Thảm họa Sewol, đắm tàu Titanic và đạo đức thuyền trưởng

07:26 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Tư, 2014

Hành động hào hiệp của họ về sự hy sinh đã giúp thiết lập các tiêu chuẩn cho hành vi cao quý trên biển...

Thuyền trưởng tàu Titanic, Edward J. Smith đã trở thành huyền thoại, ông sống mãi trong lòng mọi người và được tái hiện qua tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Titanic.

CNN ngày 22/4 đưa tin, năm 1852 khi chiếc tàu HMS Birkenhead chở quân của Anh bắt đầu chìm ngoài khơi bờ biển Nam Phi, thuyền trưởng và các sĩ quan quân đội tập trung đưa phụ nữ và trẻ em xuống các xuồng cứu sinh đầu tiên.

Thuyền trưởng và nhiều thủy thủ ở lại trên con tàu cho đến khi nó chìm xuống đáy đại dương và những phụ nữ, trẻ em kia đã được cứu sống. Hành động hào hiệp của họ về sự hy sinh đã giúp thiết lập các tiêu chuẩn cho hành vi cao quý trên biển.

Một ví dụ khác nữa về lòng dũng cảm của một thuyền trưởng và các thủy thủ khi gặp nạn là trường hợp của thuyền trưởng Edward J. Smith đã chìm xuống đáy đại dương cùng con tàu huyền thoại Titanic. Nhưng sự dũng cảm đó đã vắng mặt trong 2 thảm họa hàng hải lớn trong thời gian gần đây.

Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol Hàn Quốc bị chìm tuần trước đã bị lên án gay gắt khi ông ta bỏ rơi con phà trong lúc hàng trăm hành khách vẫn còn đang trên tàu. 101 người đã chết và hơn 200 người còn mất tích.

Hành động của Lee Joon-seok giống với Francesco Schettino, thuyền trưởng chỉ huy tàu du lịch Costa Concordia bị đắm ngoài khơi bờ biển Ý năm 2012, làm 32 người thiệt mạng.


Lee Joon-seok giờ đây trở thành kẻ tội đồ trong con mắt của dân tộc Hàn Quốc.

Các nhân chứng cho biết Schettino đã nhảy xuống xuồng cứu sinh để chạy trốn khỏi con tàu, vứt lại hàng trăm hành khách vẫn còn mắc kẹt. Hiện tại Schettino đang phải đối mặt với tội danh ngộ sát, gây ra thảm họa hàng hải và bỏ tàu khi vẫn còn hành khách trên tàu.

2 vụ thảm họa đắm phà Sewol và Costa Concordia đã đặt dấu hỏi về nghĩa vụ của một thuyền trưởng với hành khách khi tàu gặp tai nạn. Các chuyên gia cho rằng Lee Joon-seok đã không giữ trách nhiệm của người thuyền trưởng trong vụ đắm phà Sewol.

"Nghĩa vụ đầu tiên của một thuyền trưởng là đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn và hành khách của mình. Ông ta nên ở lại trên tàu cho đến khi biết tất cả mọi người được sơ tán an toàn. Thuyền trưởng rời khỏi tàu trước tiên ngay khi nó bị đắm không phải là điều nên được thực hiện", James Staples, một thuyền trưởng, nhà tư vấn hàng hải nói với CNN.

Đã có những quy ước hàng hải quốc tế về việc thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm đối với an toàn của tất cả những người trên tàu, nhưng lại không quy định họ phải ở lại trên con tàu trong suốt cuộc khủng hoảng.


Người nhà những hành khách đi trên chuyến phà định mệnh Sewol vẫn ngày ngày ra biển ngóng trông, chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng, đau đớn tột cùng.

Cade Courtley, một cựu thuyền trưởng hải quân nhận xét: Không ai muốn một thuyền trưởng phải chết với một con tàu đắm, tuy nhiên thuyền trưởng có trách nhiệm lo cho sự an toàn của tất cả mọi người trên con tàu đó. Hành động của thuyền trưởng tàu Sewol Hàn Quốc về cơ bản là không thể tha thứ.

Ý, Hàn Quốc và một số quốc gia coi việc thuyền trưởng bỏ tàu khi tai nạn là một tội phạm hình sự. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã gọi hành động này là "giết người", không thể tha thứ.

Mặc dù luật pháp Mỹ không xem từ bỏ con tàu khi gặp nạn là một hành vi phạm tội, nhưng thuyền trưởng rời tàu cuối cùng khi nó bị chìm đã trở thành một truyền thống lâu đời.
Lee Joon-seok đã từng xuất hiện trong một video quảng cáo năm 2010, ngồi trong buồng lái của một con phà với chiếc ống nhòm trên tay nhìn ra biển và ca ngợi sự an toàn của con phà này: "Tôi tin rằng nó an toàn hơn bất kỳ chiếc phà nào khác, miễn là mọi người làm theo hướng dẫn của các thành viên thủy thủ đoàn chúng tôi."

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 20 sự kiện trùng hợp kỳ lạ nhất lịch sử cận đại

    16/03/2014Hải MinhNăm 1898, Morgan Robertson viết cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Futility” với nội dung xoay quanh số phận con tàu Titan bất khả chiến bại: ngay trong hành trình đầu tiên, Titan đụng độ tảng băng khổng lồ và mang theo hàng nghìn hành khách chìm xuống đại dương sâu thẳm. Diễn biến xảy ra y hệt với tàu Titanic 14 năm sau...
  • Tảng băng trách nhiệm

    29/12/2010Nguyên CẩnKhi con tàu Titanic lộng lẫy và sang trọng đâm vào một tảng băng trôi khiến hơn 1.500 hành khách tử nạn, nhân loại ngày ấy (năm 1912) đã gọi sự kiện đó là thảm họa lớn nhất trong thời bình. Đó không chỉ là một vụ chìm tàu đơn thuần mà còn là một cú "sốc" lớn cho những nhà thiết kế đầy tham vọng...
  • Một con tàu và những con người

    22/08/2006Nguyễn HoàChính vào lúc lằn ranh giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh thì tinh thần trách nhiệm với đồng loại thật sự trở thành thước đo phẩm giá của mỗi con người. Vì trách nhiệm, người ta có dám hy sinh vì đồng loại hay không (?) thật sự là câu hỏi mà chỉ có những ai ý thức được vị trí, vai trò của mình mới có khả năng tìm ra một lựa chọn đúng.