3 điểm yếu của doanh nhân Việt Nam

12:22 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Bảy, 2005

17 tuổi, bỏ ghế nhà trường để gia nhập Thanh niên xung phong, 19 tuổi đã chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Người ta biết đến Đặng Văn Khoa nhiều ở cương vị của một ông “hội đồng” trên diễn đàn HĐND TP.HCM với những chất vấn sát sườn về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, bức xúc của người dân.


Năm 24 tuổi, ông đã mở cửa hàng bán thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo. Ông tích lũy vốn liếng và có máu kinh doanh khá sớm?


Lúc đó đang học đại học sư phạm. Phải làm ăn vì không còn cách nào khác. Hai vợ chồng trẻ - tôi cưới vợ năm 22 tuổi - không vốn liếng, nghề nghiệp thì biết làm gì ngoài buôn bán để nuôi con, đi học. Không phải là một cửa hàng, mà chỉ là một chiếc tủ kiếng để nhờ trước góc nhà người ta bán đồ lặt vặt. 


Cơ duyên khiến ông gặp dầu thực vật Cái Lân?


Trời xui đất khiến sao đó chớ trước đó tôi không hề nghĩ mình sẽ buôn bán dầu ăn. Năm 1995 khi là phó chủ tịch hội tem, tôi có sang Singapore tham gia một cuộc triển lãm. Tình cờ gặp một vài người Singapore làm ngành dầu ăn. Thế là đứng ra nhập khẩu và phân phối cho dầu ăn hiệu Green Leaf tại Việt Nam. Năm 1996 tôi được hãng dầu ăn hiệu Neptune đề nghị làm nhà phân phối và tôi nhận lời.


Ông rất thành công khi làm nhà nhập khẩu và phân phối cho hãng dầu ăn này với doanh số mỗi năm cả chục triệu USD. Ở một góc độ nào đó thì điều này gây khó khăn không ít cho các hãng dầu ăn trong nước. Bí quyết tạo nên thành công này?


Công việc kinh doanh của tôi cũng đơn giản, bình thường, không có gì đặc sắc, đáng nói. Nếu có chút ít thành công chính là nhờ chữ tín và lòng nhiệt thành. Chữ tín lớn hơn, quan trọng hơn đồng vốn, khả năng, kinh nghiệm. 


Và nhiệt thành, thấy cái gì đúng, cái gì cần làm, cái gì phải đạo thì cứ lao vào làm hết mình. Đừng nghĩ mình làm gì cũng phải có lợi cho mình, có lợi ngay. Cứ làm đi, dù trước mắt chưa có gì nhưng rồi thời gian vài tháng, vài năm, có khi cả chục năm những điều tốt sẽ đến với mình từ những điều mình làm ngày trước. Không biết đó có phải là nhân - quả không?


Người cực đoan có thể bắt bẻ, là một đại biểu Hội đồng nhân dân, ông lại đem khả năng kinh doanh để phục vụ cho một tập đoàn nước ngoài. Năng lực của ông sẽ gây khó khăn cho nhiều nhà máy trong nước, làm cho sản phẩm nội địa mất sức cạnh tranh?


Tôi không phải là một người kinh doanh tài giỏi gì, tôi cũng chỉ là một người bình thường, lo làm ăn, kiếm tiền tạo cuộc sống tốt đẹp cho vợ con và góp một chút gì cho xã hội. 


Trở lại với câu hỏi, tôi xin chia sẻ với sự bắt bẻ đó. Nhưng sự bắt bẻ này có thể đặt ra với hàng ngàn, hàng vạn người Việt Nam đang làm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và cũng có thể cho hàng triệu người đang quản lý điều hành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên đất nước họ. Sự bắt bẻ lý thú, nhạy cảm, nhiều góc cạnh… này chắc khó có thể trao đổi hết ý nơi đây. 

Ông nghĩ gì về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn nước ngoài trên thị trường nội địa?


Các tập đoàn nước ngoài họ mạnh lắm. Mạnh về tài chính, về khả năng kinh doanh và cả con người. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ai cũng có cái mạnh, cái yếu riêng. Nên phát huy những ưu thế bản địa, lựa chọn con đường riêng phù hợp.

Tôi tin doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa ở những phân khúc, thị trường phù hợp. Chúng ta có không ít những doanh nghiệp thành công. 


Ông nhận xét gì về tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay?


Tôi chỉ dám chia sẻ đôi điều. Điều mà chúng ta rất cần là sự đoàn kết. Vốn liếng chưa nhiều, năng lực cạnh tranh chưa cao, mà lại không thể cởi mở, đoàn kết với nhau, thậm chí có khi còn chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh thì khó mà phát triển được.

Một mình cà phê Trung Nguyên với hoài bão xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam mà không có sự tiếp tay của những doanh nghiệp cùng ngành nghề thì biết đến chừng nào mới thực hiện được.

Một điểm yếu nữa của nhiều doanh nhân Việt Nam giai đoạn này là thiếu tính chuyên nghiệp, không được đào tạo bài bản căn cơ. Việc nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý hiện đại để nâng cao tính chuyên nghiệp là điều cấp bách. Tôi hy vọng vào lớp doanh nhân trẻ sau này, những người được đào tạo hoàn chỉnh, có "tri thức" kinh doanh.

Trong tương lai gần, tôi nghĩ rằng sẽ không còn chỗ đứng cho những doanh nghiệp "tự phát" như chúng tôi làm ăn mà không học hành đàng hoàng, chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính như thế hệ "du kích, tài tử" của chúng tôi thì khó mà làm ăn lớn được. 


Điều cuối cùng, đó là nhiều người trong chúng ta hưởng thụ sớm quá, phung phí, tự mãn sớm quá. Điều này làm hỏng đi hình ảnh của các doanh nhân, mất đi tính chiến đấu và khả năng cạnh tranh. Cần phải chắt chiu từng đồng tiền có được cho phát triển sản xuất, kinh doanh. 


Ở công ty dầu ăn Neptune, làm ăn có hiệu quả, doanh số ở thị trường Việt Nam hàng ngàn tỉ đồng nhưng cả bộ máy từ trên xuống dưới dùng xe 7 hay 9 chỗ, cũ, tầm tầm bậc trung. Họ chi cho kinh doanh tiếp thị thì sẵn sàng, nhưng cho tiệc tùng, xa xỉ thì không.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: