Xã hội vật chất và sự gắn kết với tự nhiên

09:59 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Mười, 2013

Trong một xã hội ngày càng phát triển về mặt vật chất, con người đang cảm thấy lạc lõng giữa vô vàn phương tiện mà chính mình đã tạo ra. Người ta cảm thấy đánh mất sự gắn kết với thiên nhiên, với vũ trụ, và thậm chí với chính bản thân. Sự phát triển nào cũng có sự thoái trào của nó, vật chất cũng vậy. Khi bị bủa vây giữa muôn trùng công việc, giữa những suy nghĩ bề bộn, những toan tính trong việc thăng tiến, giác quan của con người với cuộc sống gần như mất đi. Người ta có thể nhốt mình giữa bức tường kín, đọc các báo cáo kinh tế với đầy rẫy những con số, xem những video sex, bật loa hết cỡ để nghe những ca khúc đang thịnh hành. Nhưng liệu họ có thể duy trì việc đó trong bao năm?

Hầu hết ai cũng biết cốt lõi của con người là phải gắn bó với tự nhiên, vì chính xã hội loài người là một phần của thế giới này. Khi một xã hội phát triển vật chất tới một mức cần thiết, xã hội đó về cơ bản là tốt, và phần lớn những thành phần trong xã hội đó sẽ có sự no đủ. Nhưng trong lịch sử, chưa có một xã hội nào chịu ngừng phát triển khi đã đạt tầm thịnh vượng. Luôn có sự ích kỷ trong tầng lớp lãnh đạo. Khi thực lực đã có đủ, những tầng lớp lãnh đạo sẽ tìm cách để quyền lực và khả năng sở hữu tài sản của mình được tăng lên đến mức có thể. Về cơ bản, lòng tham của con người là vô đáy, một khi lòng tham nổi dậy, hàng trăm hàng ngàn sự tham khác sẽ tiếp nối. Điều đó giải thích tại sao các cuộc chiến tranh thế giới nổ ra. Một phần vì nhu cầu trong nội địa quá lớn, phần còn lại vẫn là do lòng tham của các tập đoàn tư bản, các tập đoàn thống trị. Sự thịnh vượng của dân tộc giờ đây bị sự thịnh vượng của tập đoàn điều chỉnh. Sự xung đột về lợi ích là cốt chính của các cuộc chiến tranh, nhưng liệu sự thắng lợi có giải quyết được mọi vấn đề?

Nước chiến thắng sẽ được đất, được bồi thường chiến phí, nhưng những tập đoàn ấy lại tiếp tục bóc lột công nhân, và một hình thức nô lệ mới, nô lệ tinh vi hơn được tiếp tục diễn ra. Đứng trên cách nhìn tổng thể thì xã hội phát triển được là nhờ lòng tham, một chế độ không thể nào thỏa mãn hết lợi ích của tất cả các nhóm. Hậu quả là nhóm đối lập sẽ bị tiêu diệt để nhường của cải và lợi ích cho nhóm chiến thắng. Nếu mọi người để ý, thì sự phát triển của thế giới từ xưa đến nay là vậy, chinh phục và tiêu diệt. Và sự phát triển chỉ có trên tàn tích chiến tranh.

Nhưng sự phát triển như thế là một nguy cơ lớn đối với loài người. Khi nhân loại ngày càng văn minh, những giá trị nhân đạo ngày càng được chú trọng, thì việc chinh phạt và tiêu diệt sẽ đe dọa những giá trị mà con người tuyên bố và đang thực hiện: sự bảo tồn văn hóa của các nhóm người thiểu số, những vùng đất bản địa, những khu vực thiên nhiên đa dạng. Sẽ không thể bảo tồn văn hóa quốc gia nào nếu không tồn tại con người của nền văn hóa ấy. Nhưng sự tồn tại một nền văn hóa bản địa lại là mối đe dọa tiềm ẩn của kẻ chinh phục. Điều đó giải thích tại sao có sự mất đi dần dần của các nhóm văn hóa, dù là sự mất đi âm thầm hay công khai.

Xã hội mới đưa con người rời xa thiên nhiên, nhốt con người vào những “chuồng cu”, và bắt con người quen với cách sống “sáng đi chiều về”. Con người sẽ không thể tồn tại nếu cứ cung cấp protein và bắt họ sử dụng những gì nhân tạo mãi được. Lúc đó, con người sẽ chết đi, ít nhất là mặt tinh thần. Nhưng cái chết về tinh thần mới là vấn đề nguy hiểm nhất.

Trái đất này là sự tập hợp của nhiều sự sống. Sự nhân đạo được hiểu rộng không chỉ cho con người, nếu chỉ vì cung cấp cho loài người những điều kiện sống mà tiêu diệt đi những sự sống khác thì thật là phiến diện và không công bằng. Khi sự mất công bằng đạt đến một ngưỡng nhất định thì thảm họa sẽ xảy ra. Thực tế đã chứng minh được điều đó: cháy rừng, hạn hán, thiên tai, vỡ đê… Khi quả đất mất đi sự cân bằng, quả đất sẽ tự cân bằng và lấy lại những gì đã mất. Nên nhớ rằng con người cũng chỉ là những loài vi khuẩn trên địa cầu này. Và quả đất này cũng là một sự sống âm thầm. Có những thực tế mà nhiều chính quyền không dám nêu ra, khi mà những đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ đột nhiên bị mất công dụng sau một thời gian chôn giữ dưới lòng đất. Trái đất sẽ không để bản thân mình bị hủy hoại bởi một đám sinh vật tự cho mình có quyền điều khiển thế giới.

Có quá nhiều bí mật của thiên nhiên mà con người không thể giải đáp được, và để giải thích, người ta cho rằng đó là sự ngẫu nhiên, nếu nghiên cứu khoa học mà nói như vậy thì ai nói cũng được.

Không đi đâu quá xa xôi, các bạn hãy thử trắc nghiệm một tí: suy nghĩ của con người bị ảnh hưởng rất nặng nề của sự nhân đạo.

Nếu bạn suy nghĩ về những điều tốt đẹp: làm cách nào để giúp đỡ một ai đó, chiều nay mình phải đi trồng cây trên khu đồi trọc, sự phóng sinh….thì đầu óc của bạn rất dễ chịu. Còn nếu bạn đang suy nghĩ về việc phải đối phó thế nào với đồng nghiệp, phải làm cách nào để gạt bỏ những người còn lại và lấy lòng sếp, hoặc việc lựa thời điểm để đầu cơ thì hẳn nhiên đầu óc của bạn sẽ vô cùng nặng nề. Nếu bạn cứ giữ và nuôi dưỡng những ý nghĩ như vậy đảm bảo một thời gian không dài nữa chính bạn sẽ bị căng thăng và bị mớ suy nghĩ đó chi phối.

Những tác dụng của những suy nghĩ ấy giải thích tại sao những thiền sư và những phật tử luôn luôn thoải mái về tâm trạng và sống lâu. Ngược lại có nhiều triệu phú đã sớm phải vào viện tâm thần.

Xem ra cuộc đời rất vô thường, nay thế này mai thế kia, khó có cách nào mà lường trước được. Hẳn các bạn biết nhà văn kiếm hiệp Kim Dung, một trong những nhà văn giàu nhất đương thời. Lúc đó bên HongKong cũng có một người khác nổi tiếng trong ngành văn hóa nghệ thuật nữa, ông kiếm khá bộn bạc từ việc làm họa sỹ cho những tác phẩm truyện tranh comic nổi tiếng, phần lớn những truyện đó đều đã được xuất bản ở Việt Nam: Long hổ môn…. Đương thời, ông rất giàu có, nguyên một khu phố đều là của ông đến nỗi một phóng viên của một nhật báo HongKong phải hoảng hốt khi tận mắt chứng kiến nhiều tiệm cầm đồ lớn đều là của ông. Vậy mà chưa tới 10 năm sau, số tài sản ấy đã biến mất hoàn toàn. Ông ta liên tục thua cuộc trong những ván bài lớn, và phải lấy các cửa hàng và bất động sản ra gán nợ. Cho đến khi cục diện thay đổi hoàn toàn thì ông đã trở thành một người ăn xin, vất vưởng sống qua ngày, khi chết cũng không có đất để chôn.

Ai cũng hiểu chết là trở về với cát bụi, mà mấy ai tự nhìn lại để sống thế nào cho tốt.

Trước năm 1975, miền Nam Việt Nam có một ông chủ lớn. Ông khởi nghiệp từ việc buôn bán đồng hồ cao cấp, lúc ấy đồng hồ là một thứ tài sản có giá trị để trưng diện. Ông nhanh chóng phất lên, và mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Tới thời điểm cực thịnh, ông làm chủ tới năm xưởng sản xuất gạch bông và nhiều cơ sở kinh doanh khác. Khi giàu có tới một mức nào đó, người ta bắt đầu thèm khát quyền lực. Ông ta cũng vậy, và ông ta quyết định ra tranh cử với tổng thống Thiệu.

Lúc đó ở miền Nam có rất nhiều người đói kém, thậm chí số lượng chết đói hằng ngày không sao đếm xuể. Một số nhóm sinh viên đại học có lòng từ tâm đứng ra để quyên góp tiền bạc của những người có khả năng với mục đích “Lá lành đùm là rách”. Khi nhóm sinh viên tình nguyện tới quyên góp, họ đã gặp ngay sự phản ứng dữ dội của ông trước mục đích của việc làm từ thiện. Ông nói thẳng một câu “Mấy đứa đó có tay chân mà không tự làm được thì để cho nó chết”.

Ông ta rất keo kiệt, chưa bao giờ giúp ai. Và rồi việc gì đến cũng đến. Chính trị là một trò chơi từ dưới lên trên, muốn thành công phải leo từ thấp lên cao, việc một nhà tài phiệt ỷ mình giàu có chen ngang mà không có những người bên trong đỡ đầu quả là một việc thiếu suy nghĩ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông đã dính bẫy của tổng thống Thiệu, ông bị dính tội đầu cơ và bị chính phủ tịch biên tài sản. Quãng đời sau của ông cũng kết thúc bằng sự xin ăn mà ông từng nói: “Chúng nó có tay chân mà không tự làm được thì để cho nó chết”.

Vấn đề quan trọng nhất của con người vẫn là tồn tại, nhưng tồn tại để làm gì vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Nhưng muốn làm được gì, bản thể và khối óc của con người phải được tiếp năng lượng. Ngay cả Đức Phật Thích Ca cũng vậy, sau 6 năm dài tu theo lối khổ hạnh không đạt được kết quả gì, ngài đã nhận ra được việc trung hòa lối sống là một phương pháp để đến kết quả. Nhiều người cho rằng sống để ăn, nếu xác định như vậy thì ắt hẳn phần đời sau của người đó sẽ phải khốn khổ trong việc tìm được những món ăn mà họ cho là ngon, là bổ. Nếu bạn theo đuổi một mục đích nào, dù là cao cả hay thấp hèn thì một lối sống trung hòa vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Việc trung hòa lối sống càng đúng trong cho những trường hợp tìm kiếm hay sáng tạo những giá trị tinh thần: tập thiền, viết văn, nghiên cứu văn hóa….

Một xã hội thịnh vượng là một xã hội phải đảm bảo được sự no đủ đa phần của các tầng lớp dân cư, chứ không phải là một xã hội với những tòa cao ốc chọc trời nhưng ngay bên dưới thềm đá hoa cương là những người vô gia cư đang xin ăn. Xã hội hiện nay tồn tại nhiều ngịch lý, hàng tỷ vốn viện trợ nước ngoài vẫn đổ vào các quốc gia đang phát triển nhưng hệ thống trạm xá, trường học, điện nước vẫn tiếp tục xuống cấp. Vậy mà các công trình lớn vẫn mọc lên như nấm, và dòng tiền viện trợ chảy đi đâu thì đố ai trả lời chính xác.

Liệu tương lai loài người có đi đến diệt vong để nhường chỗ cho một dạng thức sống mới thay thế? Cũng có thể lắm chứ, và điều đó là chắc chắn nếu chúng ta tiếp tục thực hiện những hành động mà lâu nay chúng ta vẫn làm. Những nền văn minh cổ đại từng sụp đổ khi sự phát triển vật chất lên đến đỉnh điểm.

Trong thời kỳ vật chất phát triển như vũ bão thì những giá trị tinh thần bị xem nhẹ, để đến khi những giá trị tinh thần tích tụ đủ và sẽ xảy ra sự đảo ngôi. Những phương tiện do con người tạo ra phần lớn là có ích cho sự phát triển loài người, nhưng nếu những phương tiện ấy được những đầu óc và thế lực không tốt sử dụng cho mục đích kéo lùi bước tiến nhân loại thì quả thật là thảm họa. Xã hội con người đang đứng trước một thảm họa như thế. Tại sao? Tại sao xã hội lại tồn tại những con người có những luồng suy nghĩ nguy hiểm như thế? Tại sao có Hittle, PolPot, tại sao thế hệ trẻ ngày nay thường xuyên gây ra những cuộc thảm sát, tự tử, ma túy, bạo lực?

Bởi vì chúng bị trói buộc trong cuộc sống, bị những thứ vật chất vây quanh, bị trói buộc tinh thần, bị nhồi nhét những suy nghĩ bẩn thỉu và vớ vẩn, bị kìm hãm tự do, và cơ bản là quá xa rời thiên nhiên. Mối quan hệ gốc của con người vẫn là với tự nhiên. Khi bị bủa vây trong thế giới vật chất, trong những sản phẩm của nền văn minh, đầu óc con người thường trở nên cực đoan, nguy hiểm. (Trong khi đó, đứng trước thiên nhiên, con người dần cảm nhận và hòa mình vào cuộc sống xung quanh.) Những thảm họa tương lai ấy, chính chúng ta có thể ngăn chặn được. Để tránh sự thoái trào của vật chất, chính bản thân mỗi chúng ta phải tự cân bằng. Giá trị vật chất và tinh thần phải gắn kết, và nhất thiết không được xa rời tự nhiên.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bản chất và quy luật của đời sống tinh thần

    11/10/2014Đào Duy ThanhTrong lịch sử nhận thức của loài người, do các cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau mà các trường phái triết học đưa ra những quan niệm khác nhau về khái niệm "Tinh thần". Phái duy tâm khách quan nhìn thấy yếu tố tinh thần từ bên ngoài con người, còn duy tâm chủ quan lại nhìn thấy yếu tố tinh thần từ trong chính bản thân con người...
  • Con đường dẫn đến sự thịnh vượng

    16/08/2014Nguyễn Trần BạtCó một khát vọng giống nhau giữa các cộng đồng dân tộc là khát vọng về sự thịnh vượng. Mỗi một dân tộc lại được hình thành bằng một lịch sử riêng, do vậy, mỗi dân tộc lại có một con đường riêng đi tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ thì có gì chung giữa các con đường đi đến sự thịnh vượng của các dân tộc? Và nếu có thì con đường ấy như thế nào?
  • Về vấn đề mưu cầu hạnh phúc cá nhân và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta hiện nay

    03/05/2014PGS, PTS. Nguyễn Tấn HùngHạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc cá nhân là vấn đề luôn được quan tâm trong lịch sử triết học. Bài viết điểm qua các quan niệm trong lịch sử triết học - cả phương Đông và phương Tây - về vấn đề quan trọng này. Thông qua cách nhìn mácxít về hạnh phúc, bài viết xác định một vài vấn đề đang đặt ra trong xã hội ta hiện nay...
  • Hiện đại hóa và tâm lý xã hội

    07/06/2006Nguyễn KiênXã hội hiện đại không chỉ bắt nguồn từ trạng thái kinh tế mà còn là một trạng thái văn hoá và tâm lý. Do vậy nếu chúng ta không tạo ra được những con người cá nhân ngày càng độc lập và chủ động thì chưa có đủ tiền đề để đi tới xã hội hiện đại...
  • Về mối quan hệ giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần trong sự phát triển của xã hội ta hiện nay

    17/04/2006Nguyễn Linh KhiếuThực tế cuộc sống cho thấy, các lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất đang chi phối hết sức mạnh mẽ cả nhận thức và hành động của các cá nhân và cộng đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoạt động căn bản của xã hội ta trong giai đoạn hiện nay là lao động sản xuất và kinh doanh...