Thị trường cổ phiếu OTC: Lời lắm lỗ nhiều...

02:38 CH @ Thứ Ba - 13 Tháng Ba, 2007

Thị trường cổ phiếu OTC (cổ phiếu chưa niêm yết) đang sốt từng ngày chẳng thua gì cổ phiếu niêm yết. Do chưa được kiểm soát chặt chẽ nên thị trường này đang có những diễn biến khó lường...

Ai cũng khoe thắng, vậy ai là người chịu lỗ?

Với tốc độ tăng trưởng phi mã của TTCK hiện thời, những món lời khổng lồ từ cổ phiếu OTC chưa hẳn chỉ là giấc mơ. Ai dám cầm cố nhà cửa, vay mượn hay dốc tiền đầu tư 500 triệu, 1 tỷ vào cổ phiếu OTC của HA-GL, NH An Bình, Eximbank từ đầu tháng 12-2006 thì nay thu lời trên tỷ bạc không phải là chuyện lạ. Hiện thực ấy đang đẩy giấc mơ đổi đời nhờ OTC lan khắp giới đầu tư chứng khoán. Việc dân trúng chứng khoán đổ tiền mua Toyota Camry 2007, căn hộ cao cấp Phú Mỹ Hưng, Lancaster, The Manor... khiến “cháy hàng” thời gian qua càng khiến nhiều người lao vào thị trường này.

Trớ trêu thay, tin đồn lại là một trong những tác động chính khiến cổ phiếu OTC xuống hay lên giá. Chẳng công ty hay cơ quan quản lý nào quan tâm hoặc cải chính những tin đại loại như công ty M nợ nần tứ tung, công ty H sắp bị công an “hỏi thăm”, công ty L trốn thuế hay B vừa lời năm 2006 hơn 30 tỷ, một ngân hàng Mỹ sắp mua Đ... Nhưng những tin này có khi lại quyết định sự tán gia bại sản hay đổi đời hàng ngàn người...

Trong hay ngoài nhiều công ty đang có cổ phiếu OTC nóng đều luôn có hàng chục “cò” chờ chực để mua đi bán lại. Ngay trước trụ sở công ty Mai Linh những ngày qua, dân buôn bán OTC chẳng lạ gì mặt mũi “cò” V, H, N... những người từng chinh chiến qua thị trường đất phân lô, căn hộ... Những phi vụ buôn bán cổ phiếu MLG, HA-GL, Eximbank... lời 3, 4 tỷ trong vài tháng qua đã kéo biết bao người lao vào OTC với hy vọng đổi cả đời con cháu. Tuy nhiên, nói như anh Nguyễn Việt Long, người "ngồi đồng" tại chợ chứng khoán cạnh SSI trên đường Nguyễn Công Trứ hàng ngày thì “ai cũng khoe mình thắng chứ ngày nào tôi chả thấy nhiều người muốn khóc vì thua lỗ”.

Dân đầu tư cổ phiếu OTC thì có khá nhiều bài học mà học phí phải trả bằng tiền tỷ. Do tranh mua trong phiên đấu giá “đông chưa từng có” giá CP của Bảo hiểm dầu khí (PVI) bị đẩy lên trên 160.000 đ/ CP nhưng có khi rớt xuống dưới 140.000đ/CP mà rao mãi chẳng có người mua... Anh Đặng Ngọc L (Công ty Gemadep) thì ngậm quả đắng vì hơn 20 ngàn cổ phiếu PVI của anh từng được trả 185.000đ/CP mà không thèm bán, nhưng rồi phải chấp nhận giá 165.000đ/CP để đáo hạn ngân hàng. Những ngày qua L ngơ ngẩn vào ra vì PVI lại vượt qua 200.000đ/CP.

Không chỉ PVI mà nhiều loại cổ phiếu OTC khác cũng rơi vào cảnh tương tự do những cơn nóng lạnh của thị trường. Giá CP của Eximbank từng lên 15 triệu đ/CP (mệnh giá 1 triệu mỗi cổ phiếu) và không ít người ôm hẳn những lô 5.000-10.000 CP nhưng có lúc phải bán tống bán tháo với giá 11,5 triệu để gỡ vốn để rồi “đứt ruột” vì đầu tháng 3-2007 đã lên hơn 22 triệu/CP!

Bỏ ra vài tỷ là có thể làm giá cổ phiếu được?

Ai cũng thắng, vậy ai sẽ là người chịu lỗ? Ảnh minh họa: LAD

Từng là một gương mặt “điển hình” của giới đầu tư cá nhân trên thị trường cổ phiếu OTC, Đinh Văn H. (Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn) đã tổng kết: “lời vài trăm triệu/ngày không phải là chuyện lớn mà lỗ 1 - 2 tỷ cũng chuyện thường tình, OTC đầy những rủi ro khó lường, muốn sống thọ ở thị trường này thì nên ăn ít no lâu..." Trong tình cảnh ấy thì những cảnh báo từ báo chí trong ngoài nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, Mỹ, Nhật ... có vẻ như chẳng tác động gì đến những người “máu me” với OTC hiện nay.

“Đại gia” Vũ Văn H. người đã chơi chứng khoán từ 25 năm nay (20 năm tại thị trường New York và 5 năm tại TP Hồ Chí Minh) tiết lộ: “chỉ cần bỏ ra vài tỷ là có thể tung tin làm thị trường OTC nhích lên hay hạ xuống chút ít, còn nếu có 2 - 3 chục tỷ thì có thể làm giá cổ phiếu OTC được. Số tiền này với những người chúng tôi chỉ là số lẻ còn với các bà nội trợ, hưu trí, dân văn phòng… là cả gia tài. Nhưng họ không biết rằng đang đem gia tài nhỏ bé của mình góp phần làm giàu thêm cho các đại gia với cách đầu tư chạy theo số đông như hiện nay”.

Chiêu thường dùng nhất là “thông tin mật” như ngân hàng A, công ty B sắp chia cổ tức hay bán thêm cổ phiếu với giá ưu đãi, rồi doanh nghiệp C đang được tập đoàn D của Mỹ chuẩn bị mua cổ phần. Cao hơn nữa thì đưa tin T vừa lỗ 4 tỷ quý này, để gom mua giá rẻ rồi sau đó lại đưa tin cải chính "lỗ chỉ là tin vịt"...

Phó GĐ một công ty chứng khoán lớn cho biết: “hiện thị trường OTC cũng đang bị làm giá và lũng đoạn còn hơn thị trường niêm yết”. Còn chuyên gia chứng khoán Huy Nam thì cảnh báo: “ai nhảy vào giai đoạn cuối của đợt tăng giá và tham lời sẽ lỗ thê thảm khi giá xuống”. Nhiều người biết điều đó nhưng “có gan làm giàu” nên họ vẫn chấp nhận.

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chứng khoán: Giấc mơ và ác mộng

    09/03/2007Nguyễn Thanh LâmTrên thị trường chứng khoán, cảnh “mèo mù vớ cá rán" thường hay xảy ra. Không nhất thiết phải đọc bài này mới khoái hay sợ chứng khoán. Có thể giấc mơ của người này, khi biến thành hiện thực, là ác mộng của người khác.
  • Chứng khoán và sự nhảy múa của những con số

    08/03/2007Phi Phi - Thảo NguyênTính từ ngày 31/12/2005 đến ngày 28/02/2007, tức là sau đúng 14 tháng, chỉ số VN-Index tăng 3,7 lần, tăng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào trên thế giới trong cùng thời kỳ. Sự gia tăng đã vượt qua dự đoán của bất kỳ nhà phân tích nào, trong nước hay ngoài nước. Và cũng vượt qua tất cả các cơ sở có thể mang ra để lý giải...
  • Người "mù" chơi chứng khoán

    06/03/2007Phóng sự của Thiếu GiaKhi mà ranh giới giữa đầu tư - đầu cơ còn hết sức mơ hồ, với không ít người, việc bỏ tiền chơi chứng khoán cũng giống như một người... mù, lộc cộc chống gậy dò đường, ai dắt đi đâu thì đi đó. Thắng thì mong có tiền chợ. Thua thì tặc lưỡi coi như mua kinh nghiệm. Kỳ lạ là hầu hết đều... chưa thua...
  • Sức nóng cổ phiếu OTC

    03/03/2007Nguyên HằngQuy mô lớn, lợi nhuận cao, hàng hóa phong phú là những yếu tố khiến sàn giao dịch không chính thức luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu như sức nóng của các cổ phiếu đã niêm yết trong thời gian qua là một thì trên thị trường OTC phải gấp đôi. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường quản lý để thu hẹp thị trường OTC nhưng không vì thế mà sức nóng của thị trường này giảm xuống, thậm chí còn có xu hướng ngược lại...
  • Nguy cơ phát triển “bong bóng” của chứng khoán Việt Nam

    19/02/2007TS. Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản)Thị trường chứng khoán đang ở trạng thái hưng phấn quá mức, được quản lý còn khá lỏng lẻo, và cực kỳ rủi ro cho những nhà đầu tư amateur mù mờ...
  • “Chơi” chứng khoán: “ăn xổi” có dễ kiếm lời?

    07/02/2007Hoàng MinhChưa cần biết việc đầu tư cổ phiếu - chơi chứng khoán cuốn hút đến cỡ nào, nhưng đến các phiên giao dịch hàng sáng thì mới thấy rõ phần nào một hình thức "kinh doanh", "làm giàu, kiếm sống", thậm chí cả "đánh bạc" mới nổi lên. Chơi chứng khoán bám sàn, bám "mạng" trong các phiên giao dịch đã đành, chơi chứng khoán “ngoài sàn" cũng phải bám... chẳng kém. Thậm chí, với nhiều dân chơi đang có công ăn việc làm hẳn hoi nhưng đã từ bỏ nghề ăn lương hàng tháng để theo các "con" cổ phiếu mỗi ngày.
  • Nhìn lại thị trường chứng khoán: Đâu là thực, đâu là hư?

    06/02/2007Lê HàĐang được đánh giá là những “phiên chợ chiều” kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, vậy mà năm 2006, TTCK bất ngờ tăng tốc với sự kiện hàng loạt các “đại gia” lên sàn, đẩy giao dịch bước vào thời kỳ nóng, với giá trị cổ phiếu giao dịch đạt ngưỡng theo dự kiến đến năm 2010 mới có được. Sự phát triển nóng này có đúng thực chất hay chỉ là những giao dịch “ảo” làm lợi cho một nhóm người nào đó, đang là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm?
  • Đầu tư chứng khoán: cần biết luật chơi

    12/07/2006Nguyễn Văn ĐôngTrong những tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biếnđộng, lúc nóng, lúc lạnh gây sựchú ý đặc biệt của các nhà đầu tư. Để làm sáng tỏ vấnđề này, Tạpchí Nhà Quản lýđã có cuộc trao đổi với TS.Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán tp. Hồ Chí Minh.
  • Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự là một kênh huy động vốn

    27/11/2005Ngô Việt - Hải YếnKhi hình thành thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều người hy vọng rằng đây sẽ là một "chỗ trũng” để huy động vốn đầu tư. Nhưng sau ba năm hoạt động, TTCK có lẽ mới dừng ở mức độ tập dượt trên một cái ao nhỏ. Vậy cần làm gì để TTCK phát huy được những mặt tích cực của nó trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân...
  • Về chứng khoán và đầu tư chứng khoán

    24/11/2005Nguyễn MinhThị trường chứng khoán là gì? Tại sao người ta đầu tư vào chứng khoán? Ta có thể tối đa hoá lợi nhuận từ chứng khoáng hay không?
  • xem toàn bộ