Clip và bản dịch bài thơ ‘Đợi Anh Về’
Bức tranh trên cát không như bức tranh tĩnh mà là cả một câu chuyện tình cảm động trong Chiến tranh vệ quốc. Qua clip này, chúng ta cảm nhận được nhiều hơn về bài thơ Đợi Anh Về của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp.
Kseniya Simonova - một nghệ sĩ Ucraina sử dụng một hộp ánh sáng khổng lồ, âm nhạc ấn tượng, trí tưởng tượng và tài năng vẽ tranh trên cát để kể lại câu chuyện bi tráng thời chiến tranh vệ quốc Thế chiến II.
Đợi Anh Vềlà bài thơ rất hay của nhà thơ Xô Viết Xi-Mô-Nốp , đã được nhà thơ Tố Hữu dịch ra tiếngViệt (năm 1947) thông qua một bản dịch bằng tiếng Pháp . Bản dịch của Tố Hữu khá hay, và đã đi vào tâm hồn của biết bao người Việt Nam ...
.
Tuy nhiên tình cờ chúng tôi có được bài thơ này dưới dạng nguyên bản tiếng Nga, vì lòng yêu thích thơ và tiếng Nga tôi thử dịch lại. Bởi tôi thấy rằng bản dịch của Tố Hữu là không thật lột tả được cái hồn, cái chữ của nhà thơ Xô-Viết này.
Bài thơ dịch của Tố Hữu như sau:
Em ơi, đợi anh về Dù tuyết rơi gió nổi Tin Anh dù vắng vẻ, Em ơi, Em cứ đợi | Dù bạn viếng hồn Anh Thì Em ơi mặc bạn Đợi Anh, Anh lại về Nào có biết bao giờ Vì sao Anh chẳng chết |
Lời bình và sửa lại:
1. Trong khổ đầu, Tố Hữu dịch:
" Em ơi đợi Anh về
Đợi Anh hoài Em nhé "
Tố Hữu đã dùng câu điệp là thừa, hơn nữa từ " hoài" làm nghĩa câu thơ bị sái (hoài công, phí công). Cả hai câu này là lời nhắn nhủ của người lính ở xa. Anh nhắn nhủ thế là đúng, nhưng còn Anh thì sao? Không thấy nói đến. Do đó câu thơ trở nên một chiều.
Còn trong nguyên bản là :
" Em ơi, đợi Anh!
Anh sẽ về "
Hai câu là hai vế khác nhau. Một vế nhắn nhủ Em, còn một vế nhắn với Em rằng: Anh sẽ về. Đây là niềm tin hi vọng của cả hai bên, và cũng là niềm chung thủy của người lính ở ngoài mặt trận.
2. Câu thứ 8 và thứ 9 Tố Hữu dịch là :
" Bạn cũ có quên rồi
Đợi Anh hoài Em nhé "
Câu này không rõ nghĩa, không chuẩn về mặt ngữ pháp và nhắc lại từ " hoài" không đắt. Nội dung chính trong nguyên tác là :" Dù các bạn của Em, có ai đó đã quên người yêu của họ, thì riêng Em cứ chờ ". Hai câu có hai vế đối lập nhau, làm tăng thêm sức mạnh nội tâm về lòng chung thủy. Vậy nên dịch lại là :
" Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em cứ đợi "
Cụm từ " ai đó" ở đây có nghĩa không xác định, không chỉ một người cụ thể nào chứ không nên dịch như Tố Hữu là " bạn cũ có quên rồi" vì nó cụ thể quá làm bạc nghĩa. Ngoài ra, cụm từ " Dẫu ai đó"đối lập với cụm từ " Thì riêng Em" sẽ làm nổi bật lên sự kiên định của Em. Lời dịch của Tố Hữu không phản ánh được điều này.
3. Tiếp theo Tố Hữu dịch :
" Tin Anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì Em ơi cứ đợi ".
Dịch thế là sai nguyên tác, vì tác giả không hề nói :" Chẳng mong chi ngày về" nghe nó tuyệt vọng quá ( giống như từ " hoài" vậy ). Xi-Mô-Nốp không nói thế. Còn vô nghĩa là ở câu dịch :" Lòng ai dù tái tê", bởi " lòng ai" có nghĩa không xác định, không rõ đối tượng, còn trong nguyên bản đối tượng rất cụ thể là " Lòng Em" chứ không phải là một ai khác.
Nên dịch lại là:
"Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh dù chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ "
4. Còn một khổ dài Tố Hữu dịch là:
" Em ơi, Em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong Anh trở lại..."
Khổ thơ này gần như sai hoàn toàn so với nguyên tác. Trong bài thơ, Xi-Mô-Nốp nói: " Em chờ Anh, nhưng đừng có hoàn toàn mong những điều tốt lành. Bởi vì, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra cả. Nếu chẳng may Anh có hy sinh thì nỗi đau khổ của Em, Em phải gắng quên đi trong nghị lực, hãy giúp Mẹ nuôi con thay Anh...". Trong khổ thơ này, Tố Hữu một lần nữa lại dùng cụm từ không xác định " Dù ai nhớ thương ai" làm câu thơ trở nên vô hồn, không có nghĩa.
Thêm nữa, chỉ có 4 câu 5 chữ mà Tố Hữu đã 2 lần lặp lại , trùng văn , trùng ý: " Chẳng mong có ngày mai - .... - Hết mong Anh trở lại ...". Trong thơ của mình Xi - Mô - Nốp không hề có ý nghĩ tiêu cực về bà mẹ như lời dịch của Tố Hữu: " Dù mẹ già con dại - Hết mong Anh trở lại". Còn trong nguyên tác ý nghĩa rất tích cực của tác giả là : " Em hãy cố gắng quên khổ đau để nuôi Mẹ nuôi con" Tố Hữu lại bỏ mất. Có thể nói khổ thơ này dịch sai hoàn toàn cả ý, cả lời.
Nên dịch lại là :
"Chờ Anh, Anh sẽ về
( nhưng ) Đừng chỉ mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Nỗi đau cần phải quên...
Hãy nhìn vào Mẹ hiền
Và các con thơ dại...
... Nếu Anh không trở lại"
Như thế vừa sát nguyên văn, phản ánh được đúng tâm hồn của tác giả.
5. Lại một đoạn thơ rất hay của Xi-Mô-Nốp, nói với người vợ ở hậu phương rằng: " Nếu có người bạn gái của Em vẫn chờ chồng phương xa, thường ngồi bên cửa sổ nhâm nhi li rượu cay ( từ cay ở đây rất hay ) để có thể nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ, nỗi khổ, thì Em ơi, Em hãy cứ như bạn mà uống đi".
Nhưng Tố Hữu lại dịch khác hẳn:
" Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi Anh hoài Em nghe
Anh của Em sắp về"
Thì có thể nói gần như đã phóng bút đến mức bịa ra một ý khác hẳn. Trong nguyên tác, không hề có " nấm mồ xanh", không có " ai viếng hồn ai" cả. Còn câu: " Nâng chén tình dốc cạn..." thì không thể hiểu ý tứ gì, nghĩa lí gì được nữa. Phải dịch là :
" Như ai đó đợi chờ
Vẫn ngồi bên cửa sổ
Li rượu cay, nỗi nhớ
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ "
6. Và Xi-Mô-Nốp còn viết: " Nếu có người vợ nào đó có cầm lòng không được, thì đừng trách họ làm gì. Nhưng trong bom rơi đạn lửa ta (em và anh) vẫn biết chờ nhau". Tố Hữu dịch ra ngoài ý này: " Thì Em ơi mặc bạn -....". Nên dịch lại là:
" Đợi Anh! Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi "
Đoạn này nói lên tư tưởng thoáng đạt, niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người phụ nữ hậu phương có thể đi bước nữa, trong cảnh rất nhiều người chồng, người anh của họ đã ra đi mà không bao giờ có thể trở về.
7. Đoạn cuối Tố Hữu dịch là:
" Đợi Anh, anh sẽ về
Trong chết cười ngạo nghễ
Hẳn cho sự tình cờ...".
Trong nguyên tác không hề có sự " chết cười", không có " ngạo nghễ". Nói thế làm câu thơ không còn đẹp nữa. Trên đời không có sự tình cờ nào cả, mà nếu có thì cũng ra ngoài cái ý chí, lòng kiên định, sự tin tưởng của tác giả muốn nói. Cần phải dịch lại:
" Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau
Lúc Anh về, Anh biết "
Biết cái gì ? Tác giả đã lí giải và nên dịch lại đoạn này như sau:
" Chỉ có Em tha thiết
Dù dòng lệ cạn khô
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi ".
Sau đây là toàn bộ bài thơ “ Em ơi ! đợi anh về” của Simonop - được ông Nguyễn Tất San và anh Nguyễn Tất Thịnh dịch lại theo nguyên bản tiếngNga:
Đợi anh về
(bản dịch Nguyễn Tất San, Nguyễn Tất Thịnh)
Em ơi, Đợi anh,
Anh sẽ về
Dù mưa rơi dầm dề
Dù ngày buồn tái tê
Thì Em ơi, cứ đợi.
Dù gió Đông tuyết dội,
Dù nắng Hạ mưa rơi
Dẫu ai đó quên rồi
Thì riêng Em, cứ đợi.
Đợi Anh dù phương xa
Thư Anh thường chẳng lại
Dẫu lòng bao tê tái
Thì Em ơi, cứ chờ.
Chờ Anh, Anh sẽ về
Đừng mong điều tốt đẹp
Như Em từng đã biết
Có lúc cần phải quên.
Hãy nhìn vào mẹ hiền
Và con thơ bé dại
Em ơi, Em hãy chờ.
Như ai đó vẫn chờ,
Ngồi bên ô cửa sổ
Ly rượu cay nỗi nhớ,
Thì Em ơi uống đi
Cho lòng vơi nỗi khổ.
Đợi Anh, Anh sẽ về
Dẫu kề bên cái chết,
Nếu có ai quên hết
Chẳng biết đợi chờ ai
Đừng trách họ lạt phai
Đã không cam chờ đợi.
Trong bom rơi lửa dội
Chỉ ta biết chờ nhau
Em ngã vào lòng đau,
Lúc Anh về, Anh biết:
Anh biết Anh không chết
Đâu phải lẽ tình cờ.
Chỉ có Em tha thiết
Dẫu dòng lệ cạn khô,
Em của Anh biết chờ
Không như ai, chẳng đợi.
Năm 1954, nhạc sĩ Văn Chung (1914-1984) đã phổ thơ bài "Đợi Anh Về" của Konstantin Simonov (1915-1979). Ca sĩ Phạm Ngọc Lân đàn và hát, Phần đọc giữa bài hát diễn tả một ý quan trọng trong bài thơ của Simonov, không có trong ca khúc của Văn Chung, đó là : "Anh sống sót vì biết có em đợi anh".
"Đợi anh em nhé, anh về,
Kiêu hãnh nhạo cười cái chết
Cứ để ai không chờ đợi
Buông lời : Chỉ may đấy thôi !
Không đợi, làm sao họ biết
Giữa làn đạn lửa bom mưa
Việc em trông ngóng đợi chờ
Đã cứu cho anh khỏi chết.
Em ạ, chỉ đôi ta thôi
Hiểu nhờ đâu anh sống sót :
Đơn giản vì em biết đợi
Không như bao nhiêu người khác."
.
Tham khảo thêm bản dịch mới của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng:
Đợi anh về
(bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng)
Đợi anh, anh sẽ về
Chỉ có điều, hãy đợi
Cả khi buồn thầm gợi
Khi mưa trút lá vàng
Khi tuyết quét trên đường
Khi oi nồng nắng lửa
Khi ai không chờ nữa
Ngày qua họ quên rồi.
Hãy đợi khi xa xôi
Thư từ không còn tới
Hãy đợi, dù mệt mỏi
Những ai đã mong chờ.
Đợi anh, anh sẽ về
Đừng cầu chi phước huệ
Ai thuộc lòng cũng thế
Rằng đến lúc phải quên.
Dù mẹ, con trai tin
Anh đã không còn nữa,
Mặc bạn bên bếp lửa
Đã mỏi mệt đợi chờ
Tưởng nhớ linh hồn xưa
Nhấm nháp ly vang đắng
Xin em đừng vội uống
Với họ, chớ tán đồng.
Đợi anh, anh sẽ về
Dẫu cận kề cái chết
Ai bảo, do may hết!
Chắc họ hẳn không ngờ
Hiểu sao người đợi chờ
Như khơi hồng ngọn lửa
Bằng lòng mình mong nhớ
Em cứu độ đời anh.
Anh phục sinh thế nào
Chỉ em và anh biết
Đơn giản em biết chờ
Ngoài em, không ai hết!
Đợi anh về
(bản dịch Hồng Thanh Quang)
Đợi anh, anh sẽ về,
Hãy đợi chờ anh nhé.
Hãy đợi, mặc dầm dề
Mưa giăng buồn tái tê,
Hãy đợi, mặc tuyết giá,
Hãy đợi, dù nắng nôi,
Dù mọi người hết đợi,
Hôm qua quên lãng rồi.
Hãy đợi, dù xa ngái
Chẳng tới một dòng thư,
Hãy đợi, dù tất cả
Đã chán chê đợi chờ.
Đợi anh, anh sẽ về,
Chớ mong chi điều phúc
Cho tất cả ai người
Nghĩ giờ, quên phải lúc.
Dù con ta, mẹ ta
Đều tin rằng anh chết,
Dù bạn chờ đã mệt,
Bên bếp lửa quây quần
Sẽ cạn men rượu đắng
Tưởng niệm một linh hồn...
Đợi anh. Và cùng bạn
Chớ nâng ly vội vàng.
Đợi anh, anh sẽ về,
Chẳng xá gì chết chóc.
Mặc ai đó không ngờ,
Thốt lời: May được thoát!
Không đợi, làm sao biết
Giữa bão đạn mưa bom
Bằng mong ngóng chờ trông
Em cứu anh khỏi chết.
Anh nhờ đâu sống sót,
Mỗi đôi mình hiểu thôi,-
Chỉ vì em biết đợi
Khác ai ai trên đời...
Жди меня
В.С. , 1941
Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Жди, когда из дальних мест
Писем не придет,
Жди, когда уж надоест
Всем, кто вместе ждет.
Жди меня, и я вернусь,
Не желай добра
Всем, кто знает наизусть,
Что забыть пора.
Пусть поверят сын и мать
В то, что нет меня,
Пусть друзья устанут ждать,
Сядут у огня,
Выпьют горькое вино
На помин души...
Жди. И с ними заодно
Выпить не спеши.
Жди меня, и я вернусь,
Всем смертям назло.
Кто не ждал меня, тот пусть
Скажет: - Повезло.
Не понять, не ждавшим им,
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой.
Wait for me, So it will be
to Valentina Serova, 1941
Wait for me, and I'll come back!
Wait with all you've got!
Wait, when dreary yellow rains
Tell you, you should not.
Wait when snow is falling fast,
Wait when summer's hot,
Wait when yesterdays are past,
Others are forgot.
Wait, when from that far-off place,
Letters don't arrive.
Wait, when those with whom you wait
Doubt if I'm alive.
Wait for me, and I'll come back!
Wait in patience yet
When they tell you off by heart
That you should forget.
Even when my dearest ones
Say that I am lost,
Even when my friends give up,
Sit and count the cost,
Drink a glass of bitter wine
To the fallen friend -
Wait! And do not drink with them!
Wait until the end!
Wait for me and I'll come back,
Dodging every fate!
"What a bit of luck!" they'll say,
Those that would not wait.
They will never understand
How amidst the strife,
By your waiting for me, dear,
You had saved my life.
Only you and I will know
How you got me through.
Simply - you knew how to wait -
No one else but you.
(Simonov, 1941)
Si tu m'attends, je reviendrai,
Mais attends-moi très fort.
Attends, quand la pluie jaune
Apporte la tristesse,
Attends quand la neige tournoie,
Attends quand triomphe l'été
Attends quand le passé s'oublie
Et qu'on attend plus les autres.
Attends quand des pays lointains
Il ne viendra plus de courrier,
Attends, lorsque seront lassés
Ceux qui avec toi attendaient.
Si tu m'attends, je reviendrai.
Ne leur pardonne pas, à ceux
Qui vont trouver les mots pour dire
Qu'est venu le temps de l'oubli.
Et s'ils croient, mon fils et ma mère,
S'ils croient, que je ne suis plus,
Si les amis las de m'attendre
Viennent s'asseoire auprès du feu,
Et s'ils portent un toast funèbre
A la mémoire de mon âme..
Attends. Attends et avec eux
refuse de lever ton verre.
Si tu m'attends, je reviendrai
En dépit de toutes les morts.
Et qui ne m'a pas attendu
Peut bien dire : "C'est de la veine".
Ceux qui ne m'ont pas attendu
D'où le comprendraient-ils, comment
En plein milieu du feu,
Ton attente
M'a sauvé.
Comment j'ai survécu, seuls toi et moi
Nous le saurons,
C'est bien simple, tu auras su m'attendre,
comme personne.
Konstantin Mikhailovich Simonovsinh 1919 tại thành phố Sankt-Peterburg là một nhà văn, nhà thơ và nhà biên kịch Liên Xô nổi tiếng với những tác phẩm viết về Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Có lẽ tác phẩm được biết tới nhiều nhất của Simonov là bài thơ Đợi anh về(Жди меня), một trong những bài thơ hay và được biết đến nhiều nhất của Văn học Xô viết trong Thế chiến thứ hai.
Tháng 10 năm 1941, trong khi quân Đức đang tiến như vũ bão về thủ đô Moskva và Hồng quân đang lâm vào thế phải chống đỡ rất khó khăn, Konstantin Simonov đã cho ra đời bài thơ Đợi anh về(Жди меня).
Ban đầu, bài thơ được sáng tác với ý định dành tặng riêng cho người yêu của tác giả là nghệ sĩ Valentina Serova, nhưng tình cờ tâm trạng của người lính trong bài thơ đã trùng với tâm trạng chung của hàng triệu người lính Hồng quân đang chiến đấu trên mặt trận, vì vậy " Đợi anh về" đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Liên Xô và sau đó là nhiều nước khác trên Thế giới.
Cùng một ý tưởng về bản dịch "Đợi anh về", chungta.com xin giới thiệu bài thơ
Tình em lời Ngọc Sơn, nhạc Huy Du gần gũi với bài thơ trên.
Tình em (1962, thơ Ngọc Sơn, nhạc Huy Du)
Tình Em - Đăng Dương hát
.
Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Anh anh đi xa bao núi
Tình yêu như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng
Anh anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫy
Anh anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi !
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng
Nên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)