Tiến sĩ Vũ Tông Phan: Người sáng lập hội hướng thiện đền Ngọc Sơn

07:21 CH @ Thứ Bảy - 21 Tháng Tư, 2018

Là người sớm đỗ đạt khoa bảng, nhưng tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851) không chọn con đường “tiến vi quan” để thực hiện chí nguyện. Từ quan về mở trường dạy học, đào tạo ra nhiều nhân tài và xây dựng một hội hướng thiện, một chốn văn hóa giữa đất Hà Thành – chốn đế đô xưa mới là sự nghiệp lưu danh muôn thủa kẻ sĩ Bắc Hà Vũ Tông Phan...


Chân dung tiến sĩ Vũ Tông Phan do họa sĩ Bảo Nguyên phục dựng năm 2001

.

Nôi văn hóa

NGƯT Vũ Thế Khôi – cháu 5 đời của tiến sĩ Vũ Tông Phan cho biết: Vũ Tông Phan sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời khoa bảng. Cụ nội là Vũ Tông Dao và ông nội là Vũ Tông Uyển đều đỗ cử nhân (Hương cống). Ông chú Vũ Tông Diễm đỗ tiến sĩ. Cha là Vũ Tông Cửu đỗ Tú tài rồi ở ẩn đi dạy học. Gia đình bên ngoại của Vũ Tông Phan cũng là một gia đình sĩ phu. Mẹ Vũ Tông Phan là bà Phạm Thị Đôi là con gái cụ Hương cống Hiến phó sứ Kinh Bắc. Cậu ruột Vũ Tông Phan là tiến sĩ Phạm Quý Thích, một danh sĩ thời Lê mà các vua Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng đều trọng dụng. Trong ba người em trai của Vũ Tông Phan thì có hai người là Vũ Như Thụy và Vũ Như Phác đều đỗ Tú tài và đều ngồi nhà dạy học ở “Mậu Hòa giảng thất” (làng Mậu Hòa nay thuộc Hoài Đức, Hà Nội).

Người dạy chữ khai tâm cho Vũ Tông Phan là cha ông. Tuy chỉ đỗ Tú tài và ở ẩn dạy học mà được gia phong Thọ quan và khi mất còn được triều đình cử người ra viếng. Nhưng người thầy dạy dỗ và truyền thừa tư tưởng cho Vũ Tông Phan chính là cậu ruột – người thầy của nhiều kẻ sĩ Bắc Hà – Tiến sĩ Phạm Quý Thích.

Từ quê hương Lương Đường (hay còn gọi là Hoa Đường, Lương Ngọc, nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), gia đình họ Vũ đã về sinh cơ lập nghiệp ở thôn Tự Tháp, phía Tây hồ Gươm. Nơi đây, vào đầu thế kỷ 19 từng hội tụ những chùm sao văn nhân nổi tiếng như Phạm Quý Thích, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Phạm Hội…

Chính truyền thống gia đình, nôi văn hóa gia đình, nôi văn hóa môi trường đã hun đúc dần nên con người của Vũ Tông Phan sau đó.

Với học vấn uyên thâm, năm Bính Tuất (1825), Vũ Tông Phan đỗ tiến sĩ. Tương truyền, đám rước vinh quy bái tổ của quan nghè Phan có đến 7 cờ biển vua ban.

Thế nhưng, làm quan mới có 7 năm, ở vào cái tuổi 33 đương sung sức, Vũ Tông Phan đã chán cảnh quan trường, từ quan về mở trường dạy học. Con đường hoạn lộ của Tiến sĩ Vũ Tông Phan có thể nói vắn tắt như sau: Năm 1827, sau một năm thi đỗ, Vũ Tông Phan nhận chức Tri phủ Bình Hòa (Khánh Hòa), sáu tháng sau về kinh cung chức. Năm 1829, được bổ làm Lang trung Bộ Binh (chức quan tứ phẩm). Tháng 8-1829 được bổ Tham hiệp Tuyên Quang rồi Tham hiệp Thái Nguyên. Tháng 4/1830 được bổ làm Tham hiệp Lạng Sơn nhưng chưa kịp nhận chức thì bị miễn chức. Tháng 11/1831, được giao làm Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh).

Trong văn bia dựng tại từ đường của Vũ Tông Phan năm 1873 do học trò Hoàng giáp quyền Thượng thư bộ Lại Nguyễn Tư Giản viết, nêu rõ về việc sớm bỏ đường quan trường của thầy: “Ôi việc đời tiên sinh đủ sức cáng đáng, nhưng đành lòng lẳng lặng lui về vui với cảnh mây nước sông hồ, thả thuyền ngâm vịnh, sống đến trọn đời không thay đổi chí hướng”.

Trường Hồ Đình

Nối chí thầy Phạm Quý Thích, tiến sĩ - danh sĩ Bắc Hà, nhiều học trò sau khi đỗ đạt làm quan một thời gian đã xin từ quan về mở trường dạy học. Hầu hết các trường được mở ven hồ Hoàn Kiếm. Nhiều trường của bè bạn và học trò sau đều đặt tên có chữ “đình”. Trường của tiến sĩ Vũ Tông Phan lấy tên là Hồ Đình. Trường Phương Đình của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, trường Chí Đình của tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, trường Dương Đình của tiến sĩ Ngô Thế Vinh, trường Liên Đình của danh sư Vũ Thạch Nguyễn Huy Đức, trường Thiện Đình của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng…

Quan điểm dạy học của tiến sĩ Vũ Tông Phan là đào tạo ra những kẻ sĩ giúp đời chứ không phải làm quan để vinh thân. Điều đó thể hiện trong tư tưởng “hành – tàng” của nhóm kẻ sĩ Bắc Hà. Phát huy được thì “hành” còn ngược lại thì “tàng”, lui về dạy học, đào tạo ra kẻ sĩ nối chí. Nhưng dù hành hay tàng thì vẫn tỏa rạng đi muôn phương. Có thể thấy rõ điều này qua lời văn của Vũ Tông Phan khi thác lời Văn Xương Đế quân gửi gắm trong mấy câu thơ giáng bút trên một văn bia: “Bảo kiếm tân ma bạch hiện quang; Tứ phương chiếu diệu nhậm hành tàng”. Nghĩa là: “Gươm báu mới mài ngời ánh sáng; Hành hay tàng vẫn rạng muôn phương”. Theo NGƯT Vũ Thế Khôi, ẩn ý trong câu thơ kể trên là chí khí của kẻ sĩ trong hội Hướng thiện như thanh gươm, dù đang hành động hay tàng ẩn nơi nào thì vẫn phải “mài mới” và “tỏa sáng” tức phát huy ảnh hưởng quanh mình. Quan niệm “hành – tàng” như vậy đã có bước tiến bộ so với quan điểm “xuất – xử” trước đó của nhiều nhà nho.

Từ trường Hồ Đình, hàng trăm nhân tài đã xuất hiện. Đáng kể nhất trong số học trò là: Trưởng tràng Nguyễn Tư Giản (người xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), đỗ Hoàng Giáp năm Giáp Thìn (1844); Hoàng giáp Lê Đình Diên; Phó bảng Phạm Hy Lượng. Và các cử nhân: Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng…

Sau khi tiến sĩ Vũ Tông Phan mất năm 1851, trường Hồ Đình được tôn tạo làm nhà thờ thầy. Năm 1873, tức là sau 22 năm, trưởng tràng Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản quyền Lại bộ Thượng thư đã soạn văn bia tưởng niệm thầy. Năm 1982, tấm bia được tìm thấy tại nhà thờ họ Vũ trên địa bàn phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nguyên do tấm bia lưu lạc như sau: Trường Hồ Đình xưa, nay chính là chỗ cây đa nằm trong khuôn viên báo Nhân dân. Sau khi Pháp chiếm Hà Nội đã lấy khu đất này làm Sở bưu điện và Sở tài chính thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương. Một thời gian sau trở thành dinh Phó Toàn quyền cho đến năm 1918, rồi Bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc Đông Dương cho đến 1954. Sau đó là trụ sở báo Nhân dân.

Tấm bia có tiêu đề “Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường ký” (Bài ký về nhà thờ cụ Vũ Lỗ Am). Tấm bia cho biết nhiều nội dung về thân thế, sự nghiệp, đức độ cũng như ruộng tế tự của tiến sĩ Vũ Tông Phan… Báo Nhân dân ra ngày 14-11-1982 có bài viết “Tấm bia đã từng soi bóng xuống Hồ Gươm” của tác giả Chí Kiên. Bài viết đề nghị dựng lại tấm bia ở dưới tán cây đa trong trụ sở báo Nhân dân. Nhưng sau đó nhiều người cho rằng dựng như thế không tiện.

Năm 2006, ông Vũ Đình Hòe – nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp đầu tiên của chính phủ - cháu 4 đời tiến sĩ Vũ Tông Phan dời nhà từ số 10 Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Tấm bia được gỡ xuống và định chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Đúng lúc đó, TS. Lưu Minh Trị - Phó Ban kỷ niệm 1000 năm Thăng Long biết chuyện bèn xin gia đình tấm bia cho Hà Nội để dựng vào đền Ngọc Sơn. Nguyện vọng này được gia đình họ Vũ chấp thuận. Vì đền Ngọc Sơn gắn với tên tuổi của tiến sĩ Vũ Tông Phan và Hội hướng thiện do cụ sáng lập. Sau đó, ông Vũ Đình Hòe có gặp ông Phạm Quang Long – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội và Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng TP Hà Nội Nguyễn Doãn Tuân.

Công việc tưởng chừng trôi chảy nhưng không hiểu sao đến nay vẫn… tắc. NGƯT Vũ Thế Khôi cho biết: Tấm bia không được dựng trang trọng trong nhà bia như đã hứa mà bị đem nhét vào một xó chật hẹp cạnh cửa “gian cụ rùa” không ai để ý. Nguyên giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Phạm Quang Long cho biết: Ông coi đó là một món nợ. Nhưng ông và ông Nguyễn Doãn Tuân không được quyết những việc này.

Sáng lập Hội hướng thiện

Bên cạnh việc dạy học, tiến sĩ Vũ Tông Phan và nhóm bạn gồm Nguyễn Văn Siêu, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Lý, Ngô Thế Vinh… còn sáng lập ra Hội Hướng thiện với trụ sở ở đền Ngọc Sơn. Đích thân tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn bài văn bia “Ngọc Sơn đến quân từ ký” năm 1843. Đền Ngọc Sơn được ông Tín Trai – người làng Nhị Khê nhường lại cho nhóm kẻ sĩ để cải tác thành một địa chỉ văn hóa. Hội Hướng thiện đã tu bổ đền Quan Đế, gỡ bỏ gác chuông, dựng đền thờ Văn Xương, tức đền Ngọc Sơn ngày nay. Việc tu sửa từ 1841 đến năm sau thì hoàn thành.

Hội Hướng thiện mang ý nghĩa hướng về điều lành, chú trọng đến việc tu dưỡng bản thân, đồng thời giúp nhau giữa những người trong vào ngoài hội, góp phần chấn hưng phong hóa cộng đồng.

Từ cơ sở Hội Hướng thiện sau này phát triển thành Thiện Đàn. Những nhân tài hậu sinh của tiến sĩ Vũ Tông Phan và kẻ sĩ Bắc Hà sau này trở thành những sáng lập và trụ cột của nhiều phong trào yêu nước như Đông Kinh Nghĩa Thục, mà tiêu biểu là cử nhân Lương Văn Can.

Đền Ngọc Sơn sau khi tiến sĩ Vũ Tông Phan mất được bè bạn xây dựng thêm tháp bút và đài nghiên. Và đến ngày nay trở thành nơi hội tụ văn hóa của thủ đô, trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam

    04/03/2019TS Chu HảoỞ nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa?
  • Tư tưởng giáo dục từ Hội hướng thiện Đền Ngọc Sơn đến Đông Kinh Nghĩa Thục

    24/07/2017NGƯT Vũ Thế KhôiNhân 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng tôi đã công bố báo cáo khoa học xác định đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm giữa thủ đô Hà Nội xuất xứ không phải ngôi đền Tam giáo hay Tam thánh như nhiều người nghiên cứu về Hà Nội khẳng định Thực ra, danh thắng này vốn là một trung tâm văn hoá-giáo dục lớn nhất tại Hà thành trong thế kỷ XIX, do một tổ chức văn hoá-xã hội phi chính thống đầu tiên trong lịch sử Nho lâm đất Việt là Hướng Thiện hội do Tiến sĩ Vũ Tông Phan đứng đầu...
  • Xã hội khôn ngoan biết khai thác tốt tài nguyên tinh thần

    06/07/2016Hoàng Hường thực hiệnXã hội khôn ngoan, sáng suốt, nhân văn thì biết bảo tồn, nâng niu, khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc mình và của cả nhân loại để làm giàu cho tâm hồn và cuộc sống của mình. Nếu không, thì mỗi con người, thậm chí là cả dân tộc chỉ tồn tại vơ váo đứt đoạn trên thế gian này.
  • Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

    08/09/2013TS. Chu HảoKhông ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!
  • Xã hội và văn hóa tri thức Việt Nam (Kỳ 4)

    07/12/2011TS. Trịnh Văn ThảoĐể đánh giá thân phận của Nho giáo trong
    xã hội Việt Nam từ lúc nó bắt đầu trở thành chính giáo (nghĩa là dưới
    triều đại Lê Thánh Tông), chúng ta theo Max Weber thử nhìn lịch sử tiến
    hoá của Nho giáo dưới ba khía cạnh:
    1. Sự nghiệp văn học của nho sĩ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến thời cận kim.
    2. Thân phận nhà nho nói chung trong xã hội Việt Nam thời cổ điển.
    3. Nho giáo trong văn hoá dân tộc miền đồng bằng sông Hồng cho đến thời thuộc địa...
  • GS. Vũ Đình Hòe - Từ sinh viên đại học Đông Dương đến Bộ trưởng của nước Việt Nam độc lập

    31/01/2011Minh ThưCụ Vũ Đình Hòe - vừa từ trần ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi (Cụ sinh năm 1913). Cụ Vũ Đình Hòe là trí thức lớn của dân tộc. Cụ là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 của Thủ đô Hà Nội...
  • xem toàn bộ