Ý thức huyết thống trong thời đại công nghệ

08:41 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Sáu, 2010

Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải ra sức giữ nước

Hồ Chí Minh

Quan hệ huyết thống (Consanguinité) là tiêu chuẩn sinh vật - xã hội quan trọng đánh dấu bước tiến của lịch sử nhân loại. Từ mẫu hệ sang phụ hệ là quá trình lịch sử - tự nhiên phổ biến từ Đông sang Tây. Tuy nhiên, mức độ đậm nhạt, đổi thay của quan hệ huyết thống lại biến đổi khác nhau tùy theo không gian và thời gian.

Ở Việt Nam, từ thuở xa xưa, ý thức về huyết thống đặc biệt sâu đậm và biểu hiện hầu như khắp các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Cho đến nay, ý thức huyết thống vẫn còn đó mặc dầu dòng nước thời gian vừa tôn tạo vừa bào mòn qua hàng thiên niên kỷ.

Ai cũng biết triều đại các vua Hùng là triều đại lập quốc của người Việt. Xuất xứ của các vua Hùng lại là câu chuyện thần thoại về họ Hồng Bàng đậm màu sắc huyết thống. Sách Lĩnh Nam chích quái chép:

“Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài cánh đồng. Qua sáu, bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, bèn đem về nhà nuôi. Các con tự lớn lên, không cần bú mớm, đẹp đẽ lạ thường, ai cũng trí dũng song toàn. Mọi người đều kính trọng, cho là triệu chứng phi thường…Long Quân nói : "Ta vốn là rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống trên đất liền, tuy nhờ khí âm dương hợp lại mà sinh ra con cái, nhưng thủy hỏa tương khắc, nòi giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được. Nay phải chia ly, ta đem năm mươi con về thuỷ phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về đất liền, chia nước mà trị. Tuy lên núi, xuống bể, nhưng hữu sự cần báo cho nhau biết. Nàng hãy nhớ lấy đừng quên". Trăm con thảy đều theo lời, sau đó từ biệt lên đường. Âu Cơ và năm mươi con đến đóng ở đất Phong Châu. Họ kính trọng nhau và tôn thờ người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang"(l).

Như vậy, nhà nước Văn Lang ra đời gắn chặt với quan hệ huyết thống thần thoại hóa, hay nói cách khác là được siêu việt hóa. Huyết thống này, chẳng những biểu hiện ở thời buổi yên bình thường nhật mà càng biểu hiện rõ nét ở lúc nguy nan cần sự giúp đỡ của cộng đồng gần gũi nhất. Trong "Truyện họ Hồng Bàng" chỉ vẻn vẹn khoảng một nghìn chữ này, đã có ba lần người ta nghe được tiếng gọi của con với cha, quan hệ huyết thống gần gũi nhất trong đời sống của con người :

“Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng : "Bố ơi ! Sao không lại cứu chúng con".
“Mẹ con Âu Cơ không thể về được, bèn quay về nước Nam mà gọi Lạc Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này".

Nghe tiếng gọi "Bố con”, người ta có cảm gia đình? Thực ra, đây vừa là gia đình, vừa là nhà nước, một nhà nước bắt đầu từ gia đình. Gia đình, họ hàng làng nước đều xuất phát từ một điểm. Cho nên câu cuối cùng kết thúc Truyện Họ Hồng Bàng cũng là qui tụ về ý thức cội nguồn huyết thống :

“Một trăm người con trai đó, chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy”.

Còn hai câu chuyện thần thoại mà người Việt Nam từ nhỏ đến lớn, không ai là không biết, đó là chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và chuyện Thánh Gióng. Hai chuyện này phản ánh quá trình gây cấn nhất của người Việt là chống thiên tai và chống ngoại xâm. Lĩnh Nam chích quái chép hai truyện này đều liên quan đến thời Hùng Vương, nghĩa là công việc chống thiên tai cũng như chống ngoại xâm đều không ra ngoài quan hệ huyết thống.

Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinhxảy ra ở đời Hùng Vương thứ Mười Tám. Còn chuyện Thánh Gióng xảy ra ở Đời Hùng Vương thứ Sáu(2). Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh tuy phản ánh công việc chống thiên tai nhưng cũng xoay quanh câu chuyện kén rể bình thường trong mọi gia đình. Còn Thánh Gióng là tướng Trời xuống giúp dân chống ngoại xâm nhưng không phải là thiên binh thiên tướng oai hùng, trống rung cờ mở mà cũng bắt đầu từ chuyện con cái của gia đình hiếm muộn bình thường. Do đó, có thể thấy rằng từ chuyện nhà nước đến chuyện chống thiên tai, chống ngoại xâm, toàn là những chuyện quan trọng vào bậc nhất trong đời sống của người Việt, đều liên quan chặt chẽ đến quan hệ huyết thống. Huyết thống vốn là cái "tự nhiên”, là điểm tựa, là hiện thực. Thần thoại là hiện thực được siêu việt hóa, được chắp cánh, đồng thời cũng là nguồn sức mạnh vô tận của huyết thống - tự nhiên.

Mỗi khi con lên tiếng gọi bố mẹ cũng là lúc con được tiếp sức mạnh. “Tứ cố vô thân" là điều mà ai cũng buồn, nhưng đối với người Việt Nam thì đó là điều đáng buồn nhất. Người Việt Nam rất ngưỡng mộ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Tôn Ngộ Không nứt ra từ phiến đá, đúng là lạ thường. Tuy nhiên, người Việt Nam không muốn có quan hệ huyết thống với một “Phiến đá” hoặc với khí âm, khí dương siêu hình nào đó.

Huyết thống không phải chỉ thể hiện ở dựng nước, giữ nước mà hầu như trong mọi sinh hoạt của đời sống đều có dấu ấn của nó. Khi tôn sùng, hoặc ca ngợi ai, không phải chỉ có công thức "hiện thực - siêu việt", mà còn ngược lại, tức là “siêu việt - hiện thực”. Hiện thực gần gũi nhất là huyết thống. Phùng Hưng được gọi là , “Bố Cái Đại Vương" (Đại Vương Cha Mẹ), đó là đanh hiệu có giá trị nhất, không có danh hiệu nào có thể sánh kịp. Quân lính của Phạm Ngũ Lão đánh đâu được đấy, bởi vì đó là đội quân được mệnh danh là “đội quân cha con” (phụ tử chi binh)

Có hai cuốn truyện mà ai cũng biết, ai cũng ít nhất thuộc vài câu. Đó là Truyện Kiềucủa Nguyễn Du và truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Bao nhiêu sự việc éo le trong suốt cuộc đời của Thúy Kiều bắt đầu từ việc Kiều bán mình chuộc cha, nghĩa là bắt đầu là chữ “hiếu”. Tiết hạnh là cái quí giá nhất của người con gái, nhưng chữ hiếu được đặt ở vị trí cao hơn, nghĩa là huyết thống gần nhất của con người (hiếu) vẫn là nền tảng của cuộc sống.

Còn Nguyễn Đình Chiểu thì bắt đầu Lục Vân Tiên bằng "Trung - Hiếu”. Truyện Lục Vân Tiên sở dĩ hấp dẫn người dân Nam Bộ, ai ai cũng ngâm nga truyện Lục Vân Tiên không phải chỉ vì Lục Vân Tiên văn võ song toàn, mà điều đáng quí hơn cả, vẫn là đức tính hiếu thảo của chàng thư sinh này. Cho nên huyết thống - hiếu, cũng trở thành nổi tiếng ở thời Lê, ghi chép 722 điều, nhưng mở đầu lại là qui định về tang chế đối với họ hàng huyết thống : để tang 5 hạng và để tang 9 hạng họ trong họ nội. Chính vì đặt cá nhân trong quan hệ thống nhất với cộng đồng huyết thống, cho nên pháp luật thường không tách cá nhân khỏi cộng đồng huyết thống để xem xét.

Từ trước Công Nguyên, Nho giáo ở Trung Quốc cũng đã du nhập vào Việt Nam, vào Triều Tiên và đến thế kỷ Tiên và đến thế kỷ thứ III sau Công nguyên Nho giáo mới vào Nhật Bản(3). Nho giáo vốn là sản phẩm của xã hội của đẳng cấp mang tính huyết thống (tông tộc đẳng cấp xã hội), đồng thời Nho giáo cũng chính là hệ tư tưởng tốt nhất để củng cố cho chế độ xã hội đẳng cấp này.

Ai cũng biết rằng "Nhân" là hạt nhân của học thuyết của Khổng Tử, còn "Hiếu” lại là cơ sở của "Nhân". Hữu Nhược xem ra đã nắm được yếu lĩnh của đạo Nho qua câu nói hầu như đã trở thành kinh điển : "Người quân tử phải nắm chắc cái gốc, gốc đã vững chắc rồi thì lo gì đạo không thành. Hiếu đễ chính là cái gốc của Nhân vậy!" (Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả kỳ vi nhân chi bản dư! , Luận ngữ, Học Nhi ).

"Hiếu đễ" tức là huyết thống, huyết thống trở thành cái gốc, cái nền của một học thuyết tồn tại hơn 2.000 năm ở Trung Hoa. Nho giáo từ khi ra đời, không đẩy lùi tôn giáo về dĩ vãng như triết học Hy Lạp và cũng không núp dưới hào quang của tôn giáo như phần lớn triết học của ấn Độ. Nho giáo xem ra ở giữa hai trạng không ít mâu thuẫn trong học thuyết Khổng tử. Thế nhưng vì sao lại như vậy, có lẽ cũng cần làm rõ hơn. Huyết thống là cái “tự nhiên" chứ không phải là "thần thánh”. Cái "tự nhiên – huyết thống kéo học thuyết Nhân của Khổng Tử ra khỏi phạm vi thần thánh. Tuy nhiên, quan niệm "thiên mệnh " lại lôi Khổng Tử quay về vòng tay của tôn giáo. Chẳng trách Khổng Tử phải nói nước đôi : “Phải kính nể nhưng phải lánh xa quỷ thần”. (Kính quỷ thần nhi viễn chi, Luận ngữ, Ung dã).

Ngay từ thời Xuân Thu - Chiến quốc, Mặc Tử cũng đã lên án đạo Nho về điểm này:

"Công Mạnh Tử nói : Giàu, nghèo, sống lâu, chết sớm, tất cả đều do Trời định, không thể nào thay đổi.
Lại nói : Người quân tử phải lo học hành.
Mặc Tử nói : Bảo người ta phải học hành nhưng lại tin ở số mệnh, như vậy có khác gì dạy người ta cách chải đầu buốt tóc nhưng lại vứt bỏ trâm cài, mũ đội" (Công Mạnh Tử viết : Cùng phú thọ yểu, thố nhiên tại thiên, bất khả tổn ích. Hựu viết : Quân Tử tất học. Tử Mặc Tử viết : Giáo nhân học nhi chấp hữu mệnh, thị do mệnh nhân bảo nhi khứ kỳ quan dã, Mặc Tử, Công Mạnh). “Công Mạnh Tử nói : không có quỷ thần.
Lại nói : Người quân tử cần phải học tế lễ.
Mặc Tử nói : “Đã không tin quỷ thần, lại còn yêu cầu người ta học tế lễ, điều đó có khác gì không có khách lại học tiếp khách, không có cá mà lại đi đan lưới”, Tử Mặc.
(Công Mạnh Tử viết : Vô quỷ thần. Hựu viết : Quân tử tất học tế lễ. Tử viết : Chấp vô quỷ nhi học tế lễ, thị do vô khách nhi học khách lễ, thị do vô ngư nhi vi ngư cổ dã. Mặc Tử, Công Mạnh)

Tuy nhiên về sau, tính đẳng cấp xã hội ngày càng đậm nét thì thần hộ vệ "Thiên mệnh" ngày càng có vai trò trọng yếu hơn. Thậm chí “Thiên mệnh” lại siêu việt hóa “huyết thống” để cho tam vị huyết thống – thiên mệnh – đẳng cấp trở thành nhất thể. Hay nói cách khác là thống nhất giữa Tự nhiên – Tôn giáo – Chính trị. Tất cả đều từ “tự nhiên - huyết thống” mà ra, nhưng trong thể thống nhất này huyết thống hình như khó nhìn thấy hơn, bởi vì nó được hòa tan trong tôn giáo và chính trị. Chẳng trách Nhiệm Kế Dũ và nhiều học giả Trung Quốc cho rằng đạo Nho càng về sau càng có xu hướng tôn giáo hóa. Thực ra “Tôn giáo hóa”,chỉ là phương tiện, chính trị mới là mục đích. Ngay từ thời Khổng Tử, mục đích đó đã được xác định rồi: “'Thường ít người nào đã có đức tính hiếu đễ mà lại còn có ý đồ phạm thượng; không có ý đồ phạm thượng thì sao lại có thể làm loạn được?" (Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả, tiện hỷ; bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã, Luận ngữ, Học nhi.Cho nên đối với quỷ thần, Khổng Tử vừa nói “kính” vừa nói "viễn chi", trọng tâm không phải là "kính” mà là "viễn chi” (xa lánh), không phải quan tâm nhiều về cái "chết" mà hãy trực diện với cái “sống"(4). Chưa bao giờ ở các nước Trung Quốc hoặc các nước châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên lại đặt thần quyền trên vương quyền cả. Cho nên, kinh tuyến của tư duy siêu hình không phải bắt đầu ở Kinh Dịch mà bắt đầu ở Kinh Veda.

Quan hệ huyết thống ở Việt Nam cũng hướng về thế gian hơn là hướng về “xuất thế gian”. Nho giáo ở Triều Tiên và Nhận Bản cũng gắn chặt với quan hệ huyết thống ở bản địa. Nhưng Nho giáo vào Triều Tiên gặp lúc đất nước trong trạng thái phân quyền, tình hình đấu tranh chính trị căng thẳng, cơ sở huyết thống - tự nhiên ở Nho giáo, ngay từ đầu phải nhường chỗ cho chính trị. Nhật Bản lại thiên về chữ "Trung" hơn là chữ "Nhân” cho nên ý thức huyết thống không nặng bằng ý thức đẳng cấp. Người ta cho rằng xã hội Nhật Bản chế độ "gia trưởng" được thay bằng chế độ "gia đốc” (tức là người quản đốc họ tộc không nhất thiết là người cùng huyết thống), con rể không bị xem là "ngoại tộc". Xem ra quan hệ huyết thống ở xã hội Việt Nam đậm nét hơn cả.

Cứ cho như Triệu Đà là một trong những người truyền bá Nho giáo vào Việt Nam, Triệu Đà là bộ tướng của nhà Tần, thống lĩnh ở phía Nam, lại xưng Đế cát cứ đối lập với nhà Hán. Tuy Lưu Bang sai Lục Giả đến làm "công tác tư tưởng" đối với Triệu Đà, cho dầu Triệu Đà nghe theo, bỏ Đế hiệu đi nữa thì việc tiếp thu Hán Nho của Triệu chắc là không thể bệ nguyên xi tinh thần của Hán Nho được. Mặt khác, Triệu Đà cũng muốn thu phục lòng dân, cho nên tính “tự nhiên" của huyết thống ở bản địa xem ra cũng không bị sứt mẻ gì nhiều(5).

Hình như không có nơi nào ở phương Đông như ở Việt Nam này sản sinh ra câu chuyện thần thoại đặt cả xuất xứ của một dân tộc vào trong một bọc trứng. Kiều Phú, đồng tác giả Lĩnh Nam chích quái, đã tự hào về chuyện Họ Hồng Bàng đặc sắc của Việt Nam và so sánh nó với những chuyện trong Sưu thần tự của người đời Tấn và U quái lục của người đời Đường ở Trung Quốc :

“Than ôi! Trời đã sai chim huyền điểu giáng thế sinh ra vua nhà Thương thì ắt có chuyện trăm trứng nở thành trăm con trai chia trị nước Nam, chuyện Họ Hồng Bàng muôn đời không thể mất được”(6). Ngay người đầu tiên chép lại chuyện Họ Hồng Bàng tương truyền là Trần Thế Pháp, nhưng ông là ai thực ra đến nay cũng còn chưa biết rõ, huống chi chuyện Họ Hồng Bàng được hình thành từ lúc nào, càng chưa thể đoán định được. Có điều chắc chắn là ý thức huyết thống được định hình ở Việt Nam từ lâu trước khi Nho giáo vào nước ta.

Người Việt Nam từ lâu đã đặt ý thức huyết thống và tinh thần yêu nước trong quan hệ thống nhất. Tinh thần yêu nước chỉ là ý thức huyết thống được mở rộng, còn ý thức huyết thống trong họ hàng, gia đình lại là tinh thần yêu nước thu hẹp. Thái Hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt lựa chọn giữa dòng họ, huyết thống gia tộc nhỏ và đại gia tộc - quốc gia. Sự xuất hiện anh hùng cứu nước Lê Hoàn trong thời điểm đất nước ngàn cân treo sợi tóc không phải chỉ nhờ có Thái hậu Dương Vân Nga mà còn là biểu hiện quan niệm huyết thống độc đáo của cả dân tộc.

Khi Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về phương Bắc, Nguyễn Trãi lẽo đẽo theo hầu cha cho tròn đạo hiếu. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên nhủ Nguyễn Trãi rằng quan hệ huyết thống cha - con chỉ là “tiểu hiếu”, còn quan hệ với đất nước mới là "đại hiếu”. Sự thống nhất giữa "hiếu vi mô" và "hiếu vĩ mô” trên cơ sở huyết thống là động lực mạnh mẽ đưa Nguyễn Trãi đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Từ cơ sở quan hệ huyết thống này, Nho giáo đã bén rễ trong xã hội Việt Nam. Nho giáo vào việt Nam vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên(7), nhưng đến đời Lý, từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long (thế kỷ XI), xây dựng Văn miếu, Quốc tử giám thì Nho giáo mới bắt đầu "ngang ngửa" với Phật và Đạo. Mãi đến thế kỷ XV, đến đời Lê, Nho giáo mới trở thành quốc giáo. Cho dù Triệu Đà là người truyền bá Nho giáo vào nước ta thì từ thời Lý Trần về trước, Phật giáo vẫn là tư tưởng chủ đạo. Nho giáo lúc bấy giờ là Hán Nho. Nho giáo trở thành chính thống ở Việt Nam là Tống Nho chứ không phải Hán Nho.

Vào cuối Đời Trần, Hồ Quý Ly trước tác sách Minh đạo "cho rằng Luận ngữ có bốn chỗ đáng ngờ…cho những người như Chu Mậu Thúc, Trình Hạo, Trình Di…Chu Tử, học rộng nhưng tài thì kém, không thiết thực, chỉ thạo nghề ăn cắp văn chương của người xưa”(8).
Hồ Quý Ly còn soạn sách Thi nghĩa mà "bài tựa phần nhiều theo ý mình chứ không theo Tập Truyện của Chu Tử”(9).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sách Minh đạo vấn thế vào năm 1392, sách Thi nghĩa vào năm 1396. Như vậy, cũng có thể thấy Tống Nho đã ảnh hưởng nhiều ở thế kỷ XIV. Bản thân Ngô Sĩ Liên, tác giả sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã đứng trên lập trường của Tống Nho để phê phán Hồ Quý Ly:

“Chu Tử sinh ra ở cuối đời Tống, tiếp tục sự nghiệp của tiên Nho Hán Đường, chú thích Sáu kinh, tìm hiểu ngọn nguồn, thấu rõ nguyên ý của thánh nhân, nhìn xa trông rộng, xứng đáng là tập đại thành của đạo Nho, làm mẫu mực cho hậu thế. Huống hồ trước có Trình Tử khởi xướng, sau được Chu Tử bổ sung, ý nghĩa thật là tinh tường. Người đời sau chỉ cốt thêm thắt, làm cho bóng bẩy mà thôi, sao lại còn giám chê bai ?"(10)

Như vậy, Hán Nho vào Việt Nam chủ yếu vẫn với tư cách là một học thuyết, một quan niệm về nhân sinh. Cùng với Tống Nho, Nho giáo mới trở thành hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam. Tống Nho đã triết học hóa Nho giáo, cho nên được xem là đỉnh cao của Nho giáo ở Trung Quốc. Các thời đại lịch sử trước đây đã siêu việt hóa mặt này hoặc mặt kia của Nho giáo, Tống Nho triết học hóa Nho giáo, không những không loại bỏ điều đó mà còn "lý luận hóa” nó bằng triết học. Có nghĩa là quan hệ huyết thống tự nhiên càng ngày càng biến dạng, đến nỗi những cái "tự nhiên” hầu như đều trở thành cái "không tự nhiên”. Thậm chí cái gọi là "đạo lý” không phải là cái gì khác ngoài mục đích “cấm dục”. Khi mà tính đẳng cấp, tính chính trị càng đậm nét bao nhiêu thì "tính tự nhiên" càng mờ nhạt bấy nhiêu.

Khi Hán Nho vào Việt Nam, tính huyết thống - tự nhiên chưa phải là đối tượng quan trọng cần "cải tạo". Cho nên Lê Hoàn không cùng huyết thống với nhà Đinh nhưng việc ông nối ngôi vua không có gì là "trái đạo". Lý Công Uẩn, thực ra có phải là họ Lý hay không cũng chưa ai biết được, bởi vì thân phụ của ông là thần linh kia mà. Nhưng những điều đó, lúc bấy giờ không phải là điều gì quan trọng lắm. Tuy nhiên, về sau các sử gia vẫn hay "nhòm ngó” về việc này.

Nhưng đến Hồ Quý Ly, khi Tống Nho đã ảnh hưởng quá nhiều trong xã hội thì việc Hồ Quý Ly lên ngôi vua trở thành “bất hợp pháp” bởi lý do huyết thống. Một quan niệm huyết thống đã bị biến dạng, đã được đóng dấu bởi “thiên mệnh” và “đẳng cấp chính trị”.

Nói chung, giai cấp thống trị phong kiến càng ngày càng kẻo huyết thống theo "thiên mệnh - đẳng cấp", còn dân chúng lại cố giữ huyết thống về với tự nhiên. Những bức tranh dân gian về lợn mẹ và đàn lợn con, gà mẹ và đàn gà con, có lẽ không phải chỉ biểu hiện về trạng thái vui mừng trong chăn nuôi, sản xuất mà cao hơn, chính là ý thức về kế tục nòi giống, tức là về huyết thống, cho nên ý thức huyết thống này thực ra không phải là đời sống tâm linh siêu việt gì tách khỏi đời sống bình thường của người dân. Nó chỉ là sự thống nhất giữa cái "hiện thực” và cái "thần thoại". Và ngay bản thân cái "thần thoại" cũng được "hiện thực hóa" rồi. Bởi vì Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng là người, cũng đi hỏi vợ và cũng tranh chấp nhau. Thánh Gióng cũng là em bé lên ba, cũng cần phải ăn mới lớn được.

Người Việt Nam không phải là dân tộc chìm đắm trong đời sống tắm linh siêu hình nào đó. Không xem đó là điểm xuất phát cũng như là điểm cuối cùng của mọi cuộc sống.

Như trên đã nói, quan hệ huyết thống - tự nhiên liên quan chặt chẽ với sự ra đời với một nhà nước như nhà nước Văn Lang chẳng hạn. Tính tự nhiên của nó càng ngày càng bị siêu việt hóa bởi chính nhà nước phong kiến. Không những vậy trong thời đại công nghệ, trong đời sống kinh tế thị trường ở thế kỷ XXI này, tính huyết thống tự nhiên vốn tồn tại bao đời trong lịch sử chắc chắn sẽ bị kinh tế thị trường và công nghệ hiện đại mà bán thân nó cũng thay đổi từng giờ từng phút làm cho đổi thay.

Ở phương Tây, thời kỳ Trung thế kỷ, quan hệ huyết thống đâu phải không được xem trọng? Hình như quan hệ huyết thống trong xã hội gắn liền với vận mệnh của Cơ đốc giáo. Chính vì Cơ đốc giáo muốn trở thành "trái tim của thế giới không có trái tim", cho nên tình thương là điều không thể thiếu được. Tình thương phải chăng cũng bắt đầu và cũng gắn liền với quan hệ huyết thống. Ông "Cha" (Père) và bà "Chị" (Soeur) trong các tu viện, "Abbé" vừa là "Thần" vừa là "Cha" (Thần phụ)…cũng là những biểu hiện điều đó.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản kéo theo cái gọi là "cá nhân luận" (Indiviualism), đặt một hàng rào đối lập giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, làm cho "tình thương" trở thành thứ hàng xa xí phẩm. Phương châm "người với người là chó sói”, (Homo homini lupus est), chủ nghĩa vị lợi (Utilitarism) xem ra thích hợp với cơ chế thị trường hơn. Từ chỗ "ai lo phần người ấy, Thượng Đế lo chung" đến chỗ “Thượng Đế" cũng chẳng còn nữa (Dieu est mort). Do đó, ý thức huyết thống cũng chẳng còn lý do gì để tồn tại nữa. Cái gọi là "thành đạt” cá nhân và đồng tiền trở thành động lực. Đạo đức xuống cấp bắt đầu từ biểu hiện rạn nứt gia đình. Kỹ thuật mang thai hộ làm đảo lộn quan hệ huyết thống gia đình, không biết đứa con ra đời sẽ gọi người đẻ ra mình là Mẹ hay là Bà? Đó là chưa nói đến kỹ thuật sinh sản "vô tính" (cloning), một ngày nào đó nếu như pháp luật cho phép thì quan hệ huyết thống - tự nhiên của con người sẽ bị chính con người xóa sổ. Tuy nhiên, khoa học - kỹ thuật phương Tây phát triển dựa vào thực nghiệm và công nghệ như Engels đã nói, tạo ra tiêu chuẩn "thực tiễn", tạo ra chân lý làm thước đo cho nhận thức. Khi chân lý là thực nghiệm khoa học chứ không phải là cái chỉ có trong Kinh Thánh, có nghĩa là khi tư tưởng được giải phóng thì dân chủ và khoa học sẽ là anh em sinh đôi.

Dựa trên cơ sở huyết thống, đạo đức Nho giáo phương Đông hình thành. Đạo đức phương Đông đặt cá nhân và cộng đồng trong quan hệ thống nhất. Đạo đức quan trọng nhất là lòng nhân ái không phải tìm ở đâu xa lạ mà ở ngay trong bản chất của tất cả mọi người. Thuyết "tứ đoan” của Mạnh Tử nhằm chứng minh cho điều đó. Trên cơ sở ý thức huyết thống đã hình thành từ lâu đời, người Việt Nam tiếp thu quan niệm "Nhân ái" của Nho giáo, hình thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Gia đình - Họ hàng - Làng nước trở thành thể thống nhất. Tình làng nghĩa xóm sâu đậm dễ dàng tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong lúc nguy nan.
Cũng trên cơ sở huyết thống, đạo đức phương Đông hình thành ý thức sâu đậm về cội nguồn quá khứ cũng như về kế tục nòi giống trong tương lai. Quan niệm sống xứng đáng với Tổ tiên ngày trước cũng như ý thức trách nhiệm đối với thế hệ mai sau luôn thường trực ở người Việt Nam. Không có gia đình người Việt Nam nào lại không lập bàn thờ Tổ tiên trong nhà, để cúng giỗ người thân đã khuất. Đấy không phải là tôn giáo đấy chính là ý thức huyết thống. Ở phương Tây chú trọng ngày sinh, ở phương Đông chú trọng ngày mất. Họp mặt con cháu nhân ngày mất của ông bà để chứng tỏ rằng ông bà vẫn "tồn tại" mãi trong những thế hệ nối tiếp. Nếu đang còn sống thì "tồn tạo là lẽ đương nhiên, có chăng là chúc mừng theo ý nghĩa khác.

Huyết thống cũng tạo nên ý thức cộng đồng, trước hết là đối với gia đình. Cái khó nhất của đạo đức vẫn là xử lý cách đối xử của cá nhân đối với người khác hoặc đối với cộng đồng. Ý thức huyết thống không cho phép đặt cá nhân trên cộng đồng huyết thống, cá nhân chỉ tồn tại trong quan hệ huyết thống mà thôi. Do đó, cá nhân phải quên mình vì quan hệ huyết thống và lại tìm thấy mình trong quan hệ huyết thống đó. Sự quên mình vì “tiểu huyết thống" có giá trị bao nhiêu thì sự quên mình vì "đại huyết thống” dân tộc càng có giá trị gấp bội. Từ “đại huyết thống” dân tộc đến cả nhân loại trên thế gian cũng từ lô-gích đó suy ra cả thôi. Đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình thì khẩu hiệu "Bốn bể đều là anh em" (Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã, Luận Ngữ, Nhan Uyên)so với "người với người là chó sói" xem ra vẫn hấp dẫn hơn.

Bản sắc văn hóa hình thành từ lâu đời như vậy rõ ràng nên quan rất nhiều đến ý thức huyết thống. Cho nên ngược lại, nếu sai lầm về huyết thống sẽ dẫn đến nhiều đổ bể khác. Người Việt Nam ai mà không biết tượng đá vọng phu trông chồng. Hai anh em ruột nhầm lẫn lấy nhau thành vợ chồng, người anh phát hiện sai lầm bên bỏ đi, người vợ không biết cứ thế ôm con lên núi trông chồng về, lâu ngày hóa thành đá. Sai lầm và huyết thống dẫn đến bi kịch vô phương cứu chữa về gia đình. An Dương Vương chạy giặc, rút gươm chém con gái cưng sau lưng ngựa, sai lầm về huyết thống của An Dương Vương dẫn đến sai lầm về nhà nước, làm cho “cơ đồ chìm xuống biển sâu”.

Đất nước Việt Nam chưa thực sự trải qua xã hội tư bản cũng như kinh tế thị trường, tuy nhiên quan hệ huyết thống ít nhiều cũng bị chi phối bởi thế lực của đồng tiền. Cho nên, quan hệ huyết thống ông cháu vốn thiêng liêng lại được nhìn theo cách khác :

“Còn tiền còn bạc còn đệ tử,
Hết cơm hết gạo hết ông tôi”.

"Tình nghĩa” vốn là động lực trong xã hội đậm màu sắc huyết thống bị nhường chỗ cho cái gọi là "thành đạt” cá nhân có khi bất chấp cả thủ đoạn, trong xã hội mà đồng tiền lên ngôi vua.

Quan hệ huyết thống không phải là không thay đổi. Dẫu muốn hay không muốn, trong thế giới đầy đổi thay này có cái gì là cái không thay đổi. Hơn nữa, huyết thống tuy là cơ sở của nhân ái và văn hóa dân tộc, nhưng bản thân nó cũng tồn tại không ít những hạn chế. Cũng có thể kể ra sau đây những hạn chế thường thấy nhất :

Thứ nhất, ý thức huyết thống dễ dẫn đến tư tưởng cục bộ, bè phái, gia đình trị, hẹp hòi không thích hợp với thời đại công nghệ, mở rộng giao lưu, mở rộng thông tin.

Thứ hai, ý thức huyết thống dễ tạo thành thói quen tùy tiện trong quan hệ. Bởi vì ý thức huyết thống là cơ sở của lòng nhân ái, của tình thương, cho nên xu hướng dựa vào "tình" nhiều hơn là dựa vào “lý”: “Một tạ cái lý không bằng một tí cái tình". Điều đó không thích hợp với thời đại lý luận khoa học, thời đại pháp lý.

Thứ ba, ý thức huyết thống là cơ sở của bản giá trị xã hội dựa trên cái "thiện" chứ không phải dựa trên cái "chân". Bởi vì huyết thống là cái nền của đạo đức mà phạm trù cơ bản của đạo đức là cái “thiện", cái "thiện” thường ít khách quan bằng cái “chân", chính vì vậy nên bản giá trị của xã hội thường dễ sa vào tính chủ quan, ít nhiều gây trở ngại cho vấn đề dân chủ trong nhận thức.

Thứ tư, như trên đã nói, ý thức huyết thống ở Việt Nam, tính siêu thế gian xem ra không trọng lượng bằng tính "trần tục", cho nên vì "sống còn" trước mắt của một thế hệ, người ta cũng không ngần ngại lắm để phá hủy môi trường sống lâu dài của nhiều thế hệ. Vì tính “trần tục”, của "sống còn”, người ta có lúc quên đi tài sản vô giá thuộc về tinh thần của những di tích hoặc của những cổ vật chỉ có một không có hai.

Thứ năm, kế thừa huyết thống chỉ được tính theo huyết thống của người cha, cho nên tập tục lạc hậu trọng nam khinh nữ, hoặc kém ý thức chấp hành qui định sinh đẻ có kế hoạch vẫn không phải không còn tồn tại.

Vì vậy, ý thức huyết thống không “biến” cũng phải “biến". Có điều là chính thời đại công nghệ hoặc sẽ làm cho nó khiến" khỏi cuộc sống như xã hội tư bản đã từng làm ở phương Tây, hoặc "biến" những cái hạn chế, cái bất hợp lý thành cái hợp lý.

Như vậy, giá trị của ý thức huyết thống sẽ được phát huy cùng với cái "thiện", với bản sắc văn hóa dân tộc trong quan hệ thống nhất giữa cái “thiện" và cái "chân". Thời đại công nghệ sẽ là cơ sở của cái "chân". Hoặc ý thức huyết thống sẽ "biến" mất, kéo theo giá trị văn hóa hàng nghìn đời của dân tộc rơi rụng theo dòng nước lạnh lùng của công nghệ - khoa học, nếu như biến cái "tự nhiện” thành cái “không tự nhiện” Kinh tế suy thoái thì sẽ có cơ hội để phục hồi, còn bản sắc văn hóa nghìn đời của dân tộc nếu đã ra đi thì không bao giờ trở lại được.

(1) Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1960, tr.22-23.
(2)Xem chú thích (1) Sách Lĩnh Nam chích quái đã dẫn
(3) Theo Khổng Tường Lâm, Nho giáo du nhập vào Triều Tiên khoảng thế kỷ I trước Công Nguyên (Nho học dữ nhị thập nhất thể kỷ, Nhà xuất bản Hoa Hạ, Bắc Kinh, 1996, tr.1552.
Theo Thôi Long Thủy: “Nho giáo du nhập vào Triều Tiên lúc nào, hiện nay giới học thuật đang tranh luận. Theo tôi, căn cứ vào sử liệu được ghi chép, vào thời kỳ nhà Hán bắt đầu thành lập bốn quận ở Triều Tiên thì Nho giáo bắt đầu du nhập vào Triều Tiên. Đương nhiên thực sự ảnh hưởng của Nho giáo là thời kỳ Tam Quốc ở Triều Tiên”.
Theo Vương Thủ Hoa: “Nho giáo du nhập vào Nhật Bản cùng lúc với du nhập chữ Hán. Đại loại vào năm 248 lúc A Trực Kỳ, sứ giả của Bách Tề vào Nhật Bản” (Nhật Bản triết học sử giáo trình, Sơn Đông Đại học xuất bản xã, 1989, tr.40.
(4) Quý Lộ hỏi về việc đối xử với quỷ thần. Khổng Tử đáp: “Chưa biết đối xử với người làm sao mà đối xử với quỷ thần”. Hỏi về cái chết. Đáp: “Chưa biết sống mà đòi biết chết” (Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”. Viết: “Cảm vấn tử”. Đáp: “Vị tri sinh, yên tri tử”, Luận Ngữ, Tiên tiến).
(5) Hà Thành Hiên, Nho học Nam truyền sử, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000, tr.74 : "Triệu Đà là người thuộc huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, tư tướng và hành vi của ông ta chịu ảnh hướng Nho học rất nhiều. Sau khi lập ra nhà nước Nam Việt, ông ta quán triệt tinh thần "hòa vi quý", thực hiện chính sách "hòa bình thống nhất Bách Việt", "Nam Bắc hữu hảo" tăng cường hòa mục dân tộc và đồng hóa dân tộc".
(6)Lĩnh Nam chích quái, Sđd, tr.15.
(7) Triệu Đà đánh bại Thục Phán (207 Tr.Công Nguyên), lập ra nhà Triệu (207 – 111 Tr.Công Nguyên), truyền bá Nho giáo vào nước ta. Vào thời kỳ này, nhà Hán loạn lạc, nhiều nho sĩ loạn lạc về Lĩnh Nam, góp phần truyền bá Nho giáo. Lê Tắc trong An Nam chí lược viết: “Triệu Đà làm vua nước Nam Việt, bắt đầu lấy Thi, Thư, Lễ, Nghĩa giáo hóa dân”, Hà Thành Niên cho rằng Triệu Đà đầu tiên truyền bá Nho giáo vào Nam Việt, Nho học Nam truyền sử, Bắc Kinh đại học Xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000, Xem chương IV: Nho Học tại Lĩnh Nam đích sơ truyền.
(8)Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1971, t.2, tr.212.
(9)Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.218.
(10)Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.219.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: