Xã hội chính trị - quan niệm và những vấn đề đặt ra

06:49 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Chín, 2006

Nhận biết về những mối liên hệ giữa xã hội học và chính trị học với xã hội học chính trị.

Xã hội học chính trị là một môn khoa học rất đặc thù và do đó cũng rất phức tạp, xét trên mọi chiều cạnh của nó, từ đối tượng và phương pháp nghiên cứu, từ xác định bộ máy, khái niệm, phạm trù đến nội dung và những đặc điểm của nó với tư cách là một khoa học.

Nằm trong một tập hợp lớn các khoa học xã hội và nhân văn, xã hội học chính trị có vị trí và tầm quan trọng riêng của nó, góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề xã hội cũng như nghiên cứu phương diện xã hội của chính trị trong quá trình phát triển.

Xã hội học chính trị càng trở nên cần thiết và hữu ích khi xã hội vận động và phát triển dưới tác động mạnh mẽ của những cải cách và đổi mới, của đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để chuyển mình từ mộtnước nông nghiệp sang một nước công nghiệp, từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, từ mô hình phát triển đơn tuyến và đơn trị, đóng cửa và khép kín sang mô hình phát triển mới với mở cửa, hội nhập, hợp tác song phương và đa phương, hợp tác và cạnh tranh để phát triển. Đó là phương thức phát triển dựa trên tiền đề ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị, bằng cách tổng hợp cả nội lực và ngoại lực, chú trọng giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đồng thời chú trọng cả môi trường sinh thái - tự nhiên lẫn môi trường xã hội - nhân văn, do đó cũng ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn từ các chủ thể lãnh đạo và quản lý về vai trò - mục tiêu động lực của con người, của văn hoá.

Xã hội học chính trị là một môn khoa học đầy tính triển vọng, không chỉ vì ở nước ta, nó là một ngành khoa học non trẻ, đang hình thành mà còn vì đổi mới hệ thống chính trị, dân chủ hoá đời sống chính trị và đời sống xã hội nói chung đang đòi hỏi rất nhiều ở xã hội học chính trị, đang chờ đợi nó đưa ra những câu trả lời xác thực mà xã hội đang cần. Đổi mới kinh tế - xã hội và đổi mới hệ thống chính trị đã khách quan hoá vai trò, tầm quan trọng và tính triển vọng của xã hội học chính trị. Nhìn một cách tổng quát, đất nước - xã hội - con người Việt Nam đang đổi mới, đang hướng tới phát triển bền vững, đang chủ động liên kết, hội nhập trong khu vực và trên thế giới.

Mục đích của đổi mới là tìm kiếm con đường và phương thức để vượt qua trì trệ, giải quyết,khủng hoảng, đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển năng động và thiết thực nhất, làmtăng nguồn vốn xã hội mà mấu chốt là vốn người tư bản người, khả năng liên kết xã hội bới sức mạnh của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận. Định hướng phát triển này phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo đồng thời có truyền thống lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước với sức mạnh của tính cộng đồng bền vững.

Trạng thái xã hội Việt Nam hiện nay cũng nổi lên những vấn đề đáng lưu ý, có ý nghĩa xã hội học. Đó là, nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN và trong đổi mới đang chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, đang từngbước xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là một xã hội quá độ với một nền kinh tế đang chuyển đổi, cả mô hình phát triển, cơ cấu, lẫn cơ chế quản lý và các chính sách điều tiết. Trong lòng xã hội cũng đang diễn ra những biến đổi sâu sắc về cơ cấu giai cấp, giai tầng, tầng lớp, nhóm xã hội và các thế hệ...về sự phân hoá, về ưu thế của nhóm phát triển vượt trội và một bộ phận không nhỏ dân cư (nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa) đang chậm phát triển thậm chí có cả sự thua thiệt trong phát triển. Do đó, điều tiết và điều chỉnh các đối tượng và các quan hệ xã hội bằng cơ chế và chính sách tác động theo nguyên lý công bằng xã hội đang trở nên rất cần thiết và bức xúc.

Lý luận cũng như thực tiễn đã cho thấy, tác động qua lại giữa cái kinh tế và cái xã hội tất yếu phải đi qua vòng khâu của cái chính trị, tiêu biểu và trực tiếp nhất là thể chế nhà nước, các chế định pháp luật, bao gồm cả những chế tài nhất là trong điều kiện Nhà nước pháp quyền. Chính trị tham dự vào đời sống xã hội, định ra phương hướng phát triển kinh tế và quản lý xã hội như thế nào cho hợp lý, đúng đắn, để chính trị trở thành lực đẩy chứ không phải là lực cản đối với phát triển - đó là vấn đề mà các khoa học xã hội - nhân văn phải nghiên cứu, đưa ra câu trả lời. Trách nhiệm ấy trước hết thuộc về các khoa học chính trị, trong đó không thể thiếu vắng xã hội học chính trị.

Đó là mặt khách quan của vấn đề, tức là đời sống xã hội hiện thực tiềm tàng những khả năng khách quan để phát triển xã hội học chính trị.

Song mặt chủ quan của vấn đề lại khác, nó đòi hỏi phải cắt nghĩa cái hiện tượng có tính nghịch lý sau đây:

Thực tiễn chính trị Việt Nam rất phong phú, dân tộc Việt Nam qua trải nghiệm lịch sử đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm chính trị và có sự nhạy cảm sâu sắc về chính trị nhưng vì sao chính trị học, lý luận khoa học về chính trịlại chậm phát triển? Chính trị học hiện đại ở Việt Nam là một khoa học non trẻ mới chỉ bắt đầu hình thành từ đổi mới đến nay, và trên thực tế, nó còn chưa trưởng thành.

Xã hội học chính trị quantrọng và cần thiết như vậy, nhất là đối với nhận thức xã hội và tư duy lãnh đạo quản lý, vậy mà trên thực tế nó cũng ra đời muộn màng, muộn màng hơn cả xã hội học và chính trị học.

Tình hình phát triển hiện nay của xã hội ta còng với xu thế và bối cảnh quốc tế đang tạo ra cơ hội cho sự phát triển xã hội học chính trị. Mặt khác cũng có không ít những khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của nó, nhất là đặt trong tương quan so sánh với thành tựu xã hội học chính trị của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đến đây, một vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu lý luận xã hội học chính trị. Nội dung vấn đề đó có thể diễn đạt như sau:

Xã hội học chính trị có mối liên hệ như thế nào với chính trị học và xã hội học? Xã hội học chính trị nằm ở đâu, thuộc về cái gì? Thuộc về xã hội học hay chính trị học? Ở một cách nhìn khác, lại không thể không thấy, chính trị là đối tượng nghiên cứucủa nhiều khoa học. Vậy giữa chính trị học và xã hội học, đâu là những điểm khác biệt trong tiếp cận nghiên cứu và trình bày về chính trị? Nhận biết những mối liên hệ này sẽ có thể tìm thấy quan niệm và những đặc điểmcủa xã hội học chính trị.

Có thể có những nhận xét sau đây:

Thứ nhất,xã hội học chính trị là một phân hệ, một chuyên ngành của xã hội học. Nó có thể được nhìn nhận như một xã hội học chuyên biệt nằm trong cơ cấu tổng thể của xã hội học, là phái sinh của xã hội học đại cương.

Hình dung cụ thể hơn, xã hội học chính trị là khoa học, nghiên cứu mặt xã hội của chính trị, của đời sống chính trị dựa trên các quan điểm, nguyên lý và phương pháp xã hội học. Nếu xã hội học đại cương vạch ra lý luận và phương pháp nghiên cứu về tổ chức và cơ cấu xã hội, các quan hệ xã hội giữa người và người trong hoạt động - hành vi, giao tiếp ứng xử, các động thái và xu hướng biến đổi của xã hội, của các tập hợp xã hội (nhóm lớn và nhóm nhỏ), của các cộng đồng, tính cơ động xã hội, các chuẩn mực đánh giá xã hội, các diễn biến về dư luận và phản ứng xã hội đối với các sự kiện xã hội và hành vi con người (người cầm quyền và dân thường)... thì các xã hội học chuyên biệt (xã hội học lao động, xã hội học gia đình, xã hội học nông thôn, xã hội học đô thị...) dựa trên lý luận và phương pháp xã hội học đi sâu nghiên cứu các vấn đề hay khía cạnh xã hội của từng lĩnh vực hoạt động, từng đối tượng - chủ thể trong các lĩnh vực hoạt động đó, từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị hay những dự báo về quản lý, về chính sách, về tổ chức hoạt động và đời sống của con người và xã hội.

Xã hội học chính trị là một kiểu, một dạng cụ thể - đặc thù trong cái chung, phổ biến của xã hội học. Đó là xã hội học chuyên biệt về chính trị.

Có những chuyên biệt xã hội học tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động của đời sống mà cũng có những chuyên biệt xã hội học nghiên cứu về cơ cấu, hình thái hoạt động lao động đặc thù: xã hội học văn hoá, xã hội học khoa học, xã hội học nghệ thuật, xã hội học tôn giáo...Xã hội học chính trị vừa nghiên cứu lĩnh vực hoạt động chính trị vừa nghiên cứu các quan hệ xã hội trong tổ chức - thiết chế - thể chế chính trị, con người và nhân cách chính trị.

Ngành xã hội học ở nước ta qua nhiều thập kỷ hoạt động đã bắt đầu định hình và phát triển, tuy vẫn muộn và chậm.

Dường như chưa có sự quan tâm đầy đủ, thường xuyên hoặc chưa đẩy mạnh nghiên cứu cả lý thuyết cơ bản lẫn ứng dụng - thực hành và dự báo những xã hội học chuyên biệt như xã hội học giáo dục, xã hội học khoa học, xã hội học văn hoá, xã hội học chính trị. Như đã nói, chậm nhất ở nước ta là xã hội học chính trị.

Thứ hai,xã hội học chính trị không chỉ là một nhánh của xã hội học mà còn liên hệ mật thiết, tất yếu với chính trị học. Sẽ không thể hình thành xã hội học chính trị như một khoa học nếu thiếu chính trị học.

Chính trị học là một khoa học lý thuyết phổ quát về chính trị, quá trình chính trị và hoạt động chính trị. Chính trị học được ví như Triết học xã hội học của chính trị, nó đem lại những phân tích và khái quát lý luận về bản chất, cấu trúc, đặc trưng, xu hướng vận động và phát triển của chính trị theo các lớp quan hệ chủ yếu sau đây:

  • Quan hệ lợi ích và quyền lực chính trị.
  • Quan hệ thiết chế và thể chế chính trị.
  • Quan hệ hoạt động và vận động chính trị.
  • Quan hệ thời gian và không gian chính trị (tạo thành quá trình chính trị)

Các lớp quan hệ nêu trên thể hiện trong đời sống chính trị đều liên hệ mật thiết và xác định với các chủ thể và đối tượng chính trị, sự kiện và tình huống chính trị, mục đích và phương tiện, động cơ và hành vi chính trị với những hình thái lịch sử - cụ thể. Những nội dung và những tri thức của chính trị học, có thể nói, đó là cơ sở lý luận tư tưởng của xã hội học chính trị. Nó được xem như cái cốt vật chất của xã hội học chính trị. Dựa trên "nguồn lực" này, xã hội học chính trị bằng phương pháp, thủ pháp xã hội học, tạo dựng và thiết kế nên nội dung nghiên cứu, tìm ra cái logic nghiên cứu thuộc về đối tượng nghiên cứu của mình.

Mặt xã hội, phương diện xã hội, các yếu tố, khía cạnh, vấn đề xã hội của đời sống chính trị, của hoạt động chính trị, của con người và tổ chức chính trị chính là miền hoạt động của xã hội học chính trị.

Vậy là, xã hội học chính trị ra đời như là một tái cấu trúc từ xã hội học và chính trị học tạo thành một cấu trúc riêng của mình. Xã hội học chính trị là một tổng hợp liên ngành những tri thức lý luận và phương pháp của chính trị học và xã hội học. Nó là một tổng hợp, tích hợp chứ không phải là một tổng số số học, một phép cộng giản đơn, cơ giới giữa xã hội học với chính trị học.

Xã hội học chính trị sử dụng, vận dụng các quan điểm, nguyên tắc phương pháp xã hội học để đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ bản chất xã hội của chính trị, đời sống chính trị, hoạt động chính trị của con người và của các tổ chức, lực lượng chính trị trong một cơ cấu xã hội chỉnh thể.

Quan hệ giữa xã hội học chính trị với chính trị học là một quan hệ tác động tương hỗ biện chứng, nhân quả xét về mặt nội dung lý luận. Chính trị học cung cấp cho xã hội học chính trị những kiến giải về bản chất của chính trị và quyền lực chính trị, những tính quy luật của sự xuất hiện, phát triển, biến đổi của quyền lực chính trị, từ đó chính trị xem xét những tác nhân xã hội, sự biểu hiện về mặt xã hội của chính trị và quyền lực chính trị đó làm sâu sắc hơn những đảm bảo xã hội của việc thực thi, giữ vững quyền lực của chủ thể quyền lực. Nhờ có xã hội học chính trị mà chính trị học có thêm những sở cứ sinh động về mặt xã hội để làm sâu sắc hơn lý luận của mình.

Quan hệ này không phải là quan hệ phái sinh của xã hội học đối với xã hội học chính trị. Cả chính trị học và xã hội học chính trị đều nằm trong tập hợp của các khoa học chính trị. Từ những khoa học độc lập mà hợp thành hệ thống.

Quan niệm này có cơ sở của nó, bắt đầu từ mộttiền đề: Phải phân biệt và phân định chính trị - chính trị học và khoa học chính trị, chúng thống nhất mà không đồng nhất.

Hệ luận rút ra ở đây là gì? Là với các vấn đề của chính trị, việc nghiên cứu nó với tư cách là nghiên cứu khoa học sẽ không dừng lại ở nghiên cứu chuyên biệt, chuyên ngành mà tất yếu phải mở rộng theo hướng liên ngành, theo quan điểm phức hợp, hệ thống, nhiều chiều.

Xã hội học chính trị với tư cách là một khoa học mang tính liên ngành (xã hội học, chính trị học), nó vừa thực hiện những nghiên cứu cơ bản vừa hướng tới mục đích thực tiễn là nghiên cứu ứng dụng. Nó nghiên cứu cơ sở xã hội, tính liên kết xã hội, năng lực xã hội của hoạt động chính trị của con người, cá nhân, tổ chức và cộng đồng.

Những nghiên cứu về đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội, giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội, phát triển dân chủ xã hội, phát huy nguồn lực xã hội của chính trị...đó là những vấn đề mà xã hội học chính trị có lợi thế và ưu thế để giải quyết.

Những vất đề nghiên cứu của xã hội học chính trị

Là mộtkhoa học, xã hội học chính trị cũng như các khoa học khác đều có nội dung nghiên cứu của mình trên hai phương diện: Lịch sử và lý luận.

Xã hội học chính trị có cơ sở phương pháp luận chung, đó là CNDVBC và CNDVLS trong triết học Mác và trong chủ nghĩa Mác. Nó cũng đồng thời dựa trên cơ sở phương pháp luận ngành và chuyên ngành, chung đúc từ xã hội học và chính trị học.

Miền, tức là đối tượng nghiên cứu của xã hội học chính trị phải chăng là điểm giao nhau, là chỗ giao thoa giữa xã hội học và chính trị học.

Xã hội học chính trị phải khai thác triệt để từ xã hội học những tư tưởng về xã hội và cơ cấu xã hội, hoạt động, hành vi của chủ thể con người xã hội, từ cá nhân tới cộng đồng.

Xã hội học chính trị đồng thời tựa vào chính trị học trên những vấn đề về quyền lực, cầm quyền và thực thi quyền lực của chủ thể được uỷ quyền cũng như thái độ và hành vi xã hội của số đông dân chúng khi uỷ quyền, giao quyền cho những người cầm quyền và tổ chức thực thi quyền lực của chính mình.

Theo đó, nói tới nghiên cứu lý luận của xã hội học chính trị không thể không nói tới việc nghiên cứu tập hợp chính trị, hành vi chính trị, sự kiện và quá trình chính trị, tác động của các nhân tố xã hội tới tổ chức và hoạt động của chính trị, của hệ thống chính trị trong xã hội, trong đời sống chính trị của xã hội.

Diện mạo xã hội học chính trị như vậy sẽ được hình dung như thế nào? Nói một cách khác, xã hội học chính trị nghiên cứu cái gì và nghiên cứu như thế nào từ những mối quan hệ nêu trên giữa xã hội học chính trị với xã hội học và chính trị học.

Các vấn đề mà xã hội học chính trị nghiên cứu đều xoay quanh hoạt động chính trị của những cá nhân, nhóm, lực lượng xã hội với những thúc đẩy từ động cơ và lợi ích khác nhau, do đó cũng khác nhau về thái độ và hành vi, những phản ứng và hiệu quả xã hội khác nhau đối với chính trị.

Trong những vấn đề ấy nổi lên mối quan hệ giữa chính trị và xã hội.

Giải quyết mối quan hệ này là chỗ đến của các vấn đề nghiên cứu đặt ra từ chỗ đứng của xã hội học chính trị. Dù rất quan trọng nhưng chính trị không phải là tất cả xã hội, nó chỉ là một lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội.

Dù chính trị, từ chủ thể quyền lực đến hệ thống tổ chức bộ máy và thể chế của nó có thể tác động tới các lĩnh vực của đời sống nhưng chính trị không phải là duy nhất.

Xã hội rộng lớn hơn nhiều so với chính trị. Nhà lãnh đạo và giới lãnh đạo cầm quyền nói chung, dù là tinh hoa, ưu tú, đặc sắc được xã hội lựa chọn ra nhưng bộ phận này của nguồn nhân lực cũng chỉ có thể tác động, dẫn dắt tổ chức hành động chứ không thể làm thay dân chúng trong cộng đồng xã hội. Nhà nước dù là một nhà nước mạnh, thực quyền cũng không trùm lên xã hội, không ở bên ngoài xã hội mà ở trong, là mộtbộ phận của xã hội. Thể chế luật pháp có thể hoàn thiện và giả định rằng, nó đạt tới sự tối ưu đi nữa thì chỉ riêng luật pháp cũng không đủ để giải quyết mọi vấn đề, mọi quan hệ xã hội trong xã hội. Cùng với luật pháp, xã hội cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của đạo đức của dư luận xã hội. Pháp luật chỉ trừng trị được hành vi phạm tội chứ không xét xử được cái xấu, cái ác trong đời sống. Phải dùng đạo đức để phòng chống và sự lên án của dư luận xã hội đối với cái xấu, cái ác để tăng cường cái thiện, cái nhân tính.

Chính trị không chỉ cần đến sức mạnh quyền lực, quyền uy và sự bảo vệ của pháp luật. Nó còn cần được nhân văn hoá, văn hoá hoá bằng cách làm cho đạo đức thấm vào trong chính trị, trong khi sức mạnh vật chất của chính trị, trước sau vẫn là và chỉ là kinh tế.

HồChíMinh sớm nhìn thấy vấn đề phải làm cho chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian, nói theo ngôn ngữ ngày nay là xã hội hoá chính trị.

Do xã hội rộng hơn chính trị, mà xã hội là tập hợp những con người, quan hệ con người, là đời sống loài người, là quan hệ giai cấp - dân tộc và thế giới nhân loại nên vấn đề cần được xác định là chính trị nằm trong xã hội, Đảng - Nhà nước - các tổ chức chính trị là những cấu phần của hệ thống chính trị nằm trong xã hội, tồn tại vì xã hội chứ không tự lấy mình làm cứu cánh.

Xu hướng phát triển dân chủ và tăng cường hiệu lực pháp luật của nhà nước pháp quyền đặt ra một đòi hỏi khách quan là hoạt động chính trị của con người và tổ chức phải chịu sự ràng buộc, điều tiết của luật. Theo ý nghĩa thể chế, một cơ chế dân chủ phải đồng thời là cơ chế lấy luật làm chuẩn mực, lẽ dĩ nhiên đó phải là luật pháp dân chủ, tiến bộ. Hợp pháp, hợp hiến, có cơ chế bảo hiến và có các chế tài xử lý vi hiến là yêu cầu thường trực đối với hành vi chính trị.

Các thiết chế chính trị quan phương phải tận dụng được sức hỗ trợ của các thiết chế phi quan phương ở trong đời sống xã hội. Những điều nói trên cho thấy, chỉ có thể xã hội hoá chính trị chữ không thể chính trị hoá xã hội.

Đây là vấn đề rất đáng phải nghiên cứu từ góc nhìn xã hội học chính trị, nhất là xã hội học chính trị nghiên cứu dân chủ và pháp quyền trong xã hội đương đại. Xã hội học chính trị cũng có thể và cần phải làm sáng tỏ quan niệm và quan hệ giữa xã hội hoá chính trị với xã hội học chính trị.

Các vấn đề đã nêu trên, từ tập hợp chính trị - hành vi chính trị đến sự kiện và quá trình chính trị đều liên quan tới xã hội hoá chính trị. Tính tích cực chính trị - xã hội củamỗi công dân với tư cách con người chính trị tuỳ thuộc vào mức độ và hiệu quả giải quyết vấn đề xã hội hoá chính trị như thế nàn cho phù hợp với các nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực dân chủ, tự do, bình đẳng.

Dân chủ hoá xã hội gắn liền mật thiết với xã hội hoá chính trị, nó thực sự là điều kiện và đảm bảo cho xã hội hoá chính trị một cách lành mạnh, tích cực. Chỉ như vậy, phương châm "nhà nước nhỏ hơn, xã hội lớn hơn", Nhà nước ít hơn, xã hội nhiều hơn mới được thực hiện. Và, xã hội công dân, đời sống xã hội dân sự là cơ sở xã hội của nhà nước pháp quyền, của sự phát triển dân chủ và nâng cao tính chủ động, quyền tự quyết, tự quản của dân và cộng đồng dân cư. Đó là những vấn đề mà xã hộihọc chính trị phải quan tâm nghiên cứu một cách thực chất, thấu đáo.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khoa học cứng và khoa học mềm

    03/12/2010Laurent Mucchielli, Đặng Mộng Lân dịchKhoa học cứng và khoa học mềm: khác nhau về đối tượng giữa khoa học về tự nhiên và các khoa học về con người và xã hội, nhưng cùng một phương pháp tiến hành...
  • Hiện trạng khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta

    31/08/2006Trần Ngọc VươngTrên cơ sở mô tả tổng trạng và dựa vào những mốc lớn của lịch sử trong một thế kỷ vừa qua, tuy không quên ghi nhận những thành tựu mà đội ngũ những người lao động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đã đạt được, bài viết được xây dựng chủ yếu trên cảm hứng phê phán và tự phê phán, tự xác định mục tiêu chủ yếu là chỉ ra một số phương diện yếu kém, bất cập từ trong lịch sử và cả ở hiện trạng của lĩnh vực lao động mà tác giả là một người trong cuộc...
  • Khoa học với văn hóa

    18/04/2006Phan KhôiÝ nghĩa của văn hóa, xưa nay các nhà học vấn vì cuộc biến thiên của thời đại và nghệ thuật, dụng công giải thích rất nhiều, không thể dùng một vài lời mà thuật lại cho hết. Những lời giải thích trọng yếu về gần nay phần nhiều cho là: "phàm chủ nghĩa nào có thể trừ được sự chướng ngại cho loài người và tăng tiến được nền hạnh phúc của loài người, tức là văn hóa"...
  • Xã hội học: Vấn đề nâng cấp và nguyên lý phát triển tri thức

    16/12/2005Lê Ngọc HùngVấn đề hiện nay của sự phát triển tri thức xã hội học không phải là ở chỗ nghiên cứu trên cấp độ này mạnh hơn trên cấp độ kia mà ở chỗ khoảng cách ngày càng dãn sâu giữa hai thái cực – cấp độ "lý thuyết và thực nghiệm”, "cơ bản và ứng dụng”, "đại cương và chuyên ngành". Mối liên hệ giữa “nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu quan sát thực nghiệm "còn rất lỏng lẻo và nhiều khi thiếu chuẩn xác"2. Từ đó nảy sinh nhu cầu nâng cấp trí thức xã hội học ngang tầm đổi mới kinh tế - xã hội đất nước ta trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
  • Cách tiếp cận hệ thống trong vấn đề phân loại các khoa học và nghiên cứu khoa học

    10/11/2005Đỗ Thu Thủy dịchVấn đề phân loại tri thức khoa học như là một trong số những vấn đề quan trọng nhất trong phương pháp luận khoa học chiếm một vị trí đáng kể trong các công trình của A. Polikarov. Tác giả bài viết này rất lấy làm hân hạnh đã được cộng tác cùng A. Polikarov nghiên cứu vấn đề lớn này. Hy vọng bằng những nỗ lực chung sẽ đưa ra được những căn cứ mới để phân định, phù hợp với tinh thần của khoa học nửa sau thế kỷ XX...
  • Bàn về thông tin khoa học

    29/06/2003Giáo sư Phan Văn DuyệtChúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin khoa học. Thế nhưng vẫn còn những điều đáng bàn về thông tin khoa học đại chúng ở nước ta...
  • xem toàn bộ