Tương lai Việt Nam thuộc về lớp trẻ

08:11 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Năm, 2018

“Đảng và Nhà nước luôn luôn tạo điều kiện cho những người trẻ có tài, có đức phát huy hết tài năng của mình để làm giàu cho mình, cho đất nước. Đảng và Nhà nước không có chủ trương nào hạn chế tuổi trẻ có tài, có đức làm việc ở những vị trí cao trong bộ máy của Nhà nước và chính quyền địa phương để đóng góp cho xã hội, cho đất nước", trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động nhân dịp đón năm mới 2010 - Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định như vậy.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Chủ tịch Nước nói: Năm 2009, kinh tế Việt Nam đã vượt qua vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới: GDP vẫn đạt 5,2%, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm. Các lĩnh vực chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng tiếp tục ổn định. Cũng trong năm qua, mặc dù gặp phải nhiều đợt thiên tai bão lũ tàn phá nghiêm trọng, nhưng đời sống của đại bộ phận nhân dân vẫn tiếp tục được cải thiện, thành tích xoá đói giảm nghèo của Việt Nam được LHQ đánh giá cao. Về đối ngoại, năm 2009 là năm vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, điều đó được thể hiện trong tất cả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của chúng ta...

• Trân trọng mọi tài năng, không phân biệt tuổi tác.
• Sức mạnh trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân là nguồn lực vô hạn.
• "Cái đích cuối cùng của chúng ta là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Ý nghĩa của những kết quả này hết sức to lớn, giúp chúng ta ngày càng có thêm kinh nghiệm, ý chí, quyết tâm cao để tiếp tục giành thắng lợi trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Tôi tin rằng, năm 2010 nếu có những khó khăn mới, thì với ý chí và những kinh nghiệm đã có, chúng ta cũng sẽ tiếp tục vượt qua.

Năm 2010 chúng ta đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%, cao hơn năm 2009. 6,5% là tốc độ tăng trưởng bình thường của những năm trước khủng hoảng. Chúng ta phải đạt được chỉ tiêu này, để tạo đà cho những năm tiếp theo, có thể là 7 – 8% hoặc cao hơn nữa. Chúng ta quyết tâm tăng trưởng kinh tế phải nhanh, nhưng đồng thời phải bền vững. Tăng trưởng nhanh mới rút ngắn được khoảng cách với các nước phát triển, chứ nếu đi bằng người ta thì sao rút ngắn được? Mấy chục năm chiến tranh đã kéo lùi chúng ta lại so với họ, cho nên bây giờ phải đi nhanh. Nhanh nhưng phải bền vững. Đi nhanh mà tròng trành rồi ngã thì không bằng đi chậm mà chắc.

Năm 2010 có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 65 năm Thành lập nước Việt Nam, rồi đại hội Đảng các cấp… Không phải đến năm có nhiều sự kiện quan trọng chúng ta mới nỗ lực, mà lúc nào chúng ta cũng phải nỗ lực, năm 2010 càng phải nỗ lực hơn nữa. Đừng nghĩ rằng năm 2009 khó thế mà chúng ta còn vượt qua để chủ quan, thoả mãn. Phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu để vươn lên thì mới tiến kịp với các nước năm châu.

Động lực, nguồn lực của phát triển

- Kính thưa Chủ tịch Nước, lịch sử cho thấy, các quốc gia sau khi thoát khỏi chiến tranh 30 –35 năm luôn có những bước phát triển vượt bậc như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Âu. Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn phát triển tương tự. Xin Chủ tịch cho biết, đối với Việt Nam thì đâu là động lực, nguồn lực của sự phát triển năng động này?

- Chúng ta bao nhiêu năm đấu tranh, chiến đấu để làm gì? Để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, để thống nhất đất nước. Nhưng cái đích cuối cùng của chúng ta là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, chúng ta phải nỗ lực tiến lên để vươn tới cái đích xã hội chủ nghĩa. Động lực của chúng ta là dân giàu, nước mạnh, là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội tốt đẹp không chỉ của Việt Nam, mà là của cả loài người.

Còn nguồn lực của chúng ta là gì? Nguồn lực vô hạn của chúng ta là sức mạnh trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là yếu tố quyết định nhất. Chúng ta có "rừng vàng biển bạc”, nhưng đừng có ngồi chơi để trông chờ vào nguồn lực đó. Phải lao động, phải học tập để nâng cao trình độ, phải tiếp thu tinh hoa của nhân loại để tiến lên cho bằng người ta, thậm chí phải vượt người ta. Ý chí của Việt Nam là như vậy.

“Đảng và Nhà nước trân trọng mọi tài năng và luôn mong muốn tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt thành phần, miễn là xuất phát từ tinh thần yêu tổ quốc, yêu đồng bào, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước”.

- Nói đến sự phát triển đó, một số chuyên gia sử dụng cụm từ “Quốc gia trẻ”. Việt Nam với đa số dân số trẻ, đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Đảng và Nhà nước ta có chủ trương gì để đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện để thế hệ trẻ đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng đất nước, thưa Chủ tịch?

- Từ thời Bác Hồ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã khẳng định: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Tương lai của Việt Nam thuộc về lớp trẻ. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định điều đó. Chăm lo cho thế hệ trẻ ở đâu cũng làm. Nhưng ở đâu làm tốt hơn, ở đó sẽ phát triển tốt hơn, nhanh hơn. Chúng ta phải tạo điều kiện cho lớp trẻ được học hành, có trình độ. Phải tạo mọi điều kiện cho lớp trẻ phát huy cao nhất khả năng của mình. Ai giỏi cái gì, ai có năng khiếu cái gì, phải được phát huy cao nhất. Phải tạo môi trường cho họ học tập, tạo môi trường cho họ lao động, hơn thế nữa là tạo cho họ sự hứng khởi, lạc quan để họ học tập và làm việc, chứ học lấy lệ, làm lấy lệ thì không thể phát huy được.

Từ chủ trương của trung ương, nhiều địa phương đã cố gắng chiêu hiền đãi sĩ. Với bằng cấp này thì được ưu đãi thế này, bằng cấp kia thì được tạo điều kiện thế kia, chính sách ưu đãi cũng nhiều để thu hút nhân tài trẻ. Nhưng đất nước chúng ta còn nghèo, nên việc tạo điều kiện cho lớp trẻ học hành vẫn còn hạn chế. Mới có một bộ phận học sinh, sinh viên đi học nước ngoài. Nhà nước ta cũng mời gọi nước ngoài vào đầu tư cho giáo dục, nhưng cũng chưa nhiều. Do đó, chúng ta chưa tiếp cận được nhiều trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Vậy nên mình càng cần phải cố gắng: Nhà nước phải cố gắng đã đành, nhưng từng gia đình, từng bạn trẻ cũng phải cố gắng, không nên chỉ trông chờ Nhà nước.

Trân trọng mọi tài năng

- Thưa Chủ tịch, quan điểm của Chủ tịch trong việc sử dụng nguồn nhân lực trẻ và cụ thể hơn là những người trẻ có tài, năng động, sáng tạo, có khát khao làm giàu cho mình và cho đất nước, nhưng chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đảng và Nhà nước ta có chủ trương sử dụng họ vào những vị trí lãnh đạo cao trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước và chính quyền các địa phương không, thưa Chủ tịch?

- Đảng và Nhà nước trân trọng mọi tài năng và luôn mong muốn tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt thành phần, miễn là xuất phát từ tinh thần yêu tổ quốc, yêu đồng bào, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước. Hiện nay, nhiều tài năng trẻ mong muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng và nhiều người có tài, có đức đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng cũng có người chưa vào. Họ chưa vào Đảng, nhưng họ vẫn mong muốn đóng góp cho đất nước và cho chính gia đình mình, người thân của mình, cộng đồng của mình. Tôi xin khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn luôn tạo điều kiện cho những người trẻ có tài, có đức phát huy hết tài năng của mình để làm giàu cho mình, cho đất nước.

Bên cạnh đó, lớp trẻ cũng phải luôn nỗ lực. Nếu có nơi này nơi kia việc chăm lo cho lớp trẻ còn sao nhãng, thì tuổi trẻ phải tự vận động, tự phấn đấu vươn lên và cần mạnh dạn kiến nghị với Đảng, Nhà nước những tồn tại để làm sao phát huy được hết nhiệt huyết, năng lực, trí tuệ của tuổi trẻ để cống hiến và đóng góp xây dựng đất nước.

Đảng và Nhà nước không có chủ trương nào hạn chế tuổi trẻ có tài, có đức làm việc ở những vị trí cao trong bộ máy của Nhà nước để đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Đảng và Nhà nước luôn xác định tuổi trẻ là tương lai của đất nước.

Xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh

- Thưa Chủ tịch Nước, Chủ tịch đánh giá thế nào về giai cấp công nhân trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay?

- Giai cấp công nhân của mình trong mọi giai đoạn của cách mạng đều có vai trò hết sức quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, cho nên xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng giai cấp công nhân, sự trưởng thành của Đảng gắn liền với sự trưởng thành của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân thời xưa khác với thời nay.

Thời xưa, giai cấp công nhân bị áp bức, bị bóc lột. Nhưng thời nay, giai cấp công nhân đang làm chủ đất nước. Đảng, Nhà nước luôn chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, mà trước hết là nâng cao năng lực trình độ của công nhân, nâng cao sức sáng tạo của họ. Công nhân làm nghề gì, làm ngành nào phải nâng cao tay nghề lên, nâng cao trình độ lên ở nghề ấy, ngành ấy.

Thứ hai là phải nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức chính trị của công nhân, bởi giai cấp công nhân có vị trí, vai trò và sứ mạng rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba là phải củng cố tăng cường xây dựng tổ chức của giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, bởi vì giai cấp có phát huy được phải qua tổ chức của mình. Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ làm hết sức mình để xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng tổ chức công nhân ngày càng vững mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nước!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học

    12/02/2017Nguyễn Thu Phương thực hiệnRất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúy đã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam qua các trước tác của Nguyễn Văn Huyên

    05/03/2006GS. TS. Phạm Minh HạcNgoài đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục và khoa học giáo dục của nước Việt Nam độc lập, ông đã đề cập nhiều đến vấn đề con người, nhân cách con người và cách hình thành, phát triển nhân cách con người thế hệ trẻ Việt Nam...