Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là... bệnh nan y?
64,15% - tỷ lệ tốt nghiệp THCS ở Khánh Hòa - đã gây “sóng gió” cho tỉnh này trong suốt mấy tuần qua. Nhưng từ con số này đã nói lên điều gì trong cách dạy và học hay tổ chức thi cử?
Tiến sĩ giáo dục học, ông Lê Văn Hảo - ĐH Thủy sản (Nha Trang, Khánh Hòa) - trao đổi với Tuổi Trẻ:
Những năm gần đây, các vấn đề xã hội trong giáo dục luôn được đặt ra và lúc nào cũng nóng bỏng... Tôi cho rằng đấy là do nền giáo dục nước ta thiếu một định hướng mang tính chiến lược.
* Vừa qua tỉnh Khánh Hòa có kết quả thi tốt nghiệp THCS quá thấp so với mức bình thường của mọi năm. Tỉnh nhà bị “sốc” nhưng nhiều ý kiến khen là tỉnh “dũng cảm”. Riêng ông thấy thế nào?
- Thật ra, theo tôi, tỉnh cũng chẳng phải dũng cảm. Cho đến thời điểm này có thể nói là như vậy. Bởi vì nếu dũng cảm thật sự thì Ủy ban tỉnh đâu có vội vã ký văn bản xin thi lại lần hai. Hay nói cách khác nếu tỷ lệ đậu tốt nghiệp ấy nằm trong “ý đồ” của ngành giáo dục Khánh Hòa thì tỉnh sẽ kiên quyết giữ tỷ lệ tốt nghiệp đó rồi.
Còn đằng này, kết quả vừa công bố chưa bao lâu thì Ủy ban tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT cho thi lần nữa. Điều này cho thấy việc chủ động của Sở GD&ĐT Khánh Hòa có phần hạn chế, chưa lường trước được hết khả năng diễn ra như thế.
Tôi cũng cho rằng thi tốt nghiệp lần 2 chỉ là biện pháp “chữa cháy” và chẳng qua đấy cũng là biện pháp kỹ thuật nhằm nâng tỷ lệ tốt nghiệp lên mà thôi. Nhưng làm như vậy thì rất là nguy hiểm, bởi vì việc đó sẽ mang tính chất tiền lệ. Đó là chưa kể đến các địa phương khác có tỷ lệ tốt nghiệp THCS xấp xỉ như Khánh Hòa thì khiếu nại “Khánh Hòa thi lại được thì mắc gì tỉnh họ không thi lại được”, lúc đó sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền, rất là nguy hiểm.
* Nhưng có ý kiến cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp THCS ấy phản ánh chất lượng thực của ngành giáo dục Khánh Hòa?
- Thật ra nếu chỉ dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp để nói chất lượng giáo dục như thế nào thì cũng khó nhận định lắm. Thực tế lâu nay vẫn chưa có đánh giá nào về chất lượng giáo dục phổ thông thật sự được thuyết phục. Lí do hiện nay chúng ta chưa có chuẩn chung để đánh giá.
Trong khi kết quả thi tốt nghiệp đạt kết quả ra sao còn phụ thuộc phần lớn vào công tác ra đề, coi thi, chấm thi… Cụ thể như, thi tốt nghiệp THCS mỗi địa phương ra một đề thi và nếu áp vào các thước đo khác nhau như vậy thì làm sao đánh giá tương đối chuẩn mực cho được.
* Theo ông, “sự kiện Khánh Hòa” vừa qua nói lên điều gì trong cách dạy và học hay tổ chức thi cử… hiện nay ở bậc phổ thông?
- Dù có kỳ thi tốt nghiệp hay không thì vẫn thấy chất lượng giáo dục phổ thông còn quá nhiều vấn đề chưa đạt được những đòi hỏi của thực tế đời sống xã hội. Phải thẳng thắn nhìn nhận nền giáo dục nước ta chưa tạo ra được lớp học sinh năng động, ngoài những kiến thức nhất định trong chương trình phổ thông, thì học sinh cần được mở rộng các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày… Nền giáo dục của ta chú trọng quá nhiều vào kiến thức mà quên đi những điều cần thiết này.
* Dưới nhãn quan của ông, căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tốt nghiệp hay nói rộng hơn là chất lượng giáo dục?
- Cái này hoàn toàn đúng. Đó là thực trạng không những có ở bậc học phổ thông mà các bậc học khác cũng có, tất nhiên ở đại học thì ít hơn nhiều. Cái thực trạng này theo tôi hiện đang rất nặng nề, nhiều người xem thành tích của học sinh là thước đo đánh giá thầy cô giáo, đánh giá nhà trường… Cũng chính do cách nhìn như thế nên đã có những điều rất tệ hại xảy ra đối với ngành giáo dục.
* Thưa ông, bệnh thành tích trong ngành giáo dục bị dư luận lên án gay gắt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “chạy đua với thành tích” cũng là động lực để các thầy cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy…
- Bản thân ngành giáo dục cần có chấn chỉnh trước khi dư luận lên tiếng phê phán gay gắt bệnh thành tích. Chạy theo thành tích trong ngành giáo dục phải nhìn nhận đó là hiện tượng triền miên, xảy ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng ngành giáo dục cũng chưa có giải pháp nào để cho các thầy cô giáo hay nhà trường thoát khỏi những chỉ tiêu thành tích, buộc họ phải chạy theo. Cái này theo tôi xuất phát từ chính sách vĩ mô mà thôi. Nếu như ngành giáo dục mà không quan trọng hóa các chỉ tiêu đưa ra thì người thầy, nhà trường chạy theo làm gì.
Bởi vì đánh giá thầy cô giáo, đánh giá trường hàng năm… lâu nay hay dựa vào những con số, mà nhiều khi những con số ấy chưa nói lên được điều gì về chất lượng giáo dục. Cũng chính vì thế mà các thầy cô giáo trực tiếp dạy, rồi nhà trường phải cố gắng làm mọi cách để đạt được những con số đó. Cái thiếu ở chỗ là ngành giáo dục chưa có biện pháp đánh giá mang tính chất toàn diện mà chỉ đánh giá qua những con số khô khan như vậy, nên dẫn đến việc người ta tìm mọi cách để đạt được những con số đó.
* Và những điều xem ra rất phản giáo dục như như vậy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng thực của giáo dục phổ thông…
- Tất nhiên là có ảnh hưởng rồi. Nhưng cũng có nhiều trường, nhiều thầy cô giáo lấy việc thi đua để nâng cao chất lượng dạy và học, là điều nên khuyến khích, nên được động viên… Điều đáng lên án là những cách làm phản tác dụng để đạt chỉ tiêu thi đua. Ví dụ cố gắng tạo ra các điểm ảo qua các kỳ kiểm tra để làm cho học sinh mình giỏi hơn học sinh lớp bên cạnh, trường mình giỏi hơn trường bạn…
Cái cần bây giờ là làm sao có cách đánh giá người thầy, đánh giá chất lượng dạy và học theo chuẩn mức thống nhất, sát thực tế. Có như thế mới có thể hạn chế được những mặt trái.
Một điều cũng dễ nhận thấy là các thầy cô giáo hiện đang chịu sức ép giảng dạy rất lớn. Họ mất sự chủ động vì nội dung giảng dạy trong chương trình đã buộc họ phải chuyển tải hết đến người học, trong khi chương trình thì rất nặng nề. Tôi cũng có cảm giác như chương trình giáo dục càng cải cách thì càng nặng hơn. Sức ép đối với người giáo viên phổ thông càng ngày càng lớn.
Người giáo viên hầu như không có lối thoát nào khác ngoài việc cố gắng truyền đạt càng nhiều kiến thức cho học sinh thì càng tốt. Không khí lớp học rất buồn tẻ. Ở các nước phát triển rất hiếm thấy giờ học nào mà thầy cô giáo lúc nào cũng oang oang trên lớp mà thay vào đó là hình ảnh các em học sinh sinh hoạt nhóm, trao đổi về vấn đề gì đó… Nhưng trái lại, những hình ảnh đó thì rất hiếm thấy ở các trường phổ thông của nước ta.
* Theo ông tỉnh Khánh Hòa nên chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp THCS như vừa qua hay là phải tìm mọi cách để nâng tỷ lệ tốt nghiệp đó lên ở mức cao hơn, chẳng hạn như 99% hay 100%...?
- Nếu Khánh Hòa vẫn giữ tỷ lệ đó thì cũng rất khó, vì phải chịu sức ép dư luận rất lớn. Sức ép ở đây, theo tôi xuất phát từ sự chênh lệch tỷ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh, thành khác nhau. Nhiều người sẽ đặt vấn đề tại sao học sinh ở Khánh Hòa khá hơn so với nhiều địa phương khác mà phải chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn. Theo tôi, sức ép đó không dễ gì tỉnh Khánh Hòa vượt qua được…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt