Sớ Táo Quân đầu tiên

10:11 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Hai, 2019

Xem thêm:


Sớ Táo quân là một thể loại báo chí đặc biệt, chỉ xuất hiện trên báo Xuân của làng báo Việt. Sớ phải viết bằng văn vần, giọng châm biếm, phê phán các vấn đề thời sự. Thể loại này xuất hiện từ khi nào?

Qua khảo cứu về báo xuân, chúng tôi tìm thấy bài Sớ Táo Quân xuất hiện lần đầu tiên là "Lời tấu trình của Táo Quân" trên báo Đàn Bà Mới số Xuân năm Ất Hợi 1935. Đây là tuần báo ra ngày thứ bảy do Băng Dương làm giám đốc chính trị, Thụy An làm tổng biên tập; tòa soạn đặt ở số 1 đường Leman - Sài Gòn (nay là đường Cao Bá Nhạ). Đàn Bà Mới là tuần báo phụ nữ, ra số đầu tiên ngày 1-1-1934 và đình bản sau số xuân 1937.



Xin được trích vài đoạn giới thiệu cùng bạn đọc thưởng thức cùng với Sớ Táo Quân 2013, 2014của Tuổi Trẻ Cười.

Lời tấu trình của Táo Quân (1935)

Muôn tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế
Chuyện trần gian xin kể Ngọc hoàng nghe:
Nguyên năm ngoái thần được bổ về,
Coi khắp ba kỳ dân nước Việt.
Một giống dân nghèo gần muốn chết,
Cả toàn dân rên siết kêu la.
Lớn miệng nhất là lũ nông gia,
Ruộng đất, vườn bị người ta thâu sạch.
Nhiều kẻ liều mình toan chết quách,
Sợ rồi đây người sách cổ ra tòa.
Để nhục nhằn lây đến ông cha.
Nên nhắm mắt mà làm ma cho trọn kiếp.

Sau đến bọn kinh doanh nghề nghiệp.
Bằng công, thương nhưng cũng tuyệt kế sinh nhai
Làm để đó, bán cho ai?
Vì thiên hạ tiền tài đà nhẵn túi,
Vậy thần xin Ngọc Hoàng thương tới.
Lũ dân đen bối rối khôn cùng.
Thương kẻ tài, gặp vận long đong.
Thương người giỏi mắc vòng hoạn nạn.

Nhưng xin Ngọc Hoàng chớ thương mấy hạng.
Mới lớn lên một tí tuổi đầu,
Nay hát xướng, mai cao lâu, nhà "sec",
Làm bậy bạ, miệng chối phăng xoen xoét,
Có la rầy, lại "mẹc" cả mẹ cha,
Kêu chú bác quen mấy chữ "tuy toa"
Dùng toàn tiếng Pháp để tự nhận là Tây đặc,
Hỏi tiếng nước nhà thì ù ù cạc cạc.
Bẻ tại sao? - Bảo: tiếng Pháp dễ dàng,
Học làm chi cái tiếng Việt Nam.
"Huyền", "hỏi", "nặng" nói làm sao được!
Đó thần đà kể hàng phụ nữ trước.
Tấu xong rồi nay đến lượt lũ nam nhi.
Tụi quan trường: từ tổng đốc, tham tri.
Đến phủ huyện chẳng thương gì dân khổ,
Trong hạnh ấy xét ra cũng có,
Một vài tên định cố thanh liêm
Nhưng phần đông họ chỉ ưa tiền,
Nên tàn ác đổi đen ra trắng,
Nhì đến bọn "Hội đồng tư vấn"
Họ thay dân mà họ chẳng làm chi,
Có việc bàn cãi, thì hoặc ngủ lỳ,
Hoặc có nói, cũng chỉ vì tư lợi,
Đó, tình hình nước Việt thần đà tạm kể,
Cúi xin Ngọc Hoàng Thượng Đế xét soi,
Còn sang năm, nếu nước Việt vẫn trông coi,
Thần sẽ dâng sớ tấu rạch ròi hơn thế nữa!

(Xem tiếpSớ Táo Quân 2013, 2014)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết và những giá trị gia đình thời hội nhập

    22/01/2020Trần Thị TrườngXuân đến Tết về không chỉ là ngày, là mùa đón khí mới mà còn là dịp con người tri ân tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân, bạn bè…
  • 80 năm trước Phan Khôi viết báo Tết

    22/01/2014Trương Điện ThắngNhà văn, học giả Phan Khôi (1887-1959) không chỉ là người khai sáng phong trào mới với bài Tình già nổi tiếng, ông còn là một nhà báo với nhiều bút danh khác nhau như Tân Việt, Thông Reo, Chương Dân, Khải Minh Tử… Trên nhiều báo đương thời từ Nam chí Bắc. Đặc biệt, ông viết khá nhiều bài về Tết.
  • Phong tục cúng giỗ của người Hà Nội xưa

    21/01/2014Nguyễn Kim HoạtNgười Việt Nam có tục thờ cúng tổ tiên. Vào ngày Tết và ngày qua đời của người thân trong gia đình (ngày âm lịch), con cháu đều cố gắng sắm sửa những món ngon vật lạ để dâng cúng những người đã khuất. Đó là phong tục cúng Tết và cúng giỗ.
  • Tết Nguyên đán

    06/02/2010Đỗ Hoàng LinhLễ tết là một bộ phận đời sống văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Lễ Tết thường tập trung vào thời điểm đầu năm, phù hợp với thời tiết và thời vụ vì thế nó ăn sâu vào ý thức dân tộc...