiên” mà chúng ta đã được học trích đoạn trong trường học. Giá cuốn sách cũ này là 15.000 đồng. Anh Lam bán hàng phát giá tôi thấy chị Phương lấy tiền ra trả ngay như sợ người khác mua mất.

Sau khi bới trong chồng sách, tôi chọn được tập truyện ngắn châu Mỹ latinh mang tên “Vũ điệu Torotumbo” được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tháng 4-1998. Tôi thích phong cách viết của những nhà văn vùng đất này. Có một cái gì đó thật nóng bỏng, rất riêng, ấn tượng. Truyện có những cái tên quen thuộc như: G.G. Macket, Hoan Runplô, Xênen Pat...

Ngoài sách văn học, bạn có thể tìm mua ở đây các loại sách kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa nghệ thuật... Đi tìm sách quý, đó là cái thú của nhiều độc giả, bởi những cuốn sách cũ quý hiếm không phải lúc nào cũng được tái bản. Hoặc có khi được “sơn son thếp vàng” chúng lại được bán với giá quá “mắc”.

Sách tái bản giảm giá từ 30%-40%

Tràng Tiền là một trung tâm sách lớn của Hà Nội. Tới đây, ngoài các nhà sách, bạn đọc sẽ được chứng kiến thị trường sách tự do hoạt động như thế nào? Đó là hậu quả của sự quản lý thiếu tính chặt chẽ đẩy tới việc in nối bản sách.

Trong các ngõ ở phố Tràng Tiền cũng như ở nhiều tuyến phố khác, đặc biệt là gần những nơi tập trung trường học, sách được bày bán công khai trên vỉa hè với nhiều chủng loại phong phú đa dạng. Điều đáng quan tâm tại đây là mỗi cuốn sách được giảm giá từ 30%-40% theo giá bìa. Như vậy, chỉ có vài bước chân mà mua sách trong hiệu phải trả theo đúng giá bìa, còn ngoài chợ đen giảm gần một nửa. Do giá rẻ, thị trường sách ngoài luồng xem ra “làm ăn” phát đạt hơn các nhà sách lớn. Đương nhiên những ai mua đúng giá bìa thì phải chịu thiệt thòi.

Cũng phải chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng trên là: Khi tái bản các cuốn sách trên, do hình thức sách được làm lại công phu, nên giá thành phát hành qua con đường chính thống khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Xuất phát từ thực tế này, lực lượng liên kết làm sách tư nhân đã tự “điều tiết” giá sách hợp lý để sớm thu hồi “đồng vốn” bỏ ra. Nhất là từ khi nhà nước bỏ cấp phép hành nghề kinh doanh xuất bản phẩm.

Về phản ứng của các nhà sách trước tình trạng sách bán bên ngoài rẻ hơn từ 30%-40%, theo ông Đoàn Tử Hoan – Giám đốc Nhà xuất bản Đông Tây, 32 Bà Triệu – thì đây là một vấn đề rất khó giải quyết. Việc này các cơ quan chức năng cần có các biện pháp kịp thời để thị trường sách sớm đi vào ổn định.

Cho tới thời điểm hiện nay sách in nối bản đã tràn ngập thị trường. Từ các loại sách văn học, lịch sử, luật pháp... đến các loại sách về đời sống: Bách khoa gia đình, Tìm hiểu tâm lý con trẻ, Cây thuốc quanh ta,... đến sách nhà trường: Giáo trình môn học, sách tin học, từ điển... và nó được bán với giá rất hợp lý. Tại một cửa hàng sách di động ở quận Thanh Xuân, anh Vũ Văn Khê đã mua bộ sách “Ngàn lẻ một đêm” (3 tập) với số tiền là 50.000 đồng, trong khi giá bìa của mỗi cuốn là 37.000 đồng. Anh Khê cho biết: “Giá bán như vậy tôi mới có thể mua được sách cho bọn trẻ...”.

Văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin

Thế hệ thiếu niên, nhi đồng ngày nay chỉ còn số ít thích những truyện mà cha mẹ chúng đã từng say mê đọc như: “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Quê nội” (Võ Quảng), “Đội du kích thiếu nhi Đình Bảng” (Xuân Sách), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng)... và mảng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú.

Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ con thích xem truyền hình, chơi games, vào mạng Internet. Ngoài ra, chúng còn đam mê đọc truyện tranh. Có thể thấy, truyện tranh hiện đại cuốn hút con trẻ bởi thế giới những phép mầu. Hầu hết nhân vật nào cũng có sức mạnh phi thường. Song đa phần đó chỉ là loại truyện đơn thuần giải trí, nếu đọc nhiều, chúng ta dễ mắc tính ảo tưởng vì các nhân vật trong truyện đều là siêu nhân. Bên cạnh đó, cũng khó phủ nhận một thực tế là trẻ em hôm nay thích thế giới truyện sôi động, độc đáo và chúng khó thích nghi với tác phẩm cổ điển đầy con chữ, mạch truyện yên ả... Nhiều nhà xuất bản đã vận động các cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi. Tuy nhiên, “món ăn” tinh thần qua các cuộc thi mới chỉ dừng lại ở mức “khai vị”.

Cũng trong một hiệu sách trên vỉa hè (đường Láng), chị Hoàng Thị Huệ quan niệm: “Cha mẹ phải là người định hướng cách chọn sách cho con trẻ ngay từ đầu, chứ không nên chiều theo ý thích của chúng”.

Anh Đặng Văn Hưng (một độc giả) nói rằng: “Tôi luôn mua truyện cổ tích Việt Nam về cho con tôi. Tôi nghĩ loại truyện này có tính giáo dục cao về lòng nhân ái. Tôi có mua những cuốn truyện hay của nước ngoài như: “Nanh Trắng”, “Những tấm lòng cao cả” (Jack London) hay thi thoảng những cuốn sách khoa học như cuốn “Những phát minh vĩ đại để bọn trẻ có vốn kiến thức khoa học nhất định”.

Đối với đội ngũ trí thức thì sách vẫn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu được, dù thông tin trên truyền hình, mạng Internet có cập nhật tới đâu. Đọc để trau dồi kiến thức, đọc để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm những con chữ khiến người ta nhớ lâu hơn, hiểu sâu hơn về một vấn đề.

Quay trở lại với thị trường sách đang trôi nổi hiện nay. Đã qua rồi một thời thiếu sách, hiếm sách. Độc giả nay có thể tìm bất cứ cuốn sách nào trong các hiệu sách, hay nói cách khác là bạn đọc giờ lại “bội thực” vì sách. Nhưng phải làm gì để có một giá cả ổn định, hợp lý cho số lượng độc giả tìm đến sách ngày càng nhiều, bởi lẽ số người đi mua sách giá rẻ mới chỉ là số ít, còn phần đông bạn đọc vẫn phải mua sách với giá bìa. Thành thử độc giả đều mơ ước ngày càng xuất hiện nhiều những hiệu sách vỉa hè để khi có một cuốn sách hay, họ còn đủ tiền mua. Điều chỉnh giá sách, mang sách đến không chỉ với người dân thành phố mà còn đến được với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nâng cao dân trí chẳng phải là mục tiêu chính trong chiến lược phát triển con người đó sao?

Nói về văn hóa đọc, nhà văn hóa Hữu Ngọc khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền...”.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: