Trăm năm nữ sĩ Ngân Giang

05:30 CH @ Thứ Ba - 29 Tháng Tám, 2017

Hai mươi tám năm trước, nhóm chúng tôi gồm nhà thơ Trần Lê Văn, nhà văn Hoàng Tiến, nhà thơ Chu Thành, nhà thơ Tô Hà và tôi tổ chức một cuộc thơ mừng nữ sĩ 72 tuổi tại Cung văn hóa Hữu nghị. Ngày ấy các nhà thơ lớn tuổi cùng lớp lứa với bà còn nhiều người đến dự như Phan Khắc Khoan, Thanh Châu, Hồ Zdếnh, Vũ Đình Liên, Huy Cận , Tế Hanh v.v… Đặc biệt có trung tướng Đàm Quang Trung, phó Chủ tịch Quốc hội, chính là chàng trai- nhân vật chíến sĩ trong bài “ Xuân chiến địa” do Ngân Giang sáng tác từ năm 1946 cũng có mặt. Buổi thơ hôm đó đông đến nỗi hội trường hơn 400 ghế mà không còn chỗ ngồi, khách phải đứng quanh các hàng ghế, tràn cả ra hành lang.

Và cũng từ bữa ấy, nữ sĩ Ngân Giang được hồi sinh sau 34 năm vắng bóng trên thi đàn. Các báo khắp hai miền Nam- Bắc đều nói về sự kiện Ngân Giang tái xuất. Và chỉ vài ba năm, các nhà xuất bản đã in cho bà tới 4 tập thơ.

Trong số các nhà thơ nữ cùng thời, phải nói Ngân Giang là một hiện tượng lạ. làm thơ với bà như một khả năng thiên bẩm. Năm 6 tuổi đang chơi cùng các bạn, thấy con tầu hỏa lù lù tiến vào sân ga, rồi lại ủ còi mở máy ào ào biến mất, cô bé ứng khẩu đọc luôn:

Tầu về rồi tầu lại đi

Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga

Từ 9 tuổi, Ngân Giang đã có thơ đăng báo. Tập thơ đầu tay của bà in năm 1932 có tựa đề “ Giọt lệ xuân”. Nhật báo “Phụ nữ thời đàm” dành hẳn một trang để giới thiệu “Giọt lệ xuân với nữ sĩ tí hon Hạnh Liên- Đỗ Thị Quế”.

Mới ngày nào còn là nữ sĩ tí hon mà nay Nàng thơ đã tròn trăm tuổi, đã thành người thiên cổ. Đúng như Nguyễn Gia Thiều nói:

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì

Nếu như linh hồn là có thật ( mà thật sự là nó có ) và tâm linh là một thứ cảm quan siêu việt của con người, thì rõ ràng nữ sĩ Ngân Giang đang hiện hữu cùng chúng ta. Bà đang ngự trong ngọn khói trầm phảng phất, tựa như hồn Thúy Kiều trở về khi nàng dặn em trước giờ ly biệt:

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Nữ sĩ Ngân Giang là người có phong thái quí phái, thanh cao và sang trọng. Bà có thói quen đốt trầm khi làm thơ hoặc khi tiếp các bạn thơ. Vào những năm cuối đời, bà gặp cảnh nhà sa sút, ngay cả khi hết gạo bà cũng không để cạn trầm.

Trước 1945, Ngân Giang còn tổ chức “Salon Litte’raire”, tức là phòng tiếp khách văn chương, mỗi tuần một lần tại tư gia.

Nghe kể, nhà văn Nguyễn Tuân mỗi lần tới dự, cử chỉ đầu tiên của ông là nhúm một ít bột trầm trong chiếc âu sơn mài, rắc vào lư trầm đang ngát khói, miệng đọc khổ thơ đầu bài “Vương Tường” của Ngân Giang mà ông rất thích:

“- Khơi đỉnh trầm lên kìa thái giám!

Cho hương tỏa quyện điệu tì bà.

Nối thêm bạch lạp chờ thiên tử,

Vườn ngự trăng về ngả bóng hoa”.

Tiếp đó, ông nhấc cây đàn tỳ bà trên giá, nâng hai tay đưa cho nữ sĩ.

Ngân Giang đón cây đàn rất kiểu cách, nhẹ vén tà áo dài rồi “mười ngón tay ngà nắn phím loan”.

“Vương Tường” (1) là bài thơ viết về tâm trạng của Hán Chiêu Quân, rất tài hoa trong không khí vương giả, với một thứ nghệ thuật bậc thầy. Ta hãy nghe thêm hai khổ thơ đối đáp giữa viên thái giám với nàng Chiêu Quân:

“- Dám bẩm lệnh bà, trăng đã ngả,

Vàng đang rụng xuống nẻo tây san;

Quỳnh hoa thiêm thiếp say trường mộng,

Đêm đã vơi canh, trống điểm tàn.”

“- Thái giám khá lui vào nội điện,

Giờ này trầm ngát tỏa nghiêm cung;

Để ta với bóng trăng tàn lạnh

Nẩy tiếng tơ đồng phai nhớ nhung!”

Trong lễ tưởng niệm một trăm năm ngày sinh nữ sĩ Ngân Giang , cho phép tôi không đề cập đến đời tư, cũng tức là cuộc đời tình ái của bà, mà chỉ điểm qua đôi nét các dấu mốc bà tham gia công tác xã hội với tư cách công dân. Phần tiếp sẽ là những tai nạn văn chương mà nữ sĩ phải hàm oan- Những nỗi hàm oan tuyệt đẹp.

Thật ra, những điều cần biết trong cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang đã chép gần đủ trong Từ điển văn học, nay chỉ xin điểm, trong đó có những điều có xảy ra trong cuộc đời nữ sĩ mà không được chép trong từ điển.

Ngân Giang tham gia liên lạc cho Đoàn thanh niên Cộng sản từ đầu năm 1944. Đầu năm 1945 bà bị hiến binh của phát xít Nhật bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò cùng với nhà cách mạng Hoàng Hữu Nhân. Cách mạng tháng Tám thành công, bà hoạt động trong Đội phụ nữ thành Hoàng Diệu, sau đó chuyển sang công tác lễ tân tại Phòng khách sảnh của chính phủ lâm thời. Đầu năm 1946, nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhóm công tác của ông bị những người Quốc dân đảng Việt Nam bắt giam tại phố Duvigneau ( nay là phố Bùi Thị Xuân ). Quốc dân đảng Việt Nam ngày đó không còn là lực lượng yêu nước đúng nghĩa, mà họ dựa vào đội quân Tưởng Giới Thạch được Đồng minh phái sang Việt Nam tước vũ khí quân Nhật đã dầu hàng từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc để thực hiện các mưu đồ chính trị.

Nữ sĩ Ngân Giang được phái đi cứu nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bà đóng đúng vai của mình, một nữ sĩ xinh đẹp, tài hoa cùng với một phiên dịch đến thăm Bộ chỉ huy tướng Tiêu Văn. Chỉ một bó hoa, một nụ cười và lời chào xã giao lịch thiệp: “ Ngưỡng mộ tài năng của tướng quân, nên đại diện cho phái nữ lưu trong thi đoàn Việt Nam, tôi đến chào ngài”. Tiêu Văn xúc động. Lúc chia tay, Tiêu Văn cũng nói lời xã giao: “ Chúc nữ sĩ xinh đẹp và khi nào có điều gì cần giúp đỡ, xin nữ sĩ chớ ngại”. Ngân Giang làm như sực tỉnh:

-Đội ơn tướng quân, tôi đãng trí quá, nếu ngài không nhắc, có lẽ tôi quên. Chẳng là tôi có người bạn nhạc sĩ, anh thường phổ thơ của tôi và chơi nhạc trong Salon thơ- nhạc của chúng tôi. Chắc có sự hiểu lầm nào đó, nên mấy ông Quốc dân đảng Việt Nam bắt giam khiến cuộc vui của chúng tôi lỡ dở, xin tướng quân ra tay tế độ.

Tiêu Văn chau mày:

- Sao lại có chuyện đó. Nữ sĩ yên tâm, tôi sẽ bắt họ phải thả người bạn nhạc sĩ của nữ sĩ ngay lập tức.

Rồi Tiêu Văn gọi một viên tướng dưới quyền đem một trung đoàn đến bao vây trụ sở Quốc dân đảng, bắt phải thả ngay nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Ngân Giang ùa vào đón. Đỗ Nhuận nói nhỏ, còn hai người nữa, chị bảo họ thả nốt.

Nữ sĩ bèn nói với viên tướng, xin thả nốt hai người.

Viên tướng Tầu vẻ nghi ngờ, hỏi lại:

- Sao tướng quân tôi nói đến giải vây cho một nhạc sĩ thôi mà.

-Dạ thưa đúng vậy. Đây là nhạc sĩ, còn hai người kia là nhạc công trong Salon thơ nhạc của chúng tôi.

Viên tướng Tầu nhún vai, sai thả nốt hai đồng chí của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Trường hợp nữ sĩ Ngân Giang cứu nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi đã viết khá kỹ đăng trên báo văn nghệ từ năm 2000.

Ngân Giang
Nữ sĩ Ngân Giang thời trẻ
.

Một việc đáng ghi nhớ nữa trong công lao của Ngân Giang đối với cách mạng. Ngày ấy bộ đội ta thiếu thốn lắm, vào khoảng giữa năm 1946, bà lên Bắc Giang mua gom được 30 tấn gạo, chất đầy hai toa tầu hỏa chở về ga Hàng Cỏ trao cho vị sĩ quan đại diện một đơn vị bộ đội.

Nên nhớ, ngày ấy nữ sĩ Ngân Giang là phu nhân của ông Nguyễn Văn Thành, một dược sĩ cao cấp. Dược sĩ mà có thêm phòng bào chế ( pharmacie ), hoặc làm thuê cho các phòng bào chế thì cuộc sống vô cùng sung túc.

Toàn quốc kháng chiến ( 19.12.1946 ), Ngân Giang theo cơ quan lên chiến khu Việt Bắc. Đầu năm 1949, do rừng thiêng nước độc và thiếu thốn, các con bà bị đau yếu không có đủ thuốc men, trong lúc bà lại đang có chửa người con thứ ba với ông Thành. Khó khăn vậy, nên bà được cơ quan cho phép đưa hai con nhỏ hồi cư về Hà Nội.

Phải bỏ lỡ cuộc trường chinh của dân tộc, đưa con xuống núi hồi cư, lòng nhà thơ đau như cắt:

Nhằm lúc lửa binh tràn bốn mặt,

Ôm con xuống núi lệ chan hòa

Chan hòa nước mắt bước vào thành

Ngoảnh lại xa mờ dẫy núi xanh

Xót phận đau buồn qua một kiếp

Nhớ rừng thao thức suốt năm canh…

Ngân Giang từ biệt Việt Bắc trở về Hà Nội- nơi quân thù đang chiếm đóng, khác nào hổ xuống đồng bằng. Với tâm trạng bơ vơ, nữ sĩ hạ bút than:

Cơm áo xót xa đời bút mực

Cúi luồn hổ thẹn chí hiên ngang

Trở về không một lều nương náu

Tay trắng là trăm nỗi dở dang

Trong khi đó hết cảnh sát lại hiến binh bắt khai báo về tình hình Việt Minh ngoài kháng chiến. Và bà về thành được giao nhiệm vụ gì. Giữa lúc đầu óc căng như một sợi dây đàn thì mẹ con bà được “lùa “ vào “giam” trong một ngôi biệt thự, có người phục dịch, hầu hạ như ở trong một khách sạn hạng sang. Được vài ngày có người đến thương thảo: “ Ông đổng lý văn phòng Thủ hiến Bắc Việt, cảm thông hoàn cảnh mẹ con bà, ông có thể bảo lãnh cho bà được sống tự do, với điều kiện bà phải nhận làm vợ ông. Bà cứ suy nghĩ đi, vài ngày nữa trả lời”.

Trước khi rời ngôi biệt thự, người đó còn quay lại đe: “ Nếu bà không nhận lời thì các con bà sẽ đưa vào trại trẻ mồ côi, còn bà vào nhà lao cho đến rũ tù”.

Sống trong cảnh sang trọng nhưng hoang mang vô vọng, phần thương con, phần nhớ chiến khu, nhớ đồng đội, mà cái người phải nhận làm chồng kia biết họ thế nào…

Khi ông đổng lý văn phòng xuất hiện với đám tùy tùng sang trọng, ăn nói lịch thiệp, lễ độ. Nom dáng mặt ông ta có vẻ một trí thức, nói năng tử tế và chấp nhận mấy đứa con tôi như con ông. Vậy là nữ sĩ đành nhắm mắt đưa chân, phó cho con tạo xoay vần đến đâu.

Khi về ở với người chồng mới, tâm trạng bà bộc lộ:

Từ về Hà Nội sớm qua chiều,

Vắng vẻ như mình giữa tịch liêu.

Trầm chả đốt, mà thơ chả đọc,

Trà không chuyên, lại bữa không đều.

Phấn hương ngơ ngác ai là bạn?

Một vài tháng sau, tổ chức bí mật của Việt Minh trong nội thành chắp nối được với Ngân Giang, bà sung sướng nghĩ rằng mình không bị cách mạng bỏ rơi. Bà hoạt động công khai trên văn đàn, thuần viết những bài hướng về lịch sử và truyền thống dân tộc. Bút danh thay đổi khi thì “Ngân Giang” khi thì “Công Tội”. “Công Tội’ đọc lái là “Tôi Cộng”, ý như muốn nhắn gửi lòng mình ra ngoài kháng chiến.

Một năm sau (1950) nhân dịp lễ quốc khánh Pháp ( 14 tháng7 ), bà nhận nhiệm vụ ám sát viên tướng trong bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dưong đóng tại Hàng Trống, nay là trụ sở báo Nhân Dân. Bà đã ra ngoại thành thực tập bắn loại súng không kêu chỉ to bằng điếu xì gà nhưng ngắn hơn. Việc đó rồi không thành, bởi cấp trên không chấp nhận sự ám sát.

Tất cả các việc kể trên đều có giấy chứng nhận của các đương sự như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông Hoàng Tùng, ông Hoàng Hữu Nhân, ông trung đoàn trưởng nhận gạo, ông Châu Đình Xương ( Công an), ông Đỗ Thọ Việp ( biệt động), ông Nguyễn Bắc (trí thức vận) v.v…

Về cuộc đời thiếu túng của nữ sĩ Ngân Giang chỉ đọc vài dòng khi bà đăng ký mở quán nước trà xanh từ tháng 6 năm 1979, tại nhà số 3 bãi Nghiã Dũng là nơi bà cư trú, với vốn đăng ký cố định là 15 đồng, cũng đủ biết cuộc sống khó khăn mà nhà thơ phải bươn trải. Với sự kiện cơm áo này Ngân Giang viết:

Một quán bên sông cuối phố nghèo

Miếng trầu bát nước có bao nhiêu.

Cuộc đời hay dở khoan bàn đến,

Lá rụng quanh thềm gió hắt hiu…

Và nó biểu hiện ở hai câu thơ tự họa của nhà thơ nghe mà xót xa lòng dạ:

Mười năm quét lá bên sông

Hình hài để lại cái còng trên lưng

Còn những bước thăng trầm cũng như bất hạnh đeo bám cuộc đời bà cho tới khi nhắm mắt, chỉ đọc hai câu thơ định mệnh của bà là đủ biết:

“ Thuyền xuôi mãi cũng tới bờ,

Đời người biết đến bao giờ cho yên?”

Bữa nay Hội Nhà văn tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ sĩ Ngân Giang, đương nhiên đây là một sự tôn vinh của cả một văn đoàn đối với bà. Có nhẽ đây là cơ hội để chúng ta biết thêm đôi nét về những tai họa chữ nghĩa đáng yêu trong cuộc đời bà. Còn như bình giá nghệ thuật thơ ca Ngân Giang, sẽ có cơ quan chuyên trách khác như Viện hàn lâm Văn học Việt Nam, hoặc các nhà phê bình đáng kính nào đấy ngó tới, tựa như ông Nguyễn Phan Cảnh đã ôm một đống thơ của nữ sĩ sang tận Canada in vào một tuyển tới gần ngàn trang. Tuy nhiên về việc đánh giá về nghệ thuật thơ của nữ sĩ Ngân Giang, tôi đã viết khá nhiều, in báo và đã in sách.

Bây giờ tôi sẽ trở lại chuyện chữ nghĩa của bà. Ngân Giang là người rất thông minh, hóm hỉnh và trào lộng. Khi kết hôn với vị dược sĩ cao cấp, đương nhiên bà được chiều chuộng và sống trong nhung lụa. Nhưng bà vẫn phát hiện nơi người chồng còn có điều gì đó bất như ý, nên bà viết đôi câu đối vào giấy dó lụa treo trịnh trọng nơi phòng khách:

MỘT SỚM CHÀNG ĐO CHAI NƯỚC MẮM

TRĂM NĂM THIẾP ĐẾM CỦ DƯA HÀNH

Chàng dược sĩ chỉ chăm lo phòng bào chế chứ chẳng quan tâm đến chữ nghĩa. Cho tới một hôm nhà sử học Trần Huy Liệu ghé thăm vợ chồng bà. Ngầm đọc đôi câu đối, Trần quân mỉm cười, nói với ông Nguyễn Văn Thành, giọng hơi trêu cợt:

- Ngân Giang chơi chữ cậu đấy! Nhà thơ chê cậu ki bo đấy!

Ông Thành sầm mặt lại nhưng cố kìm nén. Tiễn Trần Huy Liệu ra về, cơn thịnh nộ bắt đầu đổ xuống. Và ông xé toang đôi câu đối rồi đốt luôn. Nhìn tàn than bay lả tả, Ngân Giang thầm nghĩ: Cuộc hôn nhân coi như đã kết thúc. Và chẳng bao lâu sau ông bà chia tay.


Nữ sĩ Ngân Giang đã dành cả một đời cho thơ ca và cách mạng.

.

Tai nạn thứ hai là vào năm 1959, ông Nguyễn Văn Hàm, người mà nữ sĩ kết hôn từ sau ngày hồi cư về Hà Nội đệ đơn xin ly dị. Nguyên đơn Nguyễn Văn Hàm, bị đơn Đỗ Thị Quế. Lý do ly hôn là vợ có ngoại tình. Tang chứng vật chứng chỉ có một bài thơ.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh kể lại với tôi, sau khi tòa án quận hòa giải không thành từ cuối năm 1959, sau chuyển lên tòa án thành phố. Ông chánh án thấy tôi là người thích thơ văn, và tính chất của vụ án có vẻ li kỳ nên chuyển cho tôi thụ lý vụ án này. Hồi đó tôi là phó chánh án tòa Hà Nội.

Tôi cho người điều tra mới biết Đỗ Thị Quế chính là nữ sĩ Ngân Giang, bèn mời bà lên tòa án hỏi chuyện. Bà kể rằng bài thơ viết từ hồi mới về Hà Nội, nhớ chiến khu, nhớ bạn bè đồng chí nhưng không dám thổ lộ, mới viết tâm sự bằng thơ vào cuốn sổ tay vẫn cất kỹ nơi đáy tủ. Dạo này, túng bấn, ông Hàm đi lục các đồ cũ xem còn gì có thể bán. Ông tìm thấy cuốn sổ của tôi giấy đã ố vàng, đọc được bài thơ này. Thế là ông nổi máu ghen, cho là tôi vẫn thầm yêu trộm nhớ một anh chàng nào đó. Ông tra khảo mãi, tôi nói thật. Ông đâu có tin và cuối cùng đưa ra tòa đòi ly hôn.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Đêm nay thôi đã mấy đêm rồi !

Ai biết đâu rằng ai nhớ ai?

Lất phất hoa bay vào cửa vắng

Nghiêng nghiêng mưa hắt mái hiên ngoài

Trăng soi đã hẳn soi hai ngả

Gió lạnh sao đành lạnh một nơi

Cầm bút toan đề thơ lại đặt…

Gối nào nước mắt có rơi rơi?!

Một khi máu ghen kiểu Ô-ten-lô đã nổi, ai có thể tin thơ này viết cho đồng chí, viết về chiến khu.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh cho biết, ông cố hòa giải nhưng không thành. Phiên tòa kết thúc, ông hỏi:

- Đương sự Nguyễn Văn Hàm, tòa chấp nhận cho ông bà thuận tình ly hôn, không có tranh chấp của cải. Phần con cái bà Đỗ Thị Quế nhận nuôi tất cả. Vậy ý kiến của ông thế nào?

Ông Hàm chấp nhận hoàn toàn. Đến lượt tòa hỏi bà Đỗ Thị Quế trả lời:

- Thưa quí tòa. Tôi làm thơ từ thuở lên 6. Tôi vốn vụng nói. Vậy xin đọc mấy câu thơ tâm trạng về cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ:

Ngày chửa sang thu đã thấy buồn

Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn

Thân không trời đất mà mưa gió

Người ở đầu thôn, mộng cuối thôn

Với tâm trạng này, ai cũng thấy cuộc hôn nhân tan vỡ từ khi mới bắt đầu.

Chuyện thứ ba có liên quan đến chữ nghĩa của Ngân Giang bắt đầu từ bài “Trưng nữ vương”, bài thơ này bà sáng tác từ năm 1939, phải nói đây là một tuyệt phẩm thi ca về cả hai phương diện nghệ thuật và tư tưởng. Có thể nói không ngoa rằng, nếu ai chưa được đọc bài này hẳn là một thiệt thòi đáng kể. Bài này viết theo thể Đường thi trường thiên. Toàn bài có 20 câu chia làm hai đoạn. Đoạn đầu 16 câu, đoạn kết 4 câu.

Bốn câu này tạo thành một ngả rẽ hết sức tài tình và hiện đại, song nó lại vẫn kết nối liên hoàn với mười sáu câu của đoạn trên.

Khi bài “Trưng nữ vương” ra đời, nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng khắp thi đàn Nam- Bắc. Các bậc tiền bối như Á Nam Trần Tuấn Khải, Phan Khôi và các bậc thi huynh thi hữu như Đông Hồ, Trúc Khê, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân v.v… đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Riêng nhà thơ Đông Hồ đất Hà Tiên đặc biệt hâm mộ tài thơ Ngân Giang, nên ông đã quyết định một chuyến Bắc du vào năm 1950. Tại Hà Nội, Đông Hồ- Mộng Tuyết đã nhiều lần hội ngộ với Ngân Giang và các thi hữu Thăng Long. Khi về Nam, Đông Hồ viết được tập bút ký trong đó có bài “ Thăng Long hành” rất đặc sắc.

Và có những đoạn, những câu Đông Hồ như riêng tặng cho Ngân Giang.

Chiều rượu say sầu thơ bạn gái

Cửa thiền thêm cám cảnh làng Nho

Mày ngài má phấn chi qua số

Ngòi thỏ nghiên son dễ quá mùa

Lão phố vẫn còn hương vãn tiết

Danh hoa thường phải nở trong mưa…

Hoặc những câu Đông Hồ viết đạt tầm thi bá:

Hoa cúc để gầy thu đất Bắc

Tháng ngày vương một mối tương tư…

Nhà thơ Đông Hồ là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông thường đem thơ Ngân Giang ra giảng dạy. Tai họa đến với ông vào năm 1969, khi dạy bài “ Trưng nữ vương” 1). Dường như ông đã đem hết tinh lực và sinh lực ra bình giảng bài thơ này về vai trò lịch sử của Hai Bà Trưng và tuyệt tác của nữ sĩ Ngân Giang. Tới đoạn bốn câu kết, ông mới bình giảng vào câu thứ ba thì thi nhân nấc lên rồi nghẹn tắt.

Đoạn kết như sau:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Các sinh viên vực thầy lên xe đi bệnh viện cấp cứu, nhưng thày Đông Hồ đã vĩnh viễn ra đi.

Tin đồn nhà thơ Đông Hồ bình giảng bài “Trưng nữ vương” của Ngân Giang xúc động quá mà qui tiên ngay trên giảng đường trường Đại học Sài Gòn bay ra Hà Nội. Nhiều người độc miệng cho rằng Ngân Giang phao tin để đánh bóng mình. Nữ sĩ Ngân Giang đau buồn không biết thổ lộ cùng ai. Bà âm thầm viết thơ:

VIẾNG BẠN ĐÔNG HỒ

Trăng lên từ phía biển Đông

Trăng chìm đáy nước trăng rung sóng Hồ

Trăng về đẹp những câu thơ

Trăng đi đã để gió mưa lạc loài

Đường vào dứt nẻo trăng ơi…

Bao giờ lại gặp một người say trăng?

Cho mãi tới năm 1988 khi tôi vào thăm nữ sĩ Mộng Tuyết tại Hà Tiên, trong câu chuyện tôi có hỏi nữ sĩ có phải cố thi sĩ Đông Hồ qua đời trên giảng đường đại học Văn khoa Sài gòn khi ông đang giảng bài “Trưng nữ vương” của nữ sĩ Ngân Giang.

Bà Mộng Tuyết xác nhận. Về Hà Nội tôi viết bài “Một thoáng với nữ sĩ Mộng tuyết đất Hà Tiên và Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” đăng trên tạp chí của Hội Nhà văn; từ dó nữ sĩ Ngân Giang mới yên lòng.

Trở lại chuyện cố thi sĩ Đông Hồ mới giảng đến câu thứ 3 của đoạn kết bài “Trưng nữ vương” ông đã xúc động và qua đời. Nhân sự kiện này nhà thơ Chiêu Dương có làm bài “Cảm thương” trong đó có câu:

Ai đem tang tóc vào thơ

Giảng câu “Điện ngọc” Đông Hồ ra đi!

Còn tôi thì cho rằng chính Ngân Giang phải chịu trách nhiệm nghệ thuật về cái chết của thi sĩ Đông Hồ. Và vì thế bà đi vào cõi bất tử của thi ca.

Láng Thượng 14.4.2016


TRƯNG NỮ VƯƠNG

Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đuờng kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đoá mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi


(Ngân Giang, 1939)

XUÂN CHIẾN ĐỊA

Gió dịu mơ hiền ánh nắng tươi
Núi sông bừng nở vạn hoa cười
Bãi sa trường ngát men tranh đấu,
Có kẻ say nhìn chốn viễn khơi

Người đẹp phương trời xiết đợi mong
Một chiều nhạc ngựa rộn ven sông
Chàng đi lo trả thù dân tộc,
Đã trở về cùng những chiến công.

Lời thư và áo giai nhân ấy
Giữa độ thu sang chớm lá vàng
Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ,
Quên tình riêng nhé, nhớ giang sang.

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ
Bởi say sự nghiệp khách anh hùng
Em cũng mơ người trai đất Việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.

Đẹp gì chăn gối trong khi cả
Dân tộc sôi lên chí quật cường
Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn,
Để giòng máu giặc dội biên cương.

Ngày mai trọn phận người dân nước
Vó ngựa xin dừng trước mái tranh
Để ngắm ai xưa ngồi dệt lụa,
Má đào còn thắm tóc đương xanh.

Nếu sớm hy sinh nơi chiến địa
Chữ vàng chói lọi ánh vinh quang
Em kiêu hãnh như chồng em đã
Sống với thời gian, vượt thế gian

Đêm nay vườn trước bao nhiêu lá
Đã rụng theo nhiều với gió may
Em vội vàng đan xong chiếc áo,
Gửi người muôn dặm chắc vừa tay

Hẳn đã nêu cao gương chiến sĩ
Nên hoa hồng nở báo vinh quang
Lòng đầy nguyện ước, đầy tin tưởng
Chép vội lời thơ gửi đến chàng.

Trăng trong một mảnh soi đôi ngả
In chếch tường hoa chiếc bóng chờ
Nguyện sẽ ấm lòng khi nhạc ngựa,
Rung đều dưới dáng liễu lơ thơ.

Lời ai xúc động lòng anh dũng
Chiến sĩ cao nhìn thẳng núi sông
Ta quyết hứa người trai đất việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.

Phất phới cờ đào bay gió cuốn
Mây vàng, kiếm sáng loá hào quang
Các anh, một mối thù dân tộc,
Cả một mùa xuân giữa chiến trường.

(Ngân Giang, 1946)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: