Về khái niệm tính đồng bộ và sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
06:51 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Tư, 2008

Nguyên tắc bảo đảm tính đa dạng của cuộc sống

Trước hết, nói về khái niệm đồng bộ, không ít người cho rằng, đồng bộ là bản chất của cuộc sống nhưng tôi thì không. Cuộc sống không đồng bộ, không có cái gọi là sự đồng bộ của cuộc sống, nếu có thì chúng ta phải dùng từ "đồng bộ" để nói đến sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Cuộc sống là đa dạng. Đối với cuộc sống thì đó là tính cân bằng chứ không phải tính đồng bộ. Đồng bộ là kết quả của tác động chủ quan của con người. Cuộc sống bản thân nó sẽ cân bằng một cách tự nhiên mà đa dạng chính là phương thức cơ bản để cân bằng cuộc sống. Để đảm bảo tính đa dạng cũng tức là đảm bảo sự phát triển tự nhiên, cuộc sống luôn đòi hỏi sự đồng bộ của các hoạt động chủ quan của con người. Nếu con người làm mất sự phát triển tự nhiên của cuộc sống bằng cách áp đặt nhận thức không tự nhiên vào cuộc sống, thì sẽ làm cuộc sống méo mó.

Một hoạt động chủ quan, nếu muốn đảm bảo rằng không làm méo mó cuộc sống, thì bản thân nó phải tự cân bằng. Tính đồng bộ của hoạt động chủ quan của con người là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống để nó không làm biến dạng cuộc sống. Cuộc sống là một đối tượng có năng lực tự quan sát và các quan sát của cuộc sống thường là rất khác nhau và không phải phần tử nào của cuộc sống cũng quan sát các đối tượng giống nhau. Mỗi phần tử của cuộc sống quan sát khác nhau và chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau của các chương trình cải cách. Nhưng nếu bản thân chương trình cải cách tự cân bằng thì cải cách sẽ không làm biến dạng cuộc sống, mà hơn thế, nó có thể đưa ra các gợi ý để làm phong phú các đối tượng khác nhau của cuộc sống và chính nó sẽ tạo ra sự cân bằng về nhận thức. Nếu chúng ta chỉ có một đối tượng để quan sát thì không thể có nhận thức phong phú và đúng đắn được, và chắc chắn sẽ làm mất đi sự cân bằng trong nhận thức và tiếp theo là đẩy cuộc sống ra khỏi sự cân bằng. Nếu có nhiều hình mẫu cho con người tự do lựa chọn thì con người sẽ tự đi tìm lấy hình mẫu của mình và cuộc sống sẽ tự cân bằng và khi đó, cuộc sống không biến động một cách chủ quan hay không biến động dưới tác động chủ quan của con người. Nếu con người có sự đa dạng về nhận thức thì khi đi hết nhận thức này thấy bế tắc người ta sẽ tìm đến nhận thức khác để tự cân bằng lại.

Cuộc sống không đồng bộ nhưng cuộc sống luôn cần những cuộc cải cách đồng bộ. Tại sao vậy? Đó là vì cuộc sống là đối tượng khách quan. Tất cả các hoạt động của con người tác động vào cuộc sống đều là chủ quan. Như trên đã nói, bản thân cuộc sống sẽ cân bằng một cách tự nhiên. Con người không thể sắp xếp cuộc sống một cách đồng bộ theo ý muốn chủ quan mà cuộc sống tự sắp xếp lấy, nhưng cuộc sống là người thụ hưởng tính đồng bộ của tất cả các tác động chủ quan lên nó. Mặt khác, cuộc sống cần những cuộc cải cách đồng bộ vì mục tiêu của cải cách là vì cuộc sống, vì sự tiến bộ của cuộc sống. Nói chính xác hơn, chính sự phát triển cần những cuộc cải cách đồng bộ. Nếu chúng ta tiến hành những cuộc cải cách riêng biệt và không đếm xỉa đến tính đồng bộ của các hoạt động chủ quan của con người và sự trọn vẹn của cuộc sống, thì sẽ có một bộ phận của cuộc sống rơi ra khỏi cuộc sống. Cải cách là hoạt động chủ động hay là chương trình chính trị chủ động của nhà cầm quyền đối với cuộc sống, do đó nếu không đồng bộ thì cuộc sống sẽ bị méo dưới ảnh hưởng của các cuộc cải cách. Tức là tính đồng bộ của các cuộc cải cách phải nhằm duy trì và phát triển được cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo đó là cuộc sống.

Ý nghĩa của tính đa dạng tinh thần

Tính đồng bộ của cải cách gắn liền với tính đa dạng tinh thần của cuộc sống vì nếu không có sự đa dạng về mặt tinh thần thì không thể xác lập được tính đồng bộ của các cuộc cải cách. Con người cần tôn trọng tính đa dạng tinh thần của cuộc sống khách quan. Đó là một nguyên lý không thể phủ nhận. ở đây có một sự giống nhau về mặt hình thức hay có sự giống nhau về mặt giải pháp giữa tính đồng bộ của các cuộc cải cách với tính đa dạng của cuộc sống. Sự đồng bộ của các cuộc cải cách phải nhằm tôn trọng tính toàn vẹn tự nhiên của cuộc sống. Con người phải tôn trọng chính cuộc sống thông qua đảm bảo tính đồng bộ của các hoạt động chủ quan của con người đối với cuộc sống, không chỉ là các cuộc cải cách. Trong tất cả các tác động chủ quan của con người lên cuộc sống có cả hoạt động lãnh đạo, thậm chí hoạt động lãnh đạo là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Sự thành công của các cuộc cải cách chính là kết quả của việc uốn nắn các hoạt động lãnh đạo, uốn nắn các hoạt động chủ quan của con người ngay từ ban đầu để luôn tôn trọng cuộc sống, tôn trọng tính đa dạng tinh thần của cuộc sống.

Sự đa dạng tinh thần là một thuộc tính của cuộc sống tốt đẹp, là biểu hiện của năng lực sống của xã hội. ở đâu cuộc sống tốt đẹp, ở đó sự đa dạng về tinh thần được đảm bảo. Sự đảm bảo đó không chỉ trên thực tế mà còn được đảm bảo trên thể chế. Sự bền vững của tính đa dạng chính là sự bền vững của sự phát triển. Tính đa dạng là tiền đề của sự phát triển. Vậy tính đa dạng tinh thần của cuộc sống ảnh hưởng như thế nào đến tính đồng bộ? Một chương trình cải cách dù đồng bộ đến mấy mà không được cuộc sống hưởng ứng, hay nói khác đi, cuộc sống không đủ ngôn ngữ và kinh nghiệm để hiểu và thích ứng thì vẫn không có nghĩa. Hơn nữa, tính đa dạng tinh thần của cuộc sống chính là năng lực hưởng ứng và hiểu biết của cuộc sống đối với các chương trình chủ quan của chính phủ và của nhà cầm quyền. Vẫn còn những chính phủ nhầm tưởng rằng sự đa dạng tinh thần, sự đa dạng của cuộc sống ngăn cản sự phát triển chính trị, ngăn cản sự phát triển kinh tế, ngăn cản sự phát triển xã hội. Đó là một quan điểm sai lầm hoàn toàn. Sự đa dạng của cuộc sống làm cho cuộc sống có năng lực đánh giá một cách khách quan và đúng đắn giá trị những cố gắng chính trị của các chính phủ, đương nhiên nó cũng có mặt ngược lại là người ta cũng đánh giá cả những mặt tiêu cực một cách rất nhạy cảm. Chính vì thế, chương trình chính trị của bất kỳ chính phủ nào cũng phải nhằm nâng cao năng lực của cuộc sống hay nâng cao mức độ phát triển của cuộc sống, nhưng sự tác động đó phải đảm bảo làm cho cuộc sống hiểu và thích ứng được. Tính đa đạng của cuộc sống có liên quan đến khả năng hiểu của cuộc sống đối với các chương trình chính trị, vì cuộc sống bao giờ cũng có kinh nghiệm hơn.

Hiểu được mối liên hệ giữa tính đồng bộ của các hoạt động chủ quan của con người, trong đó có tính đồng bộ của các hoạt động cải cách, với tính đa dạng tinh thần của cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp con người xác định giới hạn hợp lý của các tác động chủ quan của mình đến tiến trình phát triển, là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở lý luận cho các chương trình cải cách. Đây là một tương quan có tính quy luật, bởi nếu cuộc sống không có đa dạng tinh thần thì các thành viên của cuộc sống không có tính đa dạng để tạo ra sự đồng bộ trong chương trình hoạt động chủ quan, trong chương trình cải cách. Hơn nữa, nếu cuộc sống không có sự đa dạng tinh thần thì cuộc sống sẽ không có đòi hỏi về tính đồng bộ và con người cũng không nhận ra đòi hỏi của cuộc sống. Chúng ta phải thỏa mãn đòi hỏi cuộc sống, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có đòi hỏi từ cuộc sống thì không có cải cách và trong những trạng thái trì trệ và lạc hậu của cuộc sống thì không có cả cải cách lẫn phát triển.

Khái niệm tính đồng bộ của cải cách

Đến đây, chúng tôi muốn đi đến một khái niệm về tính đồng bộ của các cuộc cải cách. Tính đồng bộ của các cuộc cải cách chính là sự xuất hiện một cách thích hợp các cuộc cải cách do những đòi hỏi của cuộc sống được nhận thức. ở đây có hai mệnh đề quan trọng. Thứ nhất là cải cách phải do đòi hỏi của cuộc sống và thứ hai là sự đòi hỏi của cuộc sống được nhận thức. Để đảm bảo tính đúng đắn của sự xuất hiện của các cuộc cải cách hay nội dung của các cuộc cải cách, chúng ta buộc phải tuân thủ một nguyên lý là khi nào cuộc sống đòi hỏi thì mới xuất hiện cải cách. Không thể đưa ra các cuộc cải cách trước khi cuộc sống đòi hỏi hay sẽ đòi hỏi. Cuộc sống đòi hỏi là tương lai đòi hỏi, hiện tại đòi hỏi và quá khứ đòi hỏi. Quay trở lại định nghĩa về cải cách và hai nhiệm vụ cơ bản của cải cách, nếu chúng ta không nhận thức được những đòi hỏi của quá khứ, của hiện tại thì chúng ta không uốn nắn được các sai trái. Chúng ta không nhận thức được tương lai thì chúng ta không bổ sung được những đòi hỏi của tương lai, tức là chúng ta không hiểu về hoạt động cải cách, không hiểu về cuộc sống và càng không có cái bản thể để gắn tính đồng bộ vào.

Về mệnh đề thứ hai là sự đòi hỏi của cuộc sống được nhận thức, chúng ta đều biết rằng, ngôn ngữ của cuộc sống và của con người là khác nhau. Con người chỉ có thể hiểu được cuộc sống thông qua nhận thức. Cuộc sống được nhận thức hay nhận thức được những đòi hỏi của cuộc sống là một nội dung lớn của việc xác lập tính hợp lý và tính đồng bộ của các cuộc cải cách. Không phải ở những nước có nền chính trị dân chủ người ta đã xác lập được một cách hoàn toàn chính xác các đòi hỏi của cuộc sống, nhưng người ta có thể xác lập được các đòi hỏi của cuộc sống một cách tương đối hợp lý hay tốt nhất có thể. Còn ở những xã hội có thể chế chính trị phi dân chủ thì người ta dường như chỉ đoán được sự đòi hỏi của cuộc sống trước các thời điểm cách mạng. Nếu không cải cách thì sẽ phải đổi mặt với cách mạng vì chỉ có xảy ra cách mạng thì trong những xã hội phi dân chủ người ta mới hiểu được những gì xã hội đòi hỏi. Do đó, cần phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ ở những xã hội phi dân chủ. Đấy là một hoạt động chủ quan nhưng hoạt động ấy bổ trợ cho một hoạt động chủ quan khác là nhận thức và xác lập đòi hỏi của cuộc sống.

Trên thực tế, những đòi hỏi của cuộc sống thường không được phản ánh ngay vào nhận thức của con người vì con người cần có một khoảng thời gian mới có thể nhận thức được. Nói cách khác, dường như có sự trễ trong nhận thức của con người đối với những đòi hỏi của cuộc sống. Chúng ta đều biết rằng, năng lực nhận thức là năng lực của cái Tôi. Cái Tôi chính là năng lực phản ánh cuộc sống vào bên trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Năng lực ấy khác nhau trong mỗi một con người, mỗi một cộng đồng và để đo đạc chỉ số của nó thì năng lực ấy cũng khác nhau trong mỗi một đối tượng. Trong một xã hội, không phải ai cũng có thể nhận thức ngay lập tức và với một tốc độ lớn các vấn đề của cuộc sống. Cho nên mỗi xã hội đều có một đội ngũ chuyên nghiệp để nhận thức, đó là trí thức. Quốc gia nào có đội ngũ trí thức tốt thì năng lực phản ứng của xã hội ở quốc gia đó đối với cuộc sống có độ nhạy cao và hoàn toàn khác về chất so với những nơi mà đội ngũ trí thức không đóng vai trò tích cực. Vậy nhu cầu phản ánh chính xác và kịp thời các đòi hỏi của cuộc sống đòi hỏi đội ngũ trí thức điều gì? Tôi cho rằng, trước tiên, đội ngũ trí thức phải thông thái và thứ hai, phải vô tư về mặt chính trị, tức là tự do về mặt chính trị. Nếu đội ngũ trí thức thông thái nhưng không vô tư thì nó có thể vẫn phản ánh một cách nhạy bén các vấn đề của cuộc sống, nhưng theo đòi hỏi của tập đoàn chính trị chứ không phải theo đòi hỏi của xã hội. Đó là biểu hiện rõ rệt nhất của hành vi phụ họa chính trị. Những kẻ phụ họa chính trị đôi lúc còn nhạy cảm hơn nhiều so với những kẻ vô tư về mặt chính trị, thậm chí, nhạy cảm tới mức trở thành một công cụ lợi hại của tập đoàn cầm quyền. Đối với tình huống này thì tính trễ của các cuộc cải cách chính trị được phản ánh bởi tính trễ chủ quan, tức là sự làm trễ có ý thức của nhà cầm quyền.

Một tình huống khác là đội ngũ trí thức tự do về mặt chính trị nhưng không thông thái, dẫn đến xã hội bị cát cứ bởi thiếu thông tin. Sự thiếu thông tin trên phạm vi toàn xã hội cũng là một căn bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển, do thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu khát vọng phi biên giới, thiếu giao lưu. Tuy nhiên, ở những nơi này, con người thiếu thông tin nhưng lại tự do trên mảnh đất riêng của nó, tức là con người không định kiến chính trị hay không thiếu tự do chính trị một cách chủ quan nhưng lại thiếu tự do văn hoá. Vì thế, căn bệnh thứ hai của các nước đang phát triển là sự thiếu tự do văn hóa của đội ngũ trí thức. Chính sự thiếu tự do văn hóa dẫn tới các kết luận hồ đồ hay dẫn tới sự trễ về mặt chính trị, tức là sự trễ do nhận thức. Đây là một hiện tượng tương đối phổ biến. Giải quyết tính trễ do nguyên nhân văn hóa không thể bằng một cuộc cách mạng, mà phải bằng các cuộc cải cách liên tục để nâng cao dân trí. Đối với những nơi đội ngũ trí thức có tính trễ về mặt văn hóa thì phải tiến hành cải cách văn hoá. Cải cách văn hóa chính là đơn thuốc của đại bộ phận các nước không thiếu tự do chính trị nhưng thiếu tự do văn hoá.

Trong trường hợp đội ngũ trí thức vừa thiếu thông tin lại vừa thiếu tự do chính trị thì tức là xã hội vừa thiếu tự do về văn hóa vừa thiếu tự do về chính trị. Thiếu tự do về mặt chính trị bảo hộ cho sự thiếu tự do về mặt văn hoá, thiếu tự do về mặt văn hóa ru ngủ sự thiếu tự do về mặt chính trị. Hai sự thiếu tự do này hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra trạng thái lạc hậu nhưng tự mãn về nhận thức đối với những đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Nhận thức về các ranh giới trong cải cách

Rõ ràng, con người hay xã hội phải nhận thức được những đòi hỏi của cuộc sống đối với các cuộc cải cách. Nhưng giới hạn của cải cách lại đòi hỏi mức độ hợp lý của các tác động chủ quan của con người thông qua các chính sách vĩ mô vào tiến trình phát triển tự nhiên để vừa đảm bảo phát triển vừa giảm thiểu rủi ro. Như vậy, vấn đề là phải xác định giao điểm hợp lý giữa tác động chủ quan của con người và đòi hỏi khách quan của cuộc sống đối với các cuộc cải cách. Theo tôi, tất cả các chính sách đều phải bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan và phải phù hợp với sức chịu đựng khách quan của cuộc sống. Đấy chính là tính đúng đắn tất yếu của các chính sách hay là của tác động chủ quan của con người. Lập chính sách là một trong những hình thức tác động chủ quan của con người nhưng không phải là tất cả, mặc dù chính sách là một trong những biểu hiện lớn nhất của tác động của con người vào đời sống xã hội. Nhà nước là tổ chức có năng lực lớn nhất để đo đạc những đòi hỏi khách quan của đời sống và xác lập các ranh giới khách quan mà các chính sách muốn tác động tới. Chính vì thế, ở đây có hai loại ranh giới rất rõ ràng.

Ranh giới thứ nhất là đòi hỏi khách quan của cuộc sống. Đòi hỏi khách quan của cuộc sống được đo đạc bằng thái độ của con người, bằng tình cảm của con người qua những quyền mà con người biểu thị. Quyền mà con người biểu thị bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu tình... Đau và kêu đau là phản ứng của cuộc sống để biểu hiện tất cả các khuyết tật, những vấn đề bên trong của nó. Biểu tình là một hành động kêu đau mang chất lượng xã hội học. Tự do báo chí là hành động kêu đau một cách chuyên nghiệp. Nếu không có những quyền ấy thì con người không có năng lực kêu đau. Tuy nhiên, biểu tình và tự do báo chí là hai cấp độ khác nhau của năng lực kêu đau của đời sống xã hội đối với những khuyết tật của các chính sách. Biểu tình là phản ứng trực tiếp của người dân, còn ngôn luận đôi lúc không phải là phản ứng trực tiếp từ người dân mà là phản ứng của bộ phận chuyên nghiệp của xã hội, tức là xã hội có những bộ phận điều tra chuyên nghiệp về những cơn đau của xã hội đối với các tác động khác nhau của chính sách. Đó là những quyền đề kháng những trạng thái thái quá hay những biểu hiện của trạng thái lộng hành của nhà nước đối với xã hội. Những phản ứng như vậy tồn tại một cách hoàn toàn khách quan dù nhà nước nhìn chung không bao giờ ủng hộ hay khuyến khích, thậm chí còn chống lại bằng cách đàn áp. ở những xã hội phi dân chủ, người dân không có các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình, quyền lập hội... Nếu những quyền đó không được thừa nhận và chúng dồn nén lại, tích tụ lại sẽ tạo thành những cơn bùng nổ và được gọi là những cuộc cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội không phải là cuộc cách mạng chính trị. Các cuộc cách mạng chính trị là bề mặt của các cuộc cách mạng xã hội, là khía cạnh bị kích động hay khía cạnh được tổ chức của cách mạng xã hội. Những biến động xã hội, những cuộc cách mạng xã hội là những uất ức tồn tại bên trong lòng xã hội, sau khi được các nhà chính trị khai thác và tổ chức thì biến thành các cuộc cách mạng chính trị. Các cuộc cách mạng chính trị là trạng thái có tổ chức của các cuộc cách mạng xã hội và do đó, nó hình thành các đảng chính trị để tiến hành những cuộc cách mạng chính trị khác nhau do những sai lầm khác nhau của nhà nước tác động vào xã hội. Đó là ranh giới thứ nhất, nó giúp con người xác định đường biên giữa cải cách và cách mạng. Điều quan trọng là làm thế nào để biết được sự dồn nén hay điểm tới hạn của sức chịu đựng của cuộc sống đối với hệ thống chính sách của nhà nước để tiến hành cải cách kịp thời nhằm tránh các cuộc cách mạng.

Ranh giới thứ hai là ranh giới của sự tác động chủ quan của con người. Về mặt tổng thể, ranh giới nào cũng là ranh giới chủ quan. Khác với ranh giới thứ nhất là ranh giới chủ quan của một cuộc cách mạng, ranh giới thứ hai này là ranh giới chủ quan của một cuộc cải cách, tức là tác động của con người đến đâu là vừa đủ. Nó đòi hỏi hoạt động cải cách phải là hoạt động hoàn toàn chủ động. Cuộc sống là khách quan, con người - một phần của cuộc sống - cũng là khách quan, nhưng tinh thần của con người là chủ quan. Nếu không nhận thức được đòi hỏi do loại ranh giới này đặt ra thì chương trình hành động xã hội sẽ không thể được hoạch định một cách đúng đắn. Phải nói là, tác động một cách chủ quan vào cuộc sống của mình là năng lực, phẩm giá của con người. Nếu cực đoan nó lên trở thành lý luận phát triển chủ quan thì mới đáng lên án, còn khát vọng tác động một cách chủ quan vào cuộc sống là phẩm hạnh quan trọng nhất của con người.

Nhiều nhà nước đã bắt đầu có ý thức điều chỉnh các tác động chủ quan của mình vào đời sống xã hội để phù hợp với sức chịu đựng và đòi hỏi của nó. ở đây có hai tiêu chuẩn rất cơ bản để tạo ra tính đúng đắn của các cương lĩnh, các chương trình cải cách, đó là sức chịu đựng và các đòi hỏi. Để đo đạc các đòi hỏi của cuộc sống chỉ có thể dùng các công cụ điều tra xã hội học, còn để đo sức chịu đựng trong việc xây dựng các chương trình tác động, là các chương trình cải cách, thì phải bằng sự nhạy cảm chính trị. Trong các xã hội phi dân chủ, sự nhạy cảm chính trị được xác định bằng thiên tài, còn trong các xã hội dân chủ thì bằng thể chế. Phải nói rằng, ở tất cả các nước được xây dựng trên nguyên lý dân chủ, các cuộc cải cách lệ thuộc rất ít vào tinh thần chủ quan của nhà cầm quyền. Đó là bởi vì sự sáng suốt của nhà cầm quyền được thay thế bằng sự sáng suốt của cả thể chế. Các xã hội ở thế giới thứ ba, do không có thể chế dân chủ nên hoàn toàn phụ thuộc vào thiên tài của nhà chính trị. Do đó, các chương trình cải cách của thế giới thứ ba phải có hai mục tiêu là xây dựng một lộ trình dân chủ thích hợp và xác định các yêu cầu vi mô trong những khía cạnh khác nhau của đời sống chính sách, tức là mỗi chương trình cải cách là tổ hợp của rất nhiều cải cách... Khi xây dựng các chương trình cải cách, những nhà lãnh đạo phải hiểu rất rõ bản chất của các nhà nước và nhà nước mà mình đại diện. Đối với các nhà nước dân chủ hoàn chỉnh thì việc tiến hành cải cách đơn giản hơn vì xã hội được rèn luyện để đạt tới thái độ chuyên nghiệp trong việc thể hiện những sự sai trái của hệ thống chính sách. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, theo điều tra, người ta có thể đo được chênh lệch chỉ là mấy điểm giữa hai ứng cử viên tổng thống. Như vậy có thể thấy các công cụ đo đạc xã hội trong các thể chế dân chủ chính xác tới mức lựa chọn từng người một, với số phiếu rất cụ thể. Đó cũng chính là tính hơn hẳn của các thể chế dân chủ. Còn trong các điều kiện xã hội phi dân chủ việc đo đạc phụ thuộc hoàn toàn vào thiên tài, vào các nhà chính trị. Do đó, trong khi tiệm cận đến dân chủ, thế giới thứ ba phải xây dựng một cơ chế để tìm kiếm và làm xuất hiện nhân tài chính trị.

Sự đồng bộ của cải cách không hướng vào sự cân bằng của cuộc sống mà hướng vào cuộc sống, vào sự phát triển của cuộc sống. Nói một cách chính xác, nó hỗ trợ cuộc sống tái lập sự cân bằng. Như chúng ta đã phân tích, tính đồng bộ là một hoạt động chủ quan, bàn đến tính đồng bộ chính là bàn đến tính đồng bộ của các hoạt động chủ quan của con người.

Trong khi đó, các cuộc cải cách xuất hiện bất cứ khi nào cuộc sống đòi hỏi, mà cuộc sống là một yếu tố khách quan được nhận thức, nhận thức lại là một đối tượng mang tính chủ quan. Chính vì thế, bàn về cải cách, về tính đồng bộ của cải cách trong mối tương quan với đảm bảo sự phát triển tự nhiên và bền vững của cuộc sống là những vấn đề rất thú vị, các ranh giới của chúng rất trừu tượng, nó đan xen giữa các khái niệm, các phạm trù với nhau. Chính vì phức tạp như thế nên con người rất dễ nhầm lẫn giữa sự can thiệp chủ quan và đòi hỏi khách quan của cuộc sống, dẫn đến giới hạn chủ quan không còn phản ánh tính khách quan nữa. Nếu không có một cơ chế xác định ranh giới này thì cải cách là một hoạt động rất dễ dẫn đến thất bại vì nó phá vỡ sự cân bằng của cuộc sống, tức là phá vỡ chính bản thân cuộc sống. Chính vì thế, chương trình cải cách phải được hoạch định hợp lý và đồng bộ trên cơ sở tôn trọng sự cân bằng của cuộc sống và chỉ như vậy nó mới đem lại sự phát triển. Cải cách phải là một chương trình chính trị mang tính chủ động để tác động lên cuộc sống nhằm tìm kiếm sự tiến bộ và phát triển bền vững của cả tự nhiên lẫn con người.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: