Về khẩu hiệu bảo vệ bản sắc dân tộc

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
11:28 SA @ Thứ Ba - 24 Tháng Ba, 2015

Những quan điểm khác nhau về bản sắc dân tộc

Vấn đề bản sắc dân tộc đang được tranh cãi rất nhiều, đặc biệt là tại nhiều nước đang phát triển. Đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, người ta thấy xuất hiện những quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, có thể chia các quan điểm này thành hai khuynh hướng chính sau đây:

- Khuynh hướng tuyệt đối hoá tính đặc thù dân tộc: Đây là khuynh hướng cho rằng chỉ có những gì thật khác biệt, nghĩa là chỉ dân tộc mình mới có thì mới là bản sắc dân tộc. Khuynh hướng này thể hiện qua những thái độ cụ thể sau:

Căn cứ vào những biểu hiện đặc thù bên ngoài: Đây là thái độ khá phổ biến trong những người không am hiểu hoặc không quan tâm nhiều đến vấn đề văn hoá. Họ qui bản sắc văn hoá vào những dấu hiệu bên ngoài, chẳng hạn trong âm nhạc thì chỉ có đàn ca, với các nhạc cụ cổ truyền mới có bản sắc dân tộc, tương tự như thế, trong văn học thì là truyện dân gian, cổ tích, trong ăn uống là những món ăn dân tộc...

Thực ra việc nhấn mạnh những đặc tính dân tộc cũng không sai, nhưng nếu tuyệt đối hoá những đặc thù đó sẽ dẫn đến thái độ cực đoan. Nó dễ dẫn tới sự bảo thủ, khép kín, tự làm nghèo mình đi và không có khả năng bắt kịp với thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ.

Căn cứ vào những biểu hiện đặc thù bên trong: Những biểu hiện đặc thù cũng có thể được nhìn nhận từ bên trong. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng mỗi dân tộc có một cách nghĩ, cách cảm riêng, thể hiện những cung bậc khác nhau, thường là những mặt tốt, mặt cao cả của tâm hồn.

Chẳng hạn, tinh thần yêu nước là cái được nhiều dân tộc cho là nét đặc thù dân tộc mình. Thực ra theo chúng tôi, tuy có những nét khác nhau trong tâm lý con người ở các nước, các dân tộc khác nhau, nhưng rõ ràng dù ở đâu thì con người vẫn là con người, họ vẫn có những đau khổ và vui sướng chung.

Và những đặc điểm như lòng yêu nước là chung cho tất cả các dân tộc. Thêm nữa, tất cả các đặc điểm tâm lý đều được hình thành do những nguyên nhân lịch sử, chúng có tính lịch sử, và vì thế có thể sinh ra hoặc mất đi do những yêu cầu của cuộc sống.

Căn cứ vào những số liệu thống kê: Có người lại căn cứ vào những số liệu thống kê để khẳng định những khía cạnh khác nhau của bản sắc dân tộc, từ đó chỉ ra những gì là tốt, những gì là xấu. Chẳng hạn có nhà nghiên cứu cho rằng một số dân tộc nào đó có những tính tất là: tinh thần bất khuất, đầu óc thực tiễn, tính giản dị. Bên cạnh đó là những tính xấu: an phận, thủ thường, tính vụ lợi gần, tính cẩu thả...

Quan điểm này cũng không có một cơ sở thực sự khoa học, bởi lẽ không thể thống kê được hết những cung bậc trong tính cách của con người và dân tộc.

- Khuynh hướng phủ nhận hoá tính đặc thù dân tộc: Khuynh hướng này cho rằng thực ra những khác biệt mang tính dân tộc là có nhưng không phải là quan trọng và ngày càng ít đi do xu thế toàn cầu hoá và do sự xích lại gần nhau của các dân tộc trên thế giới. Họ cho rằng sự đề cao bản sắc chỉ ngăn cản sự tiến bộ của xã hội và không nên khuyến khích.

Theo chúng tôi thì cần phải có một thái độ đúng đắn và thích hợp với vấn đề. Trước hết, phải khẳng định rằng bản sắc dân tộc là có thật và nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người. Trong sự nghiệp phát triển, một chính phủ khôn ngoan phải biết phát huy những thế mạnh của tâm lý dân tộc. Tuy nhiên, trong những nét đặc thù của dân toe cũng có những mặt tiêu cực mà chúng ta không nên duy trì. Việc học hỏi những cái hay, cái tốt của các dân tộc khác là điều cần thiết và cũng không thể tránh khỏi. Hội nhập vào thế giới, đó chính là con đường tiến bộ.

Tiến tới một định nghĩa về bản sắc dân tộc

Cần phải nói rằng bản sắc là đặc tính khách quan của mọi cộng đồng người, cả những cộng đồng lớn hơn dân tộc lẫn nhỏ hơn dân tộc. Mỗi công ty, chẳng hạn, cũng có một văn hoá riêng. Văn hoá hay là bản sắc chính là dấu hiệu để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, quốc gia này với quốc gia kia và nó là kết quả của cộng đồng đó hay con người đó tương tác với chính mình và tương tác với cộng đồng khác. Nó thể hiện nhân cách nếu xét về mặt cá nhân, bản sắc xét về mặt cộng đồng. Các nhà chính trị lấy văn hoá để nói về sự cạnh tranh nhưng thực ra văn hoá là kết quả của đời sống chung không có cạnh tranh. Ngay cả trong những điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, văn hoá vẫn không cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, văn hoá tham gia vào quá trình cạnh tranh bởi văn hoá đưa ra những giải pháp phù hợp với đòi hỏi tâm hồn của một con người và bởi văn hoá chính là con người.

Bản sắc là cái tự nhiên mà có. Bản sắc không phải là cái mà người ta cố tạo ra được. Cái đó không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai. Bản sắc tự nó là một đối tượng khách quan. Người ta không thể cố ý tạo nên nó, cũng như không thể cố ý làm mất nó. Nếu như chúng ta để cho bản sắc được hình thành một cách tự nhiên qua các giai đoạn lịch sử thì chúng ta sẽ có một bản sắc rất tự nhiên. Chúng ta hoà hợp với mọi người và chúng ta hoà hợp với mình.

Tất cả những ai cố làm cho cộng đồng của mình có vẻ có bản sắc, tức là xây dựng bản sắc một cách chủ quan, nếu không đi đến nhầm lẫn này thì cũng sẽ đi đến nhầm lẫn khác và trở thành một cộng đồng vừa tự mãn vừa dị biệt. Và đó chính là tiền đề của sự chậm phát triển. Chúng ta phải nhìn bản sắc một cách khách quan, và cần phải biết yêu nó, yêu những gì mình có, đúng mức và đúng cách. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải tự tin và thành đạt.

Bản sắc dân tộc tự hình thành, bởi vì tất cả các dân tộc đều tự hình thành, tất cả các dân tộc đều có lịch sử của nó.

Về vấn đề bản sắc của các dân tộc, theo tôi, có hai khía cạnh phải đề cập đến. Thứ nhất, những dấu hiệu. khác nhau của nó là gì. Thứ hai, đó là giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng nói về mình và việc sử dụng cho mình như thế nào.

Bản sắc dân tộc và những dị biệt

Nhiều người thường có xu hướng cường điệu sự khác biệt giữa các dân tộc. Người ta lấy sự khác biệt làm niềm tự hào. Nhưng trong thực tế, người ta lại sống bằng những thứ giống nhau. Khi khoe khoang về mình, người ta lấy sự khác biệt, nhưng khi sống cho mình thì người ta lại lấy sự giống nhau.

Đấy là hai hiện tượng rất phổ biến trong thái độ về cái được gọi là bản sắc. Người ta kêu gọi dùng hàng nội hoá là nhằm biến xu hướng khoe khoang thành một hành động thực tế. Nhưng trong thực tiễn, con người vẫn thiếu dùng những thứ của người khác. Rất ít dân tộc dùng cái của mình. Đại đa số các dân tộc thích nói về những cái của mình nhưng lại dùng những cái của người khác. Đó dường như là một bản năng.

Người ta thường nhầm lẫn giữa bản sắc văn hoá của dân tộc với những yếu tố dị biệt. Thực ra đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau mặc dù trong một số trường hợp những yếu tố dị biệt và bản sắc văn hoá trùng nhau. Cũng giống như bản sắc văn hoá, những yếu tố dị biệt được hình thành trong lịch sử, bởi những tác động của nhiều yếu tố khác nhau như địa lý, kinh tế... và cả những yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, không phải tất cả những dị biệt đó đều trở thành bản sắc văn hoá, càng không phải là sự thể hiện trình độ phát triển, tức là văn minh. Việc dùng đũa của người Trung Hoa và người Việt so với việc dùng đĩa của người châu Âu, chỉ có thể được nghiên cứu như những thói quen riêng mang tính khu vực chứ tuyệt đối không phải đối tượng so sánh trình độ văn minh. Thậm chí một số hủ tục, như tập quán xẻo cơ quan sinh dục nữ của một vài dân tộc châu Phi, còn cần phải lên án và loại trừ.

Nhận thức được điều này giúp chúng ta tránh được thái độ thiên lệch trong đánh giá các hiện tượng văn hoá, chẳng hạn những quan điểm cho rằng chỉ có văn hoá phương Đông mới là đúng, mới là thuộc về tương lai.

Mỗi cộng đồng nhỏ đều có bản sắc riêng hay gọi là các giá trị văn hoá. Nhưng khái niệm cộng đồng ngày càng mở rộng nên sẽ có những tiêu chí văn hoá khác nhau, những nền văn hoá khác nhau.

Chúng ta sinh hoạt, điều chỉnh cuộc sống gia đình bằng một hệ tiêu chuẩn, nhưng khi ra đường, trong cộng đồng khác rộng hơn, chúng ta buộc phải sử dụng hệ tiêu chuẩn văn hoá khác. Tương tự như thế, con người chứa trong mình nhiều hệ tiêu chuẩn văn hoá khác nhau để điều chỉnh những đối tượng và quan hệ sinh hoạt khác nhau. Cho nên có thể nói rằng không có chuẩn mực văn hoá cho sáu tỷ người. Thực ra thì trong cuộc sống của nhân loại vẫn luôn luôn đồng thời tồn tại những chuẩn mực chung và chuẩn mực riêng. Chuẩn mực riêng để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, còn chuẩn mực chung là thứ để con người chung sống với nhau. Chuẩn mực chung ngày càng lớn lên cùng với mật độ giao tế lớn. Cùng với qui mô toàn cầu của các quá trình giao lưu, dần dần các khái niệm, các chuẩn mực văn hoá chung của nhân loại sẽ hình thành. Nói đúng hơn, nó đã hình thành rồi và người ta sử dụng nó để giải quyết một loạt các vấn đề quyền lợi toàn cầu. Tuy nhiên, việc giải quyết những xung đột như vậy luôn khác nhau trong các bộ đôi tương tác. Có những vấn đề đối với dân tộc A thì dễ nhưng đối với dân tộc B thì lại khó giải quyết - nó phụ thuộc vào mức độ cát cứ của các giá trị cũng như mức độ bảo thủ của các hệ tiêu chuẩn riêng.

Việc mỗi vùng, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng không phải là lý do thoả đáng để nhấn mạnh cái mà người ta thường gọi là những cú sốc văn hoá, culture shock như đôi khi người ta nói. Chúng ta đã chứng minh rằng, con người vẫn sống chung với nhau được mặc dù có sự khác biệt. Sự khác biệt không có nghĩa là đối lập, thậm chí không gắn liền với sự đối lập. Tôi cho rằng trên thực tế không có cú sốc về văn hoá. Đó chỉ do chúng ta tưởng tượng ra mà thôi, cho dù sự khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân kia luôn luôn tồn tại. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau, tiếp cận vấn đề theo những cách khác nhau.

Văn hoá làm cho con người khác nhau chứ không làm cho con người đối lập với nhau. Bởi vì bản thân văn hoá được hình thành nên bởi một cộng đồng chứ không phải một cá nhân. Văn hoá chính là thông điệp chung sống, vì vậy nó có giá trị chung sống.

Sự chia rẽ về mặt địa lý làm cho con người có cảm giác rằng mình biệt lập với người khác, rằng giá trị của mình biệt lập với giá trị của người khác. Và họ luôn tự hào về sự biệt lập ấy. Biệt lập không phải là giá trị để tự hào, nó chỉ có giá trị để phân biệt mà thôi. Giá trị mà con người có thể tự hào là giá trị về tính phổ biến, tính hội nhập, tính chung sống trong sự đa dạng văn hoá. Những người tiên tiến thì luôn luôn trăn trở để có khả năng tương thích với nhiều nền văn hoá, vì thế họ sẽ không bị những cú sốc văn hoá như vậy.

Lý tưởng sống hiện nay của thế hệ hiện tại ngày càng mang tính toàn cầu. Đó chính là sự phát triển các giá trị trọn vẹn của con người. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, nhiều dân tộc dường như mất đi từ trường về hệ tư tưởng: không có giải phóng dân tộc, không có chủ nghĩa xã hội, không có tất cả các lý tưởng...Con người trở nên hoang mang, rơi vào trạng thái chuyển động Brown về mặt tinh thần, về mặt sinh hoạt lý tưởng. Cho nên cần phải có một ai đó hướng dẫn thế hệ trẻ về các tiêu chuẩn lý tưởng của mình.

Quá khứ - hành trang, gánh nặng và thách thức

Nếu nhìn thực chất vấn đề, ta có thể thấy rõ rằng những nền văn hoá đang ra sức tự bảo vệ cũng chỉ tự bảo vệ những gì thuộc cấu trúc thượng tầng của nó mà thôi. Mà những gì thuộc về cấu trúc thượng tầng không phải là bền vững cho lắm, nếu không nói rằng chúng dễ dàng bị những thay đổi trong cấu trúc hạ tầng cuốn phăng đi. Vì thế, về mặt triết học, việc nhấn mạnh vấn đề bản sắc là không cần thiết và cũng không hợp lý.

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà các dân tộc đều hình thành cả rồi, không có dân tộc nào bắt đầu hình thành cả. Tức là chúng ta là nô lệ của lịch sử, các bản sắc trở thành những di chứng của quá khứ. Nếu chúng ta cường điệu vai trò của bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc, chúng ta sẽ phạm phải hai hậu quả quan trọng.

Thứ nhất, nếu chúng ta cường điệu một cách chủ quan, thì cái được gọi là bản sắc dân tộc ấy có đích thực là bản sắc dân tộc hay không? Hay đó chỉ là ý muốn chủ quan của những người tìm thấy lợi ích trong sự cường điệu ấy? Và chính việc cường điệu nhiệm vù bảo vệ những bản sắc dân tộc một cách chủ quan như vậy làm cho một dân tộc vô tình rơi vào vùng ảnh hưởng của một vài yếu tố hoặc xã hội cực đoan. Kết quả là sẽ có một sự hình thành bản sắc một cách phi tự nhiên, xa lạ với cuộc sống.

Thứ hai, việc cường điệu bản sắc dân tộc sẽ chỉ làm người ta tự trở thành đi biệt với nhân loại trong khi thế giới đang đi theo xu hướng tất yếu của sự hoà hợp. Bởi vì, sớm hay muộn, các dân tộc cũng hội tụ đến một tiêu chuẩn chung sống giữa con người. Vì vậy một bản sắc tất là bản sắc tự nó phải có khả năng hoà hợp với các bản sắc khác. Khi nói về bản sắc người ta để mắc sai lầm vì thường đứng ở trong một cộng đồng để xem xét mà quên rằng chúng ta phải xem xét nó trên tầm bao quát của toàn nhân loại. Vì vậy để thấy rằng mọi sự cường điệu một cách chủ quan các yếu tố bản sắc trong đời sống của một dân tộc chỉ dẫn đến những va chạm với các dân tộc khác và sự đổ vỡ trong chính dân tộc
mình mà thôi.

Thật đáng buồn là cho đến nay, nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba vẫn không ngớt nói về quá khứ, về bản sắc, giá trị truyền thống và cố gắng làm cho người dân yêu nước hơn thông qua yêu quá khứ. Đấy là một sự lầm lẫn mang tính triết học. Con người trước hết cần phải yêu chính mình, yêu hiện tại và tương lai của mình, quá khứ chỉ là phương tiện hỗ trợ. Nếu như chúng ta cố làm cho con người tin rằng mọi cái có giá trị đều ở quá khứ thì đó là sự tận dụng quá khứ, tận dụng lịch sử như động cơ chính trị nhằm tạo ra niềm tự hào dân tộc giả tạo. Đó là một sai lầm khủng khiếp, thậm chí một tội ác, nó ngăn cản toàn bộ tiến trình phát triển của các dân tộc. Đấy là lỗi phổ biến của những người thiếu trí tuệ chứ không phải chỉ là lỗi của những người cầm quyền đương thời. Con người trong nhiều thế hệ đã phạm phải sai lầm như thế.

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là khư khư giữ lấy những gì khác người, kể cả những cái khác người đã trở thành lạc hậu, chỉ cất giữ được "bản sắc', mà là lựa chọn những gì tất đẹp nhất, cả của mình lẫn của người khác. Bằng cách ấy, chúng ta có thể nắm lấy những cơ hội của tương lai.

Tất nhiên, không phải cái gì hiện đại cũng tốt. Hiện đại cũng có cái dở, cũng như quá khứ đã từng có nhiều cái chả ra gì và cũng không phải là trong tương lai mọi thứ đều tốt đẹp. Mọi thứ đều có cái hay cái dở của nó. Cái đó chẳng qua là cái không thích hợp với đời sống của con người. Tại sao chúng ta lại phải phấn đấu cho một thứ gì đó không cần hoặc thậm chí là không có, không thể có? Nên nhớ rằng tuổi thọ của quả đất cũng hữu hạn, tuổi thọ của nhân loại cũng hữu hạn, tuổi thọ của con người thì, dĩ nhiên rồi, rất hữu hạn. Con người không nên sống gấp như chúng ta từng lên án, nhưng con người cần phải sống, cần phải qui hoạch để cuộc sống của mình được kéo dài, nhất là tăng thêm ý nghĩa và chất lượng. Chính là con người sẽ quyết định những gì cần làm.

Con người sinh ra không phải là để bảo tồn các giá trị hay bản sắc, không phải là để hội nhập, thậm chí cũng không phải là để phát triển, mà là để sống. Mục tiêu của con người là cuộc sống của nó chứ không phải là bản sắc văn hoá. Bản sắc là cái mà người ta giữ được một cách tự nhiên trong quá trình sống chứ không phải là cái mà người ta mua sắm được. Bản sắc toả ra từ trong con người bạn, từ trong gien của bạn, từ trong các thông điệp quá khứ của cộng đồng bạn, dân tộc bạn và vì thế tự nhiên nó có.

Nhiệm vụ của con người là vứt bỏ đi những cái thừa để mở đường vào tương lai chứ không phải là giữ lại những cái của quá khứ. Bản sắc chỉ có giá trị khi nó là cái gì hình thành một cách tự nhiên, giúp chúng ta gia nhập thuận lợi và thành công vào tương lai. Con người với gánh nặng cồng kềnh của quá khứ thì không đi xa được. Chúng ta sẽ còn có dịp quay trở lại vấn đề này.

Rất nhiều người đang tranh cãi về vấn đề: trong quá trình hội nhập Việt Nam cần giữ lại cái gì? Tôi cho rằng chúng ta hô hào giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng chúng ta không nhận thức rằng chúng ta đang rất kỳ dị trước con mắt nhân loại. Tôi cho rằng việc vứt bỏ cái lạc hậu hay gìn giữ những gì còn tương thích với tương lai đều thể hiện tính chủ động, tiến bộ. Tự do là sự tiến bộ. Hành trang đi vào tương lai càng nhẹ càng tốt. Tương lai sẽ cung cấp cho chúng ta trước cửa mỗi ngày những điều mới mẻ.

Tương lai sẽ tươi đẹp nếu chúng ta đủ lương thiện, lòng dũng cảm và biết làm cho tâm hồn mình trở nên thoáng đãng để mở rộng các cánh cửa ra thế giới. Khi đó, lẽ phải sẽ ở trong con tim khối óc chúng ta. Nó sẽ tiếp sức cho chúng ta hành động. Phải biết tin vào lẽ phải của tâm hồn. Những người càng có nhiều trách nhiệm thì càng phải suy nghĩ xa hơn nhưng về tương lai chứ không phải về quá khứ.

Những người nhiều trách nhiệm đó là ai? Là các nhà lãnh đạo quốc gia, là trí thức, hay nói rộng hơn, là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Tôi nhớ lại thời thanh niên, đi xem vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Trãi có một cô em gái nuôi bị câm, ra đường bị lính Tàu trêu và về nhà ấm ức không nói được. Chính Nguyễn Trãi đã giải thích nỗi oan khuất, ấm ức của người em gái câm. Tầng lớp tinh hoa của mỗi dân tộc chính là người đại diện cho dân tộc ấy để giải thích, để thể hiện, để đối thoại với dân tộc khác. Dân tộc nào mà các nhà lãnh đạo không được lựa chọn từ tầng lớp tinh hoa của dân tộc thì dân tộc đó không bao giờ phát triển được. Tinh hoa ở đây là tinh hoa về trí tuệ văn hoá và lòng dũng cảm.

Một tầng lớp tinh hoa của đời sống xã hội mà hèn nhát thì không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó chính là bi kịch của rất nhiều dân tộc. Bi kịch còn ở chỗ nhân dân lại không có đủ tinh khôn để lựa chọn những người tinh hoa. Do vậy, thay vì đưa ra các tiêu chuẩn nhân quyền, tức là xác định con người có những quyền gì, chúng ta cần phải đưa ra cho nhân dân của các nước đang phát triển các tiêu chuẩn của nhà chính trị có thể đại điện cho dân tộc. Bởi vì chưa đến lúc nhân dân các nước đang phát triển đối thoại với các nhà chính trị phương Tây mà chỉ mới các nhà chính trị của họ làm việc ấy. Nếu được lựa chọn bởi các tiêu chuẩn lạc hậu, họ sẽ không có đủ năng lực đối thoại.

Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng con đường dân chủ. Dân chủ chính là tiến trình để giải phóng con người, để con người có trách nhiệm lựa chọn chứ không phải lựa chọn một cách chiếu lệ những người đại diện. Đương nhiên, không phải vì thế mà ngay lập tức nhân dân các nước đang phát triển có thể lựa chọn được người xứng đáng. Nhưng nếu không bắt đầu thì họ không có kinh nghiệm về tinh thần trách nhiệm của quá trình lựa chọn và do đó không có tiến trình phát triển.

Trong tất cả các yếu tố về tính dân trí thì tôi vẫn xem dân trí về chính trị là yếu tố cao nhất. Rất nhiều quốc gia cho rằng khoa học và công nghệ là quan trọng nhất. Tôi không nghĩ như vậy. Nhiều nhà khoa học và công nghệ vĩ đại ở các dân tộc chậm phát triển đã chạy sang Mỹ, cho nên không phải là ở các nước này thiếu các tài năng về mặt khoa học và công nghệ. Nhiều dân tộc trên thế giới thậm chí đang lãng phí các nhà khoa học và công nghệ bằng cách để cho họ thất nghiệp hoặc mòn mỏi vì vô công rồi nghề.

Vậy họ thiếu cái gì? Họ thiếu một cơ cấu chính trị để các nhà khoa học ở lại với chính họ, đế những người có trí tuệ thật có địa vị thật trong đời sống chính trị xã hội.

Tự do và dân chủ là một trong các giải pháp cơ bản để tạo ra sự phát triển dân trí. Càng làm chậm quá trình dân chủ bao nhiêu, càng kìm hãm tự do tư tưởng bao nhiêu thì càng làm cho dân tộc mình bị chôn vùi vào sự lãng quên và chìm ngập trong sự chậm phát triển bấy nhiêu. Tự do và dân chủ không phải là các quyền chính trị. Nếu ai coi nó là quyền chính trị thì người đó còn ở trong trạng thái chậm phát triển về mặt nhận thức.

Tự do và dân chủ là các quyền phát triển chứ không phải là các quyền chính trị. Nhà chính trị nào nhận thức được tự do và dân chủ là các quyền phát triển thì người đó mới có khả năng lãnh đạo dân tộc mình đi đến sự phát triển.

Ngày nay, những khái niệm như an ninh quốc gia đang dần được thay thế bằng khái niệm an ninh con người, chủ quyền được thay thế bằng nhân quyền. Đã đến lúc người ta thấy rằng những năng lực bùng nổ sự phát triển nằm trong con người chứ không phải nằm trong quốc gia nữa.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: