Có phải là tính hiếu học?

03:51 CH @ Thứ Bảy - 15 Tháng Chín, 2018

Từ lâu chúng ta vẫn nhấn mạnh và coi là một truyền thống tốt của người Việt chúng ta – đó là tính hiếu học. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một cái gì đó như là bản sắc tự hào của người Việt từ xưa và nay. Tính hiếu học, một tính tốt, là yếu tố tiềm năng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai đi tới một nền kinh tế tri thức.

Những điều thực tiễn quan sát được gợi cho tôi phải suy nghĩ về truyền thống hiếu học của người Việt chúng ta và tôi có phần hoài nghi về sự khẳng định tính hiếu học đó.

Từ lâu nay chúng ta vẫn hiểu nôm na hiếu học là ham học hỏi, ham hiểu biết. Trong từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn có giải thích từ hiếu học là có thái độ ham học.Vậy phải hiểu sự ham học trong hiếu học như thế nào cho đúng?

Tôi muốn nhìn cái tính hiếu học của con người từ góc độ thời gian – tính bằng cuộc đời con người. Theo thiển nghĩ của tôi, thái độ ham học của một người (mở rộng ra thì là của dân tộc) được trở thành tính hiếu học chỉ khi mà thái độ ham học hỏi, ham hiểu biết đó được duy trì và thể hiện ra trong thời gian tồn tại của người đó. Nói cách khác thì cái ham học đó khi được thấm sâu, biến thành một thứ bản năng, một thứ nhu cầu tự nhiên không thể thiếu được của người đó và được thể hiện ra trong suốt cuộc đời thì mới nên coi là đặc tính hiếu học.

Tôi xin tạm thử diễn giải suy nghĩ này bằng một phân tích nông cạn sau. Khi mới sinh còn là một sinh linh nhỏ bé chưa biết gì về thế giới xung quanh, còn phải nhờ sự che chở của mẹ cha, con người cũng như các động vật bậc cao khác trong tự nhiên luôn ham học, luôn muốn biết cái gì đang xảy ra quanh mình. Đó là một nhu cầu tự nhiên của mọi trẻ em trên trái đất nên chưa thể coi cái sự ham học hỏi, ham hiểu biết này là tính hiếu học. Mức độ ham học hỏi của con trẻ lúc ban đầu không giống nhau.

Sau cái thời trẻ thơ đó, dưới áp lực của xã hội mà con người trẻ tuổi đó sống, nó buộc phải học (phải đi học vì sự tồn tại của mình). Mặc dù cái nhu cầu ham học, ham hiểu biết tự nhiên của nó vẫn còn nguyên như trước đây, nhưng cần thiết phải cung cấp cho nó để sau này nó trở thành “người của xã hội”. Trong giai đoạn này của cuộc đời, cái thái độ ham học đã không còn nguyên vẹn, tự nhiên như ban đầu nữa mà nó sẽ là sự ham học có ý thức. Hai nhu cầu học tự nhiên và nhu cầu học do xã hội tạo nên có thể trùng hợp, hoà vào nhau làm một mà cũng có thể tách riêng, cùng tồn tại và có khi còn trở nên đối ngược nhau. Khi chúng ta hoà hợp với nhau thì, như ngôn ngữ vật lý, sẽ có sự cộng hưởng. Sự cộng hưởng đó tạo ra cái mới thúc đẩy sự ham học lên một chất mới, thấm sâu vào con người như một thứ bản tính hiếu học của một người. Kết quả của tính hiéu học sẽ là những cái mới về tri thức góp cho xã hội tiến lên. Khi không có sự hoà hợp, cộng hưởng giữa hai nhu cầu học hỏi này thì có thể có nhiều loại thái độ ham học khác nhau như GS Cao Xuân Hạo đã nêu trong bài viết trên tuần báo Văn nghệ số 19 (2001). Tôi nghĩ ở giai đoạn con người khi đã “học xong” theo nhu cầu học của xã hội, tức là qua sự ham học có ý thức, mới là lúc có thể đánh giá về tính hiếu học của con người đó. Mỗi người kết thúc giai đoạn học có ý thức này khác nhau. Có người chỉ dừng ở trình độ phổ thông, có người xong đại học, có người may mắn có học vị tiến sĩ, thậm chí thêm cả chức danh giáo sư (phó giáo sư). Theo tôi nghĩ một khi người nào đó còn đeo đuổi việc học nhằm đạt được một học vị nào đó phục vụ cho việc thăng tiến, chiếm giữ vị trí xã hội có quyền lực thì chưa nên gọi đó là người có tính hiếu học. Khi đó sự học còn chưa thoát khỏi giai đoạn học bởi áp lực xã hội, bởi cái việc học đó của họ chưa là bản năng, là nhu cầu tự nhiên muốn hiểu biết.

Trong lịch sử nước ta, như 82 tấm bia đá trong Văn Miếu Hà Nội cho biết thì nước ta đã có 1306 vị tiến sĩ, trong đó có 47 trạng nguyên (là thủ khoa trong các kỳ thi tiến sĩ). Con số đó có nói lên cái tính hiếu học của người Việt Nam ta chưa? Theo tôi nghĩ thì đại đa số các vị trạng nguyên, tiến sĩ đời xưa học là để tìm lấy một vị trí cao trong xã hội, là để ra làm quan. Sau khi ra làm quan liệu có bao nhiêu vị trạng nguyên, tiến sĩ vẫn còn ham học để nâng cao kho tri thức, hiểu biết của mình để phục vụ cho sự phát triển xã hội, cho loài người? Trong lịch sử nước ta cũng có những người hiếu học thực sự và vì thế mà mặc dù họ có thể không là trạng nguyên mà vẫn được lịch sử ghi nhận là những đại trí thức, bác học của dân tộc như Lương Thế Vinh, Hưng Đạo vương, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Hồ Chí Minh... bởi những gì mà họ để lại cho dân tộc, cho các đời sau là những di sản trí tuệ vô giá, niềm tự hào của văn hoá Việt Nam. Chỉ tiếc rằng số người này rất ít so với số tiến sĩ, trạng nguyên. Và ngày nay, trong số gần 14.000 tiến sĩ và giáo sư, phó giáo sư ta đang có, liệu có bao nhiêu người có được công trình xứng đáng làm rạng danh tên Việt Nam trong khu vực hay trên thế giới bởi sự đóng góp làm giàu kho kiến thức của nhân loại? Khi so sánh cái sự ham học của người phương Đông và phương Tây, tôi cho rằng người ở phương Tây có lẽ là hiếu học bởi họ luôn muốn biết cái mới, tìm cái mới trong suốt cuộc đời họ. Có thể vì tính hiếu học của người phương Tây mà sự phát triển của khoa học và công nghệ thế giới chủ yếu là sự phát triển của khoa học và công nghệ phương Tây, mặc dù nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ... có lịch sử cả nghìn năm trước châu Âu. Tôi đọc thấy trên báo có đăng tin lạ về những cụ già ở các nước châu Âu tuổi ngoài 60, thậm chí 70 vẫn còn đi học đại học bởi nhu cầu muốn có hiểu biết. Còn cái nguyên tắc học suốt đời mà chúng ta hiện nay đang bắt đầu nói nhiều trong các hội thảo, trong sách báo cũng là quan niệm rất phổ biến, là thực tế bình thường ở các nước châu Âu từ lâu rồi. Thực ra ngày nay, có không ít nhà khoa học danh tiếng, kể cả được giải Nobel là người Trung Hoa, Ấn Độ, Pakistan... ví dụ đã có 6 người Trung Hoa được giải Nobel. Nhưng thật đáng tiếc là những người gốc phương Đông này đều lại sống và làm việc tại Mỹ hoặc các nước châu Âu. Môi trường xã hội thuận lợi là yếu tố quan trọng tạo nên tính hiếu học cho con người như đã thấy trong sự phát triển đáng kể về khoa học và công nghệ của một số nước phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... những năm cuối của thế kỷ 20.

Cũng từ quan sát của mình, tôi lại thấy băn khoăn vì sao có không ít người Việt đã sống và làm việc nhiều năm tại châu Âu mà hình như cũng có không bao nhiêu người Việt ta có danh tiếng trong thiên hạ, cả trong hoạt động khoa học, công nghệ và trong kinh doanh. Từ những suy nghĩ về ham học và tính hiếu học kể trên tôi thấy rằng có lẽ lúc này cái ham học hỏi của người Việt Nam ta phải gọi là tính chịu khó học mà thôi. Chịu khó học bởi rất nhiều người Việt trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vẫn chịu đựng được để học tập nhằm đạt được danh vị với mục đích để thoát khỏi vị trí thấp trong xã hội, để được làm quan, được người đời kính trọng, được sống sung sướng hơn.

Cái tâm lý này cả xưa và nay vẫn là chủ đạo như vậy. Nhưng truyền thống chịu khó học của người Việt ta là tiền đề rất tốt cho việc hình thành tính hiếu học - một yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển tương lai của đất nước.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng thu nhận tri thức kiểu... “văn hoá quà vặt”

    14/06/2019Vân LongThời gian cho mỗi người như một tấm vải, nếu tập trung ta có thể may được vài bộ áo quần tử tế. Nếu thu nhận tri thức theo kiểu “văn hoá quà vặt” “kiến thức quà vặt”, ta sẽ chỉ có được những “chiếc khăn tay sặc sỡ vụn vặt mà thôi.
  • Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử

    25/05/2016Trần Ngọc VươngNền kinh tế tri thức ở quy mô toàn xã hội tự nhiên đòi hỏi mọi thành viên của xã hội ấy đồng thời là những người năng sản bằng trí tuệ. Kiến tạo một xã hội học tập, không nghi ngờ gì nữa, là một con đường tất yếu mà Việt Nam phải khẩn trương hướng tới. Bài viết này xuất phát từ một góc nhìn cụ thể, là góc nhìn về logic - lịch sử sự vận động...
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Tư duy "kinh kệ": Đương đầu với cái sai

    06/12/2014Số liệu thống kê từ các nước phát triển cho biết kể từ 1995, tối thiểu mỗi ngày có ít nhất 4.000 tựa sách khoa học được phát hành và bổ sung vào thư mục ở các thư viện ĐH và trung tâm nghiên cứu...