Với piano tôi hoàn toàn là chính mình

12:17 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Hai, 2007

Trong ký ức của tôi có một Đặng Thái Sơn thời ấu thơ lanh lợi hoạt bát, thích nhập bọn với tụi con gái và hào hứng chơi những trò rất con gái, một cậu bé dễ gần, dễ thương và không khép kín lập dị như thường thấy ở các thần đồng âm nhạc. Tôi cũng giữ nhiều kỷ niệm về Sơn thời thanh niên tháo vát nhanh nhẹn, mua sắm khéo, nấu ăn cũng không xoàng, nói năng đáo để, mỗi lúc Sơn trề môi dài giọng “úi giời ơi!” thì cứ coi chừng. Sơn ngày xưa bề ngoài có vẻ nhỏ nhẹ rủ rỉ thế thôi, chứ thực ra nghịch ngầm và bướng bỉnh. Còn Sơn tuổi trung niên thì sao?

Nguyễn Thị Minh Châu (N.T.M.C): Từ khi Sơn thành “người của công chúng”, gặp bạn đâu có dễ. Mỗi lần Sơn về nước biểu diễn, kiếm nổi vé đi nghe Sơn đã khó, trò chuyện được với bạn còn khó hơn. Lúc nào Sơn cũng bị đám đông vây quanh nào là xin chữ ký, nào là chụp ảnh kỷ niệm... Tôi xưa nay nhút nhát chả dám tiếp cận người nổi tiếng, nói chi đến chuyện “giành giật” Sơn khỏi tay những người hâm mộ để có vài giờ tán gẫu. Về Sơn bây giờ tôi chỉ có thể nói vẫn nhận ra bạn (dù qua phone!) chính nhờ tiếng cười thoải mái hết cỡ hệt như xưa. Nếu phải tự nói về mình, Sơn thấy mình khác trước nhiều không?

NSND Đặng Thái Sơn (Đ.T.S): Hình như tôi từ trẻ con chuyển luôn thành người già, vì chưa kịp hưởng tuổi trẻ thì chợt nhận ra mình sắp già rồi. Trước sau, Sơn vẫn là Sơn, đáo để vẫn đáo để, nhưng khôn hơn ở chỗ biết đáo để đúng lúc. Tôi vẫn bướng bỉnh như xưa và chắc sẽ không bao giờ thay đổi một điều: không gì đánh đổi được tự do cá nhân. Với tôi chẳng gì bằng được làm theo ý mình, sống theo cách của mình, ai nói gì cũng kệ! Tôi bây giờ đằm tính hơn, nhìn đời điềm tĩnh hơn, biết giữ cân bằng giữa cảm tính và lý tính. Đấy là nét thay đổi không chỉ trong đời thường mà cả trong cách chơi đàn.

N.T.M.C: Những năm 80 Sơn đã “chinh phục thế giới” bằng vẻ đẹp lung linh đầy chất thơ qua nhạc Chopin. Hai thập niên sau này ngày càng thấy Sơn chín dần, già dặn, sâu lắng hơn. Hình như lối diễn tấu của Sơn đang hướng nhiều hơn vào cái đẹp bên trong mang tính triết lý?

Đ.T.S: Cách chơi đàn thay đổi theo từng chặng đường đời. Với tôi mốc quan trọng là những năm học ở Nga bắt đầu được tiếp xúc với âm nhạc thế giới. Tiếp đến bốn năm sống ở Nhật và sự tiếp cận nhiều hơn với phương Tây. Thay đổi rõ nhất có lẽ là từ khi sang Canada, một xã hội tự do theo cái nghĩa “sống chết mặc bay”: tự do vươn lên nếu anh có ý chí và cũng tự do ngã xuống nếu anh thiếu bản lĩnh. Trước đây tôi thiên về tính trữ tình lãng mạn, thiên về cảm tính và cái đẹp nhìn thấy được. Còn bây giờ không bị gò vào nề nếp, cũng không còn những yếu tố ngoại hình và biết tự khống chế mình. Sự trải nghiệm qua nhiều sóng gió trong đời đưa tôi đến với tính kịch và ngả sang màu triết lý. Âm nhạc là nghệ thuật thời gian nhưng không đơn thuần theo khái niệm âm thanh dài - ngắn một cách cụ thể, ngay cả khi ngừng nó vẫn có thể nói rất nhiều bằng ngôn ngữ trừu tượng. Trong âm nhạc có sự tĩnh lặng nhiều ngụ ý, đấy là những “dấu lặng biết nói”, ở đó người ta có thể tìm thấy khi là câu hỏi, khi là lời giải đáp.

Và dù ở giai đoạn nào thì cách chơi đàn của tôi vẫn giữ được âm sắc riêng, tính cách riêng, vì Sơn vẫn là Sơn mà!

N.T.M.C: Sau Chopin, Sơn đã tự khám phá mình qua nhiều tác giả khác, như Mozart, Debussy, Brahms, Grieg... Sơn có coi ai là tác giả “ruột” như Chopin không?

Đ.T.S: Chopin là người bạn cả đời, là tác giả mà tôi sẽ theo suốt đời. Chỉ khác, như tôi đã nói, sau này tôi “chơi” Chopin sâu lắng hơn và cũng kịch tính hơn. Sau Chopin, tôi đến với nhiều tác giả Nga, rồi Pháp. Với các nhạc sĩ Pháp, tôi thấy hết sức dễ dàng thoải mái và thú vị như trong trò chơi âm thanh vậy. Còn một tác giả nữa tôi rất thích là Schubert. Trước đây người ta hiểu Schubert đơn giản là một nhạc sĩ lãng mạn trữ tình, thực ra nhạc Schubert rất sâu sắc đau đớn, cái đau của con người cô độc. Nghệ sĩ càng cô đơn cái tôi càng lớn và càng phát sinh nhiều năng lượng sáng tạo.

N.T.M.C: Thế còn Mozart, còn concerto cho piano và dàn nhạc mà Sơn biểu diễn nhân kỷ niệm Nhạc viện Hà Nội tròn 50 năm trong dịp về nước lần này?

Đ.T.S: Nhạc của Mozart là nhạc của thiên nhiên, của đất trời, cứ tự nhiên tuôn chảy, không khiên cưỡng, không cần hoa hòe hoa sói, không cần nhồi nhét ý chí hay vắt óc suy ngẫm gì cả. Mozart cho người ta thấy càng ít nốt nhạc càng nhiều chất thơ.

N.T.M.C: Và qua Mozart, Sơn cũng đã cho người nghe thấy nghệ thuật chính là ở sự giản dị, đúng như vẻ đẹp trời cho trong âm nhạc của Mozart. Khán giả đã vỗ tay rất lâu và hơi buồn vì Sơn chỉ “bis” có một bài.

Đ.T.S: Vì đây là chương trình chung của Nhạc viện chứ không phải đêm diễn của riêng tôi. Mười hai năm nay tôi chưa thực hiện được riêng một chương trình độc tấu trong nước, và vẫn cứ mong có được những buổi diễn độc tấu dành cho đối tượng trong nghề. Bao nhiêu đồng nghiệp không kiếm nổi vé đi nghe và chẳng lần nào tôi lo được vé mời bạn bè. Cho được ai cái vé cũng phải giấu giấu giếm giếm như ăn vụng, vì sợ người khác biết lại tị nạnh trách móc. Trong khi đó nhiều giấy mời lại được gửi vào những nơi chưa chắc người ta đã muốn nghe hoặc đi nghe chỉ do hiếu kỳ.

N.T.M.C: Được công chúng trong nước mến mộ như vậy, Sơn có nghĩ sống xa đất nước là một cái mất bên cạnh nhiều cái được trong đời mình?

Đ.T.S: Úi giời, lâu lâu Sơn về một lần mới thế, chứ cứ ở đây luôn có ấn vé mời vào tay chắc gì mọi người chịu đi cho.

N.T.M.C: Ừ mà chắc gì đó đã là mất, nếu như nhờ thế mà tiếng đàn của Sơn càng thêm sâu sắc, giống như nỗi nhớ quê hương Ba Lan đã khắc sâu vào sáng tác của Chopin. Theo Sơn, Chopin trong cách biểu hiện của người châu Á có gì khác với châu Âu? Hay nói rộng hơn, trong xu thế hội nhập hai nền văn hóa Đông - Tây, màu sắc phương Đông càng được đề cao trong sáng tác của các nhạc sĩ châu Á, vậy trong nghệ thuật biểu diễn piano có sự khác biệt nào đó để có thể gọi là phong cách Á đông nói chung hay Việt Nam nói riêng?

Đ.T.S: Người Á đông, trong đó có Việt Nam, thường thiên về cảm tính. Người phương Tây lại nặng về lý tính. Quá lý trí sắt đá, quá tỉnh táo lạnh lùng là lối chơi đàn không trái tim, còn hoàn toàn cảm tính và thiếu logic, thiếu tính qui luật cũng không ổn. Nghệ sĩ thuộc đẳng cấp quốc tế không được rơi vào một trong hai thái cực trên. Người phương Đông nhạy cảm, hay tỉa tót chi tiết nên dễ thành công trong tiểu phẩm, gặp tác phẩm lớn lại không kham nổi và không quán xuyến được tổng thể. Thiếu đầu óc phân tích như phương Tây rất khó chế ngự và làm chủ được mình.

Người châu Á chơi Chopin có chất thơ, nhưng không phóng khoáng và thiếu tự nhiên, nhất là ở những chỗ cần tự do co giãn (rubato), còn người châu Âu chẳng cần “nặn” ra những gì đã có sẵn trong máu họ.

N.T.M.C: Với các pianiste của ta, người nghe thường bị lo lắng căng thẳng theo người diễn. Có lẽ do các nghệ sĩ chưa thoát khỏi một tâm lý chung của học trò Nhạc viện là bận tâm đến yếu tố kỹ thuật nhiều hơn nghệ thuật và ít người vượt qua được cái ngưỡng của kỹ thuật để hoàn toàn đến với nghệ thuật, như Sơn?

Đ.T.S: Đàn sai, bị vấp, bị quên là những lỗi dễ nhận thấy nhất, đây cũng là những điều tối kị trong các concours quốc tế. Cho nên cái bệnh chung của người Á đông là sợ “đánh bẩn”, sợ không hoàn hảo và quá căng thẳng vì điều đó. Nghe lại vài băng đĩa của một số pianiste siêu đẳng châu Âu đầu thế kỷ trước, nốt sai nốt bẩn cứ gọi là phải mang rổ ra mà đựng, thế nhưng họ vẫn cứ là thần tượng.

Neigaus, một pianiste Nga - thầy của những bậc thầy, có nói một câu mà mãi sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa: “Kỹ thuật mang lại cho người biểu diễn tự do để làm nghệ thuật”. Hồi nhỏ nhiều lúc tôi bứt rứt muốn xử lý âm thanh thế này thế nọ mà tay mình làm không nổi. Ngay khi đoạn giải Chopin năm 1980 tôi vẫn chưa thực sự hoàn hảo về kỹ thuật như “bọn Tây”, họ được học bài bản từ bé, nhưng sớm dừng lại, còn mình luôn ý thức không ngừng vươn lên, không ngừng tự hoàn thiện. Bây giờ tôi đã có cái hạnh phúc là muốn xử lý âm thanh kiểu gì cũng được tất. Nếu coi kỹ thuật là nghệ thuật làm chủ cây đàn, thì kỹ thuật và nghệ thuật không còn là khái niệm hoàn toàn tách rời nữa.

N.T.M.C: Nhưng cho đến nay đối với học trò piano ở Việt Nam, chạy đua kỹ thuật dường như vẫn mạnh hơn ý thức hình thành cái tôi trong nghệ thuật thể hiện?

Đ.T.S: Hiện tượng chạy theo kỹ thuật ở một số nước khác còn khủng khiếp hơn ở ta, vì người Việt Nam tuy thế vẫn có tâm lý sợ bị chê “đàn thô, đàn như bổ củi”. Trong nhiều năm chúng ta chịu ảnh hưởng của trường phái Nga Xô viết, cho nên vẫn nặng về phong cách Lãng mạn. Người Việt ít chú ý đến mảng âm nhạc Hiện đại, còn về xử lý tác phẩm Cổ điển, đặc biệt Tiền cổ điển thì thường nông cạn và ngây ngô, nhiều khi bị “lãng mạn hóa”. Phải biết thể hiện những phong cách nghệ thuật nghiêm ngặt mực thước đã, rồi mới đi tới những tác phẩm tự do phóng khoáng. Nhạc viện hiện nay đã bắt đầu nhận thức được điều này, nhưng vẫn nên mời thêm chuyên gia phương Tây và cần điều chỉnh, cân bằng lại chương trình giảng dạy.

N.T.M.C: Sơn được thừa hưởng từ gia đình không những “gien” nghệ sĩ mà cả “gien” sư phạm nữa. Má Sơn - Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên - luôn tự hào về phương pháp dạy đàn của Sơn.

Đ.T.S: Thì má tôi xưa nay vẫn mắc bệnh “mèo khen mèo dài đuôi” mà.

N.T.M.C: Hình như trước đây Sơn đã thử chữa bệnh này cho má bằng cách không cho má vỗ tay trong các buổi hòa nhạc của Sơn?

Đ.T.S: Không được vỗ tay và không được ngồi ngay hàng đầu.

N.T.M.C: Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng một người đàn bà. Phía sau Sơn luôn có má. Má Sơn không chỉ là người thầy đầu tiên của Sơn (và của rất nhiều pianiste Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau), mà còn là quân sư, trợ lý... Theo lời nói đùa mà rất thật của Nghệ sĩ Ưu tú Thái Thị Liên, bà từng là tất cả - người trả lời thư từ, người trực điện thoại, thư ký, quản gia... và có thời còn làm tiếp phẩm, đầu bếp và hầu bàn luôn... Bà đã “đóng nhiều vai” trong nhiều năm chia sẻ với Sơn cuộc sống độc thân nơi đất khách quê người. Nay sắp sang tuổi 90 rồi, bà vẫn theo sát hoạt động biểu diễn của con trai, nghe hết băng đĩa các chương trình lưu diễn của Sơn.

Đ.T.S: Thì tôi cũng thế, má trình diễn tôi luôn có mặt. Trong lễ kỷ niệm Nhạc viện Hà Nội tròn 50 năm ở Nhà hát Lớn, dù cứ bị mọi người lôi kéo ra ngoài hành lang và tôi cũng rất muốn tranh thủ gặp gỡ bạn bè cũ, nhưng đến tiết mục của má thì nhất định tôi phải vào nghe.

N.T.M.C: Trở lại với chuyện dạy đàn. Học với Sơn, trò vừa nghe giảng vừa được thưởng thức thầy đàn “thị phạm”, giống như được học các thầy Tây. Cách dạy hấp dẫn và sinh động này thực ra rất gần với lối “truyền ngón truyền nghề” từ xửa xưa của các cụ tổ nhà ta.

Đ.T.S: Đàn thị phạm rất cần cho học trò, nhất là trong lúc sửa bài. Nhưng riêng với một vài em có tài năng thì tôi tránh đưa ra một lối đàn mẫu và có lúc chỉ cần tả bằng lời để khơi gợi sự sáng tạo trong học trò.

N.T.M.C: Có khi nào Sơn muốn sáng tác cho piano không?

Đ.T.S: Tôi không định bước vào một lĩnh vực không dành cho mình.

N.T.M.C: Tôi nhớ Sơn có tài ngẫu hứng từ nhỏ. Bạn không thử ghi lại những ngẫu hứng của mình, không muốn biểu lộ cảm xúc bằng âm nhạc của chính mình sao?

Đ.T.S: Kho tàng âm nhạc thế giới đủ cho tôi “nói” những gì muốn nói rồi. Còn khả năng ngẫu hứng, có biết tôi dùng làm gì không? Để lấp liếm nếu đang diễn chẳng may bị quên!

N.T.M.C: Liệu Sơn có quên tiếng Việt không? Gần ba mươi năm sống ở nước ngoài, những năm sau này càng ít có dịp sử dụng tiếng mẹ đẻ hàng ngày, nên Sơn dù vẫn miệng lưỡi sắc sảo chẳng thua gì ngày trước, nhưng đôi lúc xem ra cũng bị “bí” từ. Nếu hàng năm không về nước biểu diễn, không có dịp “cập nhật” từ ngữ qua những cuộc trò chuyện như thế này, thì vốn tiếng Việt của Sơn sẽ rơi rụng dần đấy.

Đ.T.S: Quên thế nào được. Ở Canada tôi đang hướng dẫn cao học cho một số sinh viên Việt Nam và tôi không bỏ lỡ cơ hội nói tiếng Việt. Khi giảng giải phân tích bài vở không gì bằng được dùng tiếng mẹ đẻ. Dù thế nào đi nữa thì được nói tiếng Việt vẫn “đã” hơn, vẫn đúng ý hết ý mình hơn .

N.T.M.C: Thế mà lúc mọi người năn nỉ Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cho “vài nhời” trong buổi họp mặt các khóa cũ của Khoa piano vào dịp Hội trường, thì Sơn chỉ biết cười bẽn lẽn, chẳng chịu tận dụng cơ hội gì cả.

Đ.T.S: Tôi vốn chỉ thích trò chuyện rủ rỉ thôi mà, cứ bắt diễn thuyết trước đám đông là sợ hết vía rồi, thôi thì đành đàn một bài thay lời phát biểu vậy.

N.T.M.C: Người ta mồm miệng đỡ tay chân, còn Sơn ngược lại. Trong những lúc như thế đàn piano luôn cứu Sơn. Piano là cứu tinh, là nghề, là nghiệp...

Đ.T.S: Và là bạn đời! Tôi không thể yêu ai như yêu đàn piano. Chỉ với piano tôi hoàn toàn là chính mình, không cần đối phó, không hề dấu diếm, có thể cởi mở 100% con người mình.

N.T.M.C: Mà không sợ bị phản bội?

Đ.T.S: Chưa chắc, vì có phải chỉ cần mình yêu đàn là đàn cũng yêu mình đâu.

N.T.M.C: Dù Sơn luôn toàn tâm toàn ý “sống chết” với cây đàn, nhưng vẫn có những lúc cần giải trí hay giải tỏa khỏi stress chứ, khi ấy Sơn làm gì, vẫn tìm đến “người bạn” đáng tin nhất của mình là cây đàn, hay còn có hobby nào khác?

Đ.T.S: Tôi muốn sự yên tĩnh, hoàn toàn yên tĩnh. Nếu không đi dạo ngoài thiên nhiên được thì ngồi nhà xem phim. Khoái nhất vẫn là một mình lang thang đến nơi chưa từng biết, ngồi đâu đó ngắm người qua đường, phân tích vẻ mặt của người ta... Nhưng nói thật, tôi cũng hay đoán nhầm trong cái trò xem tướng số.

N.T.M.C: Nhân nói đến xem tướng số, mỗi lần về nước Sơn đều dành thời gian cho các học trò thuộc hạng ưu tú của Nhạc viện, những pianiste trẻ người Việt ở nước ngoài cũng cố tìm cơ hội thỉnh giáo thầy Sơn, có thể tiên đoán gì về những tài năng tương lai đó không Sơn?

Đ.T.S: Lớp trẻ ngày nay có điều kiện học hành hết sức thuận lợi. Học thầy chỉ một phần, các em có thể học rất nhiều từ bên ngoài, thông tin âm nhạc thế giới vô cùng phong phú. Nhiều em là những “mầm tốt”, nhưng nói trước điều gì bây giờ cũng khó, vì tài năng phát triển ra sao còn tùy thuộc vào hoàn cảnh từng người và nhiều yếu tố khác nữa. Bắt tôi tiên đoán làm gì, cứ để tôi lẳng lặng làm bất cứ gì có thể, như tôi đã và sẵn lòng tiếp tục làm để hỗ trợ cho các em.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng để nhạc trẻ Việt Nam phải chịu tiếng xấu!

    03/01/2007Thanh ChungBáo chí đã nhiều lần phát hiện và cảnh báo hiện tượng một số nhạc sĩ VN copy nhạc của nước ngoài để biến thành tác phẩm của mình, nhưng chuyện này vẫn tiếp tục xảy ra và đang để lại những tiếng xấu cho nhạc trẻ VN...
  • Elite trong giới nhạc trẻ Việt Nam

    04/03/2006Dương ThụCó một số người trẻ tuổi hoạt động trong một vài lĩnh vực của đời sống, ở độ tuổi trên dưới 30, đang được coi là “elite” mới, hay nói nôm na là những tinh hoa của xã hội Việt Nam đương đại. Trong giới nhạc trẻ liệu có được những người như vậy?