Phút nói thật của giáo viên: Sự thật nhức nhối!

03:51 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Mười, 2003

Tên và nơi công tác của các giáo viên dám nói lên sự thật này xin được giấu. Bởi một lẽ đơn giản, nó không cần thiết, vì bản chất của vấn đề là bệnh thành tích và tính phổ biến của nó đang “ngự trị” ở khắp nơi.

Đếm đầu học sinh xuất sắc để thưởng

Nơi tôi công tác có đặt ra thêm nhiều sổ sách không cần thiết (10 loại) và chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, đây không phải là chỉ đạo của Phòng GD-ĐT mà là của ban giám hiệu trường. Vì năm nay, tất cả giáo viên các trường đều sử dụng chung giáo án in sẵn do thầy trưởng phòng chỉ đạo các trường chia nhau soạn và nộp lên Phòng GD-ĐT duyệt rồi in ra “nhượng lại” cho giáo viên dạy, chỉ bổ sung khi thấy cần thiết. Sổ sách quá nhiều làm mất thời gian, giáo viên không còn thời gian tập trung lo cho việc giảng dạy.

Về việc đặt ra các chỉ tiêu, tôi thấy cần thiết nhưng phải đúng thực tế. Ví dụ: Ở trường tôi, năm ngoái ban giám hiệu đưa ra chỉ tiêu: Lớp nào duy trì sĩ số đến cuối năm (100%) và có số học sinh xuất sắc 30% trở lên thưởng 50.000 đồng, nếu số học sinh xuất sắc từ 20% - 29% thưởng 30.000 đồng.

Điều này dẫn đến có lớp cuối năm chỉ có 1 em giỏi còn lại là học sinh xuất sắc (chiếm gần 100%), nhưng so với các lớp có số học sinh xuất sắc ít hơn thì chất lượng không bằng (cụ thể qua đợt khảo sát chất lượng đầu năm nay).

(Một số GV ở huyện H. - TPHCM)

Đau lòng khi phải hạ bút 5 điểm cho học sinh chỉ đáng điểm 1!

Tôi cũng xin được trình bày thêm một số điểm bất hợp lý trong cuộc đua rượt “chỉ tiêu” nhằm dựa vào đó đánh giá, xếp loại giáo viên:

1. Giáo viên đạt chiến sĩ thi đua hoặc giáo viên giỏi: Cuối năm không được có học sinh đạt điểm dưới 5/môn dạy.

Để lấy được danh hiệu này, nhiều giáo viên đã làm dù biết sai: Học sinh không học bài, không làm bài tập nhà, kiểm tra miệng hoặc 15 phút dưới điểm 5, giáo viên chỉ ghi vào sổ cá nhân của giáo viên, chứ không được vào sổ điểm lớp. Do nếu vào điểm ở sổ lớp rồi là học sinh không được cho làm kiểm tra lại để gỡ điểm.

2. Mỗi cột điểm kiểm tra hầu như mỗi giáo viên sau khi chấm vài trăm bài phải chép đi chép lại gần 5 lần cho 1 cột điểm.

Lần 1, giáo viên ghi vào sổ điểm cá nhân; lần 2 ghi vào sổ điểm ở lớp, lần 3 ghi vào sổ chủ nhiệm, lần 4 ghi vào sổ liên lạc học sinh (nếu là giáo viên chủ nhiệm) và lần 5 là ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm của nhà trường.

3. Khi học sinh khối 9 thi tốt nghiệp, hầu như toàn giáo viên được huy động đi dò bài, kiểm tra bài cho học sinh vào các buổi không có tiết dạy hoặc các buổi tối! Do đó cả ngày chủ nhật chúng tôi cũng phải đi dạy và học sinh cũng phải đi học.

Tôi thèm có thời gian để nâng cao kiến thức, được học tập để có cái nhìn sâu rộng, được sống thật với mình hơn. Tôi rất đau lòng khi phải hạ bút cho điểm 5 đối với học sinh nào không học hành, lười ỷ lại, bài vở chỉ đáng 1 điểm.

(Một số GV ở Q. T. - TPHCM)

Học sinh muốn rớt cũng khó mà rớt nổi!

Để đeo đuổi và giữ vững tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100%, Phòng GD-ĐT đưa ra những chỉ tiêu thật cao, để ban giám hiệu lấy đó làm chuẩn và chỉ tiêu phấn đấu của trường là phải bằng hoặc cao hơn nữa.

Thế là thầy và trò dù muốn hay không muốn cũng phải bơi trong suốt cả năm học bằng nhiều biện pháp như tăng tiết, phụ đạo, bồi dưỡng... qua nhiều hình thức thi đua muốn hụt hơi giữa trường với trường, giữa thầy với thầy, giữa trò với trò (đây chỉ là vòng 1).

Ở vòng 2 còn hấp dẫn hơn, trong ngày thi tốt nghiệp, các trò được căn dặn phải cố gắng làm bài cho tốt, nếu bí làm không được thì in đi vệ sinh, ở đây các em sẽ được cung cấp phao, có những em đi vệ sinh từ 2 - 3 lần cho một môn thi (đa phần là những em kém).

Vậy người cung cấp phao là ai? Đó cũng chính là những giám thị 3 được gài lại, hoặc bị nhờ. Có những giám thị 3 khác lại tất bật với nhiệm vụ của mình không xuể đưa học sinh tới nhà vệ sinh. Sau khi làm bài thi xong cũng không quên không được khóa bài làm, để được tiến hành ở giai đoạn 3.

Ở giai đoạn này, tức phần làm việc của ban giám khảo, vì chỉ tiêu cho 100% tốt nghiệp, đối với những bài không đủ điểm trong lần chấm sơ khởi, các bài thi này sẽ được làm “ảo thuật” là xong ngay, với những màu mực không khác gì màu mực của bài làm học sinh. Mặc dù trước khi chấm bài, các vị giám khảo này được sinh hoạt, làm công tác tư tưởng rất kỹ, rất “khéo”. Chả thế mà học sinh có muốn rớt cũng khó mà có thể rớt nổi.

(Một số GV ở Q. G. - TPHCM)

Chúng tôi phải đi ngược lại quy luật giáo dục

Tôi xin đơn cử ở trường tôi như sau: Đã từ lâu, Phòng GD-ĐT đã đặt ra một thứ luật bất thành văn về tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học và THCS ở các trường phải là 100%. Điều đó khiến giáo viên chúng tôi phải dạy nhồi nhét và xoay bài gạo cho học sinh rất phản khoa học (sang giai đoạn thi cử 5 học sinh theo 1 giáo viên trả bài cả sáng lẫn tối, rất mất thời gian và sức khỏe, giáo viên dạy cả ngày, có khi phải ở lại đến khi các em trả bài xong mới được về).

Có trường hợp học sinh quá lười thì cả trường lao đao, kiếm đủ mọi cách, kể cả tiêu cực trong kỳ thi để đạt đủ chỉ tiêu. Thử hỏi với cách đào tạo như vậy thì đằng sau các tỉ lệ đỗ tuyệt đối đó là các sản phẩm như thế nào? Là những người trực tiếp giảng dạy, chúng tôi rất đau lòng trước những căn bệnh thành tích đã ăn rất sâu khiến chúng tôi phải đi ngược lại quy luật của giáo dục.

(Một số GV ở Q. N. - TPHCM)


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển:

Tôi rất ngạc nhiên là có quá nhiều loại sổ sách như vậy !

Nhiều trường đưa ra chỉ tiêu học sinh lên lớp, tốt nghiệp... quá cao. Để đạt chỉ tiêu, giáo viên phải cho học sinh học bài mẫu trước hoặc nâng điểm khiến chất lượng giáo dục trở thành chất lượng “ảo”. Căn bệnh thành tích này làm sao ngăn chặn?

- Bộ GD-ĐT không bao giờ khuyến khích việc chạy theo thành tích. Thậm chí chúng tôi đã xử lý rất nghiêm.

Song căn bệnh này vẫn kéo dài. Bộ trưởng có thể trả lời thẳng vào vấn đề?

- Tình trạng này vẫn xảy ra. Việc ngăn chặn nói ra thì hơi dài, cần phải phân tích, nghiên cứu tại sao lại xảy ra tình trạng này rồi mới có hướng khắc phục.

Nguyên nhân thì có nhiều, chúng tôi sẽ có giải trình trước Quốc hội.

Nhiều trường quy định quá nhiều loại sổ sách, giáo án quá chi tiết mang nặng tính hình thức làm triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?

- Tôi cũng rất ngạc nhiên là rất nhiều loại sổ sách không hề có trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tôi nghĩ là sở GD-ĐT các tỉnh, TP chắc cũng không có hướng dẫn như vậy. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Trong các hội nghị của ngành, chúng tôi sẽ bàn với các giám đốc sở GD-ĐT vấn đề này.

Nhiều trường tổ chức dạy tăng tiết đồng loạt, bắt giáo viên dạy thêm giờ, tổ chức truy bài học sinh từ 6 giờ sáng đến 20 giờ 30 đêm, rồi hội họp liên tục... khiến giáo viên bị vắt kiệt sức. Họ là nạn nhân của căn bệnh hình thức và thành tích. Bộ trưởng làm gì để chấn chỉnh hiện tượng này?

- Tình trạng này không phải diễn ra phổ biến mà chỉ cá biệt ở một số trường, một số địa phương. Việc này, các địa phương chủ động giải quyết.

Theo Người lao động

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: