Học như vẹt!

05:23 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Bảy, 2005

Cách dạy phổ biến vẫn là áp đặt máy móc, truyền thụ một chiều. Cách học vẫn là học vẹt, thuộc lòng mà không hiểu. Bởi chính người dạy nhiều khi cũng không cần thiết yêu cầu học sinh phải hiểu. Đề thi thì kiểm tra sự ghi nhớ chi li, máy móc đến mức một trận đánh phải nhớ ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, thu bao nhiêu vũ khí, phương tiện chiến tranh…

Có một thực tế hết sức phi lý là điểm số môn lịch sử của học sinh thường rất cao nhưng kiến thức lịch sử thì ngược lại. Xin nêu một dẫn chứng: kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2002-2003, môn lịch sử của TP.HCM có tỉ lệ học sinh đạt trung bình trở lên là 97,98%, trong đó có tới 88,30% đạt loại giỏi!

Lẽ ra với một tỉ lệ giỏi cao như vậy thì kiến thức lịch sử của con em chúng ta phải giỏi giang lắm chứ, cớ sao mà phải băn khoăn? Ấy vậy mà đáng lo thực! Thực tế là học xong, thi xong thì chữ thầy lại trả cho thầy, chỉ còn nỗi khiếp sợ đeo bám người học. Nỗi ám ảnh bởi ngày tháng, các con số kéo theo sự ác cảm với môn học.

Cách dạy và thi đã tạo cho HS một kiểu học rất lạ lùng. Những ai có con em đang học có thể kiểm chứng được điều này nữa. Hầu hết HS học môn lịch sử đều được gia đình mua cho một quyển sách giáo khoa lịch sử, nhưng ít có em nào đọc hết các bài học trong sách giáo khoa. Thậm chí có nhiều HS học xong năm học quyển sách giáo khoa vẫn mới tinh, và điểm tổng kết lại rất cao.

Vậy HS học ở đâu? Với các lớp bình thường thì ở lớp thầy cô đọc cho mấy cái gạch đầu dòng về học thuộc lòng, đến khi kiểm tra hay thi cứ thế mà chép ra. Còn với các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 thì đã có tài liệu hướng dẫn ôn tập mà thực chất là câu hỏi và câu trả lời bộ làm sẵn cho. (Hai năm nay, bộ không phát hành loại tài liệu ôn tập đó nhưng các trường vẫn sử dụng cái cũ để dạy - học - ôn thi).

Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều lời kêu cứu nhưng thực tế việc dạy - học môn lịch sử ở nhà trường phổ thông hiện nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Dường như chỉ có các bản thành tích là người ta viết hay hơn, khéo hơn. Còn người dạy vẫn cảm thấy bất lực, tủi thân và người học vẫn sợ môn học. Đến lúc nào thì người học yêu thích môn sử, người dạy cảm thấy tự hào được dạy một môn học giàu tính nhân văn như vậy?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: