Vẽ người… khó, vẽ ma… dễ

05:23 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Năm, 2009

Trong bài Bàn về thuật ngữ văn học hậu hiện đại của TS Nguyễn Văn Tùng có đoạn: "Văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học phương Tây được khởi đầu từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) và phát triển đỉnh cao vào những năm 70, 80 của thế kỷ XX. Các nhà văn hậu hiện đại chủ trương sử dụng các phương thức thể hiện khác biệt so với quy chuẩn của văn học hiện đại. Nếu mọi yếu tố nghệ thuật của văn học hiện đại hầu hết được thể hiện một cách tập trung, liền mạch thì ngược lại, ở văn học hậu hiện đại, các yếu tố đó được thể hiện một cách phân tán, rải rác như thể những mảnh vỡ. Do cấu trúc như thế mà một tác phẩm văn học hiện đại như là một hành trình về đích, còn văn học hậu hiện đại là một hành trình còn dang dở... Các nhà văn hậu hiện đại luôn hạn chế một cách tối đa sự bộc lộ chủ quan của mình."

Cũng trong bài này, TS Nguyễn Văn Tùng còn cho rằng, ở ta, trong những năm gần đây, có một vài tác phẩm mang dấu ấn văn học hậu hiện đại. Đó là tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh và một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

Như vậy có thể tạm rút ra vài điều. Thứ nhất, văn học hậu hiện đại không phải là một trào lưu mới mẻ gì. Thứ hai, văn học hậu hiện đại không phải là cách thức duy nhất để làm nên một tác phẩm có giá trị. Thứ 3, viết một tác phẩm hậu hiện đại cho ra hậu hiện đại cũng không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với các nhà văn đã quá quen với lối viết truyền thống như ở ta.

Theo chúng tôi, điều cốt yếu đối với mỗi tác phẩm văn học (dù ở bất kỳ thể loại nào) là nó có hay hay không? Có đem lại cho độc giả những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng gì hay không? Còn nó được viết theo kiểu gì? Phương pháp gì? Cũng không quá quan trọng. Thế nhưng chỉ tiếc rằng, trong thời gian gần đây, đã có vài ba tác phẩm (của cả tác giả trong nước và của các tác giả nước ngoài được dịch sang tiếng Việt) đã dán nhãn “văn học hậu hiện đại” để hù dọa những độc giả hoặc yếu bóng vía hoặc thích chạy theo mốt thời thượng, trong khi trên thực tế, chúng không hẳn là thế. Chúng tôi xin lấy tập thơ của Ion Milos được quảng cáo là “thơ hậu hiện đại” mới được chuyển ngữ gần đây làm ví dụ.

Đây là bài thơ Cuộc đời:Một số người thích ăn bánh mỳ/ Số khác lại thích món thịt rán /Đó thuộc về sở thích ẩm thực./ Một số người thích rượu vang/ Số khác lại thích bia hơn cả / Đấy thuộc về thói quen nhâm nhi./ Một số người thích làm ra nhiều tiền/ Số khác suốt ngày chỉ mê mân thơ và phú/ Đây thuộc tạng lý tài hay viển vông... / Một số người hầu hạ chúng ta/ Còn chúng ta cũng phải hầu kẻ khác /Đây thuộc về rủi may, số phận... Đây là bài Mùa thu: Mùa thu thì lạnh lẽo/ Mưa đen kịt bầu trời /Lòng như trùm vải liệm/ Cứ lang thang trên đường. . . /Người đàn bà tăm tối/ Đang sầu muộn, cô đơn/ Trong mắt tôi nàng chỉ/ Một búp bê không hơn.

Cả hai bài thơ này đều được viết theo lối cổ điển, vẫn coi sự rành mạch, cảm xúc làm trọng và chưa hạn chế “một cách tối đa sự bộc lộ chủ quan” của tác giả. Cũng không thấy ở đây sự “phân tán, rải rác những mảnh vỡ” nào. Cấu trúc của hai bài thơ này cũng không phải là “một hành trình dang dở”. Giá như chỉ gọi là “Thơ Ion Milos” chắc sẽ chuẩn hơn là “Thơ hậu hiện đại Ion Milos”!

Bên cạnh “Thơ hậu hiện đại”, “văn xuôi hậu hiện đại” mà một vài tác phẩm đang cố tình giương lên, đáng nói hơn là những bài thơ viết theo lối “tân hình thức”.

Xin được minh chứng bằng mấy câu thơ kiểu này được phát tán trên mạng.

Bài thứ nhất
Khóc theo BC
Hu hhu hu hu
Chết mà sống lại
Còn nhưng không mãi

Cứng cương đen đỏ
Rồi sẽ đất đen
Ho ho ho.

Bài thứ hai
Ta khóc khi nào
Nước mắt đàn ông rơi.

Bài thứ ba
Đêm nay mưa rơi em nơi đâu.
Anh trôi miên mang trong moang sâu
Không gian xa xăm em bên ai
Anh say lang thang trong thương đau.

Hai bài thơ đầu, đúng là “tân hình thức” vì ít nhà thơ nào dám viết liều như thế! Rặt hu hu hu với ho ho ho và… khóc. Còn bài thơ thứ ba thì… cũ như truyện cổ tích, chẳng biết nên gọi là “cựu hình thức” không?

Đọc những câu thơ trên, một cư dân mạng đã bình: “Kẻ ngu làm kinh ngạc bằng tiếng gào/ Người thông minh làm kinh ngạc bằng câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ”. Theo tôi, hai câu thơ này của R.Gamzatốp có thể dùng làm kính chiếu yêu đối với cái gọi là “tân hình thức” thực ra chưa phải là thơ mà chỉ là những trò nghịch ngợm để xả xú páp của những nhà thơ “bí vần” hoặc của những chàng trai trẻ chưa biết nàng thơ là ai. Trong điển tích Trung Hoa xưa có câu chuyện đại ý: Vẽ người thì khó, còn vẽ ma thì dễ, bởi người thì ai cũng biết, còn ma thì ai biết mặt ngang mũi dọc nó như thế nào. Với cái gọi là “tân hình thức” này thì cũng như một người làm cái việc vẽ ma vậy”.

Một cư dân trên mạng khác còn góp vui với những nhà thơ “tân hình thức”, những nhà thơ bí vần bằng một bài thơ rất vui. Bài thơ có tên là Xếp chữ tình em:

Chữ EM tôi đảo thành ME
Quả ME chua quá ăn ghê răng liền
Chữ TÌNH xếp thành chữ THÌN
Thành rồng bay vút em nhìn chưa ra
TÌNH EM dãi nắng dầm mưa
THÌ NEM là món nem chua em thèm
Còn món gì nữa là MÌ THEN
Chẳng đâu có bán phải lên trên trời
Ông trời bảo: Ối giời ơi
TÌNH EM mà lại lạ đời thế a!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: