Đối thoại với tuổi đôi mươi
Tên sách:Đối thoại với tuổi đôi mươi
Tác giả: Vũ Đức Sao Biển
NXB: Trẻ
Năm xuất bản: 2010
Số trang: 283
Khổ sách: 12x20cm
Tuổi đôi mươi thân mến,
Trước hết, về mặt ngôn từ, các em cho phép tôi gọi là em và tự xưng ở ngôi thứ nhất là tôi. Tôi muốn viết cho các em thật nhiều, thật dài; nói được nhiều thứ chuyện ở trên đời. Thế nhưng quỹ thời gian của tôi thì quá ít và như người ta thường nói, mỗi khi cầm bút lên lại bỏ bút xuống. Tôi viết cái gì cho tuổi đôi mươi đây? Những kinh nghiệm của một
người cầm bút? Những kỷ niệm tươi đẹp của một thời đôi mươi phơi phới? Những gian truân của một đời người? Tất cả đều không đáng để nói đến bởi gần như nó chỉ liên quan đến một cá nhân - Cái tôi đáng ghét. Và cuối cùng, tôi đã nghĩ ra. Tôi muốn nói chuyện với các em, nói chuyện thật chân thành, thẳng thắn, cởi mở về tất cả mọi việc trên đời, trong cuộc sống của chúng ta. Tôi muốn nói với các em chuyện của chúng ta.
Tuổi đôi mươi là tuổi tươi đẹp nhất của đời người. Có thể em vừa tròn mười tám, mới thi đậu xong tú tài, đang chuẩn bị thi vào dại học. Có thể em vừa đúng đôi mươi, vừa tốt nghiệp từ một trường trung học dạy nghề. Có được bằng chứng nhận thợ bậc 3/7 trong tay nhưng chưa xin được việc làm. Có thể em đã tốt nghiệp cá nhân, may mắn có một công việc làm trong một cơ quan, đơn vị với đồng lương tháng khấm khá, đang mơ ướcc học thêm để bay cao, nhảy xa hơn. Cũng có thể em không được học hành tới nơi tới chốn, đang lỡ bước lầm đường; em gái đang đi bán bia ôm; em trai đang nằm trong trại giam. Có thể em đã tìm được một con đường lý tưởng, đang cầm súng để bảo vệ Tổ quốc hay đang miệt mài lao động trên các công trường, nông trường làm giàu cho đất nước.
Hãy cho phép tôi gọi chung các em là tuổi đôi mươi, một khái niệm “đôi mươi” mở rộng. Hãy cho phép tôi gọi các em là em, một danh xưng ở ngôi thứ hai, không phân biệt sang hèn, cao thấp. Hãy cho phép tôi đối thoại với các em qua tập sách này.
Đối thoại là con đường dẫn đến sự thông cảm, sự gần gũi giữa người và người. Đối thoại có nghĩa là tôi có thể sai, các em có thể đúng hoặc cả chúng ta đều có thể sai, đều có thể đúng. Đối thoại làm khoảng cách ngắn lại, tình người dài ra, nới rộng thể tích những tâm hồn. Đối thoại có nghĩa là không được phép áp đặt ý kiến, không lên gân dạy dỗ lẫn nhau. Đối thoại là cùng nói, cùng lắng nghe trong tinh thần quý trọng lẫn nhau. Tôi muốn được đối thoại với tất cả các em như vậy.
Thuở mới vào đời, tôi làm nghề dạy học. Hai mươi hai tuổi, tôi hàng ngày đã phải đối diện với các bạn học sinh suýt soát tuổi mình, có người đã mười chín, đôi mươi. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã phải tự che giấu con người thật của mình để làm tròn chức năng của đời sư phạm. Nghĩa là tôi đã áp đặt, mệnh lệnh, và thậm chí, độc tài. Điều may mắn là các anh chị học sinh ngày ấy đến bây giờ vẫn coi tôi là một người bạn lớn, chúng tôi vẫn đối xử với nhau chân thành, trân trọng. Tình cảm thầy trò vẫn như bát nước đầy, đã trên bốn mươi năm, vẫn thân cận như ngày nào. Tôi yêu nghề sư phạm biết bao nhiêu dẫu rằng nghề ấy đã buộc tôi phải che giấu đi bản chất nghệ sĩ lãng mạn của mình để làm một thứ khuôn mẫu. Vâng, khuôn mẫu cho tuổi đôi mươi.
Nhìn lại con đường đã qua, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận về bất kỳ một việc làm nào của mình. Ấy bởi vì tôi tự kiểm và thấy rằng mình chưa hề làm một điều gì sai trái trước lương tâm của chính mình. Cho nên, tôi nghĩ rằng ở một chừng mực nào đó, tôi có thể đối thoại với các em, với tư cách mình là một con người sạch sẽ, xứng đáng với niềm tin cậy của tuổi đôi mươi.
Chúng ta đang ở trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và của thiên niên kỷ thứ ba, con dân của một đất nước hòa bình, hạnh phúc và đang tiến lên phồn vinh. Thế nhưng, chúng ta cũng đang phải trả giá cho sự phát triển bởi một số giá trị tinh thần truyền thống đang có chiều hướng suy bại; một số giá trị đạo đức đang xuống cấp và có nguy cơ bị khinh rẻ; một số quan niệm sống thực dụng đang phát triển có nguy cơ tha hóa phẩm giá con người. Tôi muốn được đối thoại với các em xung quanh những nội dung ấy, góp phần cùng với nhiều người khác giúp em nhìn ra và tự khẳng định mình bằng một lối sống có ý nghĩa tích cực nhất. Tất cả mọi chuyện sẽ ngừng lại ở chỗ đặt vấn đề. Còn người lý giải vấn đề, tìm ra chìa khóa mở cánh cửa cho cuộc sống chính là các em.
Tôi mong tập sách nhỏ này là người bạn đường tốt trong những người bạn đường tối đối với các em. Thảng hoặc, có một đôi chỗ kiến thức hơi xa lạ với các em thì mong các em hiểu rằng cái văn hóa mà tôi hấp thụ được vốn như vậy; tôi phải trả lại đời như vậy.
Thân mến cùng các em,
Quận 12, tháng 1-2010
Mục lục
Đối Thoại Với Tuổi Đôi Mươi là những lời tâm sự rất chân thành,thẳng thắn của nhà văn Vũ Đức Sao Biển về những kinh nghiệm của người cầm bút, những kỉ niệm tươi đẹp của một thời đôi mươi phơi phới, những gian truân của một đời người.
Đối Thoại Với Tuổi Đôi Mươi sẽ là người bạn đường tốt trong những người bạn đường tốt đối với các bạn lứa tuổi đôi mươi.
Đối Thoại Với Tuổi Đôi Mươi giới thiệu những nội dung:
Chương 1: Tuổi thơ
Chương 2: Bỗng nhiên mà họ lớn
Chương 3: Nợ Vu Sơn
Chương 4: Ngày ấy đôi ta
Chương 5: Tiền
Chương 6: Thần tượng
Chương 7: Dâng hoa cho đời
Chương 8: Người trung thực
Chương 9: Bạo lực
Chương 10: Ăn
Chương 11: Mặc
Chương 12: Quê nhà yêu dấu
Chương 13: Vệ sinh tinh thần
Chương 14: Giao tiếp
Chương 15: Hạnh phúc và đau khổ
Chương 16: Học và hành
Chương 17: Việc làm
Chương 18: Người già
Chương 19: Kết từ
Kết từ
“Nè ông Sao Biển, ông đối thoại cái gì mà kỳ vậy? Từ trước tới sau, ông chỉ dành ông nói, có cho tôi trả lời câu nào đâu mà ông gọi là đối thoại với tuổi đôi mươi?” - ắt hẳn có em sẽ phiền trách tôi như vậy. Em trách vậy là phải đạo rồi. Đối thoại là có qua có lại, có hỏi có trả lời, có điều nhất trí cao nhưng cũng có điều cần phải phản biện, nghĩa là không nhất trí. Đối thoạikhông phải một mình mà đối thoại được và trong khi đối thoại, người ta không được áp đặt những suy nghĩ, những ý kiến của một lứa tuổi này buộc lứa tuổi khác phải nghe.
Vâng, tôi hiểu như vậy, các em ạ. Trên đây là những quan niệm sống của tôi, của một con người từng kinh qua con đường đau khổ, con đường không có gì vui. Tôi viết như một tư thế giãi bày, chờ đợi ở tuổi đôi mươi sự đón nhận và chia sẻ. Nói rằng đối thoại với các em thì chỉ là một cách nói, thực tế tôi đang độc thoại với tuổi đôi mươi của chính mình. Tôi sống hơi buồn và đơn điệu. Tôi đã trải qua một thời thanh xuân bát ngát, thời viết nhạc và yêu người, thời lãng mạn mộng mơ. Tôi đang đi tìm lại tuổi đôi mươi cho chính mình. Tôi đang cần nơi các em những phát biểu nhất trí và những ý kiến phản biện.
Thế nhưng, các em là ai, các em đang làm gì, các em ở đâu thì tôi chưa biết được. Bởi tôi là một tác giả viết sách mà em là một người đọc sách của tôi. Bởi chúng ta chưa hề quen nhau hoặc có quen nhau thì cũng chưa có cơ hội đối thoại thẳng thắn và cởi mở. Bởi trong sâu thẳm của lòng mình, tôi nhận biết là tôi đã lớn tuổi, đã là một người già mà quỹ thời gian không còn dư dụ lắm. Thế nhưng, tôi vẫn yêu cái thời thanh xuân bát ngát của mình, cái thời sống thật vô tư không hề biết nghĩ đến ngày mai. Tôi có cảm giác mình trẻ lại một chút và đôi khi, nhiều chút, bởi được viết cho các em tuổi đôi mươi đọc.
Thế thì đến đây, tôi mong được đọc cái mà các em viết cho tôi. Nghĩa là tôi mong được nhận nơi các em những thư từ, ý kiến trao đổi. Bởi tôi hy vọng quyển sách này được tái bản và sẽ đúng nghĩa biết bao nhiêu nếu tôi có được những bài viết của các em, những trang viết nói thực lòng mình. Như vậy, quyển sách sẽ có thêm một phần thứ hai khá quan trọng; đó là phần của tuổi đôi mươi viết, không phải là viết riêng cho tôi nữa mà là viết chung cho cả tuổi đôi mươi cùng đọc. Tôi muốn biến quyển sách này thành một chỗ hội thoại.
Hội thoại khác với đối thoại bởi đối thoại là tôi nói em nghe, em nói tôi nghe. Hội thoại là chúng ta cùng nói cho mọi người cùng nghe. Tôi mong được mở rộng chỉ giới hạn cho nhiều người cùng nói, nhiều người cùng nghe. Mỗi bạn đọc quyển sách này đều có quyền được phát biểu ý kiến. Ta hãy cùng nói, cùng nghe và cùng chia sẻ nhé.
Đọc qua một số trang blog, tôi có cảm giác người này nói về người kia đôi khi nặng nề quá. Tôi đề nghị với các em hãy nói, hãy viết thật lòng mình với một văn phong ôn hòa, rộng lượng, tôn trọng lẫn nhau. Các em cứ viết, dài ngắn tùy thích, về những điều thiết thân với tuổi đôi mươi và những cảm nhận của riêng mình. Trong phần viết của các em, nên tránh những chỉ trích cá nhân cụ thể.
Văn chương khi lên diễn đàn thì cần đến một độ trong sáng nhất định, một tính nghệ thuật nhất định. Các em cho phép tôi biên tập lại một chút các bài viết của các em trước khi chúng ta cùng “trình làng” quyển sách được tái bản. Bao giờ cũng phải có sự xử lý, biên tập nhất định các em ạ. Mong các em đừng ngại, đừng tự ái khi người ta xử lý câu, từ, ý nghĩa trong văn chương của em. Ngọc bất trác bất thành khí, văn không xử lý đọc hơi khó nghe – cổ nhân, xin lỗi, tôi nhớ mang máng có ai đã nói vậy. Không chừng vế trước là của cố nhân, vế sau là do... tôi thêm vào cũng nên.
Đời tôi có một cái yếu điểm lớn là tôi không có địa chỉ mail, không mở trang web, không... chat với ai (cái này mới là bậy!) và không viết blog bao giờ. Những thông tin về Vũ Đức Sao Biển trên mạng là do những người trong nước và ngoài nước viết chứ không phải do chính tôi viết ra. Các ca khúc của tôi trên mạng cũng không phải do chính tôi đưa. Chính vì vậy, có những thông tin còn sai sót, có những ca từ trong trên 40 bài hát của tôi bị viết sai. Tôi cũng chẳng hưỡn đâu mà xin cải chính và cũng chẳng biết phàn nàn với ai để họ sửa lại cho mình.
Để có thể góp mặt trong hội thoại này, các em cứ gởi thư thường về cho Nhà xuất bản Trẻ, 161B Lý Chính Thắng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc nếu các em muốn gửi qua mail, xin các em cứ dùng địa chỉ mail của nhà xuất bản, đầu thư nhớ đề: “Đối thoại với tuổi đôi mươi” để thư chúng ta đừng thất lạc trong đám “loạn quân” thư từ sách vở khác. Hãy tha cho tôi, tôi không biết chat, cũng chẳng biết nhận mail. Tôi là anh nhà quê, ngồi trước máy vi tính là đã run lẩy bẩy, y như anh mù ngồi trước... hoa hậu. Số điện thoại tay của tôi là 0903.935.147. Dễ nhớ lắm; bốn số đầu là mã Mobi, sáu số sau nói theo ngôn ngữ của... số đề thì là chín con dê, một con heo. Các em có cao hứng gọi thì cứ việc gọi. Còn lúc nào nó ò í e ý thì có nghĩa là tôi đang bận rộn việc quái gì đó. Có khi các em nhắn tin, tôi sẽ không trả lời bởi lẽ tôi sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng xin các em đừng gọi nhỡ; đau lòng tôi lắm vì tôi không biết được số điện thoại ấy là của ai. Giá thuốc huyết áp và tim mạch độ này không rẻ chút nào!
Tôi hay có thói quen cầm điện thoại lên là nói câu đầu tiên: “Dạ thưa tôi Sao Biển nghe đây”. Một câu ngây thơ, vô tội quen miệng như vậy thường hay bị bắt bẻ đấy các em ạ. Có người rầy tôi là khách sáo, là làm bộ. Rất mong các em cho phép tôi giữ cách nói đó, đừng phật lòng. Khi nào thân mật rồi, người ta mới có thể nói thoải mái một chút. Còn qua điện thoại thì bao giờ cũng nên giữ một chút lễ nghi bởi ta chưa biết người đang nói chuyện với ta là ai.
Nếu quyển sách được tái bản, các em có thể tìm thấy ý kiến hội thoại của mình được nêu trong đó. Còn việc giải quyết tặng sách cho các em thì tôi sẽ bàn lại với bên nhà xuất bản, coi ý kiến của họ ra sao bởi tôi không có quyền quyết định. Ở cuối thư, tôi cũng rất mong có số điện thoại và địa chỉ của các em (trong trường hơp các em thuận cho). Nếu có gì cần bàn bạc, tôi sẽ gọi cho các em. Vậy nhé.
Văn chương không phải để làm giàu làm có mặc dù tôi khẳng định với các em rằng tôi đã có thể nuôi sống gia đình trong nhiều năm qua nhờ tiền nhuận bút của văn chương và âm nhạc đem lại. Ngoài việc cầm bút, tôi không biết làm thêm một việc gì. Tuy vây, tôi vẫn tin rằng mục đích tối hậu của văn chương là sự chia sẻ, là tâm trạng ký thác cho nhau giữa người với người, giữa tôi và chúng ta, giữa chúng ta và chúng ta. Chính vì vậy, tôi cũng như nhà xuất bản rất mong nhận được những ý kiến của các em, của tuổi đôi mươi.
Thân mến cùng các em,
Tâm tình với giới trẻ
(Đăng Huỳnh)
Vũ Đức Sao Biển là người con của đất Quảng Nam, của dòng Thu Bồn mộng mơ. Ông khởi nghiệp là nhà giáo rồi chuyển sang sáng tác nhạc, viết văn, làm báo và là một nhà báo khá nổi tiếng. Hiện ông đang công tác tại báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Ông đã tâm sự với giới trẻ hôm nay những trải nghiệm về thời trẻ của ông và những góp ý về cách sống của giới trẻ hiện đại trong “Đối thoại với tuổi đôi mươi”. Tập phiếm luận được NXB Trẻ ấn hành tháng 1 năm 2010.
“Chúng ta cũng đang phải trả giá cho sự phát triển bởi một số giá trị tinh thần truyền thống đang có chiều hướng suy bại; một số giá trị đạo đức đang xuống cấp và có nguy cơ bị khinh rẻ; một số quan niệm sống thực dụng đang phát triển có nguy cơ tha hóa phẩm giá con người. Tôi muốn được đối thoại với các em xung quanh những nội dung ấy, góp phần cùng với nhiều người khác giúp em nhận ra và tự khẳng định mình bằng một lối sống có ý nghĩa tích cực nhất” (trang 7). Những lời chân tình trong phần đầu tập phiếm luận của nhà văn cũng là chủ đề xuyên suốt. 18 bài viết của ông, đặt ra là những vấn đề của giới trẻ trong cuộc sống hiện đại: ăn, mặc, giao tiếp, tiền bạc, ngưỡng mộ thần tượng, học và hành, cống hiến cho xã hội và cả sự bạo lực trong cuộc sống.
“Đối thoại với tuổi đôi mươi” được thể hiện bằng bút pháp tự sự nói lên những điều mà tác giả cảm nhận được từ cuộc sống hiện đại của tuổi đôi mươi hiện nay. Tác giả không “cao đạo”, “lên gân” theo kiểu phủ nhận vật chất mà ông thấu hiểu được những khó khăn, chật vật của “cơm, áo, gạo, tiền”, đặc biệt là với giới trẻ vùng nông thôn. Không ít người đã rời bỏ quê hương, làng xóm của mình lên những thành phố lớn để “đổi đời”. Thực tế, không ít người đã kiếm được tiền về giúp đỡ gia đình nhưng cũng có nhiều người vấp ngã... với những kết thúc buồn. Một thực trạng nhức nhối là một số người trẻ trở thành người thiếu trung thực, sống gian dối để mưu lợi: học hộ, thi hộ, xài bằng giả, giả chữ ký, con dấu... cho đến chuyện tình yêu – vốn được coi như là sự trong sáng của người trẻ. Tác giả gửi gắm ước muốn: “Xin hãy làm một người trung thực, từ việc nhỏ đến việc lớn, trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Xin hãy biết lắng nghe, biết nói thẳng...” (trang 142 – “Người trung thực”).
Vấn đề được đề cập nhiều là giới trẻ với “văn hóa công cộng”. Một đôi trai gái vào quán ăn. Cô gái kêu gần chục món sơn hào, hải vị đắt tiền nhất. Nhưng mỗi món cô nếm một tí rồi bỏ qua một bên. Đôi tình nhân ra về mà cả bàn đồ ăn còn nguyên! Hoặc có người vào quán vừa ăn vừa nói chuyện inh ỏi như chốn không người. Tác giả cảm thán: “Cái thói chảnh trong ăn uống, trong một số trường hợp đặc biệt, là có tội với người nghèo, với bà con của mình” và nhận xét: “Phong cách ăn thể hiện văn hóa của con người. Ăn từ tốn, chân tình là người có văn hóa” (trang 168 – “Ăn”).
“Đối thoại với tuổi đôi mươi” còn có những bài viết tâm sự với người trẻ hôm nay về phong cách, về sinh hoạt, việc làm, về cách đối nhân xử thế, ý thức trách nhiệm với đất nước, quê hương và người trẻ trước sự “xâm nhập” của văn hóa ngoại quốc...
Có thể nói suốt tập sách, Vũ Đức Sao Biển thủ thỉ, chia sẻ với những người trẻ ẩn chứa triết lý nhân văn sâu sắc, những sự thật về “mắt thấy tai nghe” của tác giả. Nếu nghiêm túc đọc từng trang sách, không chỉ là người trẻ, độc giả thấy mình trong đấy với những việc làm, cách sống.
Nội dung khác
Một cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời bạn
03/04/2017Gieo hạt giống cho một trí tuệ sâu sắc hơn!
14/12/2016Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì
06/12/2016Bùi Quang MinhBí mật hành trình tình yêu
28/06/2016David NivenHappy book: Hạnh phúc mỗi ngày
05/06/2016Thiện Đức Nguyễn Mạnh HùngBiển cả và Cuộc sống
12/04/2016Cách mạng học tập
21/04/2010Tốc độ của niềm tin
28/03/2010Trai nước Nam làm gì?
30/01/2010Hoàng Đạo ThúyTư duy tối ưu
22/01/2010"Bài giảng cuối cùng" - Khát vọng nở hoa trên cái chết
30/10/2009Vũ Duy MẫnHành trình lý giải những vướng mắc trong mối quan hệ không tốt đẹp của bạn
28/10/2009