Yếu tố biển trong văn hóa Việt

10:33 CH @ Thứ Tư - 18 Tháng Hai, 2015

Đối với cư dân sống trên nước hay gắn liền với môi trường sông biển, vị thần cai quản thế giới huyền bí của nước hiện hữu một cách đa dạng trong nhiều dân tộc và không ít những cộng đồng khác nhau của từng khu vực.

Thậm chí, trong lãnh thổ Việt Nam, thủy thần, yang nước, liên quan đến sông ngòi hay biển khơi, xuất hiện mỗi nơi một khác, nhưng, điểm gặp nhau trong nhận thức trên một phạm vi rộng lớn, đó là lực lượng siêu nhiên gắn kết cuộc sống con người trong nhiều mặt: sức khỏe, sự bình yên và no ấm.

Ngư dân miền Trung và miền Nam phổ biến tục thờ Cá Ông (Cá Ngài, cá Nhà táng) với danh hiệu là Nam Hải cự tộc. Mỗi khi có một con cá Voi không còn sống (Ông lụy) tấp vào bờ, người phát hiện trở thành trưởng nam trong lễ đưa Ông với áo mũ và dây rơm, gậy chống, đúng với trang phục của đám hiếu truyền thống. Xương cá sau khi cải táng được rửa sạch, mang vào miếu thờ.

Trong những nghi lễ quan trọng của ngư dân Việt thường không thể thiếu phần hát bả trạo hay chèo cạn, được tổ chức thành hàng ngũ với đồng phục khăn áo chỉnh tề, sắp theo đội hình như đang ở trong ghe nghề trên biển. Họ vừa chèo vừa hát, ca ngợi những hành vi dũng cảm của những người hy sinh trên biển, cảm thông và cầu mong vềmột sự siêu thoát.

Những làng chài ở Nam Trung Bộ hay Nam Bộ sau các lễ tiết này, thường tổ chức mời những đoàn hát bội (hát bộ), để diễn lại những vởtuồng kinh điển, hay trích đoạn gương anh hùng vì nghĩa, những hành động dũng cảm để bảo vệ lẽ phải hay cộng đồng…

Đầu năm, trước mùa đánh bắt người ta thường tổ chức lễ Cầu an (mở cửa biển), cầu ngư. Ngoài lễ thức với những thần linh liên quan đến biển, ngư dân còn thể hiện mơ ước của mình qua hoạt cảnh cầu ngư rất sôi động, họ ghé vai gánh cả chiếc thuyền trôi trên bãi rộng, lũ trẻ hóa trang thành tôm cá tung tăng vây quanh thuyền, người trên thuyền rải quà cho lũ trẻ, rồi tung lưới bắt chúng, để những bà mẹ, bà chị bỏ chúng vào thúng quảy gánh ra chợ trong nét mặt hân hoan.

Phần hội của ngư dân đi kèm với những lễ tiết nêu trên là những cuộc đua ghe, đua trải hay thuyền thúng. Dùgiải thưởng khiêm tốn hay có lúc chỉ là tượng trưng, nhưng trai bạn vẫn nức lòng quyết thắng, vì tin rằng đó là những tín hiệu tốt lành cho nghề nghiệp của họ.

Lễ và hội của một cộng đồng luôn gắn chặt máu thịt với môi trường sống của họ. Người miền núi bám rẫy và rừng, nông dân bám ruộng đồng, ngư dân bám biển và bảo vệ môi trường ấy như chính cuộc sống của mình.

Ngư dân Việt hiểu biển qua tri thức dân gian phong phú về thiên văn, con nước, ngư trường, kỹ thuật đánh bắt… Họ gắn đời sống tinh thần của mình qua hệ thống lễ hội. Tín mộ thần linh và những thế lực siêu nhiên liên quan đến nước; tri ân những người đã hy sinh trên biển, trên đảo, để bảo vệ gìn giữ cuộc sống cơm áo của họ bằng những nghi lễ trang trọng; ước mong được thành quả mỹ mãn trong nghề nghiệp...

Tất cả những biểu hiện ấy đã phản ánh bức tranh biển với ngư dân Việt trong lịch sửđất nước. Đó là quê hương từ ngàn đời của họ, đó là nơi nằm xuống của biết bao người thân trong quá khứ, những người cùng huyết thống của họ đã ra đi vì nghề nghiệp để bảo vệ sự no ấm cho gia đình và cộng đồng; là nơi những người thân vì đại nghĩa không tiếc thân mình để bảo vệ danh dự và chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc. Biển với họ không chỉ là môi trường khai thác kinh tế, mà còn là những gì thiêng liêng, vượt trên nhu cầu cơm áo, là những thứ cần gìn giữ trước mọi thế lực xâm lăng từ bên ngoài, dù phải trả bằng chính máu xương của mình.

Nguồn:Văn hóa
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Phác thảo yếu tố Biển trong văn hóa Việt Nam

    28/01/2015Trần Thị Mai AnBài viết này muốn phác thảo một số dấu tích của văn hoá biển trong đời sống con người Việt Nam...
  • Thiếu văn hóa biển, người Việt “chậm tiến”

    31/08/2014Đoan TrangCó quan điểm cho rằng Việt Nam, tuy sở hữu bề dày 2000 năm lịch sử nhưng lại rơi vào số những nước chậm phát triển của thế giới; ấy là do tâm lý người dân Việt từ ngàn xưa đã thiếu một thứ quan trọng. Đó là khát vọng và tinh thần vươn ra biển, gọi nôm na là “tư duy biển”. Là quốc gia ven biển, nhưng mãi tới gần đây, Việt Nam vẫn chưa có tư duy biển cả, thậm chí sợ biển, quay lưng ra biển. Phải chăng đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ về kinh tế của nước ta qua bao thế kỷ?
  • Tư duy biển với lịch sử Việt Nam

    17/05/2010Cao Tự ThanhVấn đề biển đảo như một điểm nóng trong sinh hoạt chính trị đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay là kết quả phức hợp của nhiều nguyên nhân cả hiện tại lẫn quá khứ. Bởi vậy, những hạn chế và khó khăn vốn có của Việt Nam trong việc khẳng định và bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với biển đảo cần được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, trong đó có tiến trình về tư duy biển của con người Việt Nam.