Tính chất của nghề chuyên môn

04:25 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Trong qua khứ, thuật ngữ “nghề chuyên môn” thường được giới hạn trong những lĩnh vực như luật pháp, y học, và mục sư. Nhưng những công việc hiện nay trong nghề làm báo, quảng cáo, kinh doanh địa ốc, và nhiều công việc khác cũng được gọi là nghề chuyên môn. Không có một sự phân biệt rõ ràng nào đó giữa một nghề chuyên môn và một công việc bình thường sao? Sự phân biệt đó nằm trong chuẩn bị về học vấn, một quy tắc đạo đức, hay một điều gì khác chăng?

R.W.H.

R.W.H. thân mến,

Trong cách sử dụng phổ biến từ “chuyên nghiệp” chỉ được áp dụng với những ai thể hiện năng lực đã được thử nghiệm để thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Theo nghĩa này thì từ này chỉ là đồng nghĩa với từ “lành nghề”. Nhưng theo nghĩa gốc và sâu hơn của thuật ngữ này, thì một người chuyên nghiệp là người làm việc lành nghề để đạt được một mục đích xã hội hữu dụng.

Nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh R.H. Tawney (1880-1962) đưa ra một định nghĩa rất bao quát về một nghề nghiệp khi ông nói: “Nó là một tập thể những con người thực hiện công việc của họ theo những luật lệ đã được thiết lập để củng cố những tiêu chuẩn nào đó vừa nhằm bảo vệ tốt hơn những thành viên của nó vừa để phục vụ công chúng tốt hơn.”

Từ lâu người ta đã công nhận rằng những hoạt động nào đó cần thiết để bảo vệ xã hội đòi hỏi một nỗ lực có tổ chức hay có phối hợp từ phía những con người có kiến thức hoặc kỹ năng đặc biệt. Để thỏa đáp nhu cầu này, những nghề chuyên môn truyền thống đã phát triển. Nghề lâu đời nhất trong các nghề này có lẽ là nghề quân sự. Những nghề chuyên môn khác có lịch sử lâu đời là những nghề được công nhận từ xưa đến nay về luật pháp, thần học, y học, và sư phạm.

Trong mỗi nghề này, xã hội có được một ích dụng cơ bản nào đó từ công việc của các thành viên theo nghề đó. Mục tiêu chi phối của nghề quân sự là việc bảo vệ nhà nước. Nghề thuộc về luật pháp phục vụ chính quyền của xã hội. Nghề y nhắm vào việc bảo vệ sức khỏe; nghề dạy học nhắm vào việc phổ biến kiến thức. Dĩ nhiên có những nghề khác mới phát sinh gần đây, nhưng vẫn theo những nguyên tắc đó. Mỗi nghề đều được định nghĩa bằng mục tiêu cao quý mang tính xã hội mà nó phục vụ.

Những hoạt động chuyên môn khác biệt hẳn với những hình thức công việc khác không chỉ bởi mục tiêu chúng phục vụ mà còn bởi cách mà người chuyên nghiệp gắn bó vào công việc của họ. Trong thương mại, công nghiệp hoặc dịch vụ, mỗi người thường làm việc cho người khác. Nhưng trong một đạo quân đang tham chiến, thì viên binh nhì không làm việc cho viên đại úy, hay viên đại úy làm việc cho viên tướng. Mà tất cả cùng làm việc với nhau để chiến thắng. Tương tự, trong một bệnh viện, y tá và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm không làm việc cho bác sĩ phẫu thuật. Tất cả cùng làm việc với nhau vì bệnh nhân.

Các thành viên của một ngành nghề chuyên môn thường tán thành một quy tắc đạo đức quy định công việc họ sẽ được thực hiện như thế nào trong xã hội. Quy tắc đạo đức này thiết lập chuẩn mực để đánh giá các thành viên của nó. Ví dụ, không chỉ do phép lịch sự thông thường mà các bác sĩ không thảo luận cách chữa trị cho bệnh nhân với những người khác. Nó là một nguyên tắc hành nghề y. Nó được nêu ra lần đầu tiên trong Lời thề Hippocrates nổi tiếng:

“Bất kể điều gì liên quan đến việc hành nghề chuyên môn của tôi, hoặc không liên quan đến nó, tôi thấy và nghe, trong cuộc sống con người, mà không được nói ra ngoài, tôi sẽ không tiết lộ, vì biết rằng tất cả những điều đó phải được giữ bí mật. Chừng nào tôi còn tiếp tục giữ cho lời thề này không bị vi phạm, tôi sẽ được tất cả mọi người, trong mọi thời đại kính trọng, được hưởng cuộc sống và công việc hành nghề cao quý này! Nhưng nếu tôi vượt giới hạn và vi phạm lời thề này, tôi sẽ nhận lãnh điều ngược lại!”

Dù những người có nghề chuyên môn, giống như những người khác, thường phải kiếm sống, nhưng giá trị công việc của họ không được đo bằng số tiền họ kiếm được. Sự đền bù cho họ thường đến như hệ quả tự nhiên cho việc thực hiện dịch vụ chuyên môn của mình. Nên do đó sự đền bù cho họ thường được gọi là “phí” hoặc “thù lao”, hơn là “tiền công” hay “lương”. Điều đó lý giải việc các bác sĩ và luật sư thường chấp nhận những vụ việc không tính thù lao.

Tawney nhấn mạnh vào điểm này. Đối với ông thực chất của một nghề chuyên môn

… là rằng, dù con người bước vào nghề đó vì lý do sinh kế, thì thước đo thành công của họ là dịch vụ mà họ thực hiện, chứ không phải những lợi lộc mà họ tích lũy được. Họ có thể, như trong trường hợp của một bác sĩ thành công, giàu lên; nhưng mục đích của nghề chuyên môn của họ, vừa vì chính họ vừa vì công chúng, không phải là kiếm được nhiều tiền, mà là đem lại sức khỏe, hoặc sự an toàn, hoặc kiến thức, hay luật pháp tốt. Họ hành nghề đó để có thu nhập, nhưng họ không cho rằng bất cứ hành vi nào làm tăng thu nhập của họ đều là tốt đẹp vì lý do đó”.

Nói cách khác, đặc điểm cơ bản của một nghề chuyên môn là sự tận tụy của các thành viên trong nghề đối với dịch vụ mà họ thực hiện.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: