Dạy học theo tình huống
Bởi vậy, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến nhiều nước mới phát triển ở Đông Nam Á, trong GD người ta chú trọng đến cách học (phương pháp) nhiều hơn học cái gì (nội dung).
Với thầy giáo đúng nghĩa, chức năng chính yếu của họ là dạy cách học (thay vì truyền đạt nội dung). Với HS đúng nghĩa, nhiệm vụ quan yếu của họ là học cách học (thay vì “dùi mài kinh sử”).
Trong cách học, họ đề cao hai điều then chốt: 1. Tự học, 2. Sáng tạo. Hai mặt đó quan hệ mật thiết với nhau: sẽ không có sáng tạo nếu không có tự học tích cực; sẽ không thể tự học hiệu quả nếu không mài sắc trí sáng tạo. Tự học để khám phá nhận thức và khai phá sáng tạo. Sáng tạo để khẳng định sự tìm tòi siêu thoát trong tự học. Các nhà GD Nhật Bản và Singapore đều cho rằng đó là những kỹ năng “kép” cần cho một người HS hiện đại, để rút ngắn khoảng cách thua kém và để trở thành người chủ thật sự của tương lai.
Theo đó, họ không có (hoặc có rất ít) các bài giảng dài dòng lý thuyết. Hầu hết các giờ lên lớp của họ gồm những bài dạy theo cách hướng dẫn tìm tòi và nghiên cứu dựa trên vấn đề (hoặc dựa theo tình huống).
Ví dụ dạy về phản ứng sinh học, HS sẽ được tìm hiểu xem cơ thể con người tự chống lại độc tố của rượu bằng cách nào. Giáo viên hướng dẫn HS quan sát và nghiên cứu những thanh thiếu niên say rượu và ngã bệnh, rồi tự tìm ra những lời đáp cho các câu hỏi gợi ý sau đây:
- Những biểu hiện thường thấy (về phản ứng sinh học) của người say rượu?
- Những cách thức tự hóa giải (hoặc người khác giúp hóa giải) độc rượu lúc bị say hoặc lúc uống nhiều rượu?
- Xem xét tính hiệu quả và phản ứng phụ (nếu có) của các biện pháp hóa giải đó, nhất là với người đã có sẵn mầm bệnh?
- Tại sao một số người rất dễ bị say và say nhiều hơn người khác khi cùng uống một loại rượu?
- Cùng một mức độ say và cùng một cách giải độc, tại sao có người hóa giải được nhanh, người khác chậm?
- Chứng say rượu nhiều lần sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào về mặt thể chất, tinh thần và nhân cách?
...Để lý giải các vấn đề trên, ngoài việc tự suy nghĩ, HS có thể tiến hành nghiên cứu theo nhóm và tự tìm kiếm thêm những thông tin được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Cuối ngày hoặc cuối tuần, lớp học sẽ dành thời gian để các nhóm cử đại diện trình bày và bảo vệ những điều đã xem xét. Giáo viên tổng kết, điều chỉnh và bổ sung những thông tin quan trọng. Bài học được hoàn chỉnh trên cái sườn cơ bản do HS tự thiết kế và thi công - giáo viên chỉ đóng vai trò quản lý và phê duyệt “công trình” của HS trên cơ sở biểu dương các thành quả sáng tạo trong tìm tòi, học hỏi và ứng dụng.
Không nhất thiết bài học nào cũng được tiến hành theo cách đó, nhưng nếu trong một chương trình có 30 bài mà chỉ cần áp dụng cách dạy học đó cho năm bài thôi (1/6 chương trình) cũng là quí lắm. Những bài khác chia thành ba loại: loại dễ để HS tự học lấy, loại vừa cho HS trao đổi nhóm, loại khó để thầy giảng trên cơ sở gợi tình huống, phối hợp với thảo luận tại lớp. (Loại dễ và vừa không tiến hành ở trên lớp, nên không sợ “cháy” chương trình).
Những bài học về khoa học xã hội càng có điều kiện dễ dàng khi tiến hành cách dạy học như thế. Nó không đòi hỏi gì nhiều về vật chất, tiền của, thiết bị. Nhưng nó đòi hỏi người thầy phải biết cách tổ chức, hướng dẫn, “cài đặt” tình huống; đồng thời đòi hỏi người học phải luôn có sự tươi mới trong sáng tạo và một sự năng động trong tự học. Có thể tổng quát cách học như thế theo một tiến trình như sau:
Tự tìm tòi ‘Tự khám phá ‘Tự khai phá ‘Tự thử nghiệm ‘Tự đưa ra luận chứng ‘Tự đối chứng và phối kiểm ‘Tự tổng kết cách giải quyết vấn đề.
Dưới một góc độ khác, khi tình huống (được cài đặt sẵn trong sách giáo khoa hoặc do sự gia công sư phạm của thầy mà có) được biến thành sự kích thích trí tuệ nơi HS, thì quá trình làm việc của HS dưới sự dẫn dắt của giáo viên sẽ thực hiện theo ba bước:
A. Tự đào xới tình huống, để phát hiện vấn đề.
B. Tự phân tích tình huống, để lý giải và chứng minh vấn đề.
C. Tự tổng hợp dữ liệu, để kết luận vấn đề.
Minh họa như tình huống sau đây (do thầy giáo “cài đặt”): Một thợ lắp đặt nắp cống hình vuông tại một địa điểm trên đường lộ. Do nắp cống nặng nề và do vội vàng sơ ý khi đặt xuống, anh ta để nắp cống nghiêng theo đường chéo của miệng cống, nên nắp cống bị lọt xuống cống! Tình huống đó khiến người thiết kế miệng cống và nắp cống phải có cách cải tiến như thế nào cho khỏi xảy ra sự cố khi thi công?
HS sẽ lần lượt xem xét và xử lý theo ba bước nói trên:
A. Đào xới tình huống: đường chéo miệng cống là một khoảng hở dài hơn cạnh của nắp cống vuông. Đó là lý do nắp cống dễ bị lọt.
B. Phân tích tình huống: nếu không sơ ý, người thợ đặt cạnh của nắp cống song song với cạnh của miệng cống sẽ không gặp sự cố như đã xảy ra, vì độ dài của cạnh nắp bao giờ cũng lớn hơn độ dài của miệng cống. Tình hình sẽ ra sao nếu thiết kế miệng cống và nắp cống không theo hình vuông hay một hình bốn cạnh khác, hoặc chỉ ba cạnh thôi?
C. Tổng hợp dữ liệu: mọi kiểu hình bốn cạnh (thoi, vuông...) hoặc hình tam giác đều bất lợi cho sự di dời hoặc lắp đặt (dễ gây sự cố, vì thế nào cũng có độ lệch giữa các kích cỡ, nhất là đường chéo). Do vậy, chỉ có nắp cống và miệng cống hình tròn thì... vô tư! Khi đó, người thợ cứ thoải mái xoay chiều nào cũng được, không sợ lọt; khi cần vận chuyển lại rất dễ, chỉ việc dựng đứng và lăn nó đi, không cần khiêng.
Tóm lại, dạy học theo tình huống là một hình thức khoa học về việc dạy cách học, học cách học. Kiểu dạy học đó chẳng tốn kém gì, mà còn có ý nghĩa sư phạm rất lớn, vì nó sinh động, cụ thể, thực tế, đồng thời giúp giáo viên kịp thời phát hiện được những chỗ mạnh, chỗ yếu của HS để điều chỉnh, khích lệ.
HS sẽ năng động và dạn dĩ hơn, dần dần sẽ tự nâng mình lên trong nhận thức và hành động sáng tạo. Cách dạy học theo tình huống còn giúp HS cải thiện các kỹ năng sống và làm việc, như hợp tác theo nhóm gắn kết với độc lập suy nghĩ, tìm ra lối thoát và vượt lên chính mình bằng mọi cách sáng tạo.
Các nhà GD ở các nước phát triển còn xác định việc dạy học theo tình huống là khâu đột phá căn bản trong xu hướng đầu tư chiều sâu cho yêu cầu đổi mới công nghệ dạy học.
Quang Dương, Tuổi trẻ chủ nhật
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi