Xây dựng các tập đoàn kinh tế

03:50 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Tư, 2007

Từ một quan điểm phát triển các tập đoàn kinh tế

Dựa trên quan điểm kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, hiện nay, chúng ta đang có chủ trương chuyển một số tổng công ty nhà nước (TCT) gồm các TCT 90 và TCT 91 (trong bài này gọi chung là các TCT) thành một số tập đoàn kinh tế hiện đại với vốn kinh doanh được tích tụ, tập trung cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, biến các tập đoàn này trở thành "xương sống của nền kinh tế quốc dân, là công cụ thực sự mạnh trong tay Nhà nước để phát huy vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước, nắm những vị trí then chốt, là nhân tố mở đường cho sự phát triển kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế”.

Như mọi người đều biết, chiến lược phát triển là một vấn đề hệ trọng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến thành công hay thất bại của chính sách kinh tế. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế là mơ ước của nhiều quốc gia, nhưng vấn đề là việc hình thành các tập đoàn phải thông qua sự phát triển tự nhiên của quá trình phát triển kinh tế chứ không phải thông qua các biện pháp mang tính hành chính hoặc mong muốn chủ quan bất chấp những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trong quá khứ chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại do sai lầm về chiến lược phát triển (chẳng hạn như chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, chính sách hợp tác hóa, chính sách đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa... ), vì vậy chúng ta cần có cách nhìn thận trọng và thực tế hơn về vấn đề này.

Cội nguồn của các tập đoàn kinh tế Việt Nam

Hiện cả nước có 74 TCT 90 và 17 TCT 91. Về mặt tài sản tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước. Các TCT hiện chiếm một số vốn khổng lồ khoảng 53.000 tỷ đồng bằng 72% tổng số vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Về bản chất, các TCT này chịu sự chi phối của nhân tố tổ chức - hành chính thuần túy hơn là nhân tố công nghệ - thị trường. Về mặt kinh doanh, hầu hết các TCT kinh doanh đơn ngành, đơn lĩnh vực. Điều đặc biệt cần nói là ngoại trừ những TCT có "điều kiện hoặc ưu đãi đặc biệt" như dầu khí, bưu chính viễn thông, còn lại kết quả kinh doanh của các TCr đạt hiệu quả rất thấp. Như trên có thể thấy rằng, chiến lược phát triển các tập đoàn kinh tế được xây dựng trên nền tảng các TCT vốn dĩ khá ốm yếu và chủ yếu sống được nhờ dựa vào trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Chúng ta đã bắt đầu quyết tâm thực hiện chiến lược của mình bằng cách đi ngược lại nguyên tắc sơ đẳng nhất trong kinh doanh, đó là chỉ những thực thể lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả mới có cơ hội phát triển cơ cấu tổ chức của mình. Chúng ta mong muốn xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh và kỳ vọng vào nó rất nhiều nhưng về bản chất các tập đoàn này chỉ là sự thoát thai từ những TCT Nhà nước được bao cấp nhưng vẫn yếu kém và thua lỗ kéo dài.

Bài học từ sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế

Trước khi đi sâu phân tích vấn đề, thiết nghĩ chúng ta cần tham khảo những bài học còn nóng hổi về sự thất bại của các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc. Vì sao các tập đoàn kinh tế lớn từng là niềm tự hào của Hàn Quốc như Daewoo, Hanbo... lại lần lượt sụp đổ? Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự hình thành các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc là kết quả của những ý chí chủ quan chứ không phải là sự phát triển tự nhiên từ nhu cầu thực sự của sản xuất kinh doanh. Do mong muốn có được những tập đoàn kinh tế mạnh, chính phủ Hàn Quốc trong nhiều năm đã dành quá nhiều ưu đãi, đặc biệt là cung cấp các khoản tín dụng khổng lồ với lãi suất thấp để phát triển các tập đoàn kinh tế của nước này. Vì vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế này luôn bị bóp méo, sự phát triển về quy mô tổ chức vượt quá trình độ quản tý, những sai lầm tích tụ ngày một lớn và tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của các tập đoàn này và nguy hại hơn nữa là đã dẫn đến sự phá sản của cả nền kinh tế vốn được coi là tấm gương hay sự thần kỳ kinh tế. So với các tập đoàn của Hàn Quốc thì vấn đề tập đoàn kinh tế của Việt Nam còn có phần trầm trọng hơn, vì chúng ta chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế trên nền tảng những TCT quốc doanh thua lỗ triền miên. Trên thực tế, từ các TCT phát triển thành các tập đoàn kinh tế là sự biến đổi về chất và phải thông qua phát triển kinh tế chứ không phải chỉ nhờ những quyết định hành chính và với hy vọng nhận được thêm những nguồn đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước.

Cần nhìn nhận chiến lược phát triển các tập đoàn kinh tế dưới góc độ kinh tế

Các tập đoàn kinh tế thực sự của thế giới luôn phát huy được sức mạnh khổng lồ của mình thông qua mạng lưới thông tin và mối quan hệ kinh doanh rộng rãi của họ trên toàn cầu, có kỹ năng marketing, nguồn tài chính hùng hậu và quy mô kinh tế đồ sộ, họ dễ dàng thu xếp những công việc kinh doanh trọn gói, tiến hành đồng thời cả xuất, nhập khẩu, tài chính, ngân hàng... Trong tình hình hiện nay, bất kể những cố gắng của Nhà nước ta như thế nào, các tập đoàn của chúng ta vẫn có quy mô nhỏ hơn nhiều về vốn, công nghệ lạc hậu, và đặc biệt là trình độ quản lý yếu kém hơn nhiều so với các tập đoàn kinh tế của thế giới. Chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế chủ yếu nhằm hai mục đích : (1) tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và; (2) đóng vai trò xương sống của nền kinh tế quốc gia. Nhưng theo chúng tôi cả hai kỳ vọng này đều rất xa rời thực tế và cần được xem xét lai.

Về mục tiêu thứ nhất, cho rằng khi hình thành tập đoàn kinh tế, nhờ tập hợp được số đông lực lượng, vốn lớn sẽ nâng cao được tính cạnh tranh là quan điểm hoàn toàn phiến diện. Tính cạnh tranh cao về bản chất là nhờ quản lý đạt hiệu quả cao, còn nếu lực lượng càng đông, vốn càng lớn mà quản lý yếu kém, đạt hiệu quả thấp như đại đa số các TCT hiện nay thì chỉ mang lại tác hại và tổn thất càng lớn mà thôi. Theo chúng tôi, cho dù Nhà nước có thể rót nhiều tiền cho các tập đoàn kinh tế, các tập đoàn có thể mua công nghệ hiện đại để đổi mới sản xuất nhưng về bản chất sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế của Việt Nam vẫn hết sức yếu kém. Lý do cơ bản là các tập đoàn vẫn dựa trên hình thức sở hữu nhà nước. Thực tế đã cho thấy hình thức sở họ nhà nước thường có hiệu quả rất thấp trong kinh tế thị trường vì quyền lên của chủ sở hữu thường thoát ly khỏi kết quả kinh doanh. Các tập đoàn kinh tế quốc tế mà tài sản của nó là sở hữu của các cổ đông, quyền lợi của họ gắn chặt trực tiếp với kết quả kinh doanh, vì thế các tập đoàn kinh tế với chủ sở hữu là nhà nước không thể nào có được sự năng động trong kinh doanh như các tập đoàn kinh tế quốc tế.

Về mục tiêu thứ hai, cho rằng xây dựng các tập đoàn kinh tế để đóng vai trò "xương sống của nền kinh tế, làm công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tê ' chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta có được những tập đoàn kinh tế mạnh và kinh doanh có hiệu quả thực sự. Các tập đoàn kinh tế dưới hình thức sở hữu quốc doanh luôn ở dưới cái ô che chở của Nhà nước và bám vào "vòi" trợ cấp từ ngân sách quốc gia. Người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ liệu những "chiếc xương sống" này sẽ ra sao nếu "vòi" trợ cấp của nhà nước bị cắt, mà điều này sớm muộn thế nào cũng xảy ra khi chúng ta buộc phải thực thi các hiệp định song phương và đa phương trong quá trình hội nhập. Trước sức cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, nguy cơ sụp đổ của các tập đoàn này là rất lớn, thậm chí nó còn trầm trọng hơn cả những gì đã làm tan vỡ các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc, dẫn đến sự phá sản của nền kinh tế từng được coi là thuộc nhóm mạnh nhất của kinh tế thế giới. Chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế hiện nay về thực chất chỉ là những biện pháp hành chính chứ không dựa trên những quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Chúng ta cần phải đoạn tuyệt với tư duy kinh tế bao cấp mà bản chất là "lời chia nhau, lỗ nhà nước chịu. Chính sách phát triển phi kinh tế sẽ làm các thế hệ sau này phải gánh chịu những hậu họa khôn lường, bởi vậy chúng ta buộc phải xem xét lại vấn đề trước khi quá muộn.

Phát triển các tập đoàn kinh tế hay xây dựng các hiệp hội kinh doanh?

Như trên đã phân tích, để nâng cao sức cạnh tranh về cơ bản phải nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế và phải dựa trên nền tảng sở hữu mới, gắn quyền lợi của chủ sở hữu với kết quả kinh doanh. Mong muốn có dược những tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh quốc tế là điều hoàn toàn có thể hiểu được, song chiến lược để phát triển nó phải căn cứ vào tình hình thực tế và điều quan trọng nhất là phải dựa trên sự phát triển tự nhiên và tuân theo những quy luật kinh tế chứ không phải là những quyết định hành chính theo lối tư duy cũ kỹ luôn dẫn đến những thất bại. Theo chúng tôi hợp lý nhất hiện nay là thay vì phát triển các tập đoàn kinh tế, chúng ta nên thành lập các hiệp hội để giúp đỡ, hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp phát triển và thông qua hiệp hội để có tiếng nói chung, thống nhất hành động trên cơ sở quyền lợi chung của mọi thành viên trong hiệp hội, nâng cao được sức mạnh cạnh trành của kinh tế Việt Nam. Hiệp hội là hình thức liên kết lỏng và linh hoạt nhất, hỗ trợ mà không làm mất đi tính chủ động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Vấn đề xây dựng các tập đoàn kinh tế sẽ được giải quyết trong quá trình phát triển tự thân của các doanh nghiệp và phải thực sự dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh của các thực thể chứ không thể dựa vào ý chí hoặc sự can thiệp của Nhà nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: