Vô tư: Một hậu quả của giáo dục

Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp)
10:30 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Tư, 2009

Đọc trong từ điển, thì “vô tư” có mấy nghĩa. Ở đây, trước hết, tôi muốn dùng từ này theo nghĩa “thản nhiên, không lo nghĩ” (vô tư lự), chứ chưa dùng nó theo nghĩa “ không nghĩ đến lợi ích riêng tư; không thiên vị ai cả” (chí công vô tư), nghĩa là tôi dùng chữ “vô tư” theo nghĩa thứ nhất, chứ chưa dùng nó theo nghĩa thứ nhì, đẹp hơn. Bởi vì nếu đẹp rồi, thì phụ họa làm gì ! Những kết quả hoành tráng của Giáo dục Đào tạo (cũng như những kết quả đạt được về kinh tế) thì mấy quan chức đã có nhiều dịp để trưng. Nhưng những hậu quả tai hại thì cũng cần phải nêu ra để mà sửa; đó là thiện ý, không phải để mỉa mai chế giễu.

Hiện nay, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nói chung là đa số dân chúng mọi nước đều lo lắng, và người ta thận trọng hơn. Nhưng đọc tin từ nước nhà thì hình như ở một số người có một sự thản nhiên, tựa hồ như mình là ngoại lệ : “mặc ai nói ngả nói nghiêng”, ta đây “vẫn vững như kiềng ba chân”. Có lác đác đâu đó những lời than phiền, lo lắng cho thân phận mình, hoặc cho gia đình mình, có ăn hôm nay, nhưng chắc gì ngày mai còn no bụng, nói gì đến chuyện học hành. Nhưng về mặt tập thể, đối với không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm chung, hình như là vô tư. Một số người trẻ thì lo vui chơi, ngày nay hưởng thụ, kệ ngày mai, như lời thơ ngụ ngôn của thi hào La Fontaine cảnh báo (Nguyễn Văn Vĩnh có dịch ra tiếng Việt): “Con ve sầu, kêu ve ve suốt mùa hè ; đến ngày gió bấc thổi, nguồn cơn thực bối rối …”. Xưa gọi đó là “ăn xổi ở thì”. Một số người người già thì đành kệ “đời cua cua xáy, đời cáy cáy đào”, hay là “Giời sinh voi, giời sinh cỏ”.

Nếu có tình trạng như vậy, phải chăng một phần cũng là do nền Giáo dục Đào tạo mà ra ? Có “tâm” hay không, là do giáo dục hạ tầng; có “tầm” hay không, là do giáo dục đào tạo thượng tầng. Nói kỹ hơn, học tập sao cho con người biết tôn trọng những giá trị đạo đức cơ bản, đó là từ thuở còn thơ, đâu có phải chỉ có hô khẩu hiệu, báo cáo thành tích và hơn thế nữa, đâu chỉ tập cho quen xỉ vả để đấu tranh giai cấp như một thời đã qua. Khi đã lớn, học tập chuyên môn mà lơ là, chín bỏ làm mười, nhân nhượng về trình độ, thì khi vào đời ở vị trí của mình thì không thể hoàn thành trách nhiệm. Thí dụ như về những đề án kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hiểu biết khiếm khuyết thì dễ bỏ sót một số tham số, nên quyết định sai. Ở những nước tiên tiến, những đề án như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khai thác quặng mỏ, xây dựng khu vực kinh tế này nọ, đều được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, từ vấn đề đào tạo nhân sự, lợi ích cho tập thể, môi trường, thời điểm phù hợp, địa lợi, nhân hòa để giữ được đoàn kết các dân tộc đa và thiểu số cần thiết cho an ninh quốc gia, cho thống nhất, độc lập tự chủ. Vậy mà cũng còn xảy ra những bất trắc. Huống hồ một nước chưa có kinh nghiệm xây dựng, vì bỏ qua một vài tham số nên dễ lấy quyết định nhầm, đó là tại sự “không có tầm”. Còn vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một tập đoàn quyền lợi, mà quyết định bừa, thì đó là tại sự “không có tâm”. Đặc biệt trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo, năng nổ, thăm hỏi nơi này, úy lạo nơi kia, vỗ vai người già, xoa đầu người trẻ, đó là thể hiện sự “có tâm” ; tung ra những đề án bất khả thi, với những con số khổng lồ mà ai ai cũng biết là chẳng đạt nổi, đó là “không có tầm”. Như tôi đã có lần phát biểu : người xung kích dũng cảm, không đương nhiên là người tư lệnh có tài lược thao.

Mặt khác, thích phô trương hoành tráng, không phải là tự hào dân tộc. Những hoành tráng, rừng vàng biển bạc, núi sông hùng vĩ, hay được phô ra, chẳng qua là do thiên nhiên ưu đãi mà có ; những cái đó không phải do sức người mình xây dựng nên ; nếu không tô điểm thêm, thì cũng không nên đào bới hủy hoại, tiêu xài do lợi ích nhất thời của một nhóm người. Cũng nên dành dụm cho những thế hệ mai sau, khỏi phải kéo cày trả nợ.

Hiện nay, không phải là không có những lời cảnh báo từ một số người tâm huyết. Nhưng những lời cảnh báo đó, có được nghe thấy hay không ; sự này cũng phụ thuộc vào người có trách nhiệm có tâm và có tầm không. Nghĩa là phần nào cũng là những người mà Giáo dục Đào tạo đã cho ra lò.

Trở lại vấn đề “trồng người” mà Hồ Chủ tịch nhắc nhở năm xưa, tôi mong rằng nhờ một nền Giáo dục Đào tạo nghiêm chỉnh, khiêm tốn nhưng có hiệu quả, từ "vô tư" sẽ mang nghĩa đẹp của nó (nghĩa “không nghĩ đến lợi ích riêng tư; không thiên vị ai cả”). Ở đây, không hề mảy may có ý xấc xược dạy khôn ai, mà chỉ có thiện ý mong mỏi nền giáo dục chóng được chấn hưng. Chấn hưng như thế nào, thì đã nói mãi rồi. Nhiều người tâm huyết trong nước cũng đã nêu giải pháp cụ thể, mặc dù khả năng bị “thăm hỏi “ luôn luôn ngấp nghé. Nhìn từ bên ngoài, sự cần thiết chấn hưng giáo dục làm rõ nét thêm. Đó là lý do của sự hiện diện của bài này. Nếu muốn, độc giả có thể đọc những kiến nghị cụ thể qua những bài báo tôi đã đăng và nay tôi đã chép lại trên trang mạng của tôi : http://www.buitronglieu.ne. Những kiến nghị cá nhân tôi nêu từ nhiều năm nay gồm nhiều điểm, như : sự cần làm an tâm nhà giáo, không nên đi ngược lộ trình mà nhiều nước tiên tiến đã đi và có trải nghiệm để nước ta có thể tiến nhanh mà không mắc sai lầm, chớ nên để số lượng đè chất lượng, khiêm tốn thì dễ thành công, vấn đề giảng dạy bằng tiếng nước ngoài lợi hại như thế nào, …, và đặc biệt cho giáo dục đại học là đề nghị giải pháp đại học hoa tiêu – (trong cuộc cải cách đại học hiện nay ở Pháp, một nước có truyền thống đại học lâu đời và có phương tiện nhân sự và vật chất không phải là kém cỏi, cũng còn có người thận trọng nêu giải pháp đại học hoa tiêu trước khi đại trà hóa ), v.v. Những ý của tôi xem ra cũng trùng hợp với cách nêu vấn đề của một số nhà khoa học trong nước, nghĩa là không phải là tiếng nói lẻ tẻ lạc lõng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Đừng để lỡ tàu thêm lần nữa..."

    11/03/2016Nhật LệMột người giản dị và lạc quan suốt 25 năm qua ở ĐH khoa học tự nhiên TPHCM, vị tiến sĩ khoa học về vật lý thực nghiệm đầu tiên của VN đã chuyên cần giảng dạy môn phương pháp luận sáng tạo (gọi tắt là phương pháp luận) - thuộc lĩnh vực chuyên môn thứ hai của ông. Bởi từ trước đến nay ngành khoa học sáng tạo hãy còn quá mới tại VN và chưa được áp dụng giảng dạy trong các trường ĐH nhưng đã được ông gây dựng thành một trung tâm.
  • Lại bàn về giáo dục

    15/01/2011Phạm Duy HiểnKhông riêng gì ở Việt Nam, giáo dục hiện đang là bài toán khó, ngay ở những nước tiền tiến nhất trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hoá, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận xung yếu nhất của mọi quốc gia.
  • Giáo dục Việt Nam khoác gánh nặng lên vai trẻ thơ

    06/12/2008Hoàng LanCách đây không lâu báo chí đưa một cuộc khảo sát ngẫu nhiên những chiếc cặp sách của học sinh do bộ GH – ĐT tiến hành ở ba trường tiểu học tại Hà Nội. Chiếc cặp nặng nhất là của một học sinh lớp 4 ( 4,8kg). Trong khi đó , quy định của sở GD – ĐT Hà Nội là 2,7 – 3 kg. Chiếc cặp sách không chỉ là một vật vô tri vô giác nữa . Nó đã trở thành câu chuyện của cả một nền giáo dục.
  • Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá

    09/06/2008GS. Hoàng TuỵBài diễn thuyết của GS Hoàng Tuỵ với chủ đề: "Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hoá" được trình bày và thảo luận tại Viện IDS ngày 6/6/2008.
  • Giáo dục và bệnh thành tích

    19/07/2006Huỳnh Bửu SơnThành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
  • Giáo dục với tăng thiện giảm ác

    04/01/2006TS. Nguyễn Chu PhácCái ác của con người đang tăng lên đáng lo ngại, hàng ngày biết bao nhiêu chuyện "giết người" với nhiều cách khác nhau: có loại bằng dao, bằng súng đổ máu, có loại đang được gọi với cái tên tham nhũng, móc tiền của Nhà nước, của nhân dân một cách tàn bạo, có loại bằng mưu mô thâm độc...
  • Cải cách giáo dục

    09/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch - Tổng giám đốc, InvestConsult GroupPhát triển con người là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước trên thế giới đều giương cao khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều tâm sức đề xây dựng và thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các chương trình cải cách giáo dục đó, tuỳ theo mức độ, đều có những hạn chế và sai lầm nhất định.
  • Chất lượng giáo dục của Việt Nam "có vấn đề"?

    06/09/2005Huỳnh DuyTheo những gì mà tôi quan sát và tìm hiểu được thì câu trả lời là: người bảo có và cũng có người bảo không. Những người bảo chất lượng giáo dục VN có vấn đề ở đây là các đại biểu quốc hội, những vị đại biểu của nhân dân mà kỳ họp nào cũng lên tiếng phàn nàn về chất lượng giáo dục yếu kém của nước nhà. Vậy có thực là có vấn đề hay chỉ là lo lắng thái quá ở một số người.
  • Giáo dục Việt Nam: những vấn đề căn bản

    06/07/2005Trương VũTrong suốt hơn một thập niên qua, những vấn đề giáo dục của Việt Nam thường là những đề tài gây tranh luận trên báo chí. Hầu hết đều ghi nhận truyền thống hiếu học của học trò Việt Nam và sự hy sinh của bố mẹ cho việc giáo dục con cái. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn.
  • Giáo dục đang đi về đâu?

    30/06/2005Giáo sư Hoàng TụyTừ nhiều năm nay, hầu như kỳ họp nào của Quốc hội cũng sôi nổi khi bàn đến giáo dục. Nhưng rồi vẫn không thấy có chuyển biến gì thật sự đáng kể, đến kỳ họp sau lại cũng trở lại quanh quẩn bấy nhiêu vấn đề. Người dân cảm thấy hết kiên nhẫn và mong muốn có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để cho giáo dục xứng đáng là quốc sách hàng đầu.
  • Thầy - trò thản nhiên gian dối trong học tập, thi cử

    26/12/2003Nhiều năm qua, nạn gian dối trong thi cử ngày một phổ biến, không chỉ ở học sinh mà cả giáo viên và các cán bộ giáo dục, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Điều đáng nói là tất cả đều thản nhiên như không khi bị bắt gặp có hành vi “quay cóp” hay “bố trí giúp đỡ” thí sinh...
  • Giáo dục và quá tải!

    24/11/2003Dương Trung QuốcTrong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, tôi (tác giả - Dương Trung Quốc) có đăng ký phát biểu nhưng vì hết thời gian nên không có cơ hội trình bày. Lại thấy vấn đề mình quan tâm không thấy người hỏi và người trả lời đề cập tới. Do vậy, tôi viết ý kiến của tôi để ai quan tâm thì tham khảo...
  • xem toàn bộ