Lỗi của dân trí?

12:28 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?

Một người ít học, thậm chí mù chữ, nhưng tâm trí bình thường liệu có xả rác, phóng uế bừa bãi trong nhà của họ không? Một cậu thiếu niên học lớp 5 chẳng hạn, không thể không biết rằng ra đường phải đi lề bên phải, thấy đèn đỏ ở ngã tư phải dừng xe và rằng đêm khuya người ta cũng cần... đi ngủ.

Đó là những phép tắc rất sơ đẳng mà họ hoàn toàn biết rõ – nói chữ nghĩa một chút, họ hoàn toàn nhận thức được sự đúng-sai, được phép hay không được phép và hậu quả tốt hay xấu của hành vi đó.

Thế nhưng họ vẫn cứ làm những việc gây ảnh hưởng xấu cho người khác, cho xã hội. Nếu hiểu dân trí là trình độ nhận thức về hành vi, cách ứng xử đối với người chung quanh, rộng ra là xã hội của người bình thường thì những vi phạm phép tắc sơ đẳng đó hoàn toàn không do trình độ dân trí thấp.

Một vụ án hình sự trên địa bàn Hà Nội gây xôn xao dư luận gần đây càng cho thấy rằng dân trí không phải là nguyên nhân của nhiều hành vi phạm pháp. Những ông tiến sĩ (chủ mưu vụ tạt axit hàng xóm), thạc sĩ (chủ mưu vụ thuê côn đồ chém người giành bạn gái) hoàn toàn có dư kiến thức chuyên môn, và cả sự hiểu biết về luật pháp nói chung để dạy dỗ những người dân bình thường. Thậm chí trong đó có cả một quan chức có cỡ của ngành thanh tra - một ngành bảo vệ pháp luật. Thế nhưng họ vẫn hành xử như thể Nhà nước không có pháp luật, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn riêng theo kiểm đâm chém “giang hồ”. Rõ ràng không thể đổ lỗi cho “dân trí”.

Hẳn nhiên, khách quan mà nói, về nhiều phương diện, chẳng hạn kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý, kinh tế..., sự hiểu biết về tổ chức xã hội và nội dung chính của các bộ luật..., trình độ người dân bình thường nói chung còn thấp. Nhưng chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng như thuê côn đồ hành hung, tạt axit người khác... thì dứt khoát không dính dáng gì đến dân trí.

Vậy, nguyên nhân sâu xa nào khiến những người có hiểu biết nhất định, thậm chí có học vị cao, lại hành động như vậy? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan điều tra và các nhà xã hội học, luật học, tâm lý học, tội phạm học...

Ở đây chỉ xin ghi nhận đôi điều: tình trạng phạm pháp đã nghiêm trọng, tính răn đe của luật pháp đã quá yếu ớt, đã bị “lờn”.

Thứ đến, cần quan niệm đúng hơn, đầy đủ hơn về dân trí: xác định rõ đâu là cái cần nhắc nhở, cần trang bị và nâng cao đối với công dân nói chung và đâu là cái cần áp dụng nghiêm luật lệ, chấn chỉnh cứng rắn. Không nên nghĩ rằng, giáo dục luật pháp chỉ là công việc phổ biến, tuyên truyền về pháp luật mà chính việc thực thi pháp luật đúng đắn, nghiêm minh - từ pháp lệnh về xử lý hành chính (lâu nay hiếm khi nghe nói đến việc phạt vi cảnh), luật dân sự, luật kinh tế cho đến luật hình sự - là một cách giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Không lý do gì cứ đi “nhắc nhở, giáo dục” những người biết sai mà vẫn cứ làm.

Qua các vụ án này, một lần nữa, dư luật lại báo động về tình trạng “xuống cấp” đạo đức trong xã hội hiện nay. Phải chăng, trong nhiều thứ mà ta gọi là giáo dục đạo đức từ nhà trường, gia đình và xã hội lâu nay, còn thiếu hoặc là xem nhẹ nội dung giáo dục con người biết cách xử sự kiềm chế, tôn trọng và thân thiện với người khác, kể cả thân thiện với loài vật và thiên nhiên, sống sao cho khỏi thẹn với lương tâm, cho “có đức” như ông bà đã dạy?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: