Tiền! đâu là ranh giới giữa sự tha hóa và sức bật?

07:56 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Sáu, 2014

Một khi cơ chế hoạt động kinh tế - tài chính của nền giáo dục (GD) không minh bạch và thiếu khoa học thì hậu quả nhận được sẽ khôn lường. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tính công bằng xã hội trong GD bị triệt tiêu và trên hết nó sẽ làm chậm lại sự phát triển của nền GD, dù chúng ta có trong tay hàng núi tiền! – Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà nghiên cứu GD...

Giữa vô vàn thông tin về những mảng tối trong GD vừa qua - với tôi dù không lạ lẫm gì, cũng khiến lòng mình hụt hẫng - cho nên, khi đọc được “Bài học dưới cờ” của đồng nghiệp Tuổi Trẻ, tự dưng thấy xúc động lạ thường.

Chuyện kể rằng: em Trần Phú Tài học sinh lớp 7A7 Trường Lương Thế Vinh (quận 1), bố mẹ là công nhân nghèo nên không đủ tiền học bán trú, mỗi ngày em chỉ có 5.000 đồng để vừa ăn sáng lẫn ăn trưa ngoài phố, chiều lang thang trong trường ôn tập bài vở chờ cha mẹ đi làm xong đón về.

Trong những trưa không ngủ ấy, Tài đã cặm cụi đi nhặt những bao nylon, lá rụng ở sân trường bỏ vào thùng rác.Bắt gặp cảnh này, thầy hiệu trưởng thấy lạ, gọi em lại hỏi thăm, Tài trả lời nhẹ nhàng: “Ăn cơm xong, con không biết làm gì nên lượm rác để trường mình sạch đẹp hơn”. Việc làm của Tài đã được thầy hiệu trưởng tuyên dương trước toàn trường và quyết định cưu mang em được học bán trú tại trường.

Còn đó, rất nhiều những tâm hồn đẹp của học sinh, là tình thương của người thầy – điều đã giúp đại bộ phận thầy cô và học trò của họ luôn đứng vững giữa những phong ba bão táp của cuộc đời.

Song, nó cũng là nỗi xót xa về cảnh sống cơ hàn của một bộ phận học trò sinh ra trong “cửa nhà nghèo”, mà tỷ lệ này không hề nhỏ trong bối cảnh nước ta hiện nay.

Khi tôi kể câu chuyện này với GS.TS Hoàng Xuân Sính, bà có vẻ buồn: “Thế đấy, tôi vẫn tin rằng các thầy cô và học trò của chúng tôi, hầu hết là tốt, trong sáng. Còn, có chuyện tiêu cực ở nơi này nơi kia chỉ là một bộ phận nhỏ, họ đã không cưỡng được trước sức ép của danh và lợi”.

Nói vậy, song bà cũng tỏ ý lo ngại: “Đến cái thành trì đạo đức của GD mà cũng đang dần bị đồng tiền phá vỡ, quả thật đã đến lúc các nhà lãnh đạo nền GD phải suy nghĩ “thấu tình đạt lý”, đề ra cho được một quyết sách hòng chặn đứng dòng chảy tiêu cực này”.
Cùng làm ngơ để cùng... tồn tại!?

Những ngày qua, rất nhiều thầy cô giáo phổ thông đến đại học khi gặp chúng tôi đều nhắc đến sự tổn thương không gì bù đắp được, khi mặt trái của GD đã bị phơi bày trước xã hội: “các em học sinh sẽ nghĩ gì về người thầy hôm nay!”. Thậm chí có thầy đã thảng thốt: một khi không còn “tôn sư” nữa, liệu các em học trò có còn “trọng đạo học”! – Cớ sự nào đã đẩy GD vào tình cảnh hôm nay?

GS.TS Hoàng Xuân Sính đã không ngần ngại đúc kết: “Đó là cả một quá trình chúng ta cùng làm ngơ cho nhau để… cùng tồn tại! Từ những năm 1980, kinh tế đất nước khó khăn, GD cũng vậy, lương thầy cô không đủ sống ở mức tối thiểu, nhiều giáo viên (GV) phải làm bánh rán, rang lạc từ 2 giờ đến 5 giờ sáng để bỏ mối ở các cửa hàng.

Những công việc này đã lấy đi sức khỏe và thời gian dành cho việc chăm chút bài giảng của người thầy. Đó cũng là một dạng tiêu cực về thời gian, nhưng mọi người có thể chấp nhận. Khi đời sống khá lên một chút, những người có tiền cho con đi học thêm, người thầy bỏ chuyện lao động chân tay sang lao động trí óc: dạy thêm.

Biết lương thấp, chúng ta làm ngơ cho mọi người tự cứu vãn… cuộc đời của họ. Các viên chức ngành khác “tự cứu vãn” không ai thấy, nhưng người thầy làm gì thì ai cũng thấy, vì GD liên quan tới mọi gia đình.

- Nhưng những tiêu cực vừa qua lại cũng đã rơi vào các GV, nhà quản lý đời sống khá giả, bà lý giải sao?

- Chính vì cái tinh thần “tự cứu vãn” ấy, ngành GD từ lâu đã thiếu nghiêm minh trong tất cả các hoạt động. Khi người ta tiếp xúc với đồng tiền thiếu minh bạch ở mức độ nhỏ thì cũng dễ dàng… một bước sang thiếu minh bạch lớn mà thôi!

- Vậy, theo bà đâu là lối ra?

- Trong phạm vi ngành GD, điều tiên quyết là phải nghiêm minh trong tất cả mọi hoạt động. Sau đó, là tiền lương người thầy phải được cải thiện. Tôi tin rằng với ngân sách GD hiện nay (bao gồm ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân), nếu ngành có những cơ chế kiểm soát tốt, bài trừ được sự lãng phí và tham nhũng, cũng đủ tăng phần nào đó lương cho thầy.

- Có những ý kiến cho rằng lương thấp là tình trạng chung của viên chức nhà nước?

- Tỷ trọng “kinh tế ngầm” ở Việt Nam rất lớn. Người thầy khó có những hoạt động như vậy. Đa số thầy cô không đến mức “bụng đói đầu gối phải bò”. Nhưng đồng lương hiện nay rõ ràng không đủ mức tối thiểu cho người thầy dạy học tận tụy và có chất lượng. Rồi tiền đâu cho những phương tiện phục vụ việc nghiên cứu cải tiến giảng dạy dù ở mức tối thiểu như vi tính, internet…!

GS Hoàng Tụy cũng đã phải kêu lên: Lương như vậy mà sống được mới lạ! Còn GS Tương Lai đặt thẳng câu hỏi: Liệu đã có ai làm một khảo sát nghiêm cẩn để đưa ra con số chính xác về lương, về thu nhập và mức sống của những cô thầy giáo đang âm thầm, nhẫn nại dạy học trên cả nước ? Có bao nhiêu sống ung dung, sung túc, bao nhiêu đang gieo neo cùng cực ? Và về tiêu cực thì, tỷ lệ bao nhiêu giữa “sâu” và “người”?

Tiền có tạo ra “sức bật” cho giáo dục?

Tôi cứ bần thần mãi về bữa cơm trưa với cá vụn ngoài chợ, về buổi trưa lang thang sân trường của cậu học trò Nguyễn Phú Tài, trong khi các bạn cùng trường có tiền được ăn ngủ tại những phòng học sạch mát.

Nếu không có cuộc gặp tình cờ với thầy hiệu trưởng, để cuộc sống của em ít ra cũng có bước ngoặt thuở học trò, liệu rằng lâu dài chuyện gì sẽ xảy ra trong ý nghĩ non nớt của em? Điều này có hệ lụy gì với đánh giá của Hội nghị Tư vấn các Nhà Tài trợ cho Việt Nam: Ở Việt Nam, trẻ em nghèo được dạy dỗ ít hơn so với trẻ em giàu, tỷ lệ trẻ học THPT giữa nhóm nghèo nhất và giàu nhất là 4/1; Không chỉ trẻ nghèo thất học cao, mà ngay cả trẻ nghèo còn được đến trường thì sự hưởng thụ chất lượng GD cũng thấp hơn trẻ giàu. Mức độ bất bình đẳng trong GD đại học đã lên đến con số 20 lần.

Nguyên nhân của tình trạng trên? Các nhà tài trợ cho VN nhấn mạnh: chính tình trạng dạy thêm học thêm cũng đẩy trẻ nghèo ra khỏi lớp; vì với điều kiện học tốt hơn, nên trong các kỳ thi tuyển trẻ giàu dễ dàng chiếm được chỗ tốt trong trường công lập; và chính Hội phụ huynh học sinh chỉ giới hạn trong người giàu có và thế lực, chủ yếu để thu tiền hơn là bảo vệ quyền lợi HS, cũng góp phần đưa trẻ nghèo… ra khỏi lớp!

GS Phạm Phụ còn cho đó là do chính sách thu học phí thiếu khoa học! ông nhấn mạnh: “Học phí ở ĐH hiện nay như không tính gì đến chi phí hợp lý, cũng như chính sách của nhà nước đối với các loại ngành nghề khác nhau.

Việc thu học phí thấp và đều: “Kết quả thực là bất công: Tất cả mọi người phải đóng thuế để bao cấp cho con nhà giàu” (Theo Economist, 9-2005). Ông nói: “Việt Nam không hề có một chuyên gia thực thụ nào về kinh tế GD. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha chẳng hạn, có cả một Hiệp hội những chuyên gia nghiên cứu về kinh tế GD”.

GS.TS Hoàng Xuân Sính cũng băn khoăn: “Chỉ riêng việc làm cho rõ 2 loại hình ĐH: ĐH không vị lợi và ĐH vị lợi, để dễ quản lý về mặt kinh tế tài chính, mà mãi chưa có sự thống nhất giữa các bộ và các cấp chính quyền địa phương với Bộ GD-ĐT!”.

Rõ ràng, khi GD Việt Nam vận động từ trạng thái của nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, một bộ phận của GD đã trực tiếp chịu sự chi phối của thị trường, nhưng các nhà quản lý GD đã không kịp thời chuyển đổi cơ chế quản lý phù hợp với thời cuộc.

Hàng trăm cuộc xuất ngoại của các nhà quản lý GD các cấp để nghiên cứu, học tập các nền GD trong kinh tế thị trường; và các chuyến xuất ngoại ấy, hầu hết là “cưỡi ngựa xem hoa”. Cuối cùng, nền GD VN bung ra theo cơ chế thị trường một cách chắp vá, thiếu định hướng rõ rệt, quan trọng hơn cả là thiếu hẳn một tầm nhìn về cơ chế quản lý kinh tế của nền GD.

Trong khi đó, những năm gần đây, nhà nước và nhân dân đã đóng góp cho ngân sách GD tăng gấp vài lần, nhưng chỉ nhận được những ta thán ngày càng nhiều! Điều này cho thấy, có tiền mà không sử dụng tốt, thì sẽ dẫn đến sự tha hóa không lường trước được của đội ngũ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bảy bước tới tha hóa

    16/06/2020Vương Trí NhànKhi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa...
  • Chỉ nghĩ đến tiền cũng làm người ta ích kỷ

    14/12/2017Chỉ cần một ý nghĩ về tiền bạc cũng biến một con người trở nên ích kỷ, làm cho người đó ít sẵn lòng giúp đỡ người khác hơn và chỉ thích "độc lập tác chiến"...
  • Những suy nghĩ của tôi về tiền và sự giàu có

    21/10/2016Nguyễn Tất ThịnhGiàu có trong sự nghèo khó của người khác, trong sự lụi bại của xã hội thì cái sự giàu có đó rất không yên ổn...
  • Người ta nghèo đi có thể là vì tiền

    12/04/2015Nguyễn Tất ThịnhĐã từ rất lâu người ta biết rằng Tiền là cực kì quan trọng, là thước đo của giá trị trong sự trao đổi của thị trường, dường như là cái có thể mua được mọi thứ đến cả Tiên cả Phật, làm người ta mạnh bạo lên…
  • Có những thứ quan trọng hơn tiền

    08/08/2014Điều gì khiến một người có mức lương gần 4 triệu USD mỗi năm từ bỏ công việc để nhận mức lương mới thấp hơn 20 lần? “Phụng sự đất nước”. Đó là câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson với sinh viên ở Hà Nội.
  • Nghịch lý tiền lương

    11/05/2006Nguyễn Vạn PhúNếu như cách đây 10 năm, mức lương 1.500 USD Mỹ/tháng cho người trong nước là rất hiếm hoi, chủ yếu ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì nay mức 3.000 USD, thậm chí 5.000 USD không phải là ít, ở ngay công ty trong nước. Trong khi đó, lương phổ biến của công nhân trước đây 10 năm chừng 700.000 đồng, bây giờ giỏi lắm cũng chỉ trên 1 triệu/tháng...
  • Tự phong “trường chất lượng cao” để thu tiền cao

    13/01/2004Kim LiênTT - Thoạt đầu, mô hình trường “trọng điểm chất lượng cao” (TĐCLC) ở TP.HCM được hình thành để thay thế các trường chuyên cấp THCS, thực chất là hình thức “bình mới rượu cũ”. Nhưng không chỉ dừng lại đó, mô hình này còn được “nở rộ” ở các cấp học khác, và trở thành những trường có nhiều “điều tiếng” nhất trong mỗi đầu năm học...
  • Tôn vinh thầy cô bằng... tiền bạc?

    20/11/2003Nguyễn Anh DânGần đây, cứ đến tháng 11, nhiều cửa hàng lại tung ra những món quà độc đáo. Có những món quà mà người thu nhập thấp không bao giờ dám mua vì giá của chúng bằng cả tháng lương. Vậy thì ai là người mua những món ấy? Chắc chắn là những phụ huynh hoặc học sinh giàu có. Họ mua để tặng thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN 20-11.
  • Tiền học đang là một vấn đề gay gắt

    11/02/2003Trong khi trao đổi, nhìn nhận những tiêu cực của ngành giáo dục hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc tùy tiện "làm" phụ thu của các trường sở là một khâu đáng kể, góp phần tạo nên cái bè trầm của bản bi ca về giáo dục lúc này, riêng tôi, có một vài nhìn nhận khác nữa, xin thẳng thắn nêu trong dịp trao đổi này, về cả những cái gọi là "chính thu" xem những gai gợn của nó có đáng được uốn nắn lại hay không.
  • xem toàn bộ