Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống như tôi từng thấy

02:25 CH @ Thứ Tư - 14 Tháng Mười Một, 2018

Chuyện 1:

Tôi vốn không cầu kì gì, nhưng đã bao lâu đi cắt tóc mà mỗi nơi lại sửa một kiểu, không đúng ý mình, thành ra mất tiền mà bực bội trong người lắm… Mái tóc đúng là quan trọng hơn bộ quần áo vậy.

Tình cờ nghe mách bảo của bạn, một chiều ngày cuối tháng, tôi đi xe đến tận cuối Hà Đông Tỉnh, tìm đến một tiệm cắt tóc, được tổ chức kiểu ‘hợp tác xã’ – do chủ nhà tự mở rồi tuyển mộ các tay kéo trẻ đến hành nghề. Cũng đông vui lắm !

Ngồi vào ghế cắt tóc, một thanh niên chạc 28 tuổi sửa sang cho tôi… Cậu ta chăm chú lắng nghe tôi yêu cầu cẩn thận rồi nắn nót vừa làm vừa nói về cái nghề đã theo đuổi được 5 năm của mình… Tôi cảm thấy cậu ta hiểu cái nghề của mình lắm. Chuyện trò trở nên thân thiện giữa hai người. Rồi cậu ta tâm sự: "Ngày mai em bỏ việc anh ạ." "Vì sao hả em?" Tôi hỏi. Tặc lưỡi, lắc đầu cậu ta bộc bạch: "Như em cũng tự biết học hành như mình thì chả chọn cái nghề gì ra tiền hơn được hơn đâu, nhưng em chán những tờ tiền lẻ nhàu nát móc từ trong túi ra với bộ mặt khinh khỉnh của những người khách lắm rồi anh ạ!"

Tôi chợt ngẫm ngợi về điều cậu ta nói. Ôi hóa ra khách hàng đúng là ‘không khí’ của người làm nghề vậy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Xong xuôi, tôi ngắm mình trong gương, thấy mình hay hơn bao nhiêu những lần cắt trước đó. Tôi lấy tiền trong ví trả người thu ngân, rồi lấy thêm một tờ một trăm ngàn tinh tươm lặng lẽ bỏ vào chiếc phong bì nhỏ đứng trước cậu ta vui vẻ nhưng trân trọng: "Anh thấy mĩ mãn lắm, cắt tóc đúng là công việc của Nghệ sĩ, làm đẹp cho người, xin được có chút tặng em tỏ lòng cảm ơn nhé." Cậu ta như hơi ngỡ ngàng đón nhận.

Rồi mấy tháng sau tôi mới có dịp lại quay trở lại nơi sửa tóc đó. Vẫn gặp lại cậu ấy. ngồi xuống ghế, tôi hỏi: "Em đã quyết định lại không bỏ nghề nhỉ?" Cậu ta nói: "Dạ, đúng cái buổi chiều đó khi cắt xong cho anh, em về nhà suy nghĩ và quyết định không bỏ nữa, không phải vì một trăm nghìn anh tặng đâu mà lần đầu tiên em đã được người như anh ghi nhận ý nghĩa lao động của mình, em thấy yêu nghề hơn nhiều. Rồi em sẽ tích lũy để mở được tiệm cắt tóc đúng nghĩa làm đẹp cho người như anh nói anh ạ!"

Ôi, những điều nhỏ thôi, giữa con người, trong cuộc sống, có thể thay đổi cả một sự lựa chọn về chính cuộc sống của con người vậy!

Chuyện 2:

Nó con út của một ông cựu chiến binh quen thân với cha tôi, sinh trưởng lớn lên ở ngoại ô thành phố. Tôi luôn được biết đến nó như một thiếu niên, thanh niên sống chan hòa và lễ độ với mọi người lắm. Học cũng không đến nỗi, thi đỗ Đại học Thương mại. Nhưng ra trường, với mong ước lúc đầu cũng đơn giản thôi: bám giữ ở lại được cái nơi mình đã sinh ra, gần mẹ gần cha đã già yếu… nên đã trầy trật xin được một chân trong đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của quận.

Công việc hàng ngày sáng chiều ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ đặt trên thùng xe tải nhỏ Hyundai trong sắc phục ngành, vác loa len lỏi các đường phố, các ngõ chợ mọc tự phát đầy rẫy hò hét những quán hàng ăn, những người bán hoa quả rong… lâu dần tụ tập thường trực thành cái chợ quê nho nhỏ ở một góc vỉa nào đó gần nơi dân cư thuận tiện nhất cho người mua và bán…Việc cần nó ra tay chẳng bao giờ thiếu… lâu dần ở địa bàn nó hoạt động, những người bán hàng đủ loại bằng cách nào đó có một người "đại diện" định kì đưa nó cái phong bì… nó đi qua, để mọi việc lại đâu vào đấy… và cứ thế hết ngày này sang năm kia. Nó thấy sống tốt, thấy oai, thấy ổn, thấy đời sao có lý thế…

Một buổi sáng, tôi ngồi ăn quà ở một vỉa hè gần cái ‘chợ quê’ như thế… Xe nó đi qua, không nhận ra tôi. Nó nhảy xuống khỏi thùng xe, tay vác loa đưa sát mồm: Này bà con ! Khẩn trương dọn dẹp hàng quán sạch sẽ, giải tán tất cả các lồng gà, bu vịt, mẹt thịt mất vệ sinh ngay, nếu không sẽ bị tịch thu hết! Có vẻ như thấy khác thường, một bà bán thịt xồn xồn sấn lại hỏi: "Ô hay cái chú này, thế là thế nào?" "Là dẹp sach chứ còn thế nào?! Bà định muốn thế nào?!" Nó trợn mắt quát vào mặt bà ta thế. Bà kia quay vào sâu trong chợ… rất nhanh sau đó đi ra cùng một bà nữa có vẻ bản lĩnh hơn, dúi vào tay nó cái phong bì gập đôi. "Đây, thì chú cầm lấy để chúng tôi có tí yên ổn làm ăn." "Dẹp!" Nó trợn lên quát: "Cất, cất ngay phong bì đi! Các bà tưởng lúc nào cũng phong bì là xong à!? Cái đồ con buôn! Hôm nay ra quân nghe chưa, có truyền hình về quay tại quận, nghe chưa? Dẹp! Dẹp khẩn trương đi nghe chưa! Con mẹ kia chuyển bu gà lên thùng xe ngay!" "Ô, thế chú nhất quyết tịch thu của chị đấy à? Thế là chị mất toi bu gà này à? Này, thế như thế nào nữa cứ từ tốn nói với chị có được không?" – bà ta hốt hoảng nhưng quay ra giả lả. "Mụ muốn gì? Chúng nó hôm nay thu bu gà của mụ là còn là phúc đấy, chứ dẹp sạch chợ này thì phân gà không còn đâu mà cho các mụ ngửi. Nhưng tôi bảo cho mà biết: tự giác vứt lên thùng xe đi, lên quận quay phim xong, may ra được trả lại, nếu phóng viên chúng nó có phỏng vấn thì lựa lời mà ăn nói, phải thông chủ trương của quận nghe chưa, rồi trưa sẽ được về. Các bà khác góp thêm ít tiền đưa cho bà này mang theo, ngu vừa thôi để còn về mà làm ăn, nghe chưa!" Các bà hiểu ra, nhanh chóng làm theo điều nó bảo, hai bà lật đật, ôm bu gà với vẻ mặt nghi ngại leo lên xe.

Tôi đứng lên chào nó, và nói: "Sao dạo này em ra nông nỗi thế, sao lại có cách làm việc khiếp thế nhỉ!" Nó quay ra chào tôi cho phải phép: "Anh nhìn trên trời xem có sao không mà hỏi thế. Đời nó thế nên phải thế thôi, tử tế liệu có yên thân mà sống không mà cứ sao với cả giăng hả ông anh?! Đi!" Nó hét lên và nhảy lên thùng xe đã chất vài cái bu gà với cái nhà bà kia ngồi sẵn.

Khá lâu sau. Con nó bị bệnh nặng lắm, nếu không mổ thì phần nhiều cầm chắc cái chết. Nó đưa con đi khắp các bệnh viện thành phố, chả bác sĩ nào dám ra tay ngoài những lời khuyên chung chung. Gia đình nó đau buồn lắm. Biết chuyện tôi dẫn nó đến người bạn học xưa là bác sĩ , Trưởng khoa, được đánh giá là giỏi. Bạn tôi sau một thời gian ngắn nghiên cứu cẩn thận bệnh án đi đến quyết định mổ cho con nó, nhưng anh ấy đã kí sẵn vào một tờ đơn từ chức nếu ca phẫu thuật không thành công. May mắn cho tất cả, kết cục thật tốt đẹp. Bây giờ con nó đã khỏe mạnh, là sinh viên năm thứ nhất đại học rồi.

Hiện nay nó đã xin thôi việc ở đội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, sửa sang lại mặt tiền ngôi nhà, mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Thu nhập cũng tùng tiệm không thể bằng trước. Gần đây nó đến chơi nhà thăm tôi. Tôi hỏi sao lại bỏ chỗ làm cũ ? Nó nói: "Khi nhìn lên trời, dù tưởng là không thể nhìn thấy sao, nhưng em đã thấy, nên em biết là phải sống như thế nào cho tử tế hơn anh ạ. Con em đã được cứu sống, nếu nó vẫn có người bố như em ngày xưa thì không xứng đáng anh ạ. Gia đình em rất hạnh phúc như ngày hôm nay. Em cảm ơn anh Bác sĩ và anh nhiều lắm."

Chuyện 3 :

Có một người đàn ông yêu thích mỹ thuật, như sống vì niềm say mê của mình. Sưu tập tranh là niềm đam mê lớn lao nhất của cả đời của ông. Ông đã có rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng. Người đàn ông này đã góa vợ, chỉ có một người con trai. Một thời gian sau, đất nước có chiến tranh. Người con trai, cũng như mọi thanh niên khác, lên đường tòng quân.

Cho đến một hôm… Người cha nhận được một lá thư thông báo rằng con trai đã hi sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Người cha đau khổ đến tột cùng! Ông gần như chết đi một nửa người.

Ít lâu sau, đến ngày Noel, ông đang ở trong nhà, rất đau buồn thì có tiếng chuông gọi cửa. Đứng trước cửa nhà là một chàng trai tay cầm một khung gỗ lớn. Chàng trai nói: "Thưa bác, cháu là người mà con bác đã cứu trước khi hy sinh. Cháu không biết cái gì có thể đền đáp cho điều mà con bác đã làm cho cháu. Cháu được anh ấy kể lại rằng bác thích sưu tầm tranh, bởi vậy dù cháu không vẽ giỏi, nhưng bằng tất cả tình cảm vẽ một bức chân dung anh ấy để tặng bác. Cháu mong bác nhận cho cháu." Người cha nâng lấy bức tranh, mở ra. Ông lặng lẽ tháo bức tranh giá trị nhất vẫn treo trên lò sưởi xuống, thay vào đó là bức chân dung người con. Ông xúc động nói với chàng trai: "Đây là bức tranh giá trị nhất mà ta có được, hơn tất cả các bức tranh mà ta có trong căn nhà này."

Sau vài năm, người cha bị bệnh nặng và qua đời. Theo di chúc ông muốn bán đấu giá gia tài tranh của mình vào Lễ Noel ngay sau đó. Rất nhiều người muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá. Cuối cùng thì buổi bán đấu giá cũng được công bố. Các nhà sưu tầm và những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác phẩm nổi tiếng. Toà nhà bán đấu giá đầy người. Người điều khiển đứng lên và nói: "Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ. Bức tranh đầu tiên sẽ là bức chân dung này..."

Vài người la lên: "Đó chỉ là chân dung đứa con trai ông cụ thôi! Xin hãy bỏ qua nó, và bắt đầu bằng những bức có giá trị thật sự đi"

Người điều khiển nói: "Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bức này trước!" - "Ai sẽ mua với giá $100?" - Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp: "Ai sẽ mua với giá $50?" - Cũng không có ai trả lời - "Có ai mua với giá $40?" - Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển nhìn quanh. Một người đàn ông già tần ngần đứng lên: "Anh có thể bán với giá $10 được không? Đó là tất cả những gì tôi có. Tôi là hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó. Tôi đã thấy thằng bé lớn lên và tôi thật sự yêu quý nó. Tôi rất muốn có bức tranh vẽ về cháu. Người điều khiển nói "$10 lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!"

Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên, mọi người thở phào: "Chúng ta có thể bắt đầu thật sự được rồi!" Người điều khiển nói: "Thật là vinh hạnh khi có mặt những vị khách quý ở đây. Bữa nay chúng ta sẽ dừng tại đây! Xin cảm ơn các quí vị"

Đám đông nổi giận: "Anh nói là hết đấu giá? Con nhiều tác phẩm nổi tiếng trong bộ sưu tập của ông cụ kia mà?" Người điều khiển nói: "Tôi xin lỗi nhưng buổi bán đấu giá đã chấm dứt. Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây, NGƯỜI NÀO LẤY BỨC CHÂN DUNG CON TÔI SẼ ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC BỨC TRANH CÒN LẠI! Và đó là lời cuối cùng!”

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Suy nghĩ về giàu nghèo và hãy thay đổi mình

    14/01/2016Nguyễn Tất ThịnhUh... Biển lớn WTO đây rồi !!! Ah... Nguy cơ và thách thức !!! Oh...Khủng hoảng kinh tế toàn cầu !!! Ih... Đổ vỡ hệ thống Tài chính Toàn câu !!! Eh... Phá sản và thất nghiệp tràn lan!!! Hm... Khẩn cấp cứu trợ cả gói!!! Rm... Các Chính phủ hãy đoàn kết lại!!!
  • Hãy thay đổi tính xấu

    06/03/2021Nguyễn Tất ThịnhXin có vài nhận xét về cách sống và xử sự của không ít người tôi đã từng gặp, từng biết. Không phải tất cả các nhận xét này tập trung trong một người, nhưng có thể thấy từng điều như thế khá hay gặp. Nếu trong một Tổ chức hay Cộng đồng nào đó những điều tôi nêu ra chiếm số đông, là phổ biến thì rõ ràng là lụn bại, suy đồi...
  • Thói đời mà không chấp nhận

    26/11/2019Trường GiangThói đời là thói quen không tốt mà người đời thường mắc phải, nhất là ở những nơi, những lúc đang có sự tranh chấp quyền lợi, đang có sự chuẩn bị cho những biến đổi lớn. Nó có tính phổ biến đến mức ai cũng cảm thấy quen thuộc, hình như nó có ở người này, người kia, có cả ở người quen thân, gần gũi mình và có lẽ cả trong bản thân mình...
  • Con đường hoạn lộ của Mơn

    01/11/2018Nguyễn Tất ThịnhThằng Mơn khi còn bé ngoan và hiền – theo cách nghĩ của người cùng làng: ai trong bảo sao nó biết vậy. Lớn hơn chút, đi chăn trâu với tụi nhỏ cùng trang lứa, chẳng ý thức đó là bạn hay bè, trâu tự động ăn, trẻ tự hùa với nhau mà ham chơi đến chiều muộn dắt trâu về chuồng. Rồi đi học ở trường làng...
  • Thái độ sống

    18/10/2018Nguyễn Tất ThịnhTôi gửi đến bạn đọc Ba Câu chuyện dưới đây tôi viết ra từ đáy lòng, bởi những gì tôi đã được chứng kiến, đã trải nghiệm. Những câu chuyện, tự nó đã là điều tôi hằng muốn chia sẻ với các Bạn…
  • Hậu quả của giàu xổi

    18/08/2018Nguyễn Tất ThịnhMọi người sống cuộc đời lam lũ vốn đã quá vất vả, tần tảo sớm hôm, nên lòng bảo dạ ăn ở với nhau nên quây quần, lấy sự lương thiện, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, bán anh em xa mua láng giềng gần... làm điều căn bản...
  • Ba câu chuyện về căn bệnh của tổ chức

    10/07/2018Nguyễn Tất ThịnhNhiều người trong cơ quan kia, mỗi khi bầu bán, biết mình chẳng thể giành nổi được vai vế gì nên quan niệm dĩ hòa vi quí rằng: tớ đếch cần, ai làm thủ trưởng chẳng được. Và họ dễ dàng ghi vào phiếu bầu cái tên người mà cấp trên gợi ý. Nhưng rút cuộc không phải như họ quan niệm...
  • Những câu chuyện cảm động

    03/04/2018Nguyễn Tất ThịnhThưa các Bạn, xưa nay Xấu nhiều, Tốt hiếm… nhưng Tốt luôn được ca tụng mà hướng tới, nhân bản. Xấu bị bài xích, lắm tai họa mà đi đến tự tuyệt… Xung quanh chúng ta là gì, nhiều điều Tốt không dễ nhìn thấy, cũng bởi hoàn cảnh xấu mà khó cảm để thông được…Nhưng nếu bước chân chúng ta đi tới, mở lòng mình ra, Thiện Tâm hơn…hóa ra điều Tốt vốn ngự trị trong mình mà rồi vì thế sẽ gặp được…
  • Qua câu chuyện 5 con vật

    19/12/2017Nguyễn Tất ThịnhTrong Năm câu chuyện mini dưới đây, tôi muốn chia sẻ với các Bạn về Nhân Tình Thế Thái. Cho dù Nhân vật chính là một Con gì đó, thì đều liên quan, đều khiến tôi suy nghĩ về Con Người. Và có thể một Ai trong số Con Người cũng chính là cái Con mà tôi dựng làm Nhân vật trong từng chuyện vậy.
  • Những suy nghĩ của tôi về tiền và sự giàu có

    21/10/2016Nguyễn Tất ThịnhGiàu có trong sự nghèo khó của người khác, trong sự lụi bại của xã hội thì cái sự giàu có đó rất không yên ổn...
  • Những điều giản dị

    28/08/2016Nguyễn Tất ThịnhBa câu truyện này của tôi gửi đến Bạn đọc như tiếp tục cho lời nhắn nhủ cho những điều tốt đẹp…Những ý tưởng cho mỗi câu chuyện rất nhiều xung quanh ta…nghĩa là cuộc sống chứa trong nó những điều hay ho khiến chúng ta suy nghĩ…Nhặt nhạnh trên tay những điều như thế để viết thành chuyện, nhiều khi cũng chỉ để cho chính mình...
  • Câu chuyện về cư xử trong gia đình

    12/07/2014Nguyễn Tất ThịnhXin gửi các bạn 3 mẩu chuyện tôi đã gặp trong cuộc sống. Sau từng câu chuyện này, tôi cũng muốn bạn đọc liên tưởng đến những gì có thể, tự đặt ra những câu hỏi với xã hội, con người, cuộc sống xung quanh mình. Bởi quan niệm, hành vi, phong cách, tư duy của mỗi người đều là sản phẩm tất yếu của xã hội chúng ta đang sống trong đó, và con người nào thì xã hội ấy. Những trăn trở, những câu hỏi, muôn thuở là sự khởi đầu của những thay đổi cho dù rất nhỏ...
  • ‘Bức thư ngỏ' gửi đến Bạn Đọc

    01/04/2009Nguyễn Tất ThịnhThưa các Bạn! Vào lúc đã muộn trong mỗi ngày, khi đêm xuống đã sâu, sau những điều buộc phải hối hả hay thấy cần nên thong dong… phải làm… bản thân chúng chưa bao giờ là tuyệt diệu cả… tôi mở máy tính của mình đọc lại những điều mình đã viết, rồi mới nhâm nhi đọc dần đôi lời bàn luận, góp ý của các Bạn…
  • Triết lý sống

    08/02/2009Nguyễn Tất ThịnhTriết lý: là những điều được rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ sở nhìn nhận điều gì là (nguồn cội tâm thế/ giá trị tinh thần/ sức mạnh ứng xử) được phát biểu ngắn gọn, xúc tích...
  • Một số qui luật trong hành vi ứng xử

    21/01/2009Nguyễn Tất ThịnhNhững nghiên cứu, phân tích của khoa tâm lí học đã đóng góp những thành tựu to lớn vào kho tàng hiểu biết của chúng ta về hành vi ứng xử của con người. ở đây tôi kế thừa và cố gắng kiến giải ngắn gọn để đưa ra một vài qui luật ứng xử điển hình.
  • Suy ngẫm mỗi ngày

    05/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTrong bài ngắn này tôi đưa ra suy nghĩ, quan sát từ thực tiễn tư vấn của mình trong 5 năm gần đây. Ngõ hầu sửa chữa tư duy của rất nhiều nhà quản lí chưa có thói quen hay nhận thức đầy đủ, và tính được mức độ tác động của yếu tố vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời trợ giúp các nhà quản lí tổ chức vĩ mô hay vĩ mô tham khảo định hình bài toán hoạch định tương lai của tổ chức mình...
  • Thay đổi cách nhìn và thái độ sống

    06/07/2005FISH! - Thay đổi cách nhìn và thái độ sống là một câu chuyện bắt đầu từ Mary Jane - người được giao phụ trách một nơi làm việc có thái độ trì trệ nhiều năm liền, nơi có những con người, và môi trường làm việc tệ hại không thể thay đổi được, một môi trường được mệnh danh là “bãi rác sinh lực độc hại”. Cảm giác bất lực, chán nản đã hoàn toàn xấm chiếm Mary Jane trong những ngày đầu. Thật bất ngờ, trong một lần ghé thăm khu chợ cá Pike Place đầy thú vị, những ý tưởng bổ ích từ khu chợ cá đặc biệt này đã giúp cô làm được những điều tuyệt vời…
  • xem toàn bộ