Tơ vương hồn Đại Việt

09:44 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Ba, 2009

Thời xưa, hồn Việt được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống của người dân từ thành thị đến thôn quê, từ Bắc vào Trung, từ Trung vào Nam, đâu đâu cũng vậy. Rồi kể từ khi người Pháp sang đô hộ nước ta, cuộc sống đã dần dần thay đổi nhưng chúng ta vẫn còn giữ được sự phân biệt ta và tây như tiếng ta - tiếng tây, thơ ta - thơ tây, nhà ta - nhà tây, ngói ta - ngói tây, cơm ta - cơm tây, gà ta - gà tây, áo ta - áo tây, quần ta - quần tây, giày ta - giày tây, lịch ta - lịch tây, năm ta - năm tây, tuổi ta - tuổi tây, tết ta - Tết tây. . .

Khi còn nhỏ, chúng tôi thấy nhà cửa người dân đa số còn xây theo kiến trúc cổ với ba gian hoặc năm gian, cột gỗ lim, mái ngói đỏ. Cách trang trí thì có hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè, tràng kỷ... không có xa-lông như ngày nay. Các cụ ta khi ấy còn mặc ta, áo dài khăn đóng, chỉ mới có một số ít người mặc theo Tây. Chúng tôi, hồi ấy đi học ở Tiểu học, những năm từ 1932 đến 1937, còn nhiều người mặc ta nếu có ai mặc Tây phục thì bạn bè chế giễu là đồ "tây gỗ". Các học sinh khi lên Trung học, mới có nhiều người mặc Tây phục.

Rồi đến khi có phong trào theo mới, năm 1939, Hoàng Đạo hô hào theo mới, hoàn toàn theo mới và tờ Ngày Nay thường chế giễu những người mặc ta là "Lý Toét", "Xã Xệ". Thấy cụ Nguyễn Văn Tố vẫn mặc ta và lại búi tóc để thể hiện quốc hồn quốc túy, báo Phong Hóa muốn triệt hạ cái búi tóc ấy nên cứ nói đến cái“tổ chấy" đó ròng rã mấy tháng liền khiến cho cụ Tố phải chuyển lòng cắt đi. Nhà thơ Tú Mỡ, ngày mồng 6 tháng 11 năm Bảo Đại thứ 7, đã làm bài ông Nguyễn Văn Tố tế búi tóc trong có những câu:

Thánh nhân đã dạy, của mẹ cha nào dám hủy thương,
Thời thế đổi thay, hồn quốc túy vẫn toan giữ riết...
Nào hay đâu:
Gặp buổi nhố nhăng,
Bị phường quỉ quyệt.
Lời ong tiếng én, cứ nhè ta khúc khích bông cười,
Nét bút câu văn, thù chi bạn hầm hè muốn triệt.
Âu cũng là số phận xui nên, Cực chẳng đã lòng ta phải quyết...

Cụ Nguyễn Văn Tố bị báo Phong Hóa giễu hoài đành phải cắt bỏ cái búi tó đi nhưng vẫn mặc quốc phục kể cả khi ra làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng mặc quốc phục, là tượng trưng cho quốc hồn quốc túy. Khi Phạm Quỳnh sang Pháp, diễn thuyết tại Hội Đông phương ái hữu ở Paris ngày thứ tư mồng 5 tháng 7 năm 1922 cho các nhà trí thức Pháp nghe, ông vẫn mặc quốc phục và đã nói về Thi Ca Nước Nam. Hình ảnh một người Việt Nam mặc quốc phục trong một hội trường, giữa thủ đô Paris, nói tiếng Pháp hẳn đã làm cho người Pháp phải ngưỡng mộ và thấy được hồn Đại Việt hiện ra rõ ràng trong từng câu thơ dẫn chứng.

Nhân nói về quốc phục, chúng tôi cũng xin kể lại chuyến đi sang Nhật dự Hội thảo về Giáo dục Đông Nam Á năm 1974. Trong những ngày đi họp hoặc đi quan sát các nơi các phái đoàn đều mặc âu phục, đều ăn và ở trong các khách sạn theo kiểu Tây phương nhưng khi đi dự buổi tiếp tân chính thức trước khi bế mạc, các phái đoàn đều mặc quốc phục của họ. Đoàn chúng tôi vẫn mặc âu phục đến dự và khi ấy thật ngỡ ngàng và mới thấy bộ quốc phục là tượng trưng cho dân tộc như thế nào. Bộ quốc phục của mình thật đẹp và thật trang nhã. Nhưng mặc quốc phục thì phải có khăn đóng nếu không có khăn đóng thì thiếu nghiêm trang chẳng khác nào mặc com-lê mà không có cà vạt. Các cụ ta còn khắt khe ví với người "không khố". Ấy cái khăn quan trọng là như vậy.

Người Nhật khi tiếp tân chính thức thường theo đúng nghi thức cổ truyền, phải ở trong một khung cảnh hoàn toàn Nhật Bản với vườn hoa, suối nước, đèn đá cây cảnh, nhà cổ, ngồi ăn trên chiếu tatami và mời ăn các món truyền thống của dân tộc họ. Nhà quốc khách của nước họ thì hoàn toàn theo đúng kiến trúc xưa, không có lầu cao, thang máy như ở các nước Tây phương.

Ở nước ta, các buổi tiếp khách nước ngoài, các món ăn thường pha tạp cả Việt, Á và Âu, vừa cầm đũa vừa cầm cả muỗng dĩa. Khung cảnh cũng không thuần túy Việt Nam ngay cả Nhà quốc khách ở thủ đô cũng vẫn là một ngôi nhà theo kiến trúc Tây phương. Sao chúng ta không cho xây dựng một ngôi nhà năm gian bằng gỗ thuần túy Việt Nam, để người ngoại quốc, những chính khách quốc tế được thấy văn hóa Việt Nam với bên ngoài có giàn hoa thiên lý, bể cá vàng, hòn non bộ, chậu hoa, cây cảnh và bên trong có sập gụ , tủ chè, hoành phi, câu đối, tràng kỷ, đồ trà...

Người Nhật khi đãi thượng khách còn ngồi chiếu trải trên mặt đất, thì chúng ta, nếu có đãi thượng khách theo lối cổ truyền, vẫn ngồi trên sập có trải chiếu hoa, bốn người một cỗ với chiếc mâm đồng gồm các món ăn thuần túy Việt Nam thì cũng là cái hay, cái đẹp. Văn hóa ẩm thực Việt Nam có thua kém gì các nước mà cứ phải tiếp khách ở nhà tây, ăn cơm tây, uống rượu tây... còn gì là quốc hồn quốc túy nữa.

Nhất là ngày Tết, nếu mặc áo dài, khăn đóng thì mới đúng với nghi lễ cổ truyền dân tộc. Khi đứng trước bàn thờ tổ tiên, cầm nén hương trịnh trọng khấn vái, quỳ lạy, vẻ trang nghiêm đó nhất định thể hiện được lòng tôn kính. Nhưng những điều ấy đến nay đã không còn mấy nữa. Ngày nay Tết đến người ta thường lo trang trí phòng xa- lông để đón khách và đi thăm hỏi bạn bè, chúc Tết lẫn nhau theo phép xã giao Tây phương chứ ít đi lễ nhà thờ tổ bên nội bên ngoại nữa.

Ngày trước, nhà ở của người mình là ngôi nhà ba gian hoặc năm gian, gian giữa bao giờ cũng để bàn thờ tổ tiên, phía trước có tràng kỷ để tiếp khách. Nay nhà ở xây theo kiểu Tây phương, gian chính là phòng khách (xa-lông), nhà nào nếu có bàn thờ thường để ở một phòng riêng, kín đáo hoặc nếu nhà chật hẹp thì làm cái giá cao để thờ.

Cuộc sống bây giờ đã đổi khác nhiều. Không mấy ai còn giữ được nề nếp xưa và hồn Việt cũng phai dần đi mãi, tưởng cũng cần phải được khôi phục trở lại để giữ lấy phần nào thuần phong mỹ tục mà tiền nhân đã để lại cho chúng ta.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vùng thương nhớ

    17/02/2009GS. Tương LaiLiệu có bao nhiêu dân thành phố không có một gốc gác nông thôn? Năm hết Tết đến, thật thú vị cho những người thành thị nào có được niềm vui về quê ăn Tết.
  • Dòng chảy Việt trong “làn sóng" hội nhập

    17/01/2009Ths. Hà Huy TuấnDòng chảy Việt từ trước và cho đến hôm nay vẫn là những đương đầu và thách thức. Năm mới Kỷ Sửu – năm con trâu – trước những thách thức về kinh tế và hội nhập, thương hiệu Việt Nam hy vọng sẽ ngày càng tỏa sáng trên bản đồ kinh tế và văn hóa nhân loại.
  • Bờ xôi ruộng mật chính là hồn Việt

    06/05/2008GS, TS Nguyễn Lân DũngTừ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo, vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu... thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn...
  • Văn hoá tâm linh người Việt dưới con mắt người nước ngoài

    13/05/2006Chu Hồng VânĐó có thể là những cuộc hành trình thực của một người nông dân chở hàng đến chợ, một du khách nước ngoài từ Pháp, Australla đến Sapa, Việt Nam tìm thăm những bản người Dao, người H Mong. Đó cũng có thể là hành trình của thời gian từ năm bắt đầu bằng cái Tết đến hết một năm. Và hành trình đó cũng là cuộc hành trình mang tính ẩn dụ cho một đời con người với những thời khắc đáng nhớ: Sự sinh thành, đám cưới, lúc về già…
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị Chân – Thiện – Mỹ

    27/03/2006TS. Đặng Hữu ToànNền kinh tế thị trường với những nguyên tắc vận hành và phát triển riêng của nó đang có ảnh hưởng sâu sắc cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, tới hệ thống các giá trị, các quy phạm đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống và nhân cách con người trong một quốc gia, dân tộc. Phát triển kinh tế thị trường không chỉ làm nảy sinh quá trình xâm nhập, bổ sung lẫn nhau giữa các hệ thống giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế...