Đọc lại một bài thơ của Lưu Quang Vũ
Việt Nam ơi
Về lại với 'Việt Nam ơi'...
... Là về với một bài thơ của Lưu Quang Vũ. Bài thơ được Vũ viết từ những năm đầu thập kỷ 70, nhưng chỉ sau khi Vũ mất khá lâu, khi trên thế giới này, cuộc đấu tranh ‘ai thắng ai’ chỉ còn có một bên muốn làm chiến sĩ, bài thơ mới được in ra nhờ tấm lòng của những người chí tình với thơ và với Vũ.
Trước khi trở thành một kịch tác gia với những kịch phẩm dữ dội nhất của sân khấu Việt Nam vào thập kỷ 80, Vũ đã là một nhà thơ. Và tôi tin rằng trong tâm tưởng bạn đọc, Vũ trước tiên và vĩnh viễn là một nhà thơ. Một nhà thơ, không phải hoàn toàn như Hoài Thanh nhận xét trong sự quy chiếu của lý luận chính thống: “...rất gắn với chế độ chúng ta... Cái buồn ở anh là cái buồn trung hậu.” ('Một cây bút trẻ nhiều triển vọng' - Tạp chí Văn học số 12 năm 1966). Ở độ tuổi hai mươi, vào lứa tuổi của những người đồng lứa thích hát ‘Bài ca Trường sơn’ (Gia Dũng) và tin rằng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật), Vũ đã chiết từ trái tim mình ra những câu thơ đạt tới sự vi tế, như:
Người đọc dễ nhận thấy từ đó một khả năng cảm biến cực kỳ bén nhạy trước nỗi đau, chứ không chỉ nỗi buồn. Những câu thơ như thế ở thời ấy của Vũ, hay những câu thơ sau của Bằng Việt:
đã từng phải nhận về mình những nhát búa của sự phê bình theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng: “ít sức sống, xa rời hiện thực cách mạng...”, v.v... Không biết sự phê bình ấy có phải là động lực chính làm biến đổi người bạn thơ song hành cùng Vũ thuở hoa niên trong tập thơ in chung Bếp lửa Hương cây thành một viên chức cao cấp không? Còn với Vũ, dường như sự phê bình ấy không có tác dụng. Đọc Vũ, có cảm giác Vũ đã gửi vào tất cả các kịch phẩm của mình cái Vũ thu được bằng thị giác, và dành cho thơ tất cả những gì sâu kín nhất, da thịt nhất mà Vũ cảm được từ trong vững bền mà mong manh của cuộc sống con người. Vũ làm thơ trước hết là vì những ẩn ức của riêng mình. Thơ - ấy là hình thức tự giải phóng của Vũ - điều không mấy nhà thơ cùng thời Vũ đạt tới.
Đất nước - hay đúng hơn là những quần thể người sống trên đó - Nhân dân - là một ám ảnh trong thơ Vũ. Chuyện bình thường với những nhà thơ. Nhưng sẽ là không thường nữa khi nhà thơ ấy không nói giống bất kỳ ai, mà lại là thành thực nhất, thiết tha nhất về Tổ quốc, về nhân dân mình. Đó là trường hợp của ‘Việt Nam ơi’.
Không một chú dẫn cụ thể nào về thời điểm ra đời của bài thơ ngoài dòng chữ in ở những trang đầu, bên dưới nhan đề tập Bầy ong trong đêm sâu (Thơ. 1970-1975). Nhưng dù không có dòng chú giải ấy, những ai đang ở độ tuổi ngoài ba mươi vẫn dễ dàng đoán ra được hiện thực lịch sử dân tộc đã động vào cảm quan thơ của Vũ. Chính là thế, là cái thời ấy, thời mỗi con người - từ trong tâm thức - đã rã rời, kinh hoàng bởi chiến tranh; nhưng chiều chiều trên những phố phường Hà Nội, loa phóng thanh vẫn truyền đi những giai âm của ‘Bài ca Hà Nội’, của ‘Hà Nội niềm tin và hy vọng’... Một cách đầy lý trí, một nửa nước Việt Nam vẫn cố tin và cố tự hào. Thơ về đất nước thời ấy, và cả thời không xa trước đấy, thường là tụng ca: ‘Đất nước’ (Nguyễn Đình Thi), ‘Xuân 67’, ‘Xuân 69’ (Tố Hữu), ‘Đất nước’ (Nam Hà), ‘Mặt đường khát vọng’ (Nguyễn Khoa Điềm), ‘Tình yêu và báo động’ (Bằng Việt)... ở đó đất nước được hình dung như là, và trước tiên là người sinh thành của những chiến công, của những anh hùng dũng sĩ.
Phù hợp với những hình dung như thế là trùng trùng điệp điệp những tán thán đầy tính xưng tụng, nguyện thề: ‘Hỡi ôi!’
Chưa bao giờ tôi thấy một bài thơ nào về đất nước có nhan đề giản dị như ‘Việt Nam ơi’ của Vũ. Từ gọi hỏi ‘ơi’ đã nhất thể hóa đất nước với con người, đã gợi ra sự gần gũi tột bậc giữa khách thể và chủ thể, đã mở ra một khát khao giãi bầy, khơi mở...về cuộc sống đơn giản, thiếu thốn, đầy nghiệt ngã thời chiến tranh:
Sự thống kê này mang sức lay cảm của thơ và chỉ những nhà thơ lớn mới làm được. Chỉ có những nhà thơ đã thoát khỏi sự ràng buộc của những quan niệm phức tạp hóa thơ mới có thề viết thế. Loạt tính từ - từ láy ‘rách rưới’, ‘leo lắt’, ‘lèo tèo’, hoặc chỉ giản đơn là những trạng từ ‘cạn’, ‘lạnh’, ‘đen’, ‘xa’, ‘sụt lở’... có giá trị như những gam màu tối trên những bức tranh về sự thống khổ của những con người của những danh họa. Dám viết như thế ở thời buổi ấy, Vũ đích thực là Người-Không-Biết-Sợ. (Giá từ hồi ấy những câu thơ này đến được với hồn ta!) Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì Vũ chưa khác mấy với những nhà thơ cùng thời. (Chẳng phải cũng vào những năm đó, Phạm Tiến Duật đã xuất hiện với một gương mặt khác qua ‘Vòng trắng’?) Cái động vào tâm thức người đọc khiến ta muốn khóc ở ‘Việt Nam ơi’ là những câu này:
Những dấu hỏi cuối câu khép lại từng khổ thơ đã tước bỏ hết những lớp hào quang mà nhà cầm quyền đã tô vẽ cho cuộc chiến lẽ ra chúng ta đã không phải lăn mình vào. Không phải cái ‘hùng’ đánh thức chúng ta. Đánh thức chúng ta là nỗi đau của chính chúng ta:
Phải đọc những câu thơ này trong sự đối sánh với những câu thơ thời ấy, viết về thời ấy:
mới thấy hết được sự can đảm của Vũ trong cách cảm nhận hiện thực, mới thấy hết sự quyết liệt của nhà thơ trẻ ấy trong cách đặt vấn đề:
Người ta định, Người ta muốn >< Việt Nam - Người.
Có cần chăng việc giải thích ngọn nguồn hai chữ ‘người ta’. Có cần chăng việc nói nhiều hơn về tình yêu Tổ quốc da diết của Vũ ở đây? - ở những câu hỏi mà chỉ có những tâm hồn lớn mới dám đặt ra cho mình?
Vũ yêu Tổ quốc bằng tình yêu của người dân thường, của Người-Dưới-Đáy (Ôxtrốpxki) và bằng tình yêu của một nhà thơ chỉ để mình bị chỉ đạo bằng một tinh thần duy nhất - Nhân bản, bởi độ rung của những ‘dây thần kinh xấu hổ’ (Bônđarép). Sẽ không khi nào ta tìm được ở những bài thơ cùng đề tài, cùng thời điểm ra đời với ‘Việt Nam ơi’ nỗi đau đớn tật cùng, cũng là tình yêu tột cùng đến độ sắp rơi vào mê loạn như những câu thơ này:
Dường như từ tiềm thức, Vũ đã cảm biết mình là người xa lạ giữa thời mình hiện hữu. Nhưng chẳng phải là thế này ư: trong những hoàn cảnh bi thương nhất của mỗi dân tộc, những nghệ sĩ - những kẻ xa lạ - những người điên - lại thành Người-Độc-Tỉnh, mà thiếu họ, thế gian đầy bất trắc này sẽ chỉ còn là những mê lộ. Đó là trường hợp của những Khuất Nguyên, Đốtxtôiépxki... và không nhiều các tên tuổi khác. Ở Việt Nam, đó là trường hợp của Vũ. Đau đớn lắm thay! Vinh hạnh lắm thay!
Cùng thời với Vũ, hầu như các nhà thơ đều bị cuốn vào cơn lốc của những cuộc hành quân. Điều dễ hiểu! Vũ đã từng đi trong đội ngũ, và Vũ đã ‘tuột xích’. Đấy là điều không thể khác ở một con người như Vũ. Khác với rất nhiều người yêu Tổ quốc rồi dần dần xa lạ hóa Tổ quốc, thể hiện Tổ quốc như một đối tượng để chiêm bái và loay hoay tự làm mất bóng mình trong bóng cả của Tổ quốc, Vũ - cũng chân thành như thế - nhưng lại chỉ ra quan hệ song đối giữa mình và Tổ quốc mình. Không còn là chiêm ngưỡng mà là chiêm nghiệm. Không còn là tráng ca mà là một khúc ai ca.
Vẫn lại là những câu hỏi tu từ ấy, khôn cùng day dứt và chua xót. Trong âm vọng ai oán của chúng, người ta cảm nhận được tất cả sự thống khổ của nước non này, của dân tộc này. (‘Việt Nam ơi’ có thể được coi là bi phẫn ca hiện đại.) Cũng chính từ đó, bỏng cháy một khát khao yên bình đã thăng hoa. Khát khao ấy đã được Vũ hóa giải thành tình yêu bông lúa, thành bóng chim, thành nắng, thành tiếng cười trẻ nhỏ. Lẽ dĩ nhiên vẻ đẹp của yên bình không chỉ là như thế. Nhưng cũng là lẽ dĩ nhiên, không thể có một hình dung khác về yên bình nếu thiếu đi những hình ảnh trên. Hạnh phúc bao giờ cũng giản dị:
Hiểu như thế mới, cảm hết được khát khao tuyệt vọng của Lưu Quang Vũ về đất nước!
Có thể một ai đó sẽ nói rằng bài thơ buồn quá, bi thảm quá. Mà quả vậy! Trùng điệp những câu hỏi cứa lòng kia không có tiếng trả lời. Nhưng đó là sự thực, không phải của thời xa xôi ấy mà còn của cả thời ta đang sống. Biết làm sao! Sức mạnh của thơ ca chính là ở chỗ đó, ở khả năng biết đau buồn và yêu thương, và làm cho người đọc cùng chung trải những nỗi niềm ấy. ‘Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét...’ (A.Tôlxtôi). Sẽ chỉ ‘còn lại tình yêu’ (Nguyễn Huy Thiệp). Sau tất cả những thăng trầm, dời đổi, trước và trên tình yêu gái trai là tình yêu Tổ quốc khó nghèo, cơ cực và tao loạn. Chỉ khi nào nói được đúng như thế về tình yêu Tổ quốc, thơ về Tổ quốc mới có thể lặng lẽ đi qua thời gian, lặng lẽ sống, không cần trò tung hứng của những người làm xiếc chữ. ‘Việt Nam ơi’ là một bài thơ như thế. Ở đó, chúng ta đã cảm thấy hết những dằn vặt suốt đời của Vũ. Từ thuở ấy - thời người ta cao giọng ‘Thời đánh Mỹ là thời tươi đẹp nhất. Tỏa nắng cho thơ là triệu triệu những anh hùng’ (Chế Lan Viên). Vũ đã không tin một cách dễ dàng rằng: ‘Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh’ (Hồ Chí Minh). Mấy ai (ở miền Bắc) đã dám không tin như thế? Vũ đã nghẹn ngào về một ‘Việt Nam khốn khổ’. Phải chăng, cái gọi là ‘văn học phản kháng’ sau này đã cắm rễ từ những tác phẩm chỉ được ấn hành trong trí nhớ của bạn bè như thơ Vũ? Và như thế, sẽ chẳng phải quá lời nếu nói rằng Vũ đã đóng góp nhiều nhất, sớm nhất cho văn học phản kháng - phần thơ. (Văn học phản kháng được biết chủ yếu qua văn xuôi. Xin xem lại ‘Mây trắng của đời tôi’ và ‘Bầy ong trong đêm sâu’ (Lưu Quang Vũ) trong so sánh với (ít nhất) giải thơ báo Văn Nghệ năm 1972.)
Thơ là người. Bằng nhân cách thơ của mình - chỉ ở riêng một ‘Việt Nam ơi’, Vũ xứng đáng có mặt trong đội ngũ hiếm hoi của những người hát rong của nhân dân trên đất nước đàn bầu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn