Chất lượng giáo dục qua những con số!

03:51 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười Một, 2003

Điểm số thi đại học: còn nhiều thông số gây nhiễu

Trong tổng số lượt thí sinh dự thi đại học năm 2003 là 943.407, chỉ có 13,5% thí sinh thi ĐH đạt 15 điểm trở lên cho cả 3 môn thi, có 5.731 thí sinh, cả 3 môn thi đều bị điểm 0, và chỉ có 0,08% thí sinh đạt điểm thi loại giỏi là 27 Như vậy, nếu so sánh những con số trên với tỷ lệ 92,6% thí sinh đã đậu tú tài trước đó chưa đầy 2 tháng, thì sự rúng động của xã hội là điều có thể hiểu được.

Trước hết, phân tích về thành phần thí sinh dự thi ĐH, gồm có: học sinh phổ thông, học sinh rớt năm trước nay thi lại (đa phần là thí sinh trình độ yếu), học sinh thi 2 đợt trong cùng kỳ thi, dĩ nhiên trong đó có một đợt thi “cầu may”, học sinh bổ túc văn hóa Tức là có đủ mọi trình độ tú tài cùng chạy đua vào ĐH.

Điều quan trọng là nếu so sánh cách tính điểm của 2 kỳ thi đại học và tú tài, thì chúng ta dễ thấy chúng hoàn toàn khác nhau:

Thi tốt nghiệp phổ thông có 6 môn: toán, lý, văn, sử, địa và ngoại ngữ, học sinh chỉ cần đạt tổng điểm 6 môn là 30 điểm trở lên và không có môn nào bị điểm liệt là 0 thì sẽ tốt nghiệp. Chưa kể, trong số 92,6% thí sinh tốt nghiệp, có đến 12,4% thí sinh có tổng điểm 6 môn dưới 30 điểm (diện thí sinh chính sách được hưởng điểm ưu tiên). Chính cách tính điểm này đã dẫn đến tình trạng, nhiều trường hợp thí sinh đậu tú tài trong tình trạng có 3-4 môn thi đều dưới điểm trung bình.

Với con số được đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố là có 5.731 lượt thí sinh bị điểm 0 cho cả 3 môn thi, kèm theo lời lý giải: đây là con số khó xác định chính xác vì một số ĐH lại tính điểm 0 vào cả những thí sinh bỏ thi.

Tại sao Bộ GD-ĐT không xử lý tiếp con số này để có cơ sở đánh giá chính xác việc học tập của học sinh mà lại để lửng lơ như hiện nay? Bởi, dù sao cũng khó có thể chấp nhận một học sinh tú tài, dù ở bất kỳ loại trình độ nào cũng không kiếm nổi cho mình dù chỉ là 1 điểm “danh dự”. Tất nhiên, ở đây, công tâm mà xét, cũng còn phải chú ý đến con số 79.137 thí sinh thi hai đợt cho cả hai khối thi khác nhau. Số thí sinh này chỉ tập trung thi chính thức ở một khối; khối còn lại là thi “cầu âu”. Với kiểu thi như vậy cũng dễ bị điểm kém và gây nhiễu cho công tác đánh giá chất lượng.

Phải chăng, do sự so sánh khập khiễng giữa 2 kỳ thi tú tài và đại học mà các nhà quản lý giáo dục chưa “tâm phục, khẩu phục” và còn khoảng cách với dư luận xã hội trong việc đánh giá chất lượng giáo dục?

Chính những con số của kỳ thi tú tài “tố cáo” chất lượng

Kỳ thi tú tài năm 2003, cả nước có 743.472 thí sinh dự thi và 688.455 thí sinh tốt nghiệp, tỷ lệ 92,6%. Trong đó, có tới 12,4% thí sinh diện chính sách được hưởng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích học nghề, tức là có tổng điểm 6 môn thi dưới 30.

Cũng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu mỗi môn thi đều lấy điểm 5 (điểm trung bình) là điểm đậu (tổng điểm đậu vẫn là 30) thì chỉ còn 38,7% học sinh đậu tú tài. Quả thật, với đề thi tú tài thường được ra ở trình độ kiến thức trung bình, mà cũng chỉ có khoảng 1/3 học sinh tú tài đạt được tầm trình độ trung bình của đề thi trở lên cho tất cả các môn thi, đây là điều mà các nhà quản lý giáo dục cần phải nghiên cứu nghiêm túc. Phải chăng chính những số liệu này đã “tố cáo” chất lượng thật của giáo dục phổ thông?

Ngành GD-ĐT đề ra chủ trương: giáo dục toàn diện với mọi học sinh phổ thông. Tức là các em học sinh phổ thông phải học đều các môn. Thế nhưng, chính qua cơ chế tính điểm đậu của kỳ thi tú tài (điểm liệt=0), Bộ GD-ĐT đang ngày càng phá vỡ chủ trương này.

Được biết, nhiều năm trước đây, kỳ thi tú tài chỉ có 4 môn thi và điểm liệt cho mỗi môn thi là 2. Trước dư luận xã hội cho rằng, thi chỉ có 4 môn là triệt tiêu chủ trương học đều các môn nơi học sinh. Thế là, bộ sửa sai bằng việc đề ra kỳ thi tú tài với 6 môn thi và cuối cùng điểm liệt chỉ còn là 0. Và qua thống kê của chính Bộ GD-ĐT cho thấy: kết quả điểm thi môn toán, lý rất thấp, các môn học thuộc như sử, địa có kết quả cao, nên “bù qua sớt lại”, đa phần học sinh sức học yếu, đậu tú tài nhờ “cần cù bù tài năng”.

Như vậy có những học sinh với điểm thi tú tài của 2-3 môn chỉ cần 1-2 điểm vẫn đậu. Chính cái điểm liệt bằng 0 đã “cứu” thành tích cho ngành giáo dục và cũng nó đang phá vỡ chủ trương học toàn diện nơi học sinh phổ thông và tiếp tay đưa vào đời sống nghề nghiệp những học sinh tú tài chất lượng thấp.

Theo SGGP

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác