Tính trễ của cải cách chính trị

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:03 SA @ Thứ Tư - 18 Tháng Tám, 2010
Trước hết, nói đến cải cách chính trị không thể không làm rõ một hiện tượng liên quan, đó là tính trễ của cải cách chính trị. Về bản chất, đây là trạng thái không đồng bộ của quá trình cải cách, trong đó hệ thống chính trị có xu hướng bảo lưu các đặc tính đã trở nên lạc hậu trước thực tế đời sống xã hội. Thực tế này đòi hỏi phải có những nghiên cứu thấu đáo nhằm cải thiện tình hình, thúc đẩy tiến trình cải cách, đặc biệt là cải cách chính trị, diễn ra nhanh chóng hơn, toàn diện hơn và đạt được thành công to lớn hơn.

Tính trễ của cải cách chính trị là hiện tượng khách quan của đời sống xã hội, nhưng vấn đề là cần phân biệt tính trễ tự nhiên, khách quan với tính trễ không tự nhiên, tức sự chậm trễ có chủ ý, là kết quả của sự bảo thủ của hệ thống chính trị. Tính trễ tự nhiên của cải cách chính trị là hiện tượng bình thường của đời sống chính trị khi chưa có những trạng thái khách quan của đời sống kinh tế, đời sống phát triển đòi hỏi phải tiến hành cải cách chính trị. Nhưng nếu tính trễ tự nhiên bị làm cho quá chậm trễ một cách có chủ ý, tức là tính trễ tự nhiên này bị lợi dụng để khất lần cải cách chính trị hay để kìm hãm sự tiến bộ về chính trị, thì như đã nói, xã hội sẽ phải đối mặt với một cuộc cách mạng chính trị. Cuộc cách mạng chính trị nào cũng tất yếu làm sụp đổ thể chế chính trị, dẫn đến hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Vì lý do nhân đạo, chúng ta buộc phải ngăn chặn và chống lại quá trình sụp đổ của các hệ thống chính trị. Để làm được như vậy chúng ta phải tìm cách chữa căn bệnh cố ý làm chậm trễ cải cách chính trị. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận sẽ giúp cho quá trình nhận thức về cải cách chính trị được xác thực hơn, nhằm khắc phục tâm lý lo sợ cải cách chính trị. ở đây đặt ra vai trò và trách nhiệm của nhà chính trị vì hơn ai hết, nhà chính trị phải có năng lực xây dựng chương trình cải cách thường xuyên, không làm cho tính trễ tự nhiên bị chuyển thành sự chậm trễ cố ý, tránh cho xã hội rơi vào tình trạng trì trệ, tích tụ ngày càng nhiều những mâu thuẫn để rồi bùng phát thành những cuộc xung đột tàn phá xã hội.


Một tấm ảnh về ngày độc lập trong bộ ảnh của GS người Pháp Phillippe Devillers

Hiện tại, nhiều thể chế chính trị tại các nước đang phát triển bị đặt trước hai tình thế. Một là, bộ máy cầm quyền tiếp tục níu kéo hệ thống chính trị cũ, làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, để rồi phải đối đầu với một cuộc cách mạng. Hai là, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của bộ máy cầm quyền tiến hành cải cách chính trị một cách hòa bình, có điều khiển, có kế hoạch để xây dựng hệ thống chính trị mới thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội mới. Với lý do cần ổn định, nhiều người lo ngại cải cách chính trị có thể làm cho hệ thống chính trị sụp đổ. Thực ra, cải cách chính trị đào thải những yếu tố chính trị đã lỗi thời và thay thế bằng những yếu tố tiến bộ và thích hợp hơn, đáp ứng những đòi hỏi khách quan của phát triển, nói cách khác là duy trì, hoàn thiện và hợp lý hóa một thể chế chính trị chứ không phải xoá bỏ và thay thế nó bằng một thể chế chính trị khác. Như vậy, cải cách chính trị diễn ra hòa bình, có trật tự và được kiểm soát bằng công cụ pháp luật, vì thế nó thích hợp với thời đại. Trong thế giới hiện đại, cải cách chính trị là con đường duy nhất, là biện pháp duy nhất để tránh sự sụp đổ của một thể chế chính trị.

Cải cách chính trị không làm sụp đổ hệ thống chính trị nhờ cách tiệm cận đến tính hợp lý của đời sống phát triển. Nhà chính trị khôn ngoan và sáng suốt biết giá trị của cải cách chính trị và sử dụng nó như một giải pháp tránh cho xã hội một cuộc cách mạng. Không tiến hành cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là những giải pháp tình thế. Với ý nghĩa như trên, cải cách chính trị còn được xem như một yếu tố hoàn tất quá trình cải cách, có vai trò như là một bộ phận trọng yếu, bộ phận bảo hộ cho quá trình cải cách kinh tế - xã hội đi đến thành công trọn vẹn.

Trong thực tế, nhiều người thường không phân biệt rạch ròi giữa thể chế chính trị, hệ thống chính trị với lý tưởng chính trị. Lý tưởng chính trị là ước vọng cao đẹp của con người, là mặt lãng mạn của đời sống, là khía cạnh đạo đức của hoạt động chính trị. Hệ thống chính trị và thể chế chính trị là những trạng thái hiện thực của đời sống chính trị, những cơ cấu của đời sống chính trị, giúp con người điều chỉnh đời sống. Cải cách chính trị về cơ bản là làm cho thể chế chính trị và hệ thống chính trị hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với trạng thái hiện tại của đời sống. Cải cách chính trị tại thế giới thứ ba hiện nay là làm cho các thể chế chính trị của nó có tác dụng hỗ trợ đời sống phát triển, bằng cách giảm bớt các tính chất đặc thù, các mặt cực đoan và nâng cao trong nó tính phổ biến của đời sống chính trị quốc tế. Bởi vậy, cải cách chính trị không nhất thiết phải thay đổi lý tưởng chính trị. Nếu không phân biệt giữa hệ thống chính trị với lý tưởng chính trị, người ta dễ mặc cảm cải cách chính trị dường như là sự phản bội lý tưởng chính trị hay đánh mất các lý tưởng chính trị. Sự mặc cảm này tạo ra tâm lý lo sợ cải cách hoặc ở một khía cạnh khác là sự gian dối về chính trị trong cải cách.

Cải cách chính trị có tác dụng nâng cao chất lượng của một thể chế chính trị, thể hiện trong tính tương thích của nó đối với dân chủ hiện đại, tính phù hợp của nó đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Trong thời đại của chúng ta, chất lượng của hệ thống chính trị của thế giới thứ ba chính là sự hỗ trợ hiệu quả của nó đối với tiến trình hội nhập quốc tế. Hội nhập trong giai đoạn hiện nay là sự hòa hợp giữa cộng đồng này với cộng đồng kia và với cả nhân loại. Sự hòa hợp diễn ra trong quá trình hòa nhập về kinh tế, văn hóa và quá trình làm giảm tối đa những khác biệt về chính trị giữa các cộng đồng. Đây là con đường duy nhất của thế giới thứ ba.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: