Vũ khúc - tuyệt tác của Henri Matisse

08:57 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Mười Hai, 2009

Hình dáng các vũ công mỗi người mỗi vẻ trong các tư thế điển hình, nổi bật trên nền xanh lam của bầu trời hay của biển cả mênh mông... Chiêm ngưỡng “Vũ khúc" của Henri Matisse, như thấy ngay trước mắt ta những con người đang say sưa khiêu vũ bên mép lề của trái đất, trong một nhịp điệu nhanh và chậm, sâu lắng và cuốn hút.

Henri Matisse (31/12/1869 - 3/11/1954) là một nghệ sĩ người Pháp, nổi tiếng với khả năng sử dụng màu sắc và chất lỏng cũng như khả năng hội họa tuyệt vời và nguyên sơ... Khi còn trẻ, gia đình Matisse muốn ông trở thành luật sư nên ông phải theo học luật. Nhưng niềm say mê hội hoạ không ngừng thôi thúc nên năm 1891, Matisse bỏ trường luật theo học hội hoạ. Thời kì đầu dấn thân vào lĩnh vục của đường nét và màu sắc, ông chọn lựa chủ đề tĩnh vật và phong cảnh. Lúc này, ông theo phương pháp sắc màu của phái ấn tượng, nổi bật là tác phẩm “Phồn thực, yên tĩnh và khoái lạc” 1904-1905, Signac đã mua bức tranh này khi nó được bày ở phòng tranh độc lập năm 1905.

Đến năm 1900, ông thích vẽ các mảng màu bệt và những sắc màu chói lọi như các bức “Camelia” -1903, hay 2 bức “Cái nhìn về nhà thờ Đức bà” 1900-1902. Kế đó là bước ngoặt trong cuộc đời hội họa của Matisse khi ông cùng Georges Rouault, Georges Braque tổ chức cuộc trưng bày tranh ở phòng triển lãm mùa thu năm 1905. Triển lãm đã gây tiếng vang dữ dội. Các tác phẩm của ông mạnh mẽ về màu sắc, rực rỡ đến độ căng cao nhất của cường độ màu sắc để đi tới mắt nhìn, nó được ví như cung bậc của dây đàn, gợi cảm, xúc động lòng người. Đặc biệt ông sử dụng nhiều yếu tố phương đông với ngôn ngữ tạo hình giản dị, mộc mạc nhưng trong sáng và hồn nhiên. Ngắm nhìn tranh Matisse, người xem luôn thấy sự thư giãn, thoải mái và đầy xúc cảm. Cái tên “Dã thú” ra đời từ đây. Nó mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chống lại trường phái ấn tượng, chống lại sự mất mát không gian do dùng quá nhiều ánh sáng, do sự phân tích tỉ mỉ, không theo quy luật nào, vì thế chỉ là sự ngẫu nhiên và không có suy tính trước. Trường phái Dã thú nhấn vào màu sắc, chứ không phải vẽ như thấy thực tế, mà là phải sáng tạo sắc độ. Bức tranh là một bố cục nhiều màu, không phải là sự sao chép thiên nhiên; là sự liên tục tạo hình sống động, không là cảnh sắc vặt vụn, là một sự bố cục màu sắc mạnh bạo, không phải là sự tình cờ đẹp mắt.

Tuy vậy, ngay năm sau, Matisse đã có những trải nghiệm thú vị khi gặp Picasso trong cùng niềm say mê điêu khắc châu Phi. Ông không theo trường phái Lập thế, nhưng cũng đã ảnh trường ít nhiều phong cách của nhóm này, tiêu biểu là bức tranh ‘Vũ điệu” -1910. Đến những năm 1920, ông trở lại và chung thủy với lối vẽ thanh thoát, trong sáng, rực rỡ, đặc trưng suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình. Matisse nhanh chóng nổi danh trên thế giới về tài nghệ của ông và trở thành hoạ sĩ đứng đầu phái Dã thú. Trong tranh, ông không dùng hiệu quả ánh sáng và vờn khối, ông gạt bỏ cả phối cảnh đường nét và phối cảnh không gian, ông sử dụng khéo léo những mảng màu bệt nguyên chất và kết hợp một cách khéo léo với những đường nét tĩnh lược trên mặt tranh. Tất cả gợi cho tranh ông nhưng bản hoà tấu về màu sắc rực rỡ. Đặc biệt, Matisse sáng tạo những thủ pháp kết hợp hội hoạ với đồ hoạ như tranh cắt dán những miếng vải hoa hoặc giấy tranh trí vào tranh để tăng thêm cách thể hiện như bức “Nỗi buồn của vua” năm 1952. Năm 1950, những bức tranh kính nổi tiếng trang trí toàn bộ cho “nhà thờ của nữ tu Dominique” ở Vanxe ra đời. Matisse không phải là một tín đồ tôn giáo, nhưng bằng những tình cảm đặc biệt, sâu sắc mà ông cảm nhận được từ các nữ tu sĩ đã chăm sóc ông trong cơn bệnh ung thư, vì vậy ông đã diễn đạt thành công một công trình trang trí nổi tiếng nhất mang ý nghĩa tôn giáo ở thế kỷ 20.

Trong tất cả những tác phẩm tiêu biểu của ông, “Vũ khúc” (259.7cm x 390.1 cm) được coi là tuyệt tác có một không hai. Màu xanh lục và xanh lơ của phần phong cảnh càng trở nên dữ dội, mãnh liệt hơn khi nó làm nền tương phản cho màu đỏ da cam của năm nữ vũ công đang nhảy múa, hình thế của họ choáng hết bề mặt tác phẩm khiến người chiêm ngưỡng cảm thấy bị choáng ngợp. Không giống bất cứ tác phẩm hội họa nào, “Vú khúc” hình như toát lên hai tốc độ, nhanh và chậm, khi nhịp điệu tăng lên thành một cuộc nhảy múa quay cuồng trong một trạng thái mê ly, ngây ngất, kết quả của những động tác nhịp nhàng với tốc độ cứ tăng dần lên đến đỉnh điểm của cuộc vui. Quan sát kỹ ta mới thấy Matisse đã sử dụng tài tình những đường cong của những cánh tay sải dài, chân rướn cao, ngực tròn, bụng và mông để nối người này với người kia thành một vòng tròn khép kín. Ta cũng thấy rõ ràng ông đã tạo được một không gian sâu lắng đến diệu kỳ, huyền ảo, trong khi vẫn nhấn mạnh vào tính phẳng của không gian bề mặt bức tranh. Sự tập trung cao độ những nỗ lực và tinh thần của các vũ công trong động tác nháy múa của họ được thể hiện hoàn toàn qua sắc màu và đường nét tới mức như có thể bùng nổ bên ngoài khuôn khổ của bức tranh.

Với tư cách là một họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà làm đồ họa in ấn và tiên phong của trường phái Dã thú, Matisse được coi là một trong những người nâng tầm truyền thống cổ điển trong hội họa Pháp và đi đầu trong nghệ thuật hiện đại.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phái đẹp qua hội họa

    08/03/2020Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp hình thể và vị trí thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cùng thiên chức của người phụ nữ đã được đề cao và khai thác đến đỉnh điểm, để từ đó khẳng định và chứng minh một chân lý: Không có phụ nữ, không có nhân loại và cũng không thể có nền văn hoá – văn minh trên trái đất...
  • Vẻ đẹp của người Phụ nữ qua lịch sử mỹ thuật thế giới

    06/03/2017Minh BùiMỹ thuật là bộ phận kiến thức cơ bản về văn minh nhân loại. Các tác phẩm mỹ thuật là những nhân chứng, dấu tích hiển hiện rõ nhất các bước văn minh của con người. Dõi theo các tác phẩm mỹ thuật, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp phụ nữ đã được hàng vạn họa sĩ khám phá, thể hiện ở hàng triệu họa phẩm ra mắt từ xưa tới nay được thể hiện hết sức đa dạng, đặc biệt là phản ánh qua lăng kính của các thiên tài nghệ thuật.
  • 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

    31/10/2013H.L. (theo The Times)Pablo Picasso, danh họa người Tây Ban Nha, đứng đầu top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của 1,4 triệu người.
  • Mười kiệt tác hội họa đắt giá nhất mọi thời đại

    22/10/2009Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)Đây là tác phẩm hội hoạ được bán đấu giá cao nhất thế giới từ trước tới nay, hiện nay thuộc sở hữu của Chính phủ Áo. Bức tranh gây nhiều tranh cãi trong hơn một năm và sau đó được trao trả cho Áo sau một thời gian bị Đức quốc xã chiếm trong Thế chiến thứ hai. Bức tranh được danh hoạ Gustav Klimt vẽ vào năm 1907. Năm 2006, bức hoạ được Ronald S Lauder mua lại để làm tài sản thừa kế.
  • 100 năm hội họa trừu tượng

    14/04/2009Văn NgọcMột trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.