Thầy cũng tụt hậu, ai lo?
Câu hỏi thường trực trong niềm tin của sinh viên trước những người thầy của mình: Sinh viên tụt hậu, đã có các thầy cập nhật, giúp đỡ. Vậy các thầy tụt hậu thì sao? Ai lo?
Bắt đầu từ một thông tin cũ nhưng vẫn còn thời sự, nhóm sinh viên "rỗi việc" ngồi tán gẫu với nhau lúc trà dư tửu hậu.
Tuấn, năm cuối Học viện Tài chính trầm tư: Hôm trước, một tin đọc được trên báo cứ "ám" tớ hoài. Theo số liệu thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước điều tra và công bố thì trong số 360 giáo sư được hỏi, chỉ 251 người (tức 69,7%) cho biết có sử dụng máy tính, 150 người (41,7%) có sử dụng Internet.
Nói cách khác, gần 60% các thầy "đầu ngành" không hội nhập với giới khoa học quốc tế qua mạng, không tiếp cận với khoa học kỹ thuật thế giới đang biến đổi từng ngày, chưa từng bước vào cái kho tư liệu vô tận để đào bới, bổ sung kiến thức cho mình...
Hùng - một sinh viên khác trong nhóm khẽ lắc đầu: Chỉ 1 tuần không theo dõi thời sự đã lạc hậu trước xã hội . Một tuần không theo dõi thời sự khoa học công nghệ, mà như người ta thường bảo, tiến như vũ bão, thì chẳng hiểu có bị lạc hậu không ? Đằng này, các thầy tách biệt mình với thế giới đã bao nhiêu năm ...
Vinh góp giọng: Chắc là không. Vì nếu các thầy thấy mình lạc hậu thì đã chẳng dám đứng trên bục giảng. Ông bác họ mình, trước phụ trách công nghệ các nhà máy thuộc Tổng Công ty Hoá chất.
Hôm nọ, có một cô biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục đến khẩn khoản nhờ ông viết một tập sách tham khảo, giới thiệu công nghệ các nhà máy hoá chất ở chính Việt Nam cho thầy giáo và học sinh phổ thông. Ông dứt khoát từ chối.
Ông bảo: Tôi về hưu 5, 7 năm rồi. Nay nhà máy nào cũng đổi mới công nghệ cả, tôi không nắm được nữa. Cô ta nói: Chẳng sao đâu bác. Nguyên lý thì bao giờ chẳng thế. Ông bác mình nổi cáu thực sự: Nhưng công nghệ thì nó khác.
Cô xui tôi cứ đem ba cái kiến thức cũ ra mà nói, đâm ra tôi lừa dối các thầy, các em học sinh à? Nhồi cho các em mớ kiến thức cũ ấy, tôi tạo ra một lớp học sinh lạc hậu với thời đại à?
Biến chúng thành bọn khủng long ngơ ngác à? Cô nhờ ai thì nhờ. Lương tâm không cho phép tôi làm việc đó.
Hải - cậu sinh viên "khôn ngoan" nhất hội - cười: To chuyện. Đừng lôi lương tâm vào đây. Ai cũng phải sống.
Tao mà được giữ lại Trường, tao cũng sẽ làm như các thầy, dạy luyện thi, dạy Cao đẳng do Trường mở thêm, dạy hàm thụ, ối tiền. Hàng chục triệu một tháng đấy nhé. Hơi đâu cập nhật kiến thức cho mệt.
Cái mác "Tiến sĩ" đấy, ai dám bảo mình là dốt nào. Có lần, báo SVVN nói một thầy dạy Hoá ở ĐH không biết bảng Hệ thống tuần hoàn Menđêlêép hiện nay có bao nhiêu nguyên tố, tao cam đoan đó là thầy tao đấy!
Bình - ĐH KHTN - tranh phần: Không, chính là thầy tao. Tao hỏi lại câu của báo, thầy bí và mắng: Chả có ai hỏi như em. Mà này, hình như bằng của "cụ" là bằng dởm hay sao ấy chúng mày ạ.
Một lần, ngờ ngợ về một đoạn trong giáo trình, tao giở một quyển sách tiếng Anh, gặp trúng tủ. Hoá ra thầy dịch sai. Mà đấy là tiếng Anh của tao thôi đấy nhé. Cụ không biết chữ default thời nay trong ngữ cảnh thông tin có nghĩa là "mặc định", nên cứ giải thích loằng ngoằng mãi.
Hùng dàn hoà: Thông cảm đi mày. Các cụ lớn tuổi rồi. Vi tính là công nghệ cao. Các cụ sợ cũng phải.
Bình không chịu: Nhưng chỉ sử dụng nó làm công cụ để cập nhật kiến thức, làm mới lại mình để đáp ứng nhu cầu giảng dạy thôi chứ nào có phải phần mềm phần cứng gì đâu mà bảo công nghệ cao.
Ở mình giờ đây vi tính cũng đã trở thành kỹ năng công cụ, có gì là ghê. Nói như các cậu, chẳng hoá ra bọn mình chỉ được học toàn những kiến thức cũ kỹ cả sao?
Ai lo?
Đức giọng rất buồn: Cũ kỹ ư? Đúng thế đấy! Mình thấy ông già mình mấy hôm nay cặm cụi dịch một quyển sách tiếng Nga. Hỏi, bảo dịch giúp một ông bạn làm giáo trình để dạy chuyên đề. Thấy sách ố vàng cả, mình tò mò lật tờ bìa ra xem: Sách in năm 1964.
Liên Xô vốn công nghệ không là phải tiên tiến, lại dùng cuốn giáo trình cách đây hơn 40 năm. Mình nói thẳng, không úp mở và chịu trách nhiệm về lời mình: Bạn ông già dạy khoa Luyện kim, Bách khoa.
Tuấn khẽ khàng: Căn bản là ở các thầy thôi. Vinh, cậu có tờ SVVN số mới không?
Anh chàng Vinh vốn là cán bộ lớp, đưa ra một tờ báo.
Tuấn bảo: "Tao đã ngó qua một bài của tay Ngô Tự Lập nào đó, đoạn nói về làm thế nào nâng cấp đội ngũ giảng viên, có câu này: "... Nhưng còn không tưởng hơn nữa nếu hy vọng rằng các nhà giáo của chúng ta có thể nhanh chóng tự mình trau dồi nâng cao trình độ để đáp ứng với đòi hỏi ngày càng khắt khe của giáo dục hiện đại". Câu này tao thấy đúng.
Minh trẻ nhất hội, mới hết năm đầu khoa Marketing một trường kinh tế, giọng rất "thị trường":
Thỉnh thoảng, em lại thấy trên báo, có ý kiến các thầy đề nghị nâng cao tuổi về hưu vì vốn kiến thức ấy nếu không được tận dụng sẽ là một sự lãng phí cực kỳ to lớn cho xã hội mà em cứ thấy khó nghĩ quá. Cứ nghỉ đúng chế độ thì lớp trẻ mới có chỗ đặt chân vào khoảnh đất kinh thư vụ viện vốn rất chật chội mà chỉ Nhà nước mới có.
Nếu vị nào có thực tài thì chẳng cần tiếp thị. Các trường (khác), các Viện, các công ty lại chẳng đánh nhau vỡ đầu để tranh nhau, trải thảm đỏ đón rước khác nào những ngôi sao bóng đá thế giới.
Lúc ấy mới có thể biết được thực chất mình đáng giá bao nhiêu. Và cũng chính lúc được làm theo khả năng mình là lúc đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.
Và vẫn cứ lo
Vinh cẩn thận hỏi tôi: Anh ghi gì đấy. Em để ý từ nãy, thấy anh cứ nghe và ghi. Chuyện đâu để đấy nhá.
Biết tôi là nhà báo, Tuấn kêu lên: Không được. Không đủ. Anh phải hứa cơ. Lọt ra ngoài là chết bọn em đấy. Đây là chuyện nói trộm các thầy.
- Các cậu hèn thế à ?
- Đúng. Chúng em hèn. Chúng em còn bố mẹ sẵn sàng trị cái tội hỗn láo, không "tôn sư trọng đạo". Chúng em còn thi cử. Chúng em sợ dư luận xã hội, không muốn trở thành những tác giả của "bài văn lạ". Chúng em còn bao nhiêu thứ để sợ hãi trước khi vào đời. Anh "trót" nghe, anh phải hứa với chúng em: Không viết !
Để thoả hiệp, tôi chọn giải pháp cứ ghi hết, vì dù sao cũng là một tiếng nói đáng được nghe, nhưng trước khi đăng báo phải trao lại cho mấy chàng sinh viên này duyệt.
Và đây là bài ghi chép đã được "duyệt" nên nội dung chỉ còn có vậy. Các bạn đã cắt và xoá mạnh tay tất cả những tên người cụ thể, địa chỉ cụ thể.
Nhưng cũng chẳng sao, vì dù sao câu chuyện cũng đã nói được một điều: Các thầy thường chỉ để ý đên cái nhìn của cấp trên, của đồng nghiệp, của dư luận xã hội. Còn có cái nhìn từ phía dưới nữa. Nó cũng tinh quái ra trò.
Nếu như các thầy dành một chút thời gian để đọc, để biết và để suy nghĩ thì chắc các thầy cũng đã trả lời được câu hỏi của SV hôm nay rồi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt