Văn chương có ích gì hay không có ích gì?

06:43 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười Hai, 2018

Chương trình giao lưu, nói chuyện Văn Chương Có Ích Gì? do công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Sài Gòn vào lúc 9h sáng thứ Bảy, 8.11.2014 tại Nhã Nam Thư Quán (Hồ Văn Huê – Phú Nhuận – Sài Gòn) như sự hâm nóng và khơi dậy tình yêu văn học có phần bị quên lãng trong nhịp sống xô bồ hối hả hôm nay. Ba diễn giả gồm nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Tiến sĩ văn học Trần Lê Hoa Tranh và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh dành cho báo Điện tử Một Thế Giới có một cuộc trao đổi.


Giao lưu, gặp gỡ nhà văn Nicolas Ancion (Bỉ) "Tiểu thuyết viết trong 24 giờ" do Nhã Nam tổ chức tại Sài Gòn, 9.2014

* Được biết đây là chương trình giao lưu văn học đầu tiên của Nhã Nam thực hiện ở phía Sài Gòn cho dù trước đó đã triển khai rất thành công tại Hà Nội. Anh có thể cho biết dự tính và mục đích của chương trình 'The Book Talk"?

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: -Tọa đàm “Văn chương có ích gì” chỉ là buổi đầu tiên trong một loạt tọa đàm với tiêu đề chung là “Chuyện đọc” mà chúng tôi có ý định sẽ tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần tại Nhã Nam Thư quán, trụ sở của Chi nhánh Nhã Nam tại TPHCM. Thật ra, từ nhiều tháng trước, văn phòng chính của chúng tôi ở Hà Nội đã khởi đầu một loạt tọa đàm tương tự cũng với tiêu đề ấy. Chúng tôi đơn giản là muốn tạo ra thêm một diễn đàn văn chương – bên cạnh một số diễn đàn văn chương hiện có – nơi những người yêu văn chương cùng với giới nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và nghiên cứu văn chương có thể ngồi với nhau bàn về những vấn đề thiết thân của văn chương. Chúng tôi muốn góp một phần cụ thể của mình hầu làm cho đời sống văn học tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung được khởi sắc hơn và văn chương Việt Nam sẽ có được những thành tựu mới cao hơn ngày hôm qua.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: -Tôi đã từng có một số kỷ niệm khi tham gia cùng Nhã Nam trong một số chương trình. Như phát biểu về tập Kịch "Vong Bướm" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi giao lưu cùng anh ở Hội sách hay nói cảm tưởng về cuốn chân dung phê bình "Nhà văn như Thị Nở" của anh Phạm Xuân Nguyên cùng Nguyễn Thanh Sơn ở Cá Chép. Cả hai tác phẩm và hai cuộc đều do Nhã Nam in và tổ chức ở Sài Gòn. Được biết, lần này The Book Talk là một chiến lược có đầu tư, dài hơi hơn của Nhã Nam ở Sài Gòn không còn cảm hứng, tự phát, nhằm xây dựng và tôn vinh văn hóa đọc tôi thấy thú vị và vui. Vì thế nhận lời tham gia chương trình đầu tiên.


Một buổi giới thiệu tác phẩm mới "Sodom - Thời Đại" của cây bút trẻ jelu.c Trần Duy Long

* Là một diễn giả hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, chị cho biết có những khó khăn khi truyền lửa với sinh viên yêu văn chương? Có hay không sự thay đổi “thái cực” giữa tình yêu văn học với các phương tiện giải trí khác trong lựa chọn của giới trẻ?

Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh: -Nhiệm vụ của một giáo viên dạy văn là phải truyền lửa lòng yêu văn chương cho các bạn SV, thì yêu cầu đầu tiên, là tôi phải có "Lửa". Và điều này chắc chắn là tôi có, vì thế mà tôi mới trụ lại với nghề này gần 20 năm nay.

Thứ 2, là tôi phải xác quyết trong đầu: văn chương là có ích, là cái cần có, phải có, đối với một con người. Có xác quyết thì tôi mới có thể “nói thật” với học trò, những người nghe tôi, tin tôi.

Cũng nói thêm là sao lại không có lúc ngã lòng? Vì ngày nay, có thực sinh viên học văn là vì cảm thấy văn chương là có ích - theo nghĩa cao cả, hay học văn chỉ vì muốn kiếm 1 cái nghề? Và cho rằng chỗ ích lợi của văn chương là chỗ đó? Đó, cái khó khăn nằm ở chỗ đó, làm sao dung hòa được cái thiết thực và cái trừu tượng khi nói về ích lợi của văn chương!

Vậy tôi sẽ nói rằng, văn chương có ích vì nó hướng con người ta đến tính nhân văn! Người yêu văn chương sẽ không thể làm điều ác, điều xấu đối với đồng loại. Văn chương có ích vì nó giúp cho con người soi rọi được nội tâm phức tạp của nhân loại. Một cách cụ thể, thiết thực, tôi khuyên các học trò của tôi rằng, hãy chọn một nghề tử tế mà sống (nó có gần với văn chương càng tốt), văn chương giúp các bạn sống lương thiện, và giúp người khác lương thiện.

Tôi nghĩ, không có sự thay đổi giữa tình yêu văn học với các phương tiện nghệ thuật khác (tôi không dùng từ giải trí), chỉ là có sự san sẻ. Thử nhìn lại chúng ta trước đây, chúng ta có cái gì để giải trí, để nâng cao tầm hiểu biết, để mở mang đầu óc, ngoài sách văn học? Vì thế mà chúng ta dành thời gian cho việc đọc sách nhiều hơn ngày nay. Còn bây giờ, thanh niên có quá nhiều phương tiện nghệ thuật (âm nhạc, điện ảnh, hội họa,…) để thưởng ngoạn, nhiều đến độ thừa mứa, đến độ có khi không biết cân nhắc là cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào đáng, cái nào không đáng,…

Do đó mà văn học bị xếp cùng loại hoặc thậm chí bị xếp hàng kém ưu tiên hơn những phương tiện khác. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thanh niên ngày nay hiểu biết rộng hơn, toàn diện hơn chúng tôi ngày xưa. Một phần là vì thuật ngữ “thế giới phẳng”mà chúng ta đã quá quen thuộc đang ngày càng đúng, một phần vì ngoại ngữ họ giỏi hơn, nên họ tiếp cận nhanh, nhiều và tốt hơn với các loại nghệ thuật, các loại kiến thức.

Còn việc làm sao để họ chọn văn học như một sự “ưu tiên” trong nhiều loại hình nghệ thuật, thì theo tôi, là một vấn đề không phải chỉ của chúng ta, mà còn là của cả thế giới này. Mỹ cũng đang kêu gào là tại sao ngày nay người Mỹ ít đọc sách đến vậy!

Nguyễn Hữu Hồng Minh: - Tôi hơi ngược với TS Trần Lê Hoa Tranh, tôi đang thấy hiện tại văn - chương - không - có - ích - gì! Nên lưu ý, có thể vẫn còn nhiều người đọc sách, nhưng không phải sách văn chương!

Có nhiều lý do để văn chương bị quên. Xã hội chúng ta đang rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng các giá trị. Các mặt đạo đức, gia phong, nền tảng cùng các giá trị nhân bản - tế bào gốc đều băng hoại, đều có vấn đề. Hình như tất cả đang bị dồn vào một cánh cửa cuối. Và giá trị nhân văn, trong đó có văn chương, văn hóa đọc đều cùng chung số phận!
Vậy xã hội hiện đang đọc gì? Ngốn, nuốt, nghiền, ngấu... tất cả các sách vở, các chiêu trò văn minh và cả lừa đảo để kiếm Tiền! Tiền đang là gốc rễ giải quyết vấn đề. Các nhà văn loay hoay đổi chữ kiếm tiền là một trò khó! Vì thế có nhiều tác giả, nhiều tác phẩm nhưng tuyệt tích và tuyệt bóng văn chương.

Nhưng dù sao, xin hãy đọc một câu đề từ của tôi chủ đích như một thông điệp gửi đến cho bạn đọc trong cuộc trao đổi giao lưu ngày mai:
Nếu chỉ còn một độc giả? /
Thì Nhà văn cũng phải viết! /
Bởi lẽ, y - cứu - chính - y !?...


Giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Lê Minh Hà (Đức) do Nhã Nam tổ chức

* Là một nhà văn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực dịch thuật, xây dựng một cây cầu nối văn chương Việt và thế giới, anh nghĩ thế nào về tầng quan trọng của văn chương trong sự xô lệch cần định nghĩa lại nhiều giá trị hiện nay?

Trần Tiễn Cao Đăng: Văn chương là một trong những cách tốt nhất và quan trọng nhất để con người có thể hiểu được những sự thật ở bề sâu hơn của thực tại, để khám phá những điều và theo những cách mà các phương tiện khác không làm được. Và công việc dịch văn chương giúp người đọc khám phá những sự thật ở bề sâu không chỉ ở đất nước mình mà ở cả nhiều đất nước khác, vào những thời đại khác. Theo tôi, đó là một trong những “chức năng” quan trọng nhất, cơ bản nhất của văn chương dịch.

Tầm quan trọng của văn chương e là khó có thể nói hết chỉ trong khuôn khổ một bài phỏng vấn. Tuy nhiên, trong cách nghĩ của tôi, văn chương có tiềm năng khiến cho một số người trở nên biết suy nghĩ hơn, có tư duy độc lập hơn, nhạy cảm hơn so với số đông; và chừng đó không phải là ít. Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh: nó có tiềm năng làm điều đó, chứ không phải nó có một thứ kiểu như phép mầu khiến cho bất cứ ai đọc nó đều như thế cả. Độc giả đọc văn chương cũng như học sinh học ở trường. Cùng một số cuốn sách ấy, cùng một chương trình học ấy và các thầy cô ấy, song có độc giả sẽ tự nâng cao mình lên qua việc đọc, và có học sinh trở nên hơn bản thân mình ngày hôm qua nhờ việc học, còn những độc giả hay học sinh khác thì không. Văn chương là một thứ kho báu chỉ mở ra cho những ai chân thành, nhất tâm đi tìm nó.

* Văn chương liệu có phải là “hạt cơ bản”, chiếm vị trí “thượng tầng” trong tầng lũy kiến thức văn hóa không thể thiếu trong hành trang đời người như quan niệm vẫn thấy từ trước đây? Nếu nó không ở “thượng tầng” thì xếp ở hạ tầng nào?

Trần Lê Hoa Tranh: Thực ra, trong các loại hình nghệ thuật, theo tôi, văn chương vẫn là loại hình nghệ thuật cơ bản nhất. Nó chỉ có 1 yêu cầu: biết chữ. Và chỉ cần có vậy, văn chương sẽ đem lại cho nhân loại (nói 1 cách cao cả), cho người đọc (nói 1 cách nôm na) một thế giới phong phú mà tôi nghĩ hiếm có loại hình nghệ thuật nào đuổi kịp. Âm nhạc cần phải đến nhà hát để nghe, hoặc phải có máy móc, đó là chưa kể, muốn sáng tác cần một trình độ âm nhạc nhất định; hội họa cũng vậy, cũng cần phải có bút vẽ, giấy; điện ảnh lại càng khó về mặt thưởng ngoạn và về mặt sáng tác. Riêng văn học, chỉ cần anh biết chữ, anh có thể sáng tác, có thể đọc bất cứ cái gì. Hơn thế, văn học đem lại cho độc giả một thế giới gần như toàn diện, có cả âm thanh, màu sắc, hình ảnh,…Nó là tổng hòa của những nghệ thuật nói trên.

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thượng tầng, hạ tầng, hạt cơ bản, lũy kiến thức... tôi nhớ không nhầm chỉ là những thuật ngữ cho cả khoa học, triết học, văn học. Nhưng trong câu hỏi riết róng Văn chương có ích gì cho đời sống hôm nay;. thiết tưởng chỉ là trò chơi!

Xếp loại cho giá trị là một công việc khó nhưng quan trọng. Đặc biệt là các nhà làm chính trị. Ví dụ như họ cho rằng tri thức và nhân văn phải ở hàng đầu trong yếu tố đào tạo con người, cho một thế hệ tương lai thì chắc chắn Văn chương sẽ được đặt lên hàng đầu. Số phận nhà văn sẽ thay đổi. Những cuốn sách có không khí tự do sẽ nhiều gió nhân loại và bão táp. Nhưng chân trời nó đến là tương lai nhân loại nhiều ánh sáng!

Còn hiện nay? Tôi nghĩ ai có lương tri đều nhìn thấy nên không cần trả lời!
Tôi viết tôi đang tự làm công việc xếp - hạng - mình!
Không thượng tầng /
Không hạ tầng /
Anh đứng giữa /
Với trái tim run rẩy...

*Xin cảm ơn các anh chị đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện thú vị này!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về tính vũ đoán trong viết, đọc, và thẩm thức văn chương

    09/01/2019Bùi Vĩnh PhúcThế giới là một văn bản. Chúng ta đang sống trong một thế giới của những ký hiệu, và ký hiệu với trùng trùng lớp lớp nghĩa của chúng đang vây quanh con người mỗi ngày, hay đúng hơn, từng giây từng phút, đòi hỏi được giải mã, khám phá.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: 1 nền văn chương bấp bênh, thiếu tư tưởng, nhu nhược, phô trương

    14/10/2016Vương Trí NhànSự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiển người Việt thiên về u buồn và sầu não.
  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Trần Dần: Giải một bài toán văn chương

    09/03/2014Phạm Xuân NguyênMột cuốn tiểu thuyết sau gần nửa thế kỷ mới được xuất bản, nhưng đọc rất mới, đọc rồi đọc lại vẫn mới, vẫn bất ngờ trước từng trang, vẫn không dễ nắm bắt nội dung, đó là Những ngã tư và những cột đèn của nhà văn Trần Dần...
  • Văn chương Việt hết năm 2010, một thập kỷ vẫn... “chờ” thành tựu

    15/02/2011Khánh PhươngNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
  • Văn chương ngày nay làm được gì?

    08/01/2011Hoài NamĐặt ra yêu cầu công việc cho văn chương trước “hiện thực đất nước hôm nay”, trước “sự kiện đang diễn ra” chính là yêu cầu nhà văn phải trở thành nhà báo, trong khi phương tiện tác nghiệp báo chí của nhà văn cùn nhụt hơn rất nhiều so với phương tiện tác nghiệp báo chí của nhà báo “thứ thiệt” trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.
  • Gian nan chuyện văn chương lên sóng

    21/09/2010Hoài NamChúng ta đang sống trong thời kinh tế thị trường, thời đại mà bất kỳ sản phẩm nào do con người làm ra - dù đó là sản phẩm tinh thần hay sản phẩm vật chất - cũng đều có thể và cần phải trở thành thương phẩm. Người ta vẫn nói vậy, và điều đó hẳn phải có cái lý của nó.
  • Văn chương trẻ tăng tốc trong mơ hồ

    19/03/2010Lê Thiếu NhơnNhìn lại năm 2009, chợt nhận ra một điều tương đối kỳ lạ: Cuộc suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến mọi ngành, mọi nghề nhưng không hề ảnh hưởng đến hoạt động văn chương. Đặc biệt là văn chương trẻ, tác phẩm vẫn công bố rôm rả, tác giả vẫn đăng đàn hoan hỉ.
  • Cuộc sống càng hiện đại, văn chương càng cần thiết

    15/10/2008Phạm Quang TrungTừ lâu, người ta đã bắt đầu đo lường sự sung túc của con người và xã hội không chỉ bằng GDP (tổng thu nhập ròng quốc nội) và GNP (tổng sản phẩm ròng quốc dân) mà còn bằng và đặc biệt bằng BNB (hạnh phúc ròng quốc dân). Thật phù hợp với quy luật phát triển của con người và xã hội!
  • Văn chương Việt Nam "mất đáy"

    15/10/2008Nhà văn Nguyễn Việt HàNhững tay lưu manh, những cô gái điếm, con sen thằng ở, đám xích lô ba gác của mọi ngóc ngách đường phố đã hoàn toàn biến mất khỏi tiểu thuyết Việt.
  • Văn chương trải nghiệm đàn bà

    30/07/2008Ngô BenLessing được xem là biểu tượng của phong trào bình đẳng giới. Những trang viết của bà thấp thoáng những trải nghiệm từ cuộc sống riêng với 2 lần kết hôn rồi ly dị, có 3 đứa con…
  • Một năm văn chương và mấy bước đi “hụt hẫng”

    25/01/2008Nguyễn HòaNếu định tính văn chương năm 2007 từ góc nhìn của các giải thưởng vốn được công bố khá sớm thì tôi có thể nói ngay rằng năm qua văn chương nước Việt như đang bị... "mất mùa” cho dù Hội Nhà văn Việt Nam vẫn trao giải thưởng...
  • xem toàn bộ