Không thể bỏ qua thực tế

09:40 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Mười, 2010
Nền kinh tế nước ta trong quá trình đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu lớn, chính là bắt nguồn từ sự giải thoát một bước tư duy khỏi những giáo điều từng được coi là nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế xã hội chủ nghĩa như xoá bỏ tư hữu, phủ nhận kinh tế thị trường, ưu tiên công nghiệp nặng một cách máy móc...

Một thay đổi lớn

Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển) chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XIcủa Đảng sẽ họp vào đầu năm 2011 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Cương lĩnh 2011) xác định một đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu"[1]. Như vậy, về đặc trưng này, dự thảo Cương lĩnh 2011 trở lại đúng như Cương lĩnh đã được thông qua tại Đại hội VII năm 1991 trước đây 20 năm (dưới đây gọi tắt là Cương lĩnh 1991) và khác với kết luận nêu trong Nghị quyết Đại hội X năm 2006 khi điều chỉnh nội dung Cương lĩnh 1991: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" [2].

Kết luận nêu trên của Đại hội X được hình thành trong quá trình soạn thảo Báo cáo chính trị và tiến hành Đại hội X, với những lập luận chính như sau :

Nói quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có nghĩa là không chỉ nhìn vào chế độ sở hữu mà còn bao quát cả cơ chế quản lý và chế độ phân phối. Mặc dù chế độ sở hữu có vai trò quyết định song không thể xem nhẹ tác động rất quan trọng của cơ chế quản lý và chế độ phân phối, như cuộc sống đã chứng minh. Thêm vào đó, chế độ sở hữu trong thời đại ngày nay không chỉ đặt ra đối với tư liệu sản xuất mà còn phải xem xét cả sở hữu trí tuệ với những đặc điểm khác với sở hữu tư liệu sản xuất và đang có vai trò ngày càng quan trọng gắn với sự phát triển kinh tế tri thức.

Quan hệ sản xuất như thế nào thì phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá? Câu hỏi này chỉ có thể tìm lời giải trong hoạt động thực tiễn, qua tổng kết tình hình thực tế, không thể suy diễn hoặc dựa vào những điều được coi như "nguyên lý" nhưng chưa được chứng minh trong cuộc sống. Chỉ có thể khẳng định một điều: quan hệ sản xuất được coi là phù hợp khi nó thúc đẩy chứ không kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất; sự phát triển ấy thể hiện trên nhiều mặt, đưa tới kết quả cuối cùng là quy mô, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế ngày càng tăng, tạo cơ sở không ngừng phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân một cách bền vững.

Có ý kiến cho rằng nói "quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất " thì không rõ ràng, thiếu tính xác định. Vì vậy, dự thảo Cương lĩnh 2011 khẳng định chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là một đặc trưng đồng thời là mục tiêu phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ và được thực hiện bằng phương thức đã đề ra lâu nay: "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân" [3]

Vai trò của kinh tế nhà nước

Kinh tế nhà nước hiển nhiên mang tính công hữu, song vai trò chủ đạo của nó là vấn đề cần được nhìn nhận đúng với thực tế. Đóng góp quan trọng của kinh tế nhà nước vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng như vào nguồn thu ngân sách là một sự thật được khẳng định không chỉ trong những năm qua mà cả trong thời gian tới. Điều quan trọng là chất lượng của sự đóng góp đó. Nghị quyết Đại hội IX năm 2001 nêu rõ: để thực hiện được vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước (là bộ phận chính trong khu vực kinh tế này) phải "giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật"[4].

Yêu cầu này được thực hiện như thế nào? Muốn có câu trả lời đích đáng, phải nắm được nguồn lực và sự hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Khi xem xét hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quan hệ so sánh với các thành phần kinh tế khác, cần chú ý tới những sự khác biệt có thể dẫn tới đánh giá không đúng thực tế.

Chẳng hạn muốn đánh giá đúng hiệu quả kinh tế-xã hội thì phải làm rõ hiệu quả ấy biểu hiện như thế nào, bằng những chỉ tiêu gì; khi tính tỷ suất lợi nhuận so với vốn thì cần lưu ý rằng vốn của doanh nghiệp nhà nước thưòng không được tính đủ, đặc biệt là không tính đến hoặc chỉ tính một phần giá trị đất sử dụng; khi đánh giá phần đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào ngân sách, không thể bỏ qua một điều là phần thuế khai thác tài nguyên và các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh thu, thuế xuất nhập khẩu...chiếm một tỷ lệ cao hơn hẳn các thành phần kinh tế khác.(Các loại thuế này thực chất là do người tiêu dùng gánh chịu khi mua hàng hoặc thụ hưởng dịch vụ).

Như vậy cần có đủ thông tin, số liệu mới đánh giá được, song cho đến nay vẫn chưa có quy chế báo cáo công khai đặt ra đối với các doanh nghiệp nhà nước, nên nhân dân được mang danh là chủ sở hữu đích thực của các doanh nghiệp này cũng không biết được sự thật. Việc thanh tra, kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, không được tiến hành kịp thời, chặt chẽ, nhiều khi bị cản trở.

Tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài, nợ đọng nhiều không trả được, vi phạm pháp luật, chỉ đến khi tới bờ vực đổ vỡ như trường hợp gần đây của Tập đoàn Vinashin thì thông tin mới được công bố một phần; những sai hỏng của tập đoàn này không phải là cá biệt trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, tuy mức độ ở các doanh nghiệp có thể khác nhau.

Những số liệu đã công bố cho thấy doanh nghiệp nhà nước nắm tỷ phần vốn (trong tổng số vốn của nền kinh tế) cao hơn nhiều so với tỷ phần đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước và tỷ phần lợi nhuận nộp ngân sách, chứng tỏ hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp hơn các thành phần kinh tế khác.

Sự tồn tại và phát triển của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ yếu là dựa vào khai thác lợi thế về độc quyền và vị trí chi phối đối với nhiều sản phẩm và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, tận dụng các ưu đãi của Nhà nước về điều kiện hoạt động, đặc biệt là sử dụng đất đai, vay vốn tín dụng... Những lợi thế và ưu đãi đó làm cho nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước sinh ỷ lại, không quan tâm nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, không coi trọng năng suất và hiệu quả; nguy hại hơn nữa là khiến cho môi trường kinh doanh của nước ta không bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp; do đó hạn chế động lực quan trọng nhất của kinh tế thị trường.

Vì lẽ đó, việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đi liền với cải cách hành chính được đặt thành trọng tâm của khâu đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020[5].

Kinh tế tập thể gồm những ai?

Về kinh tế tập thể, nghị quyết Đại hội X năm 2006 đề ra: "phát triển mạnh các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới"[6].

Trước đổi mới, các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, khi đã chuyển lên bậc cao, mang tính tập thể cả về sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu cũng như về tổ chức sản xuất, quản lý và phân phối. Các hợp tác xã kiểu mới theo luật hiện hành mang tính tập thể trong tổ chức sản xuất, quản lý và phân phối, song về mặt sở hữu có thuộc tập thể như hợp tác xã trước đây không?

Khi thành lập, vốn của hợp tác xã kiểu mới do các xã viên góp cổ phần; các cố phần này thuộc sở hữu của cá nhân xã viên trao cho tập thể quyền sử dụng, khi xã viên ra khỏi hợp tác xã thì được quyền lấy lại cổ phần đã góp. Chỉ đến khi hợp tác xã trích lợi nhuận kinh doanh lập quỹ của tập thể (thường gọi là quỹ không chia) thì quỹ này mới thuộc sở hữu tập thể. Vì vậy, không thể coi nguồn vốn ban đầu của hợp tác xã kiểu mới là thuộc sở hữu tập thể.

Thêm một sự khác biệt quan trọng nữa: nếu như hợp tác xã kiểu cũ xoá bỏ kinh tế hộ nông dân (chỉ còn duy trì bộ phận kinh tế phụ gia đình nhỏ bé) thì ngược lại, các hộ gia đình xã viên tham gia hợp tác xã kiểu mới vẫn là các đơn vị kinh tế tự chủ, tự nguyện góp vốn tham gia hợp tác xã để tổ chức làm tập thể những công việc mà từng hộ nông dân không làm được hoặc làm kém hiệu quả hơn (như thuỷ nông, trừ sâu, cung ứng vật tư, mua gom sản phẩm...).

Có ý kiến cho rằng các công ty trách nhiệm hữu hạn do một số người góp vốn và các công ty cổ phần đại chúng cũng thành lập và hoạt động trên cơ sở góp cổ phần như hợp tác xã nên phải coi là thuộc khu vực kinh tế tập thể. Về mặt sở hữu các tổ chức kinh doanh này rõ ràng là thuộc tư nhân, còn về cơ chế quản lý và phân phối, tuy cũng có vai trò của Hội đồng quản trị và đại hội cổ đông, song không thể bỏ qua đặc điểm rất quan trọng khác với hợp tác xã; đó là xã viên hợp tác xã không phân biệt cổ phần nhiều hay ít đều có quyền ngang nhau khi biểu quyết, còn các công ty vừa kể trên thì quyền quyết định phụ thuộc vào mức vốn nắm giữ và trên thực tế quyền ấy thường nằm trong tay một hoặc một số ít thành viên nắm số cổ phần chi phối.

Quan niệm về kinh tế tập thể đang còn ý kiến khác nhau, kể cả trong giới nghiên cứu kinh tế trên thế giới[7], song dù quan niệm rộng hay hẹp thì về mặt sở hữu cũng không thể coi hợp tác xã và các công ty nêu trên là thuộc chế độ công hữu. Ý kiến mở rộng kinh tế tập thể dường như muốn "nền tảng của nền kinh tế" có thêm lực lượng; song cách đặt vấn đề quy định các thành phần kinh tế thuộc nền tảng sẽ không tránh khỏi sự phân biệt đối xử trong chính sách và thái độ của Nhà nước và xã hội đối với các thành phần không thuộc nền tảng của nền kinh tế; cách suy nghĩ này vẫn kỳ thị hoặc đánh giá thấp khu vực kinh tế tư nhân bao gồm hàng chục triệu hộ làm kinh tế gia đình trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cùng với các doanh nghiệp tư nhân thuộc nhiều loại hình kinh doanh. Trong nhiều năm qua, chính khu vực không được coi là thuộc nền tảng của nền kinh tế đã đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm trong nước và tạo nhiều việc làm nhất trong xã hội.

Từ thực tiễn đến lý luận

Tóm lại, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chưa được chứng minh trong thực tế. Kinh tế tập thể thì có vấn đề về chế độ sở hữu cần làm sáng tỏ; thêm vào đó, do nhiều nguyên nhân, hợp tác xã ở nước ta phát triển chậm, sức sống còn hạn chế. Vì thế, khẳng định kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân không những trái với thực tế mà còn cản trở việc tạo lập môi trường kinh doanh trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh phù hợp với kinh tế thị trường.

Nhìn rộng ra thế giới, chưa có nước nào thiết lập chế độ công hữu đối với phần lớn tư liệu sản xuất chủ yếu, lấy kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể làm nền tảng (được coi là theo mô hình xã hội chủ nghĩa) mà nền kinh tế phát triển vững chắc, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, phát huy được toàn diện tiềm năng của con người. Do quan hệ sản xuất theo mô hình này không phù hợp với quy luật, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất nên trình độ phát triển cả về kinh tế và công nghệ của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thua kém nhiều nước phát triển được coi là theo chủ nghĩa tư bản. Đó là một sự thật hiển nhiên.

Có ý kiến cho rằng dù chưa được thực tế thừa nhận nhưng vẫn phải giữ vững quan điểm về chế độ công hữu vì đó là một "nguyên lý" của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Về vấn đề này, trước hết, cần tránh một sự ngộ nhận lớn cho rằng Mác đã hình thành đủ cơ sở lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Mác mới chỉ có một số gợi ý và dự báo; có những dự báo rất có giá trị mở hướng cho hoạt động thực tiễn và cũng có những đề xuất do khát vọng tiến bộ xã hội nhưng thiếu căn cứ thực tế và cơ sở khoa học. Mác không bao giờ tự coi lý luận của mình là đủ, là hoàn chỉnh, không thể và không cần thêm gì nữa; trái lại, bản chất lý luận của Mác đòi hỏi sự phát triển không ngừng theo biến đổi của thực tế cuộc sống và thực tiễn hoạt động của con người.

Bản thân Mác cũng đã từng thay đổi quan điểm về những vấn đề lý luận quan trọng. Chẳng hạn về phương thức vượt qua chủ nghĩa tư bản, Mác lúc đầu cùng với Ăng-ghen chỉ nhìn thấy phương thức bạo lực; đến năm 1880 (ba năm trước khi từ trần), Mác đã nói khi góp ý kiến cho Cương lĩnh của Đảng công nhân Pháp: "Giai cấp sản xuất có thể biến việc bầu cử phổ thông đầu phiếu từ chỗ là công cụ lừa bịp thành công cụ giải phóng của giai cấp sản xuất"[8]. Từ đó, có thể khẳng định rằng tinh thần chân chính của chủ nghĩa Mác không dung hợp với tư duy giáo điều, nhân danh chủ nghĩa Mác để bảo vệ một cách máy móc những luận điểm không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Nền kinh tế nước ta trong quá trình đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu lớn, chính là bắt nguồn từ sự giải thoát một bước tư duy khỏi những giáo điều từng được coi là nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế xã hội chủ nghĩa như xoá bỏ tư hữu, phủ nhận kinh tế thị trường, ưu tiên công nghiệp nặng một cách máy móc...

Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế, phải tiếp tục triển khai sâu rộng hơn công cuộc đổi mới thông qua tổng kết thực tiễn, mở rộng tầm nhìn ra thế giới để học điều hay, tránh điều dở, vượt qua những nhận thức không phù hợp với thực tế đang cản trở việc phát huy mọi tiềm năng phát triển.

Vậy trên hành trình đổi mới, quan điểm nêu trong dự thảo Cương lĩnh 2011 về chế độ công hữu gắn với vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là một bước tiến hay bước lùi ? Việc giải đáp câu hỏi này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Hy vọng bài này nhận được ý kiến phản hồi, tranh luận, gợi mở việc nghiên cứu, thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội sắp tới của Đảng, góp phần giúp Đại hội đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.


[1]Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, NXB CTQG Hà Nội, 4-2010, tr7

[2]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG Hà Nội 2006,tr 68.

Nhận thức mới của Đại hội X về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh của Tiểu ban tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X, đã in thành sách của NXB CTQG Hà Nội -năm 2010, trang 35

[3] Văn kiện đã dẫn ở chú thích 1, trang 9

[4]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, Hà Nội 2001, tr 96

[5]
Văn kiện đã dẫn ở chú thích 1, trang 29

[6] Sách đã dẫn ở chú thích 2, trang 86

[7] Có thể thấy điều này qua tra cứu Wikipedia

[8]Trích trong sách tiếng Pháp "Karl Marx - Textes choisis et annotés par Jean Canapa" Editions sociales, Paris 1966 - p. 486-487 ("Các Mác - các bài do Jean Canapa chọn và bình" NXB xã hội Pa-ri 1966, tr 486-487).
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi chính phủ “đi buôn”

    27/08/2019TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB ĐứcTừ khi nước ta chuyển qua mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, mọi doanh nghiệp phải thực hiện chức năng kinh doanh đích thực, do quy luật kinh tế thị trường đòi hỏi, nghĩa là vì mục đích lợi nhuận; nghiệp vụ kinh doanh mua và bán được trả lại đúng nghĩa đi buôn của nó, với tiêu thức lưạ chọn, mua sao cho thật rẻ, bán sao cho thật đắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở ta phải tuân theo định hướng XHCN, cơ bản vẫn được điều hành theo mô hình kinh tế quản lý tập trung trước đây, nên như Vinashin mua và bán vẫn phải xin quyết định của chính phủ...
  • Công - tư phải rạch ròi

    15/09/2016TS Phạm Duy NghĩaBờ biển rộng bao la, đó là giấc mơ ngày xưa của những người thạo văn chương. Thoát khỏi cổ chai trong truyện cổ tích, cái bóng tư hữu lan trùm lên phố phường, đồng ruộng, rừng núi và bờ biển; dưới bàn tay mầu nhiệm của thị trường, đất nước liền một dải biến hóa thành hàng chục triệu ô thửa của những ông chủ cũ và mới đang dần dần lộ diện...
  • Kinh tế tư nhân vẫn còn mờ nhạt trong cương lĩnh

    13/10/2010Phạm HuyênMột chiến lược về xây dựng, phát triển doanh nghiệp doanh nhân, thể hiện vai trò của khu vực này trong phát triển kinh tế cần được thể hiện rõ ràng hơn trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng...
  • Mệnh đề mâu thuẫn trong văn kiện Đại hội Đảng

    11/10/2010Cao Nhật ghiKhi Đảng chỉ đích danh một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp là "chủ đạo" thì việc "các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh..." sẽ không thể thành hiện thực...
  • Chưa thấy hơi thở cuộc sống trong dự thảo văn kiện

    08/10/2010Lê NhungGóp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an nói, văn kiện đang vắng bóng hơi thở cuộc sống...
  • "Mỗi bước tiến của thực tế quan trọng hơn một tá cương lĩnh"

    03/10/2010Trần Đông thực hiện"Mỗi bước tiến của cuộc vận động thực tế còn quan trọng hơn là một tá cương lĩnh". Điều đó có nghĩa là Đảng ta nên tập trung trí tuệ và sức lực vào các bước tiến trong thực tế. Những bước tiến trong thực tế mới chính là cái mà nhân dân ta cần trong lúc này. Sỡ dĩ cần như thế là vì hiện nay màu xám của lý luận còn đang cách xa màu xanh của thực tế đất nước" - đó là những đóng góp xây dựng của GS. TS. Dương Phú Hiệp...
  • Câu hỏi lớn về vận nước

    02/10/2010GS. Tương LaiChính vì những chuyến xe lịch sử không có khứ hồi, cho nên, tiếp bước cha ông không phải là dẫm theo lối mòn có sẵn, mà là dũng cảm gạt bỏ mọi trở ngại để vươn về phía trước, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó.
  • Tư sản hôm qua, hữu sản hôm nay

    20/08/2010Hân Hương thực hiệnTrong giới sử học, ông thuộc số ít viết sử kinh tế.GS Đặng Phong - tác giả của hàng chục ngàn trang sử kinh tế VN. Ông bảo: “Nền kinh tế miền Nam trước 1975 phồn vinh thật nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn GS Đặng Phong, thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội trong chuyên đề “Sài Gòn-TPHCM năm thứ 33: Nhận định bản sắc, phát triển tiềm năng”...
  • Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam

    30/06/2010Nguyễn Trần BạtNền kinh tế VN hiện nay được vận hành như một cỗ xe ngựa. Cỗ xe ấy phải loại bỏ những yếu tố đã quá lạc hậu để tạo điều kiện cho con ngựa chạy với tốc độ phát triển mà đời sống đòi hỏi. Ngược lại, con ngựa cũng phải lường hết được những "ổ gà" trên đường...
  • xem toàn bộ