Sinh viên ta mắc “bệnh” thụ động trong học tập!
Sinh viên chờ thầy “dọn cơm sẵn”!
Làm thêm, dạy kèm, bán hàng , tiếp thị dẫn đến lơ là học tập, hoặc không theo nổi chương trình học ĐH là những lý do sinh viên bị buộc thôi học. Tuy nhiên đó không phải là lý do chính, vì có những sinh viên vừa học vừa làm thêm nhưng kết quả học tập vẫn đạt điểm cao.Theo giảng viên trẻ Trần Thanh Hiệp (Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM), biểu hiện rõ nhất là sinh viên không chịu tìm tòi sách, tài liệu phục vụ cho chuyên môn của mình, mặc dù trong phương pháp giảng dạy ĐH nhiều thầy cô lên lớp chỉ hướng dẫn và đưa ra những tư liệu, đầu sách cần thiết cho sinh viên tìm kiếm tham khảo.
Giảng viên Trần Thanh Hiệp kể rằng, có thời gian anh du học tại Pháp, thấy sinh viên ít khi lên lớp (trong khi đó ở Việt Nam hiện nay quy định buộc sinh viên ta phải có mặt tại lớp 80% thời gian học tập), mà đa số các bạn sinh viên ngồi học miệt mài ở thư viện, phòng đọc, hoặc tự nghiên cứu bài vở ở nhà. Ở trường ĐH, theo quy định hàng tuần sinh viên chỉ lên lớp báo cáo kết quả tham khảo, nghiên cứu tư liệu cho thầy giáo nghe.
Trong khi đó, về giảng dạy ở Việt Nam, anh thật khổ sở khi phải nhắc đi nhắc lại cho sinh viên từng ý bài học cho sinh viên vì sợ họ quên. Có những sinh viên không chịu đọc giáo trình trước khi đến lớp khiến anh phải ghi chú gạch từng ý trong trang giáo trình cho sinh viên. Anh phải “cầm tay chỉ việc” cho từng sinh viên... Hầu hết các bạn sinh viên học theo kiểu “Chờ thầy dọn cơm sẵn!” - Giảng viên Trần Thanh Hiệp nhận định như vậy.
Từ thực tế trên cho thấy bên cạnh chương trình học tập ĐH hiện nay đã nặng nề, thì công cụ để truyền tải kiến thức hiện nay cũng chưa lấy gì làm hài lòng. Chúng tôi đến thư viện ĐH thuộc ĐH Quốc Gia TP.HCM ở Thủ Đức vào ngày đầu tháng 11/2003. Nơi đây tập trung gần 10.000 sinh viên đang học tập nhưng chỉ lác đác vài bạn đến thư viện. Nhân viên quản lý thư viện cho biết, một ngày bình quân chỉ có khoảng chục em đến đây ngồi học, tìm tòi tư liệu. Có điều một số sinh viên đến mượn hai ba cuốn sách rồi đánh bài “chuồn” luôn, hết học kỳ mà vẫn không thấy bóng dáng các bạn đến thư viện để trả sách lại!
Trong trường hợp như vậy, buộc thư viện phải dùng biện pháp mạnh: báo cáo lên trường ra quyết định không cho các bạn sinh viên này thi hết học phần! Trong khi đó, giờ giảng dạy của giảng viên trên lớp không có gì hơn ngoài một cái micrô cứ ọc-ẹc theo kiểu “mạnh thầy thầy cứ nói”, còn lớp học đông đúc thì “mạnh trò, trò ngủ”.
Thiếu công cụ phục vụ học tập?
SV Trường CĐ Tài chính Kế toán 4 ngồi học giữa đường. Phải chăng học ở đây dễ chịu hơn trong lớp?
Nguyễn Ngọc Thành, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin cho biết “Với chương trình giảng dạy hiện nay trong lớp nhiều bạn không thể nào theo học nổi. Trường dạy theo học chế tín chỉ, nếu bạn không hoàn thành đúng quy định số tín chỉ trong một học kỳ thì số học phần đó sẽ bị dồn nợ đến học kỳ sau buộc phải đăng ký học trả. Cứ vậy, chỉ qua một năm học thứ nhất là có bạn sinh viên đã “bật ngửa” không thể kham nổi chương trình học!”. Còn bạn Cẩm Tú (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, đầu năm thầy cho một lọat gần 20 đầu sách lịch sử, bắt sinh viên đọc, một tuần sau lên lớp thầy kiểm tra, thảo luận. Nhiều bạn đọc được 4 đến 5 cuốn là muốn “đứt hơi”
Tại một hội thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy ĐH mới đây, một giáo sư ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã phải cảnh báo khi ông khám phá ra cách học tập của sinh viên mà ông trực tiếp giảng dạy hiện nay thụ động đến độ khó tin! Để kiểm nghiệm cách học thụ động này đến đâu, vị giáo sư đã làm cuộc điều tra bỏ túi: tuần đầu chỉ đứng giảng trên lớp cho sinh viên (và cả học viên cao học) ghi chép, kết quả chỉ 40% đạt điểm kiểm tra trên trung bình.Tuần hai, giáo sư lên lớp chỉ hướng dẫn đầu sách tham khảo, kết quả trên 60 % sinh viên đạt điểm trung bình. Trong hai tuần này, tinh thần học tập của sinh viên không mấy thích thú, thậm chí có người nằm ngủ gật! Nhưng đến tuần thứ ba, vị giáo sư áp dụng phương pháp gợi mở câu hỏi đề tài, thì cả lớp thảo luận, tranh cãi quyết liệt, và kết quả học tập khiến cho vị giáo sư hài lòng : 90% đạt điểm kiểm tra trên trung bình.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh - Trưởng ban công tác chính trị sinh viên ĐH Quốc Gia TP.HCM: “Hiện nay chúng ta chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo là không chỉ hô hào một cách đơn giản phải đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Tôi cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết cần phải chú trọng những điều kiện đi kèm như công cụ phục vụ học tập (sách, tư liệu, giáo trình, thư viện, trợ giảng ) mà những điều kiện này hiện các trường ĐH trong nước còn quá kém”.
Được biết, ở các nước tiên tiến, một giáo sư khi giảng dạy trên lớp luôn phải đi kèm từ một đến hai trợ giảng. Những trợ giảng này luôn đảm nhiệm công tác điều phối không khí lớp học, nội dung học tập của sinh viên và tổ chức những cemina cho sinh viên bàn thảo đề tài học tập, gợi mở kiến thức. Từ đó, người học bị lôi cuốn theo chiều hướng chủ động và sáng tạo. Vâng đó là chuyện ở các nước, còn ở các trường ĐH chúng ta hiện nay, để làm được việc này vẫn còn khoảng cách khá xa!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuProtagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi