Bàn về cái Đẹp

04:14 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Mười Một, 2017

Bàn về cái đẹp, Socrate chỉ nói một tư tưởng ngắn gọn: Cần phải xây dựng được một khái niệm (ý niệm) về cái Đẹp và một cái Đẹp được coi là lý tưởng. Ông chỉ nói có vậy. Nhưng có thể nói toàn bộ nền mỹ học phương Tây cả trong quá khứ và trong tương lai nữa đều chỉ nằm trong câu nói rất ngắn ấy.

Hai học trò thân cận của ông là Platon, Aristote và những nhà triết học hậu sinh của các thời đại sau như E.Kant, Hegel, J.F.LyoTard, J.Derrida... đã triển khai rất sâu sắc, rất phong phú tư tưởng ấy của ông.

Khi bàn về nghệ thuật. Platon nói: "Cái gì đúng là đẹp". Nghiên cứu nền nghệ thuật Ai Cập cổ đại, ông cho rằng các kiệt tác trong các đền thờ Ai Cập, mặc dù được sáng tạo ra từ hàng nghìn năm trước, nhưng khi xem ta vẫn thấy rất sinh động, rất đúng với hiện tại - tức là không có sự sai sót.

Theo Platon, sự xét đoán theo khoa học sẽ xác định được ra cái đúng, cái sai và cái Đẹp phải là cái đúng. Có thể nói đó chính là khái niệm về "cái chân" (Le vrais) xuất hiện trong mỹ học, cái chân (cái thật, cái đúng) là một tiêu chuẩn của cái Đẹp cả trong đời sống lẫn trong nghệ thuật.

Ngay từ thời Platon sống, người ta đã nhận thức rằng khoa học là một trong những nhân tố quan trọng của sáng tạo nghệ thuật. Tức là người ta thấy sự gần gũi trực tiếp giữa cái Đẹp và chân lý. Theo họ chẳng có gì đẹp hơn cái thật. Chỉ có cái thật là đáng yêu. Tính xác thực là một phẩm chất của nghệ thuật và khoa học.

Không chỉ những nghệ sĩ thời cổ đại mới nói như vậy, mà các nghệ sĩ của nhiều trường phái nghệ thuật ở các thời đại sau đều đồng tình với quan điểm ấy như: Các nghệ sĩ của thời cổ điển, của thời phục hưng, của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa lãng mạn...

Chỉ có một số trường phái hiện đại sau này mới nói khác đi. Tuy vậy, dù ẩn ngầm hay vô thức các nghệ sĩ đều thừa nhận rằng một số lớn kiến thức khoa học vẫn có ý nghĩa hàng đầu trong công việc sáng tạo nghệ thuật.

Cho nên chắc chắn rằng các nghệ sĩ ở các chuyên ngành nghệ thuật nếu không được đào tạo, học tập đến nơi đến chốn sẽ không thể tiến xa được, dù có năng khiếu. Ngay cả những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại như trình diễn, xếp đặt... các dòng nhạc đại chúng: Rốc, ráp, híp hốp... không có đủ kỹ năng chuyên ngành nghệ thuật của mình thì chỉ thực hiện được những nghệ thuật đương đại này như những sự bắt chước kệch cỡm, vụng dại, hay như những sự minh họa ngô nghê, méo mó.

Khi bàn về nghệ thuật, Aristote đã đưa ra khái niệm "Trật tự". Theo ông cái Đẹp là sự sắp xếp, cấu trúc của một thế giới được hình dung ra dưới mặt tốt nhất của nó. Đó không phải là việc nhìn thấy cái đang có, mà là phải nhìn thấy những cái lẽ ra phải có - tức là phải có một trật tự, một cấu trúc tối ưu nhất trong các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo ra.

Khái niệm trật tự của Aristote chính là yêu cầu về tính hài hòa trong một tác phẩm nghệ thuật. Khi bàn về hòa âm trong âm nhạc, ông nói: Chúng ta yêu thích hòa âm trong âm nhạc vì đó là sự pha trộn những yếu tố trái ngược nhau, tương ứng nhau theo một số quan hệ nhất định để tạo ra những hợp âm thích thú cho tai nghe.

Bàn về thơ, Aristote cũng nói rằng: Chính vì các nhà thơ biết sử dụng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trật tự của các ngôn từ, cũng như có được những cấu trúc hài hòa, hợp lý của các vần thơ, khổ thơ nên đã hấp dẫn được những độc giả của mình. Ông cho rằng, tính cân đối, hài hòa là một tiêu chuẩn quan trọng của cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật.

Được gọi là đẹp thì các cô gái không chỉ cần có bộ mặt đẹp, mà còn phải có một thể hình đẹp! (ảnh minh họa)

Khi bàn đến cái Đẹp trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, Aristote còn nói đến mối tương quan giữa cái Đẹp và cái Tốt (cái Thiện - Le bon). Ông bảo: "Người ta chỉ tìm kiếm cái có ích, cái cần thiết để có cái Đẹp mà thôi".

Cái có ích, cái tốt chính là những việc thiện. Aristote khẳng định rằng, nghệ thuật ảnh hưởng nhiều đến đời sống của con người và nghệ thuật có nhiệm vụ giúp con người tu thiện về mặt đức hạnh.

Ông nói: "Bi kịch có thể làm cho con người tốt hơn, cao quý hơn". Đó chính là chức năng thanh lọc của bi kịch nói riêng và nghệ thuật nói chung. Rất nhiều nghệ sĩ ở các thời đại sau đã tán thành quan điểm của ông như: Voltaire, Diderot, Bielinski... một số nhà triết học, văn nghệ sĩ ở phương Đông cũng có quan điểm tương tự với nghệ thuật, chẳng hạn tư tưởng "Văn dĩ tải đạo", "Văn tất minh đạo"...

Đến E.Kant khi bàn về cái Đẹp đã có bước ngoặt lớn. Ông nhấn mạnh đến tính chủ quan của mỗi cá nhân khi đánh giá về cái Đẹp. Theo E.Kant, đánh giá về cái Đẹp, yếu tố chủ quan là rất quan trọng, bởi lẽ nó phụ thuộc vào sở thích (vào gout) của từng người.

Và ông đã nói quá đúng bởi lẽ sở thích là vị thẩm phán chắc chắn nhất của cái Đẹp. Và đã nói đến sở thích thì khó có thể có sự đồng thuận (tất cả đều nhất nhất tán thành một quan niệm). Sở thích là cái gì rất chủ quan và sở thích về cái Đẹp cũng không nằm ngòai điều ấy.

Vì thế E.Kant đã có câu nói dí dỏm nổi tiếng để nói về tính chất chủ quan này khi phán xét về cái Đẹp, ông bảo: "Vẻ đẹp của người phụ nữ không phải là đôi má ửng hồng như trái táo, mà là ở trong đôi mắt của kẻ si tình".

Tuy nhiên, E.Kant còn nói đến một điều quan trọng hơn, đó là: Tính chủ quan của số đông (tính khách quan của cái chủ quan): Càng có nhiều người có chung một cảm nhận một đối tượng nào đó là đẹp, thì cái Đẹp đó chắc chắn sẽ trở thành chân lý. Điều này rất cần cho kết luận của các cuộc thi hoa hậu nói riêng và nghệ thuật nói chung.

Nói đến đàn bà, con gái đẹp, có biết bao hình vẻ sắc thái khác nhau. Đôi khi, họ được gọi là đẹp chỉ vì một đôi mắt thẳm sâu, một nụ cười huyền bí, một đôi môi chín mọng, một chiếc răng nanh, một má lúm đồng tiền, hay chỉ là một cái "cổ cao ba ngấn" kiêu sang... và họ đã được những người đàn ông tôn thờ, mến mộ coi là những người đẹp trong mộng của mình (sở thích theo chủ quan mà). Tuy nhiên, để đưa ra bình xét trong các cuộc thi người đẹp thì phải đặt họ vào những tiêu chuẩn nhất định.

Vậy phải dựa vào những tiêu chuẩn nào? Có thể nói: Thân thể, tâm hồn, lý tính (lý trí) là ba cái cốt yếu của một con người. Bình xét người đẹp cũng sẽ phải dựa vào ba điểm cốt yếu này là chủ yếu.

Về phương diện thân thể thì bộ mặt được xét đầu tiên. Một cô gái có một bộ mặt đẹp thì các bộ phận hội tụ trên bộ mặt ấy phải có các vẻ đẹp độc đáo: Mắt mũi, môi, miệng, khuôn mặt, vầng trán, mái tóc... Nhưng quan trọng hơn nữa là tất cả những nét đẹp ấy phải hài hòa với nhau.

Luật cân đối hài hòa ở nghệ thuật mà Aristote đã nói rất rõ cũng thật là quan trọng để xem xét một người đẹp. Một cô gái có khuôn mặt đẹp, chiếc mũi cũng vậy, đôi mắt còn đẹp hơn nữa nhưng cái miệng lại bị hơi hô chắc chắn sẽ bị mất điểm khá nhiều vì vi phạm luật hài hòa.

Pascal nhà triết học Pháp thế kỷ XVII có một câu nói rất nổi tiếng: "Con tim có những lý lẽ mà nhiều khi lý trí không thể hiểu nổi" để nói rằng: Những nhận biết bằng tình cảm cũng quan trọng không kém với những nhận thức bằng lý trí khi tìm kiếm chân lý, và ông lại có một câu nói nổi tiếng nữa để đề cao luật hài hòa khi bàn về sắc đẹp.

Ông ca ngợi hết mực vẻ đẹp của nữ hoàng Ai Cập Cléopatra và ông bảo: "Giá như cái mũi của nàng Cléopatra chỉ ngắn đi chút xíu nữa thôi, thì bộ mặt của thế giới hồi ấy đã khác rồi!".

Nói đến đàn bà, con gái đẹp, có biết bao hình vẻ sắc thái khác nhau. Tuy nhiên, để đưa ra bình xét trong các cuộc thi người đẹp thì phải đặt họ vào những tiêu chuẩn nhất định (ảnh minh họa)

Khi nói đến thân thể người phụ nữ cũng là nói đến hình thể của họ. Một số cô gái được gọi là đẹp thì không chỉ có bộ mặt đẹp, mà còn phải có một thể hình đẹp (luật cân đối hài hòa). Với kinh nghiệm đúc kết từ nhiều cuộc thi sắc đẹp qua các thời kỳ của thế giới, tỷ lệ của ba vòng: NGỰC - BỤNG - MÔNG để tạo ra một hình dáng đẹp đã được chuẩn hóa (Việt Nam giờ cũng áp dụng theo).

Thực ra ở Việt Nam, ông bà, cụ kị của chúng ta xưa kia cũng đã đánh giá cái đẹp theo tỷ lệ của ba vòng này rồi, nên các cụ đã phán: Những người đàn bà, con gái có dáng người đẹp phải là những người có dáng "thắt đáy lưng ong".

Đây thực sự là tỷ lệ của ba vòng rất chuẩn và để các cô gái ngày xưa có được tỷ lệ của ba vòng chuẩn này do nhờ lao động, siêng năng, làm ăn chăm chỉ lại được sống và làm việc trong khung cảnh hương đồng, gió nội trong lành nên mới tạo ra được dáng hình thon thả, tươi tắn khỏe mạnh tự nhiên như vậy.

Về phương diện tâm hồn thì sao? Một cô gái được tôn xưng là đẹp thì không phải chỉ có bộ mặt, dáng hình đẹp mà tâm hồn cũng phải tương xứng. Nói đến tâm hồn con người trước hết phải nói đến "cái tâm".

Aristote đã nói đến mối tương quan giữa cái đẹp và cái thiện. Một cô gái được gọi là đẹp thì cũng phải có tâm thiện. Làm điều thiện không nhất thiết cứ phải đi vác tiền, quà của các đại gia, các ông chủ, các công ty, các tổ chức... cho những người nghèo như các cô hoa hậu hiện nay.

Nếu các đại gia, các ông chủ, các công ty nào đấy giàu có, phát đạt nhờ làm ăn phi pháp, gian lận, vô trách nhiệm, bất nhân... thì việc đi phát tiền, phát quà cho họ để làm điều thiện hóa ra là làm điều ác. Và các người đẹp đã trở thành những phương tiện làm công việc PR, vinh danh, đánh đóng tên tuổi cho những người này.

Không phải cứ có tiền đem cho người nghèo mới là làm điều thiện, hay để có tiền các người đẹp phải đi chụp ảnh nude đem bán lấy tiền cho người nghèo mới là làm điều thiện, mà chỉ cần hành xử theo những điều thiện (chẳng hạn như sống trung thực) cũng là một người thiện rồi. "Thiện căn ở tại lòng ta" mà. Có tiền làm từ thiện là tốt, nhưng nó sẽ hay và tốt hơn khi người ta có một văn hóa từ thiện.

Nói đến phần tâm hồn của con người ngoài cái tâm ra cũng cần phải nói đến cái hồn. Người ta đã thấy không ít các cô gái, chàng trai thật xinh đẹp mà lại vô hồn - đẹp như tượng. Nếu các cô gái đẹp đã được tôn vinh là các á hậu, các hoa hậu muốn đi theo con đường nghệ thuật thì có được cái hồn của một người nghệ sĩ là vô cùng quan trọng.

Dù được học tập, đào tạo cặn kẽ, có đủ kỹ năng, kỹ thuật nhưng các nghệ sĩ làm nghề thiếu mất cái hồn thì cũng khó thành công được. Người ta dễ dàng nhận ra một bức tranh có hồn, một tiếng đàn có hồn, một giọng ca có hồn, ngay cả diễn viên múa nếu có hồn thì chỉ cần sải vài bước chân, hất nhẹ cái đầu, thoáng gấp lượn đôi cánh tay cũng đã thấy đầy xúc cảm, lôi cuốn và nói dược biết bao điều...

Những họa sĩ bộ tứ "Sáng - Liên - Nghiêm - Phái", tiếng đàn của Đặng Thái Sơn, giọng ca của Quý Dương, diễn viên múa Lê Vân và còn nhiều người khác nữa là những người như vậy. Có được cái hồn là do trời cho, cũng như trời đã cho sắc đẹp vậy.

Một cô gái được gọi là đẹp thì cũng phải có tâm thiện (ảnh minh họa)

Ở đời bất kể người đẹp hay xấu nhưng có được cái tâm, có được cái hồn sẽ tạo ra những cái duyên hoặc là duyên nổi hay duyên ngầm đó là món quà quý giá do trời đất ban tặng. Những người đẹp có được điều này khi đi thi hoa hậu chắc chắn họ sẽ có lợi thế lớn.

Cuối cùng việc xem xét phần lý trí của một người đẹp cũng rất quan trọng vì nó là một trong ba mặt cốt lõi của con người. Nói đến lý trí là nói đến năng lực trí tuệ, đến kiến thức, học vấn, văn hóa.

Và mỗi thời mỗi khác, xã hội càng phát triển vốn kiến thức, sự hiểu biết, văn hóa phát triển theo. Thời xưa ở phương Tây, Hippocrate được tôn xưng là một vị thần y, vì ông hiểu biết sâu rộng về mọi thứ bệnh của con người cũng như những cách chữa trị chúng.

Ngày nay vốn tri thức, sự hiểu biết của con người đã tiến rất xa. Vốn trí thức đã trở thành nguồn tài nguyên giàu có, phong phú, đầy tiềm năng nhất. Rất nhiều thành tựu công nghệ ở các lĩnh vực.

Có được nền tảng những kiến thức, sự hiểu biết vững chắc mới tạo được một bộ lọc tốt để học tập, tiếp thu một cách đúng đắn và bổ ích trong quá trình hội nhập. Và ở đây "cái Chân" (Le vrais) mà Platon đã nói là một tiêu chuẩn để xem xét cái đẹp là rất cần thiết.

Nói đến "cái Chân", là nói đến năng lực trí tuệ, khả năng kiến thức để tìm ra những cái đúng, những điều chân lý. Thiếu nó các hoa hậu sẽ mất đi những vẻ đẹp lấp lánh của trí tuệ. Cho nên hạ thấp trình độ văn hóa của các hoa hậu sẽ là một bước tụt lùi với xu hướng tiến bộ của xã hội hiện đại.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái đẹp trong mắt ai

    08/03/2016Phan Cẩm ThượngKhi ứng xử xã hội trở nên thực dụng, thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú... Nhưng đã là muộn bởi “Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dạy cao ngay từ đầu”...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Cái nết, cái đẹp trong nền kinh tế tri thức

    31/01/2006GS. Tương laiTừ Tây sang Đông, tư duy của loài người đâu có đối lập giữa đẹp và nết, sự hài hòa giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người.
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • Nguồn gốc của những cái đẹp trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu

    30/11/2005Nguyễn Đức SựNguyễn Đình Chiểu có được sự ngưỡng mộ và tôn kính ấy của bao nhiêu thế hệ kể cả thể hệ ngày nay và thế hệ đã qua là do di sản thơ văn của ông để lại cho đời sau và những giá trị tinh thần tỏa ra từ những áng thơ văn đó. Chính những giá trị cao đẹp ấy là kết quả của cả một cuộc đời lao động trí óc nghiêm túc, say mê, tràn đầy nghị lực và không biết mỏi của Nguyễn Đình Chiểu...
  • Quan niệm của Các Mác về sự vận động lịch sử của Cái Đẹp trong một số hình thái kinh tế

    07/07/2005Nguyễn Thu NghĩaMột trong những kết luận quan trọng được C.Mác rút ra từ quá trình nghiên cứu về cái đẹp tất yếu này sinh trong tiến trình phát triển của lịch sử. Quy luật của cái đẹp không "nhất thành biết biến" từ một hình thức lao động, một hình thái xã hội nào. Cái đẹp có quy luật phổ biến từ thực tiễn thẩm mỹ. Ở mỗi hình thái xã hội nào, quy luật ấy có sự vận động và biểu hiện khác nhau....
  • xem toàn bộ