Thói hư tật xấu của người Việt: Học đòi làm dáng, sùng ngoại quá nặng, ...
Học đòi làm dáng một cách sống sượng(Nguyễn Văn Vĩnh, Đăng cổ tùng báo, 1907)
Cứ chiều đến, độ sáu bảy giờ, đứng ở góc hồ Hoàn Kiểm, trông kẻ đi qua người đi lại, thấy ngứa mắt quá. Nhăng trông mấy ông ăn mặc quần áo Tây. Gớm, sao mà khéo bắt chước, giả sử sự học hành, sự buôn bán mà cũng bắt chước được khéo thế thì hay quá! Ông cổ cồn trắng, cổ nút xanh, nút đỏ, đầu thì mũ cỏ, tay thì ba toong, giày thì bóng nhoáng, hai ngón tay thì khéo gẩy gẩy cái nách áo gi-lê. Ông ngồi xe thực khéo lấy dáng. Ngày xưa cái ô lục soạn , cái điếu thuốc lá bọt. Nay những cái ấy đã cho là đồ cũ rồi. Cái xe Nhật Bản bây giờ cũng bỏ. Bây giờ có xe cao su, êm hơn mà ngồi ưỡn ra bệ vệ hơn nhiều. Tay cần quyển sách hay là cái nhật trình (1), mắt giả lờ trông thì lại ra tuồng (2) nữa.
Em (3) thực là người hiếu sự duy tân. Cách ăn mặc An Nam đội cái khăn bằng cái rế, búi tóc như quả bưu , áo lướt tha lướt tư ướt, giày lẹp cà lẹp kẹp, móng tay gãi đầu như người rũ chiếu thì cũng bẩn lắm thực. Em cũng muốn rằng người An Nam ăn mặc cho gọn gàng sạch sẽ diện mạo tinh nhanh, nhưng mà thấy những trò sài sơn (4)của các ông cũng ngứa mắt lắm.
(1) báo ra hàng ngày
(2) trông có vẻ phường tuồng.
(3) Bài này ký tên Đào Thị Loan là một trong những bút hiệu của Nguyễn Văn Vĩnh. Bởi in trong mục Nhời đàn bà, nên xưng "em”
(4) Ăn diện.
Cái hay của người không biết học(Nguyễn Trọng Thuật - Điều đình cái án quốc học, Nam Phong, 1931)
Từ Lê Hồng Đức bắt đầu gieo cái mầm cẩu thả , rồi Mạc Trịnh lại càng tài bồi cho thành cái rừng cẩu thả. Cẩu thả nên toàn mô phỏng, mô phỏng thì không còn biết biến hóa nữa. Như người học vẽ tranh mà làm cách lồng phóng hay là can-ke thì thế nào cũng không đúng. Kỳ cạch mãi càng không đúng, bấy giờ khoanh tay lại lắc đầu lè lưỡi mà rằng "Bức vẽ mẫu là thiên tài trời đã định, mà mình là bất tài trời đã định"... Bấy giờ dẫu có ai hoán anh cho biết cũng không tin, có ai biệt sáng biệt lập (1) cái gì cũng không thèm ngó tới.
(1) sáng tạo.
Óc sùng ngoại lại quá nặng(Nguyễn Trọng Thuật – Điều đình cái án quốc học, Nam Phong, 1931)
Anh thợ vẽ cầm lấy cái bút là vẽ ngay phpng cảnh Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự; thày đồ tìm đến cái bút là tả ngay lịch sử Hán Cao Tổ Trương Lương Hàn Tín; anh phường tuồng ra trò là diễn ngay tấn Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Thổ sản thổ hoá mà hễ cái gì tồi thì cho một tiếng "nam” vào để giễu, như cái áo tơi gọi là áo cừu nam sột soạt, anh chàng dở người mà hay bàn thời thế họ gọi là Gia Cát nam. Cái gì tốt thì cho một tiếng "tàu" vào để khen, như măng khô gọi là măng tàu. Ấy cũng vì tư tưởng đã thiên di như thể, những nhà chế tạo nội hóa rất khốn khổ, đồ tốt không bán được phải thất nghiệt, mà những đồ thô bỉ tầm thường thì may còn ngoi ngóp sống để kiếm ăn với những người quê mùa nghèo khó.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập