Về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

09:04 SA @ Thứ Ba - 13 Tháng Mười, 2009

Bây giờ thì bộ phim tài liệu gia đình của gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh mang tên Mạn đàm về Người Man di hiện đại dài tới 4 tiếng đã được chiếu tới 30 lần, ngoài những buổi chiếu tại gia đình, Trung tâm văn hoá Pháp thì có những buổi chiếu cho hàng trăm sinh viên trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hoá và Đại học Sư Phạm Hà Nội đều nhận được những phản hồi tích cực. Đây có lẽ là bộ phim tài liệu lịch sử duy nhất về một gia tộc được làm công phu, đồ sộ và... hoàn toàn bằng kinh phí độc lập. Người dám làm một việc "không giống ai" ấy là anh Nguyễn Lân Bình, một công chức ở Bộ Ngoại giao, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Anh Lân Bình bên bộ tràng kỷ, kỷ vật duy nhất của cụ Vĩnh

1- Tôi quen anh Lân Bình từ năm 2002 khi lấy tư liệu viết bài về cha anh, ông Nguyễn Dực, người có công đặc biệt trong việc xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam, tháng 8 năm 1945 .

Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông này là niềm tự hào và say mê đặc biệt khi nói về gia tộc mình. Khi nghe rồi mới thấy niềm tự hào ấy hoàn toàn có lý bởi đó là gia tộc có quá nhiều người tài, nổi tiếng với những tên tuổi đã "đóng đinh" vào lịch sử văn hoá, văn học nước nhà như học giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà thơ Nguyễn Giang...

Khi có dịp ngồi nói chuyện với nhau, anh Bình thường nhắc nhiều về ông nội mình, một trong những người có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX .

Cần phải nói một chút về học giả Nguyễn Văn Vĩnhvới tư cách là một nhà báo, dịch giả đã làm hết sức mình để chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết Quốc gia đầu thế kỷ XX.

Những nỗ lực của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong việc truyền bá và phổ biến chữ quốc ngữ ở Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao dân trí, mở mang tri thức cho người dân Việt Nam, giúp cho dân tộc Việt Nam được dùng một thứ chữ viết riêng hiện đại, tiện lợi, trên con đường hội nhập với các dân tộc khác trên thế giới.

Trong cuộc đời mấy chục năm làm báo của mình, ông đã là chủ bút của 8 tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch hàng chục tác phẩm văn học, triết học, như "Kim Vân Kiều" (dịch từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, rồi dịch từ chữ quốc ngữ sang Pháp văn); dịch "Triết học yếu lược"; rồi "Thơ ngụ ngôn" của La Fontaine; " Ba người lính ngự lâm pháo thủ" (24 cuốn) của Alexandre Dumas; "Những người khốn khổ" của Victor Hugo; "Miếng da lừa" của O.de Balzac… sang chữ quốc ngữ, mục đích để phổ biến chữ quốc ngữ với người Việt, đồng thời mở ra một cửa sổ giúp cho người dân tiếp cận với văn học, văn hoá thế giới…

Từng làm chủ nhà in và những tờ báo nổi tiếng nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX bằng cả tiếng Việt (Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn – Tờ nhật báo đầu tiên trong lịch sử báo chí VN ) và tiếng Pháp ( Notre Journal, L’Annam nouveau - An nam mới…), nhưng do không chịu khuất phục người Pháp mà Nguyễn Văn Vĩnh đã bị chính quyền o ép tới mức phải phá sản.

Giữa năm 1935, với lý do Nguyễn Văn Vĩnh bị vỡ nợ, chính phủ thuộc địa đã tịch thu toàn bộ tài sản của ông đem bán đấu giá, số tiền bán đấu giá vẫn chưa đủ để trả hết nợ. Người Pháp đã đưa ra 3 lựa chọn cho Nguyễn Văn Vĩnh: nếu vào Huế làm quan, sẽ được trả lại toàn bộ tài sản như cũ; Ngồi tù ở Hỏa Lò dù chỉ 1 ngày; hoặc biệt xứ sang Lào với danh nghĩa đi tìm vàng để trả nợ! Với cái “máu” của người làm báo đậm chất kẻ sĩ, ông đã lựa chọn đi Lào. Tiếng là đi tìm vàng, nhưng chỉ trong 1 tháng ở Lào, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết thiên phóng sự dài kỳ “Một tháng với những người đi tìm vàng”, gồm 11 bài đăng trên báo L’Annam Nouveau. Khi loạt phóng sự này đang dở dang thì ngày 1- 5-1936, Nguyễn Văn Vĩnh đột ngột qua đời trong một chiếc thuyền độc mộc trên sông SêPôn, một cái chết cho tới bây giờ vẫn còn là bí ẩn…

Ông Vĩnh có tới 15 người con, với những biến cố của lịch sử đất nước, đại gia đình ấy cũng phải ly tán mỗi người một nơi và cũng có những người con của ông Vĩnh gặp phải hoàn cảnh không may mắn như Nguyễn Phổ, người cùng hoạt động tình báo với nhà văn Vũ Bằng nhưng vì một sự hiểu lầm mà đã bị bắt ngồi tù oan hơn 17 năm…

Bức tranh "Sự ra đời của chữ Quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh" do Tiến sĩ vật lý hạt nhân - hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng vẽ năm 2001 tại Tokyo-Nhật Bản.

Anh Bình kể : Một thời gian dài, anh hầu như không hiểu gì về lịch sử gia đình, bởi một thời, vì nhiều lý do mà ngay trong nhà cũng không dám thường xuyên treo ảnh cụ Vĩnh. Thời đi học, anh chỉ biết đơn giản rằng ông nội mình là một người tài, rồi bị phá sản... Mãi tới cuối những năm 80 lần về quê đầu tiên với người chú ruột, rồi cuối những năm 90 vì được gia tộc tin cậy giao lại cái kho tư liệu mà các bác các chú anh đã cất giữ, anh Bình mới bàng hoàng lờ mờ nhận thấy: hóa ra sự nghiệp của ông nội mình quá lớn.! Vậy mà phần đông con cháu đều biết hoặc biết rất ít về cụ... Phải làm gì để con cháu không quên cội nguồn, phải làm gì để mọi người trong gia tộc đều dược biết rằng gia tộc mình có quá nhiều những điều kỳ vĩ mà vì sao lại phải chịu nhiều thăng trầm, đắng cay đến như vậy? Câu hỏi ấy ám ảnh Nguyễn Lân Bình nhiều năm. Cho tới năm 2006, anh quyết định với di sản đồ sộ của ông nội và các bác để lại, nên làm một bộ phim tài liệu về gia tộc mình chí ít là để con cháu trong nhà cùng biết! Ngày đó, khi nghe anh nói ý định ấy, tôi và tất cả bạn bè anh đều nghĩ có lẽ ông bạn mình... có vấn đề rồi?!

2- Giờ đây, khi bộ phim đã hoàn thành và đã chiếu tới 30 buổi cho nhiều đối tượng từ các nhà văn, nhà báo, sử học, nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước, các nhà quản lý về văn hoá- văn nghệ, sinh viên các trường đại học và ở đâu, lúc nào cũng nhận được phản hồi tích cực. Nhắc lại hành trình suốt 1 năm làm phim, anh Bình tâm sự : “nhiều lúc không dám nghĩ mọi chuyện lại trở thành hiện thực, vì khi bắt tay vào làm phim, không biết phải bắt đầu từ đâu và sẽ lựa chọn những chi tiết nào?”. Để có bộ phim dài 4 tiếng ấy, nhóm làm phim đã quay tới 1.500 phút ở Hà Tây, Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lào và đi tới 5 thành phố ở Pháp.

Chuyện lo tiền làm phim cũng là điều rùng mình …"Lúc đầu, đạo diễn Trần Văn Thuỷ vì lo tôi sẽ quá tốn kém, ông bàn chỉ quay từ tư liệu trong nước thôi, bởi chỉ riêng vé máy bay khứ hồi Hà Nội- Paris đã là 20 triệu đồng/ người là giá năm 2006. Ai cũng biết muốn có tư liệu về Việt Nam thời Pháp thuộc thì phải đến được các kho lưu trữ ở Pháp. Để cho bộ phim sinh động và sát thực dù tốn kém cũng phải đi. Nhưng tiền ở đâu khi mà những bạn bè thân thiết thì anh đều... đã vay cả rồi, anh cũng muốn có lời với những người họ hàng song việc giải trình thật nan giải vì chính những người thân của anh cũng chưa hình dung được mục đích của anh sẽ đi về đâu?” Anh quyết định vay ngân hàng theo thể thức thế chấp. Có lẽ đó là quyết định mạo hiểm nhất trong quá trình làm phim, kể cả có sự đồng thuận của chính gia đình nhỏ của mình thì sau này sẽ trả bằng cách nào?!. Ở cái thế không thể lùi thì chỉ còn cách là tiến lên và sổ đỏ được mang đi "gửi" ngân hàng. Biết chuyện, những người ruột thịt của anh đều "choáng” và lo lắng trước quyết định có thể gọi là quá liều lĩnh này (mãi tới giữa năm 2007, người chú ruột của anh khi bán ngôi nhà riêng đã đưa tiền để anh đi trả ngân hàng chuộc lại sổ đỏ, lấy lại sự bình tâm cho gia đình).

3- Tôi đã xem bộ phim tài liệu dài 4 tập với thời lượng tới 215 phút và thực sự bị hấp dẫn tới phút cuối cùng, quả thực nếu thiếu đi những trường đoạn quay ở SêPôn và 5 thành phố ở Pháp với rất nhiều tư liệu và nhân vật thì chắc chắn bộ phim sẽ thiếu thuyết phục, hoặc có cố làm thì cũng sẽ khô khan.

Với một đống tư liệu “chết”, nhưng nhóm làm phim đã làm rất công phu khi không chỉ đi gặp rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, con cháu của cụ Vĩnh ở trong và ngoài nước, rồi còn lặn lội sang Lào theo hành trình “Một tháng với những người đi tìm vàng” mà cụ Vĩnh đã đi năm 1936 từ Hà Nội sang Sê Pôn… Với cách làm phim theo kiểu kể chuyện, qua lời kể của các con, cháu và những nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu xã hội có uy tín … bộ phim đã dựng lên thân thế, sự nghiệp của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và cả những người con tài hoa của cụ… Trong những phản hồi về bộ phim, có những lời nhận xét rất cảm động, như của Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Như Chính sau khi xem phim rằng “thật xúc động lòng người. Bộ phim đã dùng hình ảnh để chứng minh cho những ai còn mơ hồ về cụ do thiếu thông tin vì không có điều kiện tìm hiểu. Tôi đã nhiều lần rơi lệ khi xem hết bộ phim…”. Đặc biệt Giáo sư Sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thốt lên với chính anh Bình rằng : “Chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một bộ phim lịch sử do cá nhân thực hiện lại không có một sự trợ giúp tài chính của bất kỳ một tổ chức nào và lại đạt được sự cuốn hút tuyệt đối đến phút chót như bộ phim này!”

4- Bây giờ, tại ngôi nhà ở 55 ngõ Lương Sử C, Nguyễn Lân Bình vẫn lưu giữ được kỷ vật duy nhất của ông nội mình để lại, đó là bộ ghế tràng kỷ mà cụ Vĩnh đã rất cầu kỳ thuê thợ chạm khắc công phu ở các chỗ tựa hai bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine do cụ dịch. Anh Bình vẫn đang tất bật với bộ phim, anh cho biết bộ phim đã được dịch hoàn chỉnh sang tiếng Pháp, và tiếng Anh.

Một thoáng xa xăm khi anh nhìn lên bức tranh "Sự ra đời của chữ Quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh" của Tiến sĩ vật lý hạt nhân- hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng vẽ tại Tokyo treo trang trọng ở phòng thờ. Anh Bình nói : sau những biến cố của lịch sử, cháu chắt cụ Vĩnh giờ ở nước ngoài khá đông, mà thế hệ thứ 3, thứ 4 nhiều người không nói được tiếng Việt nên anh cho dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp để những thế hệ cháu chắt của cụ, dù ở đâu cũng sẽ hiểu được về lịch sử gia tộc của mình khi xem phim, mà lịch sử của một gia tộc cũng chính là lịch sử của một Dân tộc.

Dường như, với anh, những câu chuyện của quá khứ vẫn còn ám ảnh…

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc: