Tương lai của Web

05:27 CH @ Thứ Hai - 21 Tháng Tư, 2014

Ngày 12/3/1989, nhà vật lý Tim Berners-Lee giới thiệu giải pháp kỹ thuật của ông cho việc quản lý thông tin. Đó là ngày ra đời của Web. Sau 25 năm, Web đã rất khác so với thuở ban đầu. Web sẽ thay đổi ra sao trong tương lai?

Trong kiến nghị của Tim Berners-Lee gửi cho lãnh đạo của Tổ chức Nghiên cứu Hạt Nhân Châu Âu (Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire – CERN, Thụy Sĩ) ngày 12/3/1989, ông trình bày việc lưu trữ những tài liệu khoa học dưới dạng siêu văn bản (hypertext), tức là loại văn bản có chứa những siêu liên kết (hyperlink), cho phép tham khảo tức thời những văn bản liên quan. Không chỉ đề xuất ý tưởng, Berners-Lee xây dựng trình chủ Web (Web server) để cung cấp siêu văn bản và trình duyệt Web (Web browser) để xem siêu văn bản. Berners-Lee thiết kế ngôn ngữ HTML để định dạng siêu văn bản và giao thức HTTP để trình chủ Web và trình duyệt Web "nói chuyện" với nhau.

Ngay từ ngày ấy, Berners-Lee đã hình dung việc triển khai giải pháp của ông trên nền Internet sẽ tạo ra mạng World Wide Web bao phủ toàn cầu. Năm 1994, Berners-Lee sáng lập tổ chức World Wide Web Consortium (W3C) để xây dựng những chuẩn mở cho Web. Theo chuẩn mở của W3C, bất cứ ai cũng có thể xây dựng trình chủ Web và trình duyệt Web. Nhiều năm sau, Berners-Lee luôn nhấn mạnh tính mở là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra thành công thần kỳ của Web.


Tim Berners-Lee - cha đẻ của Web.

Quả thực, trong thập niên 1990, nhân loại làm quen với Internet thông qua trình duyệt Web, gần như xem Internet đồng nghĩa với Web. Thế nhưng, theo bài báo "The Web Is Dead" (Web qua đời)trên tạp chí Wired (8/2010), Web chỉ là một giải pháp ứng dụng Internet và đang phai nhạt trên thực tế. Hai tác giả của bài báo - Chris Anderson và Michael Wolff - cho rằng những yếu tố cốt lõi của công nghệ Web, như giao thức HTTP và trang mạng HTML đang mất dần sức sống do xu hướng sử dụng Internet thông qua phần mềm ứng dụng (application), gọi tắt là app, trên các thiết bị di động:

"Bạn thức dậy và kiểm thư bằng chiếc iPad để bên giường - đó là một app. Trong bữa sáng, bạn xem lướt Facebook, Twitter và báo The New York Times - thêm ba app nữa. Trên đường đến văn phòng, bạn nghe tin tức qua điện thoại thông minh - một app khác. Ở nơi làm việc, bạn rảo qua các kênh tin RSS, trao đổi với người khác bằng Skype hoặc IM (Instant Messenger). Lại những app khác. Cuối ngày, khi về nhà, bạn vừa chuẩn bị bữa tối vừa nghe nhạc từ Pandora. Bạn chơi một chút với XBox Live, rồi xem phim từ Netflix. Hầu như cả ngày bạn ở trên Internet nhưng không ở trên Web. Và nhiều người khác cũng giống như bạn.

Đó không phải là điều bình thường. Vài năm nay, một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế giới số là sự dịch chuyển từ nền tảng Web hoàn toàn mở qua các nền tảng hầu như khép kín, tuy cũng dùng Internet làm phương tiện truyền tải nhưng không dùng trình duyệt Web làm phương tiện hiển thị. Xu hướng này xuất hiện từ khi có iPhone, tạo nên những cõi riêng trên Internet không cần đến HTML và guồng máy tìm kiếm Google không thể với tới. Đó là thế giới mà người tiêu dùng ưa chuộng vì những nội dung mà họ thụ hưởng tự đến với họ. Các nhà cung cấp nội dung số càng ưa chuộng thế giới đó vì nó giúp họ kiếm tiền dễ hơn. Cả người tiêu dùng và nhà cung cấp đều thấy rằng Web không phải là mục tiêu cao nhất của công nghệ số".

Phía sau những phần mềm ứng dụng với công nghệ đóng kín là lợi ích to lớn của nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp nội dung số. Những nhà cung cấp nội dung số từng tìm cách thu lợi từ Web nhưng vô hiệu: nội dung trên Web bị sao chép quá dễ dàng! Theo Anderson và Wolff, xu hướng công nghệ đóng kín đang mạnh lên trên Internet và phạm vi ứng dụng của công nghệ mở như Web đang bị thu hẹp. Web sẽ không biến mất nhưng là công nghệ "chết" khi không còn là nền tảng chủ yếu trên Internet.

Cũng trên tạp chí Wired (1/2014), trong bài "The PC’s Death Might Also Mean the Web’s Demise" (PC chết, chắc Web cũng... băng hà), tác giả Marcus Wohlsen đồng ý với nhận định của Anderson và Wolff, cho rằng Web đang lụi tàn theo sự suy giảm của thị trường PC. Khi việc truy cập Internet hầu như đều được thực hiện trên thiết bị di động, trình duyệt Web không còn quan trọng như trước: "Hiện nay, phần lớn người dùng Internet, trong đó có hầu hết những nhóc tì ở trường tiểu học, trải nghiệm cuộc sống số chủ yếu thông qua các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động. Trình duyệt cùng lắm chỉ là một trong nhiều cách kết nối. Điều này cho thấy rõ Web đang mất dần vai trò trung tâm".

Gần như ngược lại, nhà bình luận Dan Rowinski (tạp chí ReadWrite, 12/2013) nhận định: năm 2014 sẽ chứng kiến bước phát triển mới của Web vì những thiết bị di động đều có khả năng hiển thị Web hoàn chỉnh, cái đang lụi tàn là... Mobile Web! Mọi trang mạng sẽ không còn cần phiên bản dành riêng cho thiết bị di động. Rowinski dẫn chứng: các phiên bản trình duyệt mới nhất trên thiết bị di động (như trình duyệt Safari trên iOS 7, trình duyệt Internet Explorer trên Windows 8.1 RT và Windows Phone 8, trình duyệt Firefox trên Firefox OS 1.2) giờ đây hầu như ngang ngửa với trình duyệt trên PC. Tại hội thảo Google I/O vào tháng 5/2013, Google từng hào hứng giới thiệu phiên bản trình duyệt Chrome mới nhất cho thiết bị di động (thiết bị Android, iPhone và iPad) hiển thị trang mạng như trên PC.


Trang mạng hiển thị và hoạt động như nhau trên các thiết bị khác nhau.

Nhận định việc dùng Web đang tăng lên hay giảm xuống thực ra vẫn chưa có tính định lượng. Nhiều ý kiến cho rằng điều đáng quan tâm hơn là tính mở của Web đang suy giảm. Trong tháng 4/2013, Berners-Lee quyết định ủng hộ việc bảo vệ bản quyền cho nội dung trên Web, cụ thể là đưa chức năng quản lý quyền sử dụng nội dung số Digital Restrictions Management (DRM) vào bộ chuẩn của Web, trước hết áp dụng đối với phim trên Web (Web video). Khi chuẩn DRM được xác lập, trình duyệt sẽ luôn kiểm tra phim trong trang mạng để xác định phim ấy có vi phạm bản quyền hay không, từ đó trình duyệt sẽ hiển thị phim hoặc từ chối hiển thị phim, sẽ cho phép dùng chức năng Save Video As (tải phim xuống máy) hoặc không. Nhờ vậy, theo Berners-Lee, chuẩn Web video do W3C xây dựng mới có thể thâm nhập cuộc sống, thay thế vai trò của Flash.

Theo tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF, 10/2013), quyết định của Berners-Lee là một bước lùi của tính mở, không mấy hiệu quả trong việc bảo vệ bản quyền, nhưng lại rất "hiệu quả" trong việc cản trở sự phát triển của Web! Quả thực, vài tuần sau quyết định của Berners-Lee, giới phát triển ứng dụng Web đòi hỏi trình duyệt không được cho người dùng xem mã nguồn ứng dụng trong trang mạng (chức năng View Source) để bảo vệ bản quyền. Giới nhiếp ảnh cũng tỏ ý muốn trình duyệt phải kiểm tra bản quyền hình ảnh trong trang mạng, không cho người dùng tùy tiện lưu hình ảnh trên máy (chức năng Save Image As). Giới xuất bản cũng có yêu cầu tương tự về nội dung của trang mạng, đề nghị không cho phép người dùng tùy ý sao chép văn bản (chức năng Copy/Paste). Những nhà sản xuất phông chữ từng chống lại việc "nhúng" tập tin phông chữ vào trang mạng nay cũng lên tiếng.


Lời phản đối DRM trên Web: Web không phục vụ cho Hollywood (www.defectivebydesign.org/no-drm-in-html5).

Chưa rõ trong tương lai các trình duyệt chủ chốt có ủng hộ chuẩn "DRM-HTML" hoặc không. Nếu có, theo EFF, sẽ hình thành một loại Web khác: Web... đóng kín. Khi ấy, trang mạng HTML có lẽ giống như trang sách điện tử PDF hiện nay.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đến với “thế giới số” – ai là ai?

    23/01/2008“Giỡn với số” là tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Một cuộc sống số được đặt ra để bàn thảo ở nhiều góc độ. Giọng văn của anh làm người ta hứng thú, say sưa và thậm chí tạo xúc cảm cho nhiều người muốn cầm viết viết theo.Người ta trước thời đại công nghệ thông tin, chỉ sống một đời sống (nếu coi đời sống tâm linh cũng chỉ là một phần của đời sống). Nhưng trong thời đại công nghệ thông tin, người ta tự khai sinh cho mình, nhiều hơn một đời sống. Cứ tạm chia, thời đại @, công dân @ sống hai đời sống ảo – thực.