Tìm hiểu bản chất của ý thức

11:55 SA @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười, 2005

Từ khi loài người hình thành, tiến hóa, biết lao động kiếm sống, ý thức phát triển song song với khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều triết thuyết của phương Đông và phương Tây bằng con đường minh triết và duy lý, về quá trình phát sinh của ý thức.

Ở Việt Nam có công trình của triết gia Trần Đức Thảo về ý thức được đánh giá cao bằng giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên bản chất của ý thức là gì thì đến nay vẫn còn là vấn đề tồn tại cần được làm sáng tỏ. Phải chăng tùy theo cách nhận thức vấn đề này mà các triết gia xếp thành hai chiến tuyến đối lập - duy tâm và duy vật?

Tuy nhiên từ lâu, dù thuộc ý thức hệ nào người ta cũng sẵn sàng tin rằng ý thức, cảm xúc có sức mạnh vật chất to lớn. Sự khác nhau còn lại phải chăng là ở chỗ có người coi ý thức là phi vật chất, họ vạch đường ranh mơ hồ nhưng dứt khoát giữa hai thế giới vật chất và tinh thần? Có lẽ vấn đề nan giải này chưa thể làm sáng tỏ chừng nào khoa học chưa có khả năng khám phá đến cùng cấu trúc của vật chất. Các nhà y học quan tâm đến vấn đề này có lẽ không phải vì muốn biến thành các nhà triết học, từ bỏ việc chữa bệnh cứu người, để tham gia cuộc tranh luận về ý thức hệ. Ở phương Đông đã nhiều thế kỷ nay, nếu không muốn nói nhiều thiên niên kỷ, nhiều vấn đề về y lý, chẩn đoán và điều trị đã được ứng dụng có ích cho nhân loại, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tiễn như thuyết âm dương, châm cứu, bấm huyệt, năng lượng sinh học, điều trị từ xa... Một loạt vấn đề khác cũng chưa được giải thích bằng nguyên lý của khoa học chính thống hay bằng lý luận y học phương Tây.

Sự sống vẫn tiếp tục, khoa học phải phát triển, như dòng suối mạnh chảy liên tục. Điều gì phải đến đã đến.

Từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay đã xảy ra những cuộc cách mạng vĩ đại trong các ngành khoa học cơ bản như Vật lý học, Sinh học và các ngành khoa học khác như Vật lý lượng tử, Cận tâm lý học, Tin học, Vi điện tử, Công nghệ sinh học cao... Trên cơ sở khoa học kỹ thuật phát triển ấy đã đến lúc có thể đặt ra tham vọng tìm hiểu bản chất và vai trò của những cấu trúc vô hình và khung năng lượng của cơ thể con người. Cùng với cơ thể vật lý chúng tạo nên ý thức, tính cách, các khả năng đặc biệt của con người ở trình độ tiến hóa ngày nay.

Ngành Sinh - Y học quan niệm rằng ý thức là sản phẩm của não bộ, nói chi tiết hơn, ý thức là sản phẩm “cơ - hóa - điện” của “thân thể + não + hệ thần kinh” (Body + Brain + Nervous system, gọi tắt là BBNS). Nhưng chắc chắn không phải theo kiểu mật là sản phẩm của túi mật, tinh trùng là sản phẩm của tinh hoàn, khi người chết thì mật và tinh trùng đầu chết, BBNS chết thì ý thức cũng chết. Các công trình nghiên cứu khoa học Cận tâm lý đã chứng minh bằng thực chứng rằng sau khi thể xác chết phần ý thức - tinh thần vẫn tồn tại ở một dạng khác, ở một nơi khác. Các thành tựu của Vật lý lượng tử của Einstein, Planck, Bohr, Heisenberg đã cho phép đi đến quan niệm mới về cấu trúc của vật chất khác với quan niệm của vật lý cổ điển dẫn đầu bởi Newton. Theo vật lý hiện đại, dưới đơn vị nguyên tử của vật chất còn có hàng loạt các đơn vị cấu trúc nhỏ hơn như electron (10-5m), Hadron (10-8m) với thuộc tính hai mặt - sóng và hạt, khi thì hữu hình, khi thì vô hình. Các nhà vật lý cũng giả thiết rằng cấu trúc hạt nguyên tử với kích thước khoảng 10-33m là cơ sở vật chất của năng lượng sinh học.

Lượng tử ánh sáng (quang tử photôn) không có khối lượng, không có kích thước, phát tán trong không gian với tốc độ ánh sáng. Tuy không nắm bắt được photôn nhưng sự tồn tại của chúng trong tự nhiên thì không phải bàn cãi nữa. Trường lượng tử và cơ thể vật lý là hai thực thể song song tồn tại và liên quan chặt chẽ với nhau.

Các hiện tượng trong trường lượng tử vô hình. Do đó các nhà vật lý lượng tử rút ra những điểm tương đồng giữa trường lượng tử và ý thức. Nếu không có trường lượng tử thì các cơ chất như nguyên tố hóa học, electron không thể tồn tại. Cũng như vậy, thân thể người ta không phải là một đống vật liệu đạm, đường, mỡ, khoáng, vitamin... tự sắp xếp lại thành hình hài con người, mà điều đó chỉ có thể xảy ra trong trường lượng tử, kể cả các hoạt động sống và tư duy. Các khái niệm như xung động, năng lượng, điện tích, từ trường, tần số, sóng, hạt, chiều dài làn sóng, v.v... đều chỉ là những danh từ quy ước do ý thức con người đặt ra để lập một trật tự trong cái hỗn mang của cơ man thực thể quanh ta.

Như vậy có sự liên hệ hữu cơ giữa vật chất và ý thức, giống như giữa vật chất và năng lượng.

Có cái gì chung giữa phân tử vật chất và ý thức?

Ý nghĩ và cảm xúc giống với các hiện tượng trong thế giới lượng tử ở chỗ tất cả chúng đều vô hình và đều không thể nắm bắt được, mặc dầu chúng là vật chất, khi tồn tại ở dạng hạt, khi thì ở dạng sóng. Các nhà vật lý lượng tử châu Âu đến với ý tưởng tạo mô hình ý thức, vốn dĩ là đối tượng siêu hình, gọi là “mô hình năng lượng - thông tin” dựa trên các tiến bộ khoa học hiện đại của Vật lý lượng tử, Nhiệt động học, Sinh học, Toán học... Tuy nhiên cấu trúc mô hình ý thức không tránh khỏi ít nhiều tính siêu hình. Để biện minh điều này nhà vật lý lượng tử hàng đầu M.Planck nói: “Khoa học không thể không hàm chứa trong bản thân nó một phần siêu hình”. Còn Toshiko Izutsu (Nhật) thì thừa nhận trong chiều sâu của ý thức, ở phía bên kia của sự vật, tồn tại một cơ sở căn bản phi hiện tượng, siêu hình... (xem SK&ĐS, Xuân Ất Dậu, tr.60).

Chung quy sự sống được hiểu là sự tích lũy không ngừng các thông tin, mà nguồn tạo ra thông tin chính là ý thức. Thông tin được chuyển tải bằng năng lượng. Theo Viện nghiên cứu cơ khí chính xác quốc gia Nga ở St.Peterburg cơ sở của thông tin là “trường xoắn” (Torsional field). Bằng những công cụ tân kỳ các nhà khoa học Nga đã đo lường được “trường xoắn”, cũng như chứng minh được vai trò quyết định của nó trong khả năng ngoại cảm của con người. Các tính năng quan trọng của “trường xoắn” là tác động xa, với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng.

Như vậy, “thông tin - ý thức”, “năng lượng - vật chất”, là những hòn đá tảng xây nên vũ trụ và đồng thời là những biểu hiện cơ bản của các tính năng của tạo hóa.
Trong một hệ thống sống như cơ thể con người bao giờ cũng giàu tính thông tin, nghèo năng lượng, cuối cùng chuyển sang giai đoạn tinh thần của sự sống.

Theo Viện sĩ Nga Mundasep tác giả cuốn “Chúng ta thoát thai từ đâu” (NXB Thế giới -2002, Hà Nội) Sambala trong lòng núi Hymalaya là nơi có những Xo-ma-chi. Họ là những tu sĩ đến từ Ấn Độ, Nepal. Bằng cách thiền định sâu sắc, nhờ năng lượng tinh thần, quá trình trao đổi chất trong thân thể họ hạ xuống điểm 0, thân xác họ trở nên bất động, rắn như đá (stone still state). Có người sau một thời gian dài tính bằng tháng, bằng năm, trở lại trạng thái bình thường. Có người mãi mãi tồn tại ở trạng thái ấy. Có lẽ hai vị sư “tượng táng” tại chùa Dâu nước ta, mà chúng ta được hân hạnh chiêm ngưỡng ngày nay, thuộc về số Xo-ma-chi ấy chăng? Lúc đó cơ thể vật lý sẽ không đóng vai trò nữa. Ý thức - phần chính của linh hồn - chuyển sang một thế giới vật chất khác - thế giới tế vi - để thực hiện chức năng bảo tồn tính cá thể của một con người trong vũ trụ mà có thời đã sống trên mặt đất.

Trong thế giới vật chất có thể xảy ra hiện tượng chuyển pha. Hãy chú ý quan sát một cục nước đá nằm trong đĩa đặt ở nhiệt độ phòng. Cục nước đá chảy thành nước. Nếu cứ để nguyên nước ấy tại chỗ thì nước sẽ mất đi do bốc hơi. Hơi đi đâu mà ta không thấy? Hơi ở trong không khí trong phòng kín. Trong phòng có một ống kim loại dẫn nước lạnh. Trên bề mặt của ống người ta thấy xuất hiện những giọt nước ngưng tụ. Thu nước ngưng tụ vào đĩa rồi đặt đĩa vào ô đá tủ lạnh thì ta sẽ thấy một cục đá tái xuất hiện trong đĩa. Thì ra cục nước đá không mất đi, chỉ trải qua một số pha chuyển tiếp: đá -> nước -> hơi nước -> đá. Mắt ta chỉ nhìn thấy một số pha và không thấy một số pha khác.

Trạng thái ý thức có thể biến đổi. Khi ý thức biến đổi sang một trạng thái khác thì con người tiếp nhận thế giới xung quanh một cách khác. Chẳng hạn trong khi ngủ trạng thái ý thức biến đổi người ta thấy thế giới xung quanh một cách khác thường trong giấc mơ mà ở đó không gian nhiều hơn 3 chiều. Thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai xảy ra cùng một lúc...

Các nhà tu hành trong khi thiền định, các nhà Yoga, có thể chủ động làm biến đổi trạng thái ý thức của mình một cách sâu sắc, đưa ý thức lên một tầng cao khác với người thường. Khi ấy họ có khả năng tiếp nhận vũ trụ, thế giới xung quanh một cách khác, họ có những khả năng đặc biệt khác với người thường.

Điều tương tự cũng xảy ra với người mộng du. Tất cả điều đó là hiện thực, không phải dị đoan.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Liệu bản chất con người có thay đổi theo thời gian không?

    19/07/2018Nhiều hệ tư tưởng đã đưa ra ba câu trả lời chính cho câu hỏi về tính bất biến hay không đổi của bản chất con người. Đầu tiên là quan điểm truyền thống cho rằng con người về cơ bản thì giống nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan điểm này, một loạt những đặc điểm về thể chất và trí tuệ tạo thành bản chất đặc trưng của con người không thay đổi và sẽ không thay đổi chừng nào con người vẫn là con người và không phải là loài sinh vật khác. ...
  • Mun-Đa-Sép, chiếc cầu nối giữa khoa học và huyền học

    12/10/2005Trần Trung PhượngTừ trước tới nay, trong quan niệm của nhiều người, khoa học và huyền học (Mystique hoặc Mysticisme) là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt thậm chí đối lập lẫn nhau. Một bên thuộc lĩnh vực lý trí đòi hỏi phải có sự phân tích chứng minh và dựa trên một nền tảng thực nghiệm vững chắc và một bên lại đề cao thứ cảm thức có tính chất trực giác, bí nhiệm về một loại đối tượng không hoặc khó có thể xác định bằng bất cứ một phạm trù khoa học nào. Thậm chí, từ một quan điểm thuần lý và cực đoan, có ý kiến cho rằng huyền học là một biến tướng của chủ nghĩa duy tâm ngu dân, một loại tàn dư của mê tín dị đoan từ thời xa xưa...
  • Một cuộc ra đời lần thứ hai

    27/09/2005Phạm ToànTrước hết, cần tìm một định nghĩa cho tâm linh. Xưa nay khái niệm ấy dùng một cách mù mờ, chân tình và cơ hội, trắng đen vàng thau để lẫn lộn. Thành thử có khi tôn vinh tâm linh mà thành hạ thấp nó. Còn trong nhiều trường hợp tâm linh trùng với đồng cốt phong thuỷ...
  • Nhân học triết học hiện đại với vấn đề tồn tại người

    12/09/2005Đỗ Minh HợpTriết học thế kỷ XX đã trôi qua dưới khẩu hiệu "sự phồn vinh của nhân học". Những biến đổi trong cách tiếp cận nghiên cứu con người đã gắn liền với sự hình thành nhân học triết học. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ, là chiếc chìa khoá để mở ra mọi vấn đề...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • Giữa con người và con vật khác nhau ở điểm nào?

    21/07/2005Từ thời Darwin, quan điểm ngược lại đã trở nên phổ biến, không chỉ giữa các nhà khoa học, mà cả trong các tầng lớp học thức nói chung. Học thuyết của Darwin về nguồn gốc con người cho rằng con người và loài vượn người đã thừa hưởng từ một dạng tổ tiên chung; và cùng với quan điểm về nguồn gốc tiến hóa của con người này là quan điểm cho rằng con người và những loài động vật có vú cao cấp chỉ khác nhau về mức độ. ...
  • Tâm linh – bản thể con người

    09/07/2005Nguyễn KiênTrong đời sống con người, thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí và tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, là cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn (hướng thượng), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh.
  • xem toàn bộ