Trần Dần, một hành trình thi sạch (II)

04:54 CH @ Thứ Sáu - 12 Tháng Mười Hai, 2008

Trần Dần, hành trình thơ sạch (I)

Trần Dần có đủ bản lĩnh để tiếp nhận mọi thách đố bên ngoài. Và hình như số phận cũng ưu ái ông bằng những thách đố, vì chỉ có như thế thì ông mới có cơ hội để thực hiện những hành động sáng tạo mới

6

Những người Nhân văn có một đặc điểm chung là rất yêu chữ. Nếu Lê Đạt tự nhận “danh hiệu trọn đời” của mình là phu chữ, thì Trần Dần gọi nghề thơ của ông là công tác chữ, thậm chí nghề gây sự chữ. Những cách tân chữ nghĩa của nhà thơ mà tôi vừa trình bày ở trên (mục 5) quả gây sự. Ông đã chống lại tập quán đọc văn chỉ để hiểu nghĩa, tìm nghĩa. Kể cả khi cái nghĩa đó được mớm trước vì nó là nghĩa tự điển, nghĩa tiêu dùng. Tập quán này đã đặt nghĩa trước chữ, trên chữ: NGHĨA → CHỮ.

Thực ra, trong văn chương, nhất là thơ, vị thế của chữ phải ngược lại: CHỮ → NGHĨA. Chữ trong thơ là để phát nghĩa mới, thậm chí, nghĩa không có trong tự vị. Nghĩa tiêu dùng nếu được sử dụng lại, thì trong mạng lưới quan hệ mới nó cũng được chùi sạch, để trở lại sự trinh nguyên ban đầu. Trần Dần đã tìm mọi thủ pháp biến tấu âm, biến tấu chữ để mọi con chữ của ông đều phát ra nhiều nghĩa. Đặt chữ lên trước nghĩa, tức coi ngôn ngữ là mục đích, ngôn ngữ có giá trị tự thân, Trần Dần đã làm một cuộc cách mạng lần thứ hai sau Thơ Mới. Một cách mạng mang tính hiện đại.

Nhưng những biện pháp của đầu óc thì bao giờ cũng hữu hạn. Cuộc chữ chưa bày đã xoá. Trần Dần nhanh chóng đi hết chặng đường này. Ông chuyển sang chặng đường mới. Lúc này, chữ và nghĩa ở ông tương đương: CHỮ = NGHĨA. Bởi, chữ và nghĩa, với tư cách là cái biểu đạt (CBĐ) và cái được biểu đạt (CĐBĐ) không phải bao giờ cũng tách bạch nhau. Hơn nữa, mỗi khi một tầng nghĩa mới của tác phẩm được mở ra thì CBĐ mới sẽ bằng cả CBĐ và CĐBĐ trước đó cộng lại. Như vậy, giờ đây ngôn ngữ không còn phân biệt CBĐ và CĐBĐ, tức tính chất ký hiệu của nó nữa. Và, vì thế, cũng không còn phân biệt mục đích và phương tiện. Đơn giản, nó là sự tồn tại. Hay nói theo triết gia Heidegger: ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại. Ngôn ngữ là tồn tại. Một tồn tại người.

Tôi chưa tìm được lý do bên ngoài khiến Trần Dần, một lần nữa, lại thay đổi quan niệm ngôn ngữ. Một cơn “địa chấn tinh thần” nào đó. Hay đơn giản chỉ là sự chín tới của một thi tài. Có điều chắc hẳn ông đã thức nhận được sự tha hóa của ngôn ngữ, một khi nó phải đảm nhiệm chức năng công cụ quá lâu. Để khắc phục sự tha hóa đó, thi nhân muốn quay về với thời sơ thủy hoàng kim. Lúc ngôn ngữ còn trinh nguyên. Còn chưa đánh mất cái sức mạnh ma thuật của nó. Ngôn ngữ bấy giờ còn là sự hòa đồng nguyên thuỷ, không phân biệt tôi và thế giới, tôi và người khác. Trần Dần muốn mượn thứ ngôn ngữ ấy để hòa giải với thiên nhiên, với người khác và với chính mình. Và phương tiện để nhà thơ hợp nhất, hòa giải chính là ẩn dụ. Thơ Trần Dần giai đoạn này, vì thế, đầy các ẩn dụ. Và ẩn dụ lớn, bao trùm lên tất cả các ẩn dụ khác là ngôi nhà. Đó cũng chính là quê hương, cố hương, quê cũ, quê xưa của tồn tại. Từ đây, Trần Dần hằng sống trong và sống bằng ngôn ngữ. Một tồn tại khác của ông.

Và, khác với các thi nhân “vị khứ” trước ông, cả Đông lẫn Tây, Trần Dần không tìm lại cố hương ở nơi Thiên Thai như Thế Lữ, Đào Nguyên như Vũ Hoàng Chương, hay Thời Thái cổ như Đinh Hùng. Là một người “vị lai” từ ruột, lại sống trong thời đại chinh phục bầu trời, Trần Dần đã tìm thấy quê hương mình ở vũ trụ: Tôi chôn rau ở tận trời sao. Còn quả đất chẳng qua chi là nơi ông phải trú ngụ một thời gian: Tôi chẳng phải tù binh quả đất. Như vậy, thế giới của Trần Dần của những Sổ thơ, Sổ bụi là một thế giới bị phân đôi. Nếu chia theo chiều dọc, chiều không gian, thì sẽ có Bầu trời/Quả đất, còn chia theo chiều ngang, chiều thời gian, thì sẽ có Bên này/Bên kia.

Quả đất còn được thi nhân gọi bằng những tên khác nữa như quả địa, trần gian, trần ai, nơi không - xứ, địa dư người, chỗ này... Những từ, vốn trung tính. Nhưng khi quả đất đi với những từ khác thì lập tức nó bị giảm giá quả đất xám, người tù quả đất. Bởi vì ở quả đất không có một cái gì lớn hơn bản thân nó: Lầm! Nếu ngỡ trên quả đất hạt bụi, lại có thể xảy ra một cái gì, hơn là hạt bụi. Vì, ngay đến cả yêu, cả mơ mộng mà cũng bị hạn chế, khẩu phần yêu, khẩu phần mộng.

Quả đất của Trần Dần là hoàn toàn bị trừu tượng hóa. Đây là một thế giới đất không địa danh, người không tên gọi. Giống và khác thế giới của Kafka. Đó chỉ là nơi có người ở, một địa dư người. Thế thôi. Cả nhân loại chỉ còn thu lại có họ (Họ cứ vu oan mặt trời ngủ), ai (Đố ai chọc mắt các vì sao) và tôi. Mà tôi thì cũng không còn gợi nhớ đến một Trần Dần tiểu sử nữa. Trong thế giới trừu tượng tôi cũng trừu tượng. Tôi là mọi người. Con người này bị quả đất giam hãm, là người tù quả đất, tù binh quả đất, người bất hợp tác quả đất. Bởi thế, nó luôn luôn hướng đến một miền xa, luôn gửi đến một địa chỉ xa xăm. Đó là cả bầu trời, cả không gian vũ trụ. Đây là nơi thi nhân muốn gửi cả ước vọng của mình. Nơi ông muốn sống. Nơi ông đã từng sống. Bởi vậy, đang sống ở quả đất mà nhà thơ luôn nói về hồi(ở) trái đất.

Sự phân cách giữa Bầu trời và Quả đất là Chân trời. Thơ Trần Dần nói nhiều đến chân trời, chân mây. Tôi sống ở hai chân trời... một trời hoành đoạt, một trời sao bay. Chân trời là giới hạn của quả đất, nơi tận cùng của quả đất, đồng thời nó cũng là nơi bắt đầu, cửa ngõ của bầu trời. Như vậy, có nhiều chân trời, nhiều chân mây. Hoặc chân trời, chân mây mang tính nước đôi, tính lưỡng giá: vừa là giới hạn, định kiến, trói bó, quá vãng vừa là ước ao, hy vọng, tương lai, lý tưởng. Bởi thế, thay đổi được chân trời là rất quan trọng mỗi thay đổi chân trời/ một thay đổi nhân sinh. Bởi thế, những chân trời vẽ đã làm ông nhiều lần thất vọng, bốn cẳng chạy tới chân trời? không bõ? không bõ? vớt về một canh cánh chiêm bao. Nếu chân trời có vẻ nghiêng về phía giới hạn, thì chân mây lại thiên về khơi mở, hy vọng. Trần Dần luôn biết vượt thoát các giới hạn: ở một chân trời tôi mở những chân mây. Và, thi nhân không thể sống thiếu ước vọng những giờ phút vắng chân mây? bao nhiêu lấp hổng cho vừa. Vì thế, ông lên án những kẻ ám sát chân mây, hoặc tự chôn sống một chân mây trong mình, của mình: mỗi người một vụ án, mỗi người chôn sống một chân mây. Ông ca tụng kẻ viết? đạp đổ chân trời? xổng xích các chân mây?

Vượt qua đường chân trời, nhà thơ được tự do trong không gian vũ trụ. Thơ ông nói nhiều đến trăng, sao, hành tinh, địa đầu vũ trụ, bến thiên hà, quỹ đạo, kinh vĩ tuyến Côxmic... một cách rất quen thuộc. Ông trở thành một con người vũ trụ, bước vào một trạng thái sống cao hơn: bay.

Năm 1961, trước khi bay vào vũ trụ, phi hành gia vũ trụ đầu tiên người Nga Gagarin nói: Nào! chúng ta cùng bay! Câu nói này của ông mở ra không chỉ một kỷ nguyên mới cho nhân loại, kỷ nguyên vũ trụ, mà còn một trạng thái sống mới của con người, thậm chí một loại người mới: người bay! Nếu người nằm, người bò, người đi là những tù binh quả đất bởi chính sức nặng của mình, thì người bay đã vượt thoát khỏi sự cầm tù của quả đất. Tuy nhiên, cũng như người bay trong tranh Chagall, người bay của Trần Dần, nằm trong hệ quy chiếu với các người bệnh, người ú trước đây của ông, không chỉ nói về con người vũ trụ. Nó còn là biểu tượng cho một loại người có phẩm chất cao hơn người.

Tôi khóc
những chân trời
không có
người bay
Lại khóc
những người bay
không có
chân trời

Nếu cấu trúc thế giới chiều dọc, chiều không gian, làm cho con người biết đứng dậy, bay lên, đòi hỏi con người phải nỗ lực, thì cấu trúc thế giới theo chiều ngang, chiều thời gian, không làm ai phải nhọc công: bên kia? ai rồi cũng đến - bên này? ai rồi cũng qua... Bên này/ bên kia là sự lưỡng phân, biện biệt khi con người còn ở quả đất. Bởi thế sự phân biệt này trước hết mang tính địa lý: châu Á/châu Âu, quê tôi/quê anh: Buồn ở quê tôi gà chẳng gáy, canh hồ vĩnh viễn chẳng sang canh. Rồi sau đó mang tính tâm lý giữa thực/mơ.

Cuối cùng, mang tính tâm linh cõi sống, cõi chết. Trần Dần coi sống là một nghề mà ai ai cũng thạo, chỉ mình ông là không thạo sống, nên ông thường (bị) đánh vỡ mình. Thậm chí nhà thơ gọi sống là bệnh, bệnh sống, eo ôi sống... Như vậy, trong mắt nhìn biện biệt của người trái đất, thì bên này (châu Á, thực, cõi sống) bao giờ cũng kém bên kia (châu Âu, mơ, cõi chết, bất tử). Nhưng bằng cái nhìn mới của người bay, người vũ trụ, thì tất cả những gì lưỡng phân trên quả đất, ở bên này đều được tái hợp nhất trong Nguyên, trong Một, ở bầu trời, bên kia thậm chí trong một chiếc lá:

bằng lòng sống - bằng lòng quả đất? bằng lòng làm chiếc lá - heo may.
bằng lòng chết? không bằng lòng hết. Ôi chiếc lá vàng trong bát ngát càn khôn.

Đó là tư thế của con người đã vượt từ quả - đất - bên - này để sang bầu - trời - bên - kia. Người đó chính là nhà thơ. Thi sĩ là gì? người chết hai buông tay vẫn ằm ặp đầy sao, người chết rồi mà vẫn mất ngủ, vẫn canh cánh chiêm bao.

7

Đến đây, hành trình thơ Trần Dần đã đi vào ga cuối. Sau khi đã trải qua ba lần thay đổi quan niệm ngôn ngữ thơ: công cụ → mục đích → tồn tại. Một hành trình đau khổ. Nó đòi hỏi nhiều sự đồng hành. Trước hết là sự nhịp bước của nhân cách và văn cách.

Trần Dần vốn là người cực đoan. Cực đoan sống và cực đoan thơ. Cực đoan sống thì chả mấy ai ưa, dù nể sợ. Hẳn thế, không ít kẻ giả cực đoan. Nhưng thơ thì không cực đoan giả được, dù rằng chính thơ là nơi nhiều của giả nhất. Bởi sự cực đoan, cả sống lẫn thơ, đòi hỏi phải quyết liệt với bản thân.

Sự quyết liệt ấy, với con người Trần Dần, chính là sự làm trong, làm sạch mình. Đó là một quá trình đi từ tôi đến mình. Cái tôi, xét cho cùng, chỉ là cái mặt nạ xã hội của con người. Là chiều kích xã hội trong con người. Cái tôi là để trình diện với đời, để ứng phó với đời, để khẳng định mình như một cá nhân, một ngã vị. Bởi thế, cái tôi có tính hướng ngoại. Cái tôi của Trần Dần đầy cá tính. Ông không hợp với những cái gì đã có sẵn, dẫu là cái khuôn bằng vàng cái thước bằng ngọc. Tôi không hợp grammaire nào cả/ Sinh tôi đã có grammaire cho tất cả/ ắt là không zuýt cho tôi.Trong khi đó, ngữ pháp xã hội cũng chỉ khư khư biết đến các quy tắc của nó: Anh cứ mó thử một dấu phảy văn phạm xã hội. Vuốt râu hùm xám còn đỡ nguy hiểm hơn. Hoặc quan niệm về tự do của Trần Dần cũng hết sức thách thức: Tự do là sự vi phạm chứ không tuân theo tất yếu. Sự xung đột của cái tôi và cái xã hội ở Trần Dần là thách đố (13), mà đáp trả là sự thay đổi.

Từ con người xã hội một cách chính thống và chính thức, Trần Dần chuyển về cư trú ở những đầu ô, cổng tỉnh. Thơ Trần Dần lúc này nói rất nhiều đến đường, phố, ngã ba, đèn, đường..., nhưng ông không phải là bụi đường, mà là bụi nhà.Con BỤI NHÀ... không ai còn có chez soi. Kể từ thời bao cấp hậu kỳ rất phổ biến từ bụi để chỉ những cái gì phóng túng, phóng đãng, khai phóng nằm ngoài cái chính thống và chính thức như bụi đời, cơm bụi, đi bụi, giáo sư bụi... Riêng Trần Dần cũng có sổ bụi, thơ bụi. Nhưng đặc biệt nhất, có lẽ, bụi nhà. Ở trong nhà mà không phải ở trong nhà. Ở nhà mà không có nhà. Ở nhà mình mà không ở mình (chez soi). Là một bụi nhà, Trần Dần đã hướng nội. Thoát khỏi mặc cảm dã tràngvà sự ám ảnh của huyền thoại Icar hoặc mặc cảm trung bình. Cái tôi chuyển sang cái mình.

Cái mình chuyển chiều kích xã hội trong con người xuống hàng thứ yếu. Cái mình, chính là cái tôithật. Là chiều kích tâm lý, siêu lý, vô thức, siêu thức. Mỗi người mang trong mình một vũ trụ tâm thần, độc nhất. Độc nhất vô song... Trở lại với cái mình, một hồi quy vĩnh cửu, Trần Dần mới có thể có cái nhìn mới về hiện thực: Hiện thực vốn 3 tầng. THỰC + TƯỞNG TƯỢNG + TƯỢNG TRƯNG. Để tẽn tò bọn ngây ngô zuy thực tội nghiệp đẻ từ một nghĩa duy vật ngây thơ. Tôi hiện thực ở tầng 3 vừa cả ở 3 tầng. Với cái mình, Trần Dần mới có quan niệm Viết, 1 cách chết tận hưởng. Và, tôi vẫn viết cái gì tôi chẳng biết.Và, vùng mù... vùng tổ của thơ. Trở lại mình, như vậy, Trần Dần đã, một mặt dọn sạch mình, hay bằng ngôn ngữ của chính ông: tổng tảo mộ, mặt khác nâng mình lên một tầm nhân loại mới: người bay.

Nhân trình sạch này song hành với thi trình sạch. Con người người hơn thì thơ cũng thơ hơn. Trong hơn. Thơ vì thơ, tuyệt đối.Hễ vì bất cứ thứ gì khác, dù cao quý mấy, thơ sẽ chẳng còn là thơ. Những thơ tình, Thơ chính trị, bất kỳ tính từ nào, đều vô nghĩa, với tôi. Và, quá trình trút rụng những tính từ này, cũng là quá trình quy giản thể loại. Từ trường ca, thơ - tiểu thuyết, thơ - hồi ký có bè đệm, kể kệ, thơ - tiểu thuyết một bè đệm..., đều là những tác phẩm lớn về số lượng, Trần Dần càng về ga cuối, sổ cuối càng rút xuống thành thơ mini. Từ chỗ lấy bài thơ làm đơn vị thơ, coi đấy như một hệ thống, một chỉnh thể đến chỗ lấy đơn vị là câu thơ.

thi pháp bài thơ. Tôi muốn đoạn tuyệt. Nghiêng về thi pháp câu thơ - cửa sổ hé vào vĩnh viễn:

Như vậy, bây giờ câu thơ cũng là một hệ thống, một chỉnh thể. Đây là những bài - thơ - một - câu (14).

- Mọi giá trị đều sặc mùi quả đất
- Đố ai chọc mắt các vì sao
- Họ cứ vu oan cho mặt trời ngủ
- Ai xuất bản nhiều đêm thế nhỉ
- Không ai đưa đám vì sao tắt
- Tôi đứng tuổi mà không đứng gió.

Có người thắc mắc, những câu thơ trên và như trên của Trần Dần không có gì là cao siêu cả, thậm chí như còn nói ra một điều hình như ai cũng biết: mưa rơi không cần phiên dịch, hoặc vén mây mù mới thấy trời xanh. Ấy, chính cái tài của nhà thơ là ở chỗ ấy, đưa cái hình như, cái còn tồn tại trong mù mờ tiền - ý thức ra chỗ thanh thiên bạch nhật của ý thức. Tài hơn nữa, sau đó thi nhân lại đưa cái hiển nhiên, minh nhiên ấy vào chỗ hình như, chỗ mù mờ của sự đa nghĩa, hoặc của siêu thức (Đố ai chọc mắt các vì sao. Họ cứ vu oan cho mặt trời ngủ). Không đánh đố ai, Trần Dần đã trao vào tay người đọc cái chìa khoá thi pháp học bài thơ một câu của ông: cửa sổ hé vào vĩnh viễn. Trong một tối thiểu từ (cửa sổ) bằng ẩn dụ () phát một tối đa nghĩa (vĩnh viễn). (15)

Cả hai quá trình, nhân trình sạch và thi trình sạch, hội tụ lại trong một Trần Dần - thi sĩ. Với Trần Dần thì Thơ là mạng sống, là lý lịch thật của đời tôi. Thậm chí, Tác phẩm là bản gốc, đời là bản sao. Còn với chúng ta, người đọc, thì có lẽ, riêng trường hợp Trần Dần, cả đời lẫn thơ đều là bản gốc.


Ghi chú bên lề (paratexte)

13 Đến đây, có thể nói về cội nguồn sáng tạo của Trần Dần nói riêng và nhiều nghệ sĩ khác nói chung. Tác phẩm không phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất nào: tài năng trời cho hay là môi trường xung quanh, mà ở quan hệ giữa chúng với nhau. Tài năng thiên phú tuân theo cái bản chất hằng xuyên của nó luôn luôn muốn sự thể hiện mình bằng sự sáng tạo. Nhưng cũng chính sự sáng tạo đó lại đồng thời xung đột với những trở ngại bên ngoài. Nhưng với hành vi sáng tạo, hoặc người sáng tạo, thì những trở ngại này không huỷ diệt nó mà trái lại làm điều kiện để nó phát triển. Chức năng của yếu tố bên ngoài là thúc đẩy sáng tạo bên trong, kích thích thường xuyên và góp phần hiện thực hoá tiềm năng sáng tạo. Như vậy, tài năng thiên bẩm tiếp nhận mọi trở ngại như là những thách đố để rồi vượt qua nó mà tạo ra những tác phẩm. Đó là đáp trả. Những thách đố và đáp trả này có thể còn được gọi bằng những tên khác như Chúa Trời và Quỷ Dữ, Thiện và ác, Nguyên Lý Khoái Lạc và Nguyên Lý Thực Tiễn…

Trần Dần có đủ bản lĩnh để tiếp nhận mọi thách đố bên ngoài. Và hình như số phận cũng ưu ái ông bằng những thách đố, vì chỉ có như thế thì ông mới có cơ hội để thực hiện những hành động sáng tạo mới. Nếu nhìn lại cuộc đời tiểu sử của thi nhân, thì sẽ thấy ông luôn gặp lại những trở ngại. Dạ Đài vừa ra được số 1 thì điều kiện không cho phép ra tiếp nên Trần Dần không đi vào thơ tượng trưng nữa (mà lúc này có thể đã cũ), và chuyển sang làm thơ hiện thực, cũng một lối hiện đại hoá kiểu thơ khác. Nhưng rồi nhóm Văn nghệ sông Đà bị phê phán, ông chuyển về Phòng Văn nghệ Quân đội để hăng hái sáng tác theo hiện thực XHCN. Cuối cùng vụ Nhân văn làm sáng tác của ông chuyển hẳn… Như vậy, trước mỗi một thách đố, ông đều có đáp trả; Đáp trả sau mạnh mẽ hơn đáp trả trước nên đã tạo ra một dòng sáng tạo mạnh mẽ vừa nhất quán vừa đa dạng. Dĩ nhiên, trước một thách đố không phải ai cũng đáp trả và đáp trả như nhau. Một số bè bạn Trần Dần không có đáp trả. Có lẽ đó là những người không thực sự có tài, hoặc sớm để tài năng chết yểu. Số khác cũng có đáp trả, nhưng khác Trần Dần. Một thách đố nhiều đáp trả là chuyện thường. Cách thức đáp trả của Đặng Đình Hưng hẳn gần giống Trần Dần, dù các thi phẩm của ông như Bến Lạ, Ô, Ô mai… có nhiều điểm khác. Còn Lê Đạt thì khác, khác nhiều.

14 Bài - thơ - một - câu của Trần Dần là một thứ chủ nghĩa tối thiểu của ông trong thơ. Trong trường ảnh hưởng của ông, ngoài Đặng Đình Hưng, Dương Tường, có một người bạn bút danh Đoàn Văn Chúc (xem bài Đi tìm những tiếng nói đã mất trong Chân trời có người bay của Đỗ Lai Thúy, VHTT (lần 2), 2006), trong thơ Trần Dần có biệt danh là Cát. Đoàn Văn Chúc là một dịch giả, nhà nghiên cứu văn hoá. Chủ nghĩa tối thiểu của ông còn cực đoan hơn Trần Dần, khi ông làm thơ - một - chữ. Hy vọng, dịp khác tôi sẽ giới thiệu thơ ông.

15 Để kết thúc những Ghi chú bên lề này, tôi rất lấy làm tiếc là bạn đọc không được tiếp xúc với thơ Trần Dần ngay sau khi xuất xưởng. Bởi thế, giữa thế hệ tiền chiến và thế hệ chống Mỹ, thơ Việt Nam dường như khuyết mặt một thế hệ, những người được đào tạo học vấn Pháp, tham gia Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, những người vừa làm cách mạng xã hội vừa làm cách mạng thơ ca. Sau đó, việc thơ Trần Dần không được đồng hành với “ thơ trẻ “ hiện nay cũng là một thiệt thòi cho họ đã đành, mà cả cho ông nữa. Với việc xuất bản tập Trần Dần - Thơ, hẳn độc giả sẽ cảm thông hơn với “thơ trẻ” và “thơ trẻ” cũng thấy mình chưa hẳn đã “trẻ” lắm đâu. Điều này có thể sẽ thúc đẩy “thơ trẻ” cách tân có hệ thống và có chiều sâu hơn nữa. Trần Dần, quả như ông báo trước, chết rồi mà vẫn mất ngủ. Và làm người khác mất ngủ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những đoản khúc Lê Đạt

    15/12/2018Nhà phê bình Phạm Xuân NguyênNgười “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật...
  • Đường chữ

    01/05/2008Nhà thơ Lê ĐạtCâu thơ khổ tu xí xoá nợ luân hồi Sau Nhân Văn, tôi vẫn tiếp tục…
    Nhân Văn chỉ là một chặng chứ không phải toàn bộ Đường chữ của Lê Đạt...
  • Nhà thơ Lê Đạt: Người lạc quan ngoan cố

    20/03/2008Sưu tầmSau hơn một tháng rét đậm, rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của thơ Việt. Minh chứng thứ hai, lão tướng thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần, vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu - Hà Nội với tiếng cười "lạc quan” ngoan cố rất đặc trưng...
  • Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75

    20/03/2008Hữu ViệtTuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hóa của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Thơ hay là cái chết của thời gian

    28/09/2005Ngô Tự LậpVề thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản. Tiểu luận Thơ là gì là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: “Quái đản”, tính thao tác”, “sự thức nhận”… (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như vượt gộp", "thao tác luận"... rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
  • Thơ là gì ?

    30/09/2005Phan NgọcTrong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên....
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • xem toàn bộ