Trao đổi với bạn đọc "Di chúc Hồ Chí Minh với mục tiêu phát triển đất nước và các mô hình về XHCN"

Viện Nghiên cứu phát triển Tp. HCM
09:47 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Chín, 2009
>> Mời tham khảo:Di chúc Hồ Chí Minh với mục tiêu phát triển đất nước và các mô hình về CNXH(TS. Hồ Bá Thâm)

Một bài viết in trên Chungta.com và đã có sự nhận xét, đánh giá trao đổi, phản biện của bạn đọc quan tâm. Có người mail cho tôi: “Bài viết của bạn trên mạng về Di chúc của Bác và mô hình CNXHDC Thụy Điển (do cán bộ Trung Quốc khảo sát...) RẤT HAY! Cần phải thoáng, thực sự cầu thị, bởi đã quá lâu rồi chúng ta nhìn chủ nghĩa Marx -Engels- Lênin qua lăng kính của Stalin. Cái mà chúng ta mắc chủ yếu là GIÁO ĐIỀU, không theo đúng tinh thần, tư tưởng các nhà kinh điển và của Bác… Bạn có những suy nghĩ sắc xảo lắm…”(Thư ngày 8/9/2009).

Nhưng đáng chú ý hơn là có bạn phản biện lại sau bài viết đã đăng nói trên, tỏ ra có điểm chưa thật đồng tình, muốn trao đổi lại với tác giả.

Đó là bình thường về học thuật và có thể nói là quý báu nữa. Không có tranh luận thì không có học thuật và khó mà hiểu đúng đắn, thấu đáo được vấn đề cho cả hai phía cả tác giả và bạn đọc. Nhưng phản biện rồi cũng phải phản biện lại, có nói qua nói lại mới toại lòng nhau.
Về mặt đó xin cảm ơn ý kiến của hai bạn đọc Hoang Hoa và Dân Việt nêu những điểm chưa thật đồng tình về bài viết của tôi vừa đăng trên Chungta.com. Và đó cũng là lý do bài viết tiếp này về chủ đề trên.

Quả là không ai có thể tự cho rằng mình đã hiểu rhấu đáo, đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như Di chúc Hồ Chí Minh. Nhưng dầu sao bản thân chúng tôi, và không phải chỉ chúng tôi, cũng luôn phải tránh tối đa cách hiểu hiểu máy móc, chưa thật thấu đáo về tư tưởng và di chúc Hồ Chí Minh.

Hình như hai bạn Hoang Hoa và Dân Việt hiểu về Di chúc Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh có chỗ “khác” chúng tôi. Như vậy mới thấy thú vị!

Có mấy ý kiến xin trao đổi lại và nói rõ thêm sau đây:

1- Có phải “trong Di Chúc của Bác Hồ, không có từ “XHCN” nào hết” hay không?

Bạn Dân Việt viết: “Xin nhớ lại, trong Di Chúc của Bác Hồ, không có từ “XHCN” nào hết” ([email protected] (08/09/2009). Bạn Dân Việt khẳng định “như đinh đóng cột”. Nhưng sự thật thế nào?

- Thưa bạn Dân Việt, trong Di chúc, Bác Hồ có một lần nói tới khái niệm “xã hội chủ nghĩa” khi nói về Đoàn viên và thanh niên ta. Nguyên văn là “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức các mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa (HBT nhấn mạnh) vừa “hồng” vừa “chuyên”(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr.498). Cho nên khẳng định như Bạn Dân Việt là không đúng. Đó là thứ nhất.

- Thứ hai là trong Di chúc, Bác nói về “nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình”, nói về việc chúng ta “góp phần xứng đáng cách mạng thế giới” nói về Đảng ta do Người sáng lập và lãnh đạo…thì những vấn đề này há lại không liên quan tới bản chất, xu hướng và mục tiêu XHCN cụ thể ở VN khi Người nói tới “Mong muốn cuối cùng của tôi là Toàn Đảng, toàn dân ta đàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chúng ta bàn tiếp.

2- “Có phải là quan niệm của Bác về CNXH hay không, không ai biết”, có đúng vậy không?

Bác viết: “Mong muốn cuối cùng của tôi là Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Theo bạn Dân Việt: “Khi đấu tranh ở bàn Hội Nghị, nước VNDCCH cũng nêu như vậy với đối phương và tranh thủ dư luận. Các tiêu chí này được Bác Hồ đưa “nguyên vẹn” vào di chúc. Đó có phải là quan niệm của Bác về CNXH hay không, không ai biết, không nên gán ghép cho Bác. Tuy vậy, một nước (dù có theo chế độ XHCN hay không) thì các mục tiêu đó vẫn là cao đẹp nhất, khi mà nước đó chưa có hoà bình, thống nhất và độc lập hoàn toàn. Có Dân Chủ “đúng nghĩa” ắt sẽ có Tự Do, Công Bằng” ([email protected] (08/09/2009 04:51:13 PM).

Chúng tôi hiểu mục tiêu Hòa Bình – Thống nhất - Độc lập là gắn với cách mạng giải phóng dân tộc (tính lịch sử như ghi trong Di chúc, ai cũng biết), nhưng theo nghĩa rộng, nghĩa mới trong hoàn cảnh mới ngày nay vẫn cần bảo vệ và thực hiện nó. Trong tư duy minh triết và tiên tri như Hồ Chí Minh không thể không nghĩ đến tương lai.

Sau nằm 1975 ai ngờ rằng chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra. Rồi những năm gần đây vụ bạo loạn, điểm “nóng” ở Tây Nguyên về cái gọi là nhà nước Đềga độc lập, chia cắt Tây Nguyên; hay vụ lấn chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông của Trung Quốc, phải chăng vấn đề hòa bình, độc lập và thống nhất đã xong hẳn nhiệm vụ. Đó là chưa kể trước nguy cơ “quyền lực mềm” của toàn cầu hóa và các thế lực cực quyền.

Tất nhiên ai cũng biết vấn đề bây giờ của nước ta chủ yếu là dân chủ và dân giàu nước mạnh.

Cũng xin trao đổi thêm ý này: “Đó có phải là quan niệm của Bác về CNXH hay không, không ai biết, không nên gán ghép cho Bác”.

Thế thì có thể là mục tiêu này của Hồ Chí Minh (xét về nội dung cụ thể ở VN) là thuộc về một thể chế tư sản, có thể là xã hội chủ nghĩa, hoặc vì Bác không nói nên có thể không tư bản cũng không xã hội chủ nghĩa. Phải chăng cái gì cũng phải đợi Bác nói ra ta mới tin chắc? Phương pháp luận của Hồ Chí Minh ở đâu và phương pháp luận để ta hiểu Hồ Chí Minh ở đâu và là gi vậy? Thiếu phương pháp luận này ta có hiểu thấu đáo tư tưởng Hồ Chí Minh hay không?

Ai nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng biết nhiều lần người định nghĩa, giải thích CNXH là gì. Chẳng hạn như: “Chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ“. “CNXH là làm cho dân giàu nước mạnh”, mọi người ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng được ấm no, sống một đời sống sung sướng, hạnh phúc. Có khi Người nói còn cụ thể hơn: CNXH là ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành. CNXH làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít, có sức lao động mà không làm thì không xứng đáng được hưởng… Hoặc Tổ quốc độc lập rồi mà dân không được tự do thì độc lập không có ý nghĩa gì (ta có thể nói theo Hồ Chí Minh: CNXH là độc lập- tự do- ấm no- hạnh phúc). CNCS là làm cho nhân dân toàn thế giới không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc được sống tự do bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no, làm việc cho mọi ngưới, vì mọi người và có nềm vui, hòa bình, hạnh phúc. Những tư tưởng này, có thể xem trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8 (tr. 226), tãp 9 (tr.17), tập 10 (tr.591), tâp 5(tr.65), tập 1(tr.461). Quan hệ giữa tư tưởng này và tư tưởng trong Di chúc nói trên và quan niệm của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới về đại thể là nhất quán. Chúng tôi cũng nhất trí vói phân tích của GS Song Thành trong cuốn Hồ Chí Minh- nhà tư tưởng lỗi lạc (Nxb.Lý luận chính trị, tr. 146-147) về vấn đề này.

Xin nói thêm, chúng ta biết rằng năm 1952-1953, Hồ Chí Minh quan niệm, nước ta sau khi giành được độc lập, thì phải kinh qua chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên CNXH (xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7), nhưng trên thực tế sau năm 1959 chúng ta lại “chấm dứt” chế độ này quá sớm để chuyển lên chế độ XHCN trong mô hình CNXH thời chiến nói trên. Cho nên về lô gích, quá trình ắt là ĐỘC LẬP DÂN TỘC- DÂN CHỦ và CNXH, mà ta hay nói tắt là ĐỘC LẬP DÂN TỘC và CNXH, va nếu hiểu giản đơn, máy móc là tiến thẳng lên CNXH một cách không đúng.

Dân chủ vừa là quá trình, là tiền đề, điều kiện tiên quyết để có giàu mạnh và CNXH vừa là mục tiêu, bản chất của CNXH.

Cho nên cần phải nghiên cứu để hiểu sấu sắc, thấu đáo, biện chứng về tư tưởng Hồ Chí Minh.

3- Cần nắm vững thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh và phương pháp luận của Người là chính chứ không phải thuần túy là câu chữ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong cách nói và viết, Bác ít sử dụng từ XHCN hay CNXH mà chủ yếu làm rõ nội dung, mục tiêu của bn, nhưng nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh xét về mục tiêu, bản chất và xu hướng là tư tưởng XHCN. Mà tư tưởng xã hội chủ nghĩa không chủ là mục tiêu chung cho nhiều nước mà còn có mục tiêu cụ thể và mô hình, bước đi cụ thể đang được cụ thể hóa theo từng nước, từng hoàn cảnh và trình đội phát triển và còn phải loại bỏ cả quan niệm lỗi thời, ngộ nhận và không đúng (chẳng hạn mô hình CNXH tập trung,quan liêu bao cấp). Trong công thức “Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập - tự do- hạnh phúc” mà Hồ Chí Minh nêu ra khi lập nước Việt Nam mới 1945 lẽ nào không phải là mục tiêu CNXH của Hồ Chí Minh dù Người không nói “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” như hiện nay.

Chúng ta biết tại sao, trong Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 1945, Hồ Chí Minh lại bắt đầu tư Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn dân quyền của Pháp, chứ không phải từ Mác- Lênin hay từ Lý thường Kiệt, Nguyễn Trãi, hay không? Ai có thể nghi ngờ lập trường hay bắt bẻ chữ nghĩa gì ở đây hay không?

Cho nên, chúng tôi tự ngẫm rằng, không thể hiểu máy móc, thiếu thấu đáo về tư tưởng và Di chúc Hồ Chí Minh!

4- Xây dựng “một xã hội dân chủ”, Đảng ta có nói không? Kiêng kỵ thế nào?

Đúng là có “khi đảng ta nêu: Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng, Dân Chủ, Văn Minh thì đảng ta cố ý không đặt “dân chủ” ngay sau “xã hội” để mọi người khỏi hiểu nhầm rằng chúng ta sẽ theo mô hình “xã hội dân chủ” ([email protected] (08/09/2009)

Có khi cũng cần nhưng chính vì kỳ thị không đúng với xu hướng dân mô hình “chủ xã hội” hay CNXHDC nên mới không hiểu thật đúng về dân chủ. Thật ra thì ngay trong Văn kiện đai hội X của Đảng ta cũng có chỗ nói “Chúng ta chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ (HBT nhấn mạnh), trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của dân, chịu sự giám sát của nhân dân (Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb, Chính trị quốc gia, 2006, tr.44-45). Và vừa rồi trong nghị quyết 11 khóa X của BCHTW, có dự kiến sửa lại công thức “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mà trong công thức này, chúng ta trước đây muốn tránh lặp lại khái niệm “xã hội dân chủ”- với tâm thức hoặc kỳ thị, hoặc hiểu lầm với cách gọi phái “xã hội dân chủ” phương Tây (chủ nghĩa xã hội dân chủ). Dự kiến sửa lại (dự kiến sửa/ bổ sung Cương lĩnh) là xây dựng “xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (mà chúng tôi đã có bài viết nói tới).

5- Có nhiều con đường, nhiều phương thức đi lên CNXH

Chính có cách nhìn phân chia “hai ngả”, mà không hiểu nhau, hoặc kỳ thị nhau, bài trừ nhau, nên không gặp nhau, nhất là từ “phe XHCN”. Nhưng bây giờ thời thế đã khác trước. Mọi con đường sẽ về La Mã. Có nhiều con đường, nhiều phương thức đi lên CNXH (Ý của Mác- Ăngghen, Lênin và cũng là ý Hồ Chí Minh)!

Khi nói về mô hình Thụy Điển là về một mô hình CNXH, hoặc hình thái đi lên CNXH phù hợp với bước đi và tình hình của nước này được họ gọi là CNXHDC. Chúng ta không nên áp đặt và phê phán vũ đoán. Từ khi đổi mới mô hình phát triển đi lên CNXH ở VN có khá nhiều nét giống mô hình Thụy Điển và có những nét không giống nên tôi cho rằng mô hình ở VN hiện nay có thể là mô hình thuộc thứ ba… Tất nhiên đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng thêm nhiều nữa.

Bạn Hoang Hoa cho rằng “Tiến sĩ Thâm có thể tán thành ngả thứ hai, nhưng không cần (và không nên, không được) đưa Bác Hồ vào đây” ([email protected], 08/09/2009) thì nên trao đổi thêm lại như sau: Tôi đã nói cần nhận thức lại mô hình Thụy Điển và các mô hình khác nữa và đó có những hợp lý cần nghiên cứu, không nên định kiến, chứ không phải tán thành ngã thứ hai và rập khuôn vào mô hình ấy. Không ai ngây thơ như vậy.

Khi nói về Dân chủ, cũng vậy có thể khác nhau về trình độ, về phương thức thể chế, nhưng dân chủ XHCN là dân chủ thật sự, ở đó quyền lực và lợi ích của nhân dân dần dần được thực hiện ngày càng đầy đủ., “dân chủ đến cùng là CNXH”(Lênin). Mà như Ăng ghen cuối đời có căn dặn lại CNXH cũng là một quà trình cải biến, cải cách không ngừng. Tất nhiên chúng ta hiểu là gồm cả chế dân chủ và mô hình phát triển nói chung. Thế nhưng mấy ai biết, nhớ và làm như thế. Hình như khi đến cùng đường mới thức tỉnh.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ, dân giàu nước mạnh trong tư tưởng của Người và trong Di chúc là một cơ sở cho việc Đảng ta nêu ra quan niệm về mục tiêu của CNXH trong thời kỳ đổi mới theo định hướng XHCN hiện nay. Và tinh thần của Hồ Chí Minh là tinh thần thâu hóa, sẵn sàng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước cho sự phát triển của nước mình. Vậy tại sao không liên quan tới quan niệm và tinh thần dân chủ và phương pháp luận của Hồ Chí Minh? Tại sao lại cho rằng “không nên, không được”?!

Chúng ta hiểu gì khi Ăngghen nói về xu hướng “chủ nghĩa xã hội dân chủ” và chưa nên nói từ cộng sản? Và có lẽ ỏ đây cũng không liên quan và không được nói tới! Vì sao?

Chúng tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ và thực hành: Không để hoàn cảnh chính trị cụ thể chi phối nhận thức của mình và không thể hiểu máy móc, kém thấu đáo về tư tưởng và di chúc Hồ Chí Minh và tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác.

Chẳng hạn, đã có thời khi chúng ta thực hiện cách mạng bạo lực thì cứ phê phán con đường bầu cử dân chủ để nắm chính quyền, hoặc khi thực hiện mô hình CNXH thời chiến thì lờ đi NEP của Lênin. Đó cũng là một bài học nhận thức luận khi nghiên cứu tiếp thu vận dụng tư tưởng từ kinh điển.

Còn hiện nay là thời điểm bước ngoặt của sự phát triển đất nước. Chúng ta đang rất cần “Đổi mới mô hình phát triển ở nước ta”. Đây là vấn đề “trở nên cấp bách và có ý nghĩa của công cuộc đổi mới lần thứ hai” đúng như GS.TS.Trần Ngọc Hiên, nêu ra (xem, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, tháng 8-2009, tr.7). Vì vậy cần thông tin, nghiên cứu các mô hình phát triển, nhất là phát triển quá độ – rút ngắn đi lên CNXH, tìm tính thấy yếu kinh tế- lịch sử của nó, cái chung và tính đặc thù của nó, chứ không phải “bất khả tri”, “giữ vững lập trường”, hoặc quy chụp những ý khác mình.

Cuối cùng, thì lời khuyên thận trọng và cẩn trọng là cần thiết nhưng có khi cũng chính vì sự thận- cận trọng ấy mà để đó, hay bỏ qua những gì cần nghiên cứu, học hỏi một cách khách quan, biện chứng. Thận trọng quá hóa nhát! Thận trọng nhưng cũng phải giám thay đổi, giám đổi mới, giám cải cách!

Đúng là thận trọng mấy cũng không thừa. Nhưng thiếu mạnh dạn một tí là dẫm chân tại chỗ, thậm chí lùi và tai họa! Rụt rè hay không thiếu thận trọng đều có thể sai lầm, hị hẫng như nhau. Vấn đề còn là ở cái Tâm, cái Dũng và Bản lĩnh.

Dẫu sao tôi cũng xin thành thật cảm ơn trao đổi của hai bạn đã có nhận xét, khuyên bảo. Xin ghi nhận lời khuyên này và mong được học hỏi thêm từ bạn đọc. Vì chính nhờ lời khuyên ấy mà tôi có thêm bài viết này gởi tới bạn đọc. Chúng ta khuyến khích trao đổi những ý kiến khác nhau, chưa hiể̀u hết nhau để học hỏi nhau và để gần hơn chân lý và đời sống. Cuối cùng xin cảm ơn Chungta.com!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân chủ, giàu mạnh với vấn đề Hạnh phúc

    20/03/2016TS Hồ Bá ThâmNgày nay, trên thế giới đang diễn ra nghịch lý: giàu có vật chất hơn lại thấy kém hạnh phúc hơn. Cho nên đã chú ý bàn về hạnh phúc, không chỉ ở cấp độ triết học mà cả kinh tế học. Song tôi nghĩ rằng cần bàn cả ở cấp độ chính trị học và xã hội học, văn hóa học, tâm lý học. Mục tiêu nào cuối cùng cũng quy về hạnh phúc...
  • Di chúc Hồ Chí Minh: Vấn đề dân chủ và "Thực hành dân chủ rộng rãi" với bối cảnh hiện nay

    20/12/2010TS. Hồ Bá ThâmBài viết này tác giả trên cơ sở khẳng định giá trị về tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc và nêu lên những vấn đề cần giải quyết về mặt dân chủ để tạo động lực, đổi mới, hội nhập và phát triển thành công...
  • Triết học Mác với chủ nghĩa duy vật nhân văn

    23/03/2009TS. Hồ Bá ThâmCác nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, không chỉ sáng lập ra chủ nghĩa, triết thuyết của mình mà còn đưa ra mẫu mực phương pháp luận về sự tự phê phán và phát triển chủ nghĩa Mác. Đó là kim chỉ nam cho các thế hệ tiếp bước theo các ông. Nhưng đó là việc không dễ dàng tí nào, thậm chí phải trả giá đắt như lịch sử không ít lần đã chỉ rõ, xét cả mặt áp dụng sáng tạo trong thực tế và cả mặt học thuật, phát triển lý thuyết...
  • Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

    13/02/2009TS. Hồ Bá ThâmĐây là một quan niệm mới của tác giả về lĩnh vực triết học nhân văn. Chungta. com cũng đã giới thiệu nội dung khái quát 2 cuốn sách của tác giả về chủ đề này. Để giúp bạn đọc rõ hơn, chúng tôi giới thiệu bài viết trực tiếp về nội dung chủ yếu của chủ nghĩa duy vật nhân văn và phương pháp luận của nó.
  • Chủ nghĩa duy vật nhân văn

    08/09/2008TS. Hồ Bá ThâmVấn đề chủ nghĩa duy vật nhân văn là một hướng nghiên cứu lớn mà chúng tôi đã nhiều năm tìm tòi, suy ngẫm và đã được công bố trong một số công trình, làm rõ các góc độ khác nhau của vấn đề cả mặt khoa học cơ bản và mặt ứng dụng thực tế, cả mặt triết học và khoa học nhân văn, cả mặt lịch sử và mặt đương đại. Các kết quả nghiên cứu của hơn mười năm được nâng cao, hệ thống hóa và sắp xếp tập trung vào 2 cuốn sách...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • xem toàn bộ